Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
21:59 (GMT +7)
KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ THĂM TỈNH THÁI NGUYÊN (1/1/1964 - 1/1/2024)

Bác Hồ với Đại Từ

VNTN- Thái Nguyên là một tỉnh miền núi và trung du, có địa thế hiểm trở “tiến có thể đánh, lui có thể giữ”, có cơ sở Đảng và cơ sở quần chúng vững mạnh, do đó, cùng với các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang), Chợ Đồn (Bắc Kạn), các huyện: Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên) được chọn làm ATK (An toàn khu) của Trung ương trong thời kỳ Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Bác Hồ với Đại Từ
Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng tại sân nhà ông Trịnh Văn Thịnh, xóm Cầu Thành (xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ) nói chuyện với bà con nông dân, ngày 2/3/1958. Ảnh tư liệu lịch sử

Thái Nguyên được vinh dự đón nhận và bảo vệ Bác Hồ cùng nhiều cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy... trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đại Từ là một căn cứ cách mạng của Chiến khu Việt Bắc, khu vực ATK của các cơ quan đầu não Chính phủ, các lãnh đạo cấp cao và Bác Hồ hoạt động, chỉ đạo kháng chiến.

Theo các tư liệu lịch sử, chiều 18/8/1945, trên đường từ Tân Trào về Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ đã đi qua một số xã trong huyện Đại Từ. Trong thời điểm quân Nhật chưa chịu đầu hàng, việc bảo vệ an toàn cho Người có một ý nghĩa to lớn. Đồng chí Đàm Trung Y vinh dự được chọn dẫn đường cho đơn vị bảo vệ Bác trên đường về xuôi khi qua Na Mao. Đoàn đã dừng chân ăn cơm và nghỉ đêm tại nhà đồng chí Bảo Loan (ở xóm Cầu Hoàn). Ông Phan Văn Bát thay mặt chính quyền báo cáo Bác về tình hình tham gia cách mạng của nhân dân Na Mao. Bác đã biểu dương tinh thần của nhân dân xã Na Mao và tặng cho ông Nông Văn Bằng một chiếc hộp đựng đồ, tặng ông Nguyễn Văn Ao chiếc mũ nồi, ông Phan Văn Bát chiếc áo chàm.

Ngày 22/8/1945 đoàn về đến Suối Cát – Hà Thượng, đơn vị đã đưa Bác vào nhà bà Tạc Thị Tình - một cơ sở cách mạng ở Phục Linh từng nuôi, giấu một số cán bộ Việt Minh Liên khu I hoạt động - để nghỉ ăn cơm. Sau đó Bác lên xe xuống Thái Nguyên.

Khoảng 21 giờ ngày 22/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Tân Trào về đến thị xã Thái Nguyên. Dù rất mệt vì mới trải qua trận ốm nặng, lại vượt một quãng đường dài, nhưng ngay tối hôm đó, Người vẫn gặp gỡ các đồng chí cán bộ lãnh đạo tỉnh để nắm tình hình địa phương và căn dặn những việc cần làm đối với một chính quyền cách mạng còn non trẻ.

 Ngày 23/8, Người đi ô tô qua Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay). Ngày 25/8/1945, Bác nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh báo cáo tình hình. Chiều, Người đi ôtô vào nội thành. Bác được cơ sở bố trí ở tầng 2, số nhà 48 Hàng Ngang.

Trong “Tuần lễ vàng” từ ngày 17 đến ngày 24/9/1945 các tầng lớp nhân dân huyện Đại Từ đóng góp được 100 lượng vàng bạc, 500 cân đồng, 100 con trâu, bò gần 1.000 tấm vải vào quỹ “Độc Lập” và “Tuần lễ vàng”. Tiêu biểu, xã Văn Yên đã đóng góp nhiều tài sản giá trị trong đó có 1 đỉnh hương, 10 thau đồng; xã An Khánh có ông Hoàng Quế đã ủng hộ 1 mâm vàng cốm. Với đóng góp đó ông Hoàng Quế đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng bằng “Đồng tiền vàng”.

