Bài thơ một nửa và… một nửa bài thơ
VNTN - Nhà thơ Chế Lan Viên từng có những câu thơ rất hay về quan niệm sáng tạo: “Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi/ Còn một nửa cho mùa thu làm lấy”. Tức là bài thơ chẳng bao giờ có thể nói hết, chẳng bao giờ nên nói hết. Mà như thế cũng tức là, trước khi nó “để lại” một điều gì, thì nó đã “làm xong” một điều gì rồi. Muốn “bỏ lửng” thì trước đó nó đã phải khơi mở để đặt ra được vấn đề, muốn “không nói hết” thì trước đó đã phải nói được một cái gì… Chúng tôi muốn gọi đó là những Bài thơ một nửa - kiểu tác phẩm đã trở thành bài thơ đích thực nhưng ẩn chứa tính gợi mở.
Nhưng nếu vấn đề diễn ra theo chiều ngược lại thì mọi thứ sẽ rẽ sang câu chuyện hoàn toàn khác. Khi người viết chưa đặt ra được vấn đề mình muốn đề cập, chưa nói được điều cần nói, thì chưa thành bài thơ. Đây là chuyện lời chưa thành ý, chữ chưa thành nghĩa, chứ không phải chuyện người viết chủ ý không nói hết. Nó mới là những gì ban đầu để có thể thành thơ, chứ chưa phải thơ. Chúng tôi muốn gọi đó là một nửa bài thơ - một kiểu bản thảo chưa thành tác phẩm.
Để tiện bàn luận về câu chuyện thú vị và đầy thách thức này trong sáng tạo, chúng tôi xin mượn một ví dụ gần đây, đó là những bản thảo mà tác giả Hà Ngọc Hoàng (ở địa chỉ Thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) gửi đến Văn nghệ Thái Nguyên.
Chúng tôi nhận thấy, những hình ảnh và từ ngữ cũng như đề tài mà tác giả Hà Ngọc Hoàng đã lựa chọn khi viết hoàn toàn có thể trở thành chất liệu nghệ thuật cho thơ ca. Thế nhưng, làm thế nào để tổ chức những chất liệu ấy thành tác phẩm thực sự, qua đó đặt được ra vấn đề mình suy tư trăn trở, thì lại là một chuyện không hề đơn giản.
Trong bài Mẹ Tôi, tác giả kể lại những vất vả nhọc nhằn của mẹ cũng như những kỉ niệm thương nhớ. Nhưng tiếc là sau mạch kể đó, cái kết lại khá chênh vênh, khó hiểu: Đã đi gần nửa cuộc đời/ Tôi ngồi tôi hiểu mẹ tôi nói gì. Tác giả tự khẳng định như vậy, nhưng thực ra người đọc dường như chưa thấy bài thơ “nói gì”…?
Trong bài Tổ ấm, tác giả kể khá nhiều về các thành viên gia đình: mẹ bán hàng trước cửa, bố xuống đầm bắt cua, chị đi sớm cho kịp giờ.v.v.. Kết thúc là nhân vật người em: Là sinh viên ưu tú/ Em tích cóp làm thêm/ Bài vở cày chạm đêm/ Ngủ khi trời kịp sáng. Người đọc chưa tìm thấy ý tứ thì câu chữ đã dừng lại ở đây, một cách hẫng hụt.
Tương tự như thế, trong bài Trà Cổ nơi đầu sóng, tác giả cũng dẫn đắt người đọc đến khá nhiều chi tiết, lời kể, nhưng rồi kết thúc một cách chơi vơi: Cầm tay nghe biển hát/ Ngồi trên đá Cồn Mang/ Nhìn mấy con dã tràng/ Đang say mê nặn cát/ Sa Vĩ nơi gió hát/ Ngồi ngắm biển thật lâu/ Mặt trời đã lặn sâu/ Đưa em về cửa khẩu. Đưa cô gái ra biển chơi rồi cứ để cô khác tự ngắm dã tràng rồi tự về, thì thật là tiếc quá, có gì vô tình nữa (?!).
Qua những luận bàn này, chúng tôi chỉ muốn nói rằng, sáng tạo khó là vậy. Thơ đòi hỏi ta phải bắt đầu bằng sự hối thúc, phải thực sự trút hết lòng mình vào nó thì may ra mới nói được điều muốn tỏ bày. Chưa đau đáu cho lời cho chữ, sao thành thơ cho đặng. Hẳn là khi viết thơ thì ai cũng muốn những Bài thơ một nửa, chứ đâu muốn một nửa bài thơ.
Bạn Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...