Bác Hồ từ Pác Bó về Tân Trào
Chúng ta đều biết, hành trình ra đi tìm đường cứu nước và quá trình đưa chủ nghĩa Mác – Lê nin vào trong nước của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là vô cùng gian nan, vất vả. Sau 30 năm bôn ba khắp thế giới (từ ngày 5/6/1911), phải đến ngày 28/1/1941, Người mới được đặt chân tới cột mốc 108 ở biên giới Việt Nam - Trung Quốc (vùng núi rừng Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) để về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Những ngày ở Pác Bó
Về nước hoạt động chưa được bao lâu, bởi vẫn còn những nhiệm vụ do Quốc tế Cộng sản giao cho, Bác phải sang Trung Quốc, rồi bị chính quyền Quốc Dân Đảng (Trung Quốc) bắt giữ từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1943, có lúc an nguy tới tính mạng. Mãi đến cuối tháng 9/1944 Hồ Chí Minh mới về đến Pác Bó (Cao Bằng) để tiếp tục hoạt động.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, nguyên Trưởng ban Khoa học lịch sử, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên, trong thời gian ở Pác Bó, Hồ Chí Minh đã có nhiều quyết sách quan trọng, dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi.
Từ sau Hội nghị Trung ương 8 (5/1941), việc liên lạc giữa Cao Bằng với vùng xuôi trở nên đặc biệt quan trọng. Bác nhận thấy ngoài lối liên lạc thường dùng bằng giao thông bí mật, phải cấp tốc tổ chức những con đường quần chúng từ Cao Bằng đi về miền xuôi. Có thế, khi địch khủng bố mới giữ được liên lạc, những hoạt động vũ trang của các đội du kích mới có thể tiến hành thuận lợi và nhất là mới tranh thủ kịp thời cơ biến chuyển tốt, cách mạng để tiến lên Tổng khởi nghĩa.
Cuối tháng Giêng 1943, tại Hội nghị Lũng Hoài (Hoà An, Cao Bằng), Tổng bộ Việt Minh quyết định: Giữ vững cơ sở vùng biên giới Việt - Trung, đánh thông từ đó xuống Bình Gia, Bắc Sơn (Lạng Sơn) về Võ Nhai; xúc tiến việc thành lập các đội xung phong “Nam tiến”.
Một số cán bộ được phân công nhiệm vụ đánh thông con đường từ Đông Khê về Đình Cả (Võ Nhai, Thái Nguyên); các đồng chí Võ Nguyên Giáp và Lê Thiết Hùng phụ trách Ban xung phong Nam tiến, có nhiệm vụ mở con đường từ Nguyên Bình qua Ngân Sơn, Chợ Rã để nối liền với Chợ Chu, Đại Từ (Thái Nguyên). Đến tháng 10/1943, hai đội quân “Nam tiến” và “Bắc tiến” đã gặp nhau tại xã Nghĩa Tá - nơi giáp giới ba tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Hai trung tâm căn cứ địa Cao Bằng và Bắc Sơn - Võ Nhai đã được đánh thông với nhau, tạo thành một dải liên hoàn vững chắc.
Theo cuốn Biên niên tiểu sử, cuối tháng 10/1944, khi đến kiểm tra Đại đội tự vệ vũ trang chiến đấu Hồng Phong ở Pác Bó, Người nói: “Hiện nay, đế quốc Pháp và phát xít Nhật ở Đông Dương, khác gì hai con gà trống nhốt trong chuồng. Trước sau chúng cũng chọi nhau. Tất cả hai con bị thương nặng, có con què, lúc đó ta bắt mới dễ! Làm cách mệnh phải biết dựa vào thời cơ, và phải nhìn chung phong trào mọi nơi mọi chốn, mới chắc thắng!... Việc lớn nhất hiện nay là phải củng cố lại phong trào cách mệnh các địa phương cho vững chắc, chống khủng bố”.
Nhận định Pháp – Nhật “trước sau cũng chọi nhau” sau này diễn ra đúng như vậy, và Đảng ta đã chớp thời cơ, giành thắng lợi rực rỡ!