Bác Hồ với Đại Từ
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất tại xã Phú Xuyên, Đại Từ, tháng 4/1950. Ảnh tư liệu lịch sử

Cuối năm 1946, đầu năm 1947, lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng đã nhiều lần qua Yên Lãng để tới xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa (Thái Nguyên) và Tân Trào huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Trên đường từ Hà Nội về Tân Trào, Người đã ở lại một thời gian ngắn tại nhà bà Đàm Thị Lan (xóm Khuôn Muống, xã Yên Lãng). Khi ở đây, Người thường xuyên ra thăm và làm việc với Bộ Tổng tư lệnh đóng và làm việc tại nhà đồng chí Cao Thăng (Nông Bá Ngoan).

Là nơi tiếp giáp với Chiến khu Tân Trào, địa bàn xã Yên Lãng ngày nay có vinh dự được đón tiếp nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng như Hồ Chủ tịch, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Võ Duy Trinh… Hồ Chủ tịch, đồng chí Trường Chinh và đồng chí Võ Nguyên Giáp được phân công ở tại nhà ông Bá Ngoan. Về sau Người chuyển đến lán Đồng Khiêng (xóm Cây Hồng) rồi từ đó về Tân Trào.

Trước ngày cơ quan Chính phủ rời Yên Lãng sang Tân Trào, Bác Hồ đã cho mời 3 ông (Bá Ngoan, Bá Tân và Tổng Dưỡng) đến ăn cơm với Bác, sau đó Bác căn dặn và kỷ niệm 3 ông mỗi người một Huy hiệu của Bác và một đồng tiền (gọi là đồng tiền vàng).

Tháng 5/1947 Bác Hồ chủ trì Hội nghị Đẩy mạnh công tác xây dựng bộ đội chủ lực tại xã Phú Minh (Phú Thịnh) huyện Đại Từ.

Tháng 6/1947 tại ATK Định Hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày làm “Ngày Thương binh” để nhân dân có dịp tỏ lòng biết ơn, yêu mến thương binh. Ngày 17/7/1947 Bác Hồ viết thư gửi cho các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Thực hiện chỉ thị của Người, Ban tổ chức mở hội nghị tại xã Phú Minh (Đại Từ). Tại Hội nghị, đại biểu của các cơ quan, các ngành ở Trung ương, Khu và Tỉnh đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm “Ngày toàn dân giúp đỡ thương binh và gia đình liệt sĩ” (gọi tắt là “Ngày Thương binh liệt sĩ”). 18 giờ chiều ngày 27/7/1947, tại cây đa xóm Bàn Cờ đã diễn ra Lễ mít tinh Công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc lấy ngày 27/7 hàng năm làm Ngày Thương binh liệt sĩ.

Ngày 27/7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đang ở và làm việc tại ATK - Định Hóa (Thái Nguyên) đã gửi thư khen ngợi bà Nguyễn Thị Đích (thường gọi là bà Bá Huy). Bà đã giúp thương binh 3 mẫu ruộng, 3 tấn thóc, 1 con trâu, vận động nhân dân trong xóm, trong làng làm 10 gian nhà tre và các nguyên vật liệu khác để lập Trại An dưỡng đường số I để nuôi dưỡng, chăm sóc thương binh ở xã Lục Ba, huyện Đại Từ.

Ngày 5/8/1947, tại xã La Bằng (Hoành Sơn), huyện Đại Từ, Bộ Tổng chỉ huy mở lớp bổ túc cho 83 cán bộ trung cấp toàn quân (từ Khu IV trở ra). Mục đích của lớp học là nhằm giúp cho cán bộ nhận thức đúng đắn về đường lối quân sự của Đảng, hiểu biết về tổ chức, huấn luyện, giáo dục, quản lý bộ đội và biết nghiên cứu vận dụng những kinh nghiệm chiến đấu. Trong ngày khai giảng, từ ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới dự và huấn thị cho cán bộ tham gia lớp học. Lực lượng vũ trang và bán vũ trang của xã đều được tham gia các lớp huấn luyện về sử dụng vũ khí, đánh quân nhảy dù…

Tháng 5/1949, trong điều kiện đẩy mạnh kháng chiến, các cơ quan Trung ương đến đóng tại xã Phú Lạc, được nhân dân trong xã tạo điều kiện hoạt động. Xưởng quân giới (H53) sản xuất được nhiều mìn, thuốc nổ, xưởng quân giới và nhân dân xã Vinh Hòa vinh dự được đón Hồ Chủ tịch và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm. Hồ Chủ tịch đã thăm công binh xưởng sản xuất vũ khí, thăm bếp ăn của cán bộ công nhân viên quốc phòng, nói chuyện với cán bộ công nhân và nhân dân các dân tộc xã Vinh Hòa. Người ngợi khen tinh thần kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta, trong đó có chiến đấu hy sinh và phục vụ chiến đấu của nhân dân xã, khen ngợi đồng bào các dân tộc đã ra sức bảo vệ các cơ quan Trung ương, đóng góp nhiều sức người sức của cho kháng chiến. Hồ Chủ tịch căn dặn đồng bào phải ra sức đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, tăng cường đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân, đóng góp nhiều hơn nữa cho kháng chiến thắng lợi.

Trong giai đoạn 1945 - 1949, các đơn vị kể cả bộ đội chủ lực đến xã Minh Tiến đều được nhân dân cung cấp một phần lương thực, thực phẩm. Đặc biệt trong thời gian này, Minh Tiến còn vinh dự được Bác Hồ chọn là 1 điểm để làm việc. Lán của Bác được lực lượng bảo vệ Người dựng tại khu vực Khuối Rịa.

Ngày 20/8/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dân bán gạo khao quân nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9/1949. Tại vùng ATK Định Hóa - Đại Từ, nhân dân tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Bác. Trong số đó có gia đình cụ Mai Công Uyển ở xã Hiệp Hòa (nay là xã Bản Ngoại) đã nhiệt tình gửi tặng bộ đội 20 kilôgam gạo. Nhận được tin đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư cảm ơn cụ Uyển, bức thư được viết trên một mảnh giấy nhỏ. Đến năm 1990 ông Mai Công Giản con trai trưởng cụ Mai Công Uyển đã đem tặng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh lá thư Bác Hồ viết cảm ơn gia đình mình, được đồng chí Vũ Kỳ - Viện trưởng đón nhận và gửi thư cảm ơn.

Trong năm 1952, để đáp ứng nhu cầu vận chuyển vũ khí, lương thực ra tiền tuyến phục vụ chiến dịch Tây Bắc, tỉnh Thái Nguyên huy động 5.000 dân công, thanh niên xung phong mở công trường xây dựng sửa chữa tuyến đường: Quán Vuông (Định Hóa) - Khuôn Ngàn - Đèo Khế (Đại Từ). Từ An toàn khu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã qua Đèo Khế động viên dân công, TNXP Thái Nguyên đang khẩn trương xây dựng mở đường ra tiền tuyến, Người căn dặn: “Cầu đường thông, mọi việc dễ dàng thông”.

Cuối tháng 3/1954, khi chiến dịch Điện Biên Phủ đang diễn ra ác liệt, để cứu nguy cho đồng bọn ở mặt trận này, địch ra sức ném bom phá hoại các tuyến giao thông nhằm cắt đứt tuyến tiếp viện của ta. Đèo Khế là trọng điểm quan trọng giữa Đại Từ và Tuyên Quang nằm trên tuyến đường lên Điện Biên, Người đã chỉ đạo Tổng cục cung cấp và cử đoàn đến thăm động viên dân công. Đến chân Đèo Khế, Người xuống xe đi bộ suốt 4km đường đèo, tới thăm hỏi động viên anh em dân công. Khi đồng chí Trưởng ban chúc Bác mạnh khỏe, Bác nói “Chú cứ sửa đường tốt là Bác khỏe!”.