Khoảng đầu tháng 12/1944, Hồ Chí Minh chỉ định Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm công tác thành lập lực lượng vũ trang tập trung. Người gặp Võ Nguyên Giáp và Lê Quảng Ba, thông qua kế hoạch thành lập Đội. Người thêm hai chữ “Tuyên truyền” vào tên Đội Việt Nam giải phóng quân. Tiễn chân Võ Nguyên Giáp trở về tổng Hoàng Hoa Thám để xúc tiến thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Người căn dặn: “Nhớ bí mật: ta ở đông, địch tưởng ta ở tây. Lai vô ảnh, khứ vô tung”.
Việc lựa chọn địa điểm làm trung tâm chỉ đạo kháng chiến được Hồ Chí Minh tính đến từ rất sớm. Sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, Người phái hai cán bộ (Nông Văn Quang và Trương Văn Thiết) về Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) tìm bắt liên lạc và chuyển thư của Người đến đồng chí Vũ Hưng (1). Nhưng vào lúc này, thực dân Pháp đang ráo riết lùng bắt đồng chí Vũ Hưng, nên việc chắp nối liên lạc không thành.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), dưới ánh sáng bản Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, cao trào kháng Nhật cứu nước dâng lên khắp toàn quốc. Thời cơ cho nhân dân ta nổi dậy Tổng khởi nghĩa nhanh chóng chín muồi. Huyện Định Hóa nằm trong dự định của lãnh tụ Hồ Chí Minh chọn làm nơi “dừng chân ở đây một thời gian để cơ mưu việc lớn”. Về sự kiện này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), tôi đã cùng Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tiến về Chợ Chu (Định Hóa - Thái Nguyên) và thống nhất hai đội quân: Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với đội Quân cứu quốc thành Việt Nam Quân giải phóng tại Định Biên Thượng (Định Hóa). Tiếp đó, tôi nhận được chỉ thị của Bác Hồ bố trí cho Bác về làm việc ở Chợ Chu. Tôi bàn với hai anh Chu Văn Tấn và Song Hào đề nghị Bác chọn Tân Trào, vì Chợ Chu tuy cơ sở chính trị, kinh tế đều tốt nhưng có đường thông thương với Thái Nguyên dễ bị uy hiếp; còn Tân Trào, dân cư có thưa thớt, kinh tế có khó khăn nhưng địa thế hiểm trở hơn. Châu Sơn Dương còn cách tỉnh lị Tuyên Quang bởi con sông Lô, tiện bảo vệ” (2). Vì vậy, Tân Trào được chọn là nơi Bác ở và làm việc, trở thành Thủ đô Khu Giải phóng.
Những chỉ đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã kịp thời thúc đẩy phong trào cách mạng Việt Nam đến chín muồi, sẵn sàng cho giai đoạn cuối cùng của cách mạng: giành chính quyền, giành lại độc lập cho dân tộc. Trong bối cảnh như vậy, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa, Người rời Pác Bó, xuôi qua Bắc Kạn để về Tân Trào.
Hành trình về Tân Trào
Cuốn sách “Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử” ghi lại: Ngày 4 tháng 5 năm 1945, Hồ Chí Minh bắt đầu cuộc hành trình rời Pác Bó về Tân Trào.
Khoảng 9 giờ sáng, đoàn lên đường. Hồ Chí Minh mặc bộ quần áo Nùng đã cũ, đội nón chóp quai thao, khăn che gần kín mặt, đeo chiếc túi dết nhỏ có hai nút buộc dây, tay chống gậy. Trưa: Người nghỉ ăn trưa tại nhà Nông Hiền Hữu ở bản Thua Phia, rồi tiếp tục cuộc hành trình. Chiều tối: Người đến Đào Ngạn, nghỉ ở nhà đồng chí Nông Văn Giáo (bí danh Phục Việt) xóm Bản Nưa.
Ngày 5/5, Hồ Chí Minh rời Bản Nưa đi Lam Sơn. Từ ngày 6 đến ngày 8, Hồ Chí Minh làm việc tại Lam Sơn. Người họp với các cán bộ Trung ương và cán bộ của Liên tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng bàn một số công việc chuẩn bị khởi nghĩa.
Những dấu mốc tiếp theo: Ngày 9/5 Người đến bản Khuổi Lẩy (xã Bình Dương, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng); từ ngày 11/5, Người sang đất Bắc Kạn, đến bản Hoàng Phài (xã Thượng An, huyện Ngân Sơn); tối 13/5, đến Chợ Rã; 15/5, đến xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn; 16/5, đến xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn; 17/5, Người tới Nà Kiến (xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn), gặp đồng chí Võ Nguyên Giáp lên đón. Ngày 20/5, Hồ Chí Minh đến địa phận tỉnh Tuyên Quang. Buổi tối, Người nghỉ lại ở bản Coóc (xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn); Ngày 21/5, Hồ Chí Minh và đoàn cán bộ đến Hồng Thái (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Người nghỉ chân ở đình Hồng Thái, sau đó vượt sông Đáy đi Tân Trào. Khoảng 16 giờ, Hồ Chí Minh và đoàn cán bộ đến Tân Trào. Sau ngày 24, Hồ Chí Minh và ông Nguyễn Tiến Sự (chủ nhà Bác ở nhờ) lên rừng tìm địa điểm làm nơi ở mới. Lần nào đi Người cũng mang theo la bàn và tổ vô tuyến điện. Đến địa điểm thứ ba, ở lưng chừng đồi nứa Nà Lừa, nơi gần con suối nhỏ, Người chọn làm nơi dựng lán. Cuối tháng 5, Hồ Chí Minh chuyển từ nhà ông Sự đến lán Nà Lừa.
Qua hồi ký của các bậc lão thành cách mạng, ta biết thêm nhiều chi tiết về hành trình của Người.
Hồi ký của đồng chí Dương Thiết Sơn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn ghi lại: Trên đường từ Pác Bó (Cao Bằng) qua Bắc Kạn để về Tân Trào (Tuyên Quang), Người đã nghỉ ở nhiều nơi… Ở các trạm dừng chân, Bác đã động viên cán bộ và nhân dân đoàn kết, tăng gia sản xuất, học văn hóa, đi họp đoàn thể để biết tình hình trong nước và thế giới, để nắm vững công tác và nhiệm vụ của cách mạng, tích cực công tác, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và nhân dân.
Hồi ký của đồng chí Nông Văn Lạc (lưu tại Phòng Lưu trữ, Văn phòng Tỉnh ủy Thái Nguyên) ghi lại khá chi tiết về hành trình cùng các cán bộ đón và đưa Bác từ Bắc Kạn về Tuyên Quang. Hồi ký có đoạn: “Mấy hôm sau tôi lại nhận được thơ hỏa tốc của liên tỉnh do đồng chí La Chủ nhiệm Việt Minh viết cho. Nội dung thơ nói: có bộ đôi ông Ké đi qua, khi qua khu Quang Trung đồng chí Kháng chịu trách nhiệm, đến Châu Ngân Sơn qua xã nào, cán bộ phụ trách xã ấy chịu trách nhiệm. Đồng chí (tức là tôi – người viết chú thích) chịu trách nhiệm trong phạm vi Châu Ngân Sơn, Chợ Rã đến Châu Chợ Đồn.
...Đến Châu lỵ Chợ Rã vừa chiều tối. Nơi bố trí cho bộ đội “ông Ké” ở một cái nhà ngói xây gạch ba gian, ở dưới chân đồi cao… Bác vừa ngồi xuống định rửa mặt, đang lúc tôi đứng gần Bác, có anh Phòng nói khẽ bằng tiếng Tày “đi tìm giường lò xo để cho Bác nằm, ông là Nguyễn Ái Quốc trong ban lãnh đạo Quốc tế cộng sản đấy”. Chắc Bác nghe được, Bác hỏi: Các chú định tìm gì đấy? Anh Phòng lúng túng nói: tìm giường lo xo ạ. Bác nói tiếp: có tìm được cho mỗi người một cái không? Thôi đừng tìm gì cả. Hai chúng tôi nói đùa với nhau: Thấy chưa? Bài học đấy. Bác biết tiếng Tày lắm. Anh Phùng nói: Ông Nguyễn Ái Quốc giỏi nhiều tiếng nước ngoài, thế giới ai cũng biết tiếng, đế quốc cũng sợ tài của ông... Phải rồi, giống lắm, đúng rồi đấy, ông là Nguyễn Ái Quốc. Thôi ta biết để trong bụng, đừng nói cho ai biết, đúng sai đều không hay cả”.
Còn nhiều chuyện “bếp núc” nữa được đồng chí Nông Văn Lạc kể lại trong hồi ký, chưa được tài liệu nào nhắc đến. “Suốt thời gian Bác đi đường toàn mặc áo Nùng, bộ nào cũng bạc và ít nhiều bị rách, khi đến Bằng Phú, đồng chí Hiền đi trước, tôi cùng Bác đi sau. Đến Sam Kha gần nhà bác Đạo Cao, hộp thuốc lá của Bác rơi vì túi áo của Bác bị rách. Khi giúp Bác nhặt hộp thuốc lá, tôi hỏi khi nào nước ta làm cộng sản được và Bác nói: Con đường ta đi là làm cộng sản, trước mắt là đánh đuổi xong Nhật ra khỏi đất nước, nước ta được thực sự độc lập - tự do, làm cho nước ta giàu có theo con đường cộng sản, mọi người có trình độ giác ngộ cao, ý thức làm chủ nghĩa xã hội tốt, coi của cải của đất nước như của mình, lúc ấy bắt đầu làm cộng sản được”…
“Quốc ca” ở chiến khu Việt Bắc
Chúng ta đều biết rằng, lần đầu tiên bài hát “Tiến quân ca” được in trên trang văn nghệ của báo Độc Lập tháng 11 năm 1944. Ngày 13/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt “Tiến quân ca” làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 17/8/1945, trong cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội trước Nhà hát Lớn, bài “Tiến quân ca” đã được cất lên lần đầu tiên trước đông đảo dân chúng.
Nhưng từ trước đó, ở chiến khu Việt Bắc, những người Việt Minh cũng đã từng tổ chức chào cờ và cũng hát một bài như là… quốc ca! Chuyện này được đồng chí Hoàng Trung Nguyên ghi lại trong hồi ký (lưu tại Lưu trữ Tỉnh ủy Thái Nguyên).
“Các lớp huấn luyện dài hạn, ngắn ngày liên tiếp được mở ở Khu giải phóng. Đồng chí Văn mở luôn một lớp huấn luyện về chương trình Việt Minh trong vài hôm ngay tại thôn Tân Lập. Tôi cũng được đi dự trong lớp này.
…Ở Tân Lập, phong trào học văn hoá, văn nghệ rất sôi nổi. Mỗi lần họp ở nhà cứu quốc đều có hát chào cờ: “Giờ đây anh em chúng ta cùng nhau xếp hàng, chào cờ cứu nước. Giương lên anh em kìa, trông cờ gieo rắc mầm tự do giải phóng. Đứng lên ta trông cờ bay, như kiên quyết lòng đánh từ Nhật Tây”.
Bài hát trên do Trần Hinh, Đội Động, Đội Đình dạy. Lúc đầu chúng tôi không có cờ, mãi vào khoảng tháng 4 Ất Dậu, đồng chí Lý (bộ đội giải phóng) cho chúng tôi một lá cờ đỏ sao vàng. Khi Quân giải phóng đến, các đồng chí Lý, Chi, Thường, chị Lịch, chị Chi (Trần Thị Minh Châu) lại dạy cho chúng tôi bài hát chào cờ mới thay cho bài hát trên. Tôi còn nhớ có những câu như: Đoàn quân cách mạng đi, sao vàng phấp phới, dắt giống nòi dân ta qua nơi lầm than…”.
***
Đọc lại những trang lịch sử, những trang hồi ký của các cán bộ cách mạng tiền bối, chúng ta thêm hiểu, thêm tự hào về những chặng đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã trải qua. Cũng qua đó, nhớ đến công lao che chở, đùm bọc của đồng bào Việt Bắc: “Cách mệnh đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi” (Hồ Chí Minh).
Trần Thép
----------------
(1) Đồng chí