Ngay sau ngày hiệp định Giơ ne vơ được ký kết và có hiệu lực, từ đầu tháng 8/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cơ quan đầu não kháng chiến và các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Chính phủ và Quốc hội... chuyển chỗ ở và làm việc từ ATK Tuyên Quang về ATK Đại Từ (Thái Nguyên), tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan Trung ương và quân đội làm tốt công tác chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

 

Bác Hồ với Đại Từ
Ngôi nhà Bác Hồ ở trên đồi Thành Trúc, xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ. Ảnh tư liệu lịch sử

Đây là niềm vinh dự và tự hào của nhân dân các dân tộc và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Thái Nguyên nói chung, huyện Đại Từ nói riêng. Đội 36 Thanh niên xung phong do đồng chí Tạ Quang Chiến làm Đội trưởng đã về xã Phú Cường (Bản Ngoại) để xây dựng nhà ở và làm việc của Bác trên đồi Thành Trúc thuộc xóm Đầm Mua, xã Hùng Cường (Bản Ngoại). Hằng ngày khi làm việc bên Khu Ngoại giao, Bác thường đi bè. Khi mưa nguồn thác lũ, Bác đi trên chiếc cầu treo do Đại đội 272 Thanh niên xung phong làm bằng tre, vầu, song, mây, mắc vào hai cây cổ thụ ở hai bên bờ suối.

Ngày 12/8/1954 từ đồi Thành Trúc xóm Đầm Mua xã Bản Ngoại, Bác Hồ đi dự Lễ đón tiếp Ủy ban Quốc tế ở Việt Nam được tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên.

Đồi Giang, thôn Yên Bình, xã Độc Lập (nay là xóm Thắng Lợi, xã Tiên Hội) được chọn là địa điểm xây dựng Đại sứ quán Trung Quốc. Tại nơi Đại sứ quán Trung Quốc làm việc, Bác Hồ đã đến thăm 3 lần. Lần thứ nhất Bác về kiểm tra cơ sở vật chất trước khi Đại sứ quán về ở và làm việc. Lần thứ hai Bác đến mừng ngày Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Lần thứ 3 Bác đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Đồi Giang để tham dự Lễ trình Quốc thư diễn ra vào chiều ngày 1/9/1954. Quốc thư do Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba trình. Đây cũng là lễ nhận quốc thư đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tối ngày 5/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thôn Vai Cày (xã Hùng Cường) nói chuyện với bộ đội, công an, thanh niên xung phong và cán bộ, nhân viên cơ quan Trung ương trước khi vào tiếp quản Thủ đô.

Ngày 14/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm bà con nông dân xã Hùng Sơn (lần thứ nhất). Người đã thăm cánh đồng xóm Đồng Cả trong khi nông dân địa phương đang thu hoạch vụ lúa đầu tiên sau Cải cách ruộng đất. Bác đã ngồi nói chuyện với nông dân tại bờ ruộng lúa trên cánh đồng, sau đó Bác vào thăm nhà một chị nông dân có chồng và em trai chồng cùng xung phong vào quân đội đang chiến đấu ngoài mặt trận, đó là nhà cô thôn nữ Nguyễn Thị Luân khi đó tròn 20 tuổi.

 

Bác Hồ với Đại Từ
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với bà con nông dân Hùng Sơn trên cánh đồng xóm Đồng Cả ngày 14/9/1954. Ảnh tư liệu lịch sử

Ngày 15/9/1954, Bác đến thăm và nói chuyện với Hội nghị cán bộ cao cấp toàn quân do Bộ Quốc phòng – Tổng tư lệnh mở tại xã Tiến Bộ (xã La Bằng, Đại Từ) để quán triệt tình hình, nhiệm vụ mới và phổ biến những nhiệm vụ trước mắt của quân đội. Người đã trao đổi với cán bộ Bộ Tổng Tham mưu về một số công việc phải làm và nhiệm vụ của quân đội khi vào tiếp quản Thủ đô.

Ngày 18/9/1954, buổi sáng, từ căn nhà sàn nhỏ, đơn sơ trên đồi Thành Trúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xã Chân Mộng (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ), thăm một đơn vị bộ đội Việt Nam tình nguyện chiến đấu ở Lào về. Ngày hôm sau, từ đền Giếng, Bác thăm đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, rồi trở lại đền Giếng. Tại đây, Người nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 (Đại đoàn Quân Tiên phong), là một trong những đơn vị bộ đội được giao nhiệm vụ về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Người căn dặn “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Sau buổi nói chuyện, Bác Hồ lại tiếp tục về ATK Đại Từ, sống và làm việc trong căn nhà sàn đơn sơ trên đồi Thành Trúc. Tại đây, Người viết lời điếu Linh mục Phạm Bá Trực, Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Ngày 7/10/1954, lễ an táng Linh mục Phạm Bá Trực được cử hành trọng thể tại huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi vòng hoa viếng và kèm theo Lời điếu.

Ngày 12/10/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời căn nhà sàn bé nhỏ, đơn sơ trên đồi Thành Trúc trở về Thủ đô Hà Nội, sau gần 8 năm xa cách.

Ngày 2/3/1958, Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người cho ba chiến sĩ thi đua nông nghiệp của tỉnh là: Đăng Đình Sinh, Nguyễn Văn Quắc (HTX Cầu Thành xã Hùng Sơn huyện Đại Từ) và Cao Văn A.

Ngày 2/3/1958, Bác về thăm Hùng Sơn lần thứ 2. Lúc đó Hợp tác xã Cầu Thành là một trong những hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên của cả nước mới được thí điểm xây dựng. Bác đã đứng tại sân nhà ông Trịnh Văn Thịnh, xóm Cầu Thành nói chuyện với bà con nông dân.

 

Bác Hồ với Đại Từ
Bức ảnh chụp Bác Hồ đi qua cầu Huy Ngạc được nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định chụp ngày 2/3/1958 khi Bác tới thăm Hợp tác xã nông nghiệp Cầu Thành

Làm theo lời Bác dạy, Hợp tác xã Thành Công đã ba lần được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động, hợp tác xã có những con người tiêu biểu như Anh hùng lao động Trương Văn Nho, chiến sĩ thi đua nông nghiệp toàn quốc Đặng Đình Sinh, Nguyễn Văn Quắc.

Ngày 26/11/1958, Bác Hồ gửi tặng Huy hiệu của Người cho ba cá nhân ở xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên về thành tích cải tiến nông cụ.

Năm 1959, Trạm kỹ thuật nông nghiệp tổ chức hội nghị về áp dụng kĩ thuật cày 51, phát động phong trào đẽo cày 51 đã chọn được 3 chiếc cày đạt tiêu chuẩn kĩ thuật. Đây là 3 chiếc cày cải tiến tự đẽo đầu tiên ở miền Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi 3 chiếc huy hiệu của Người tặng cho 3 người đẽo cày đó.

Năm 1963, Chi đoàn xã Hà Thượng là một trong hai đơn vị dẫn đầu các chi đoàn trong tỉnh về phong trào làm thủy lợi được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen thưởng.

 

Trước ngày 18/4/1963, Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người cho 14 cá nhân nêu gương đạo đức mới, có thành tích trong sản xuất và công tác. Trong số đó có cô Nguyễn Thị Liễu, 18 tuổi, trong Ban Quản trị Hợp tác xã Tân Bình, xã An Khánh, huyện Đại Từ, đã nhiều thành tích trong phong trào làm phân bón ruộng.

Trước ngày 9/5/1964, Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người cho 4 đoàn viên thanh niên ưu tú. Trong số đó có chị Ngọc Bích Nga, 17 tuổi, dân tộc Sán Chí, là học sinh Trường Thanh niên dân tộc Đại Từ, đã có nhiều thành tích trong học tập.

Do khuôn khổ bài báo nên không thể liệt kê đầy đủ thông tin về Bác trong thời gian hoạt động ở Đại Từ. Tuy thời gian ở Đại Từ không nhiều như ở Định Hóa, nhưng hình ảnh, dấu tích của Bác vẫn luôn in trong tâm trí của mỗi người dân nơi đây.

                                         Đại Từ, tháng 12/2023

Nguyễn Văn Vượng tổng hợp

1 đã tặng

1

0

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy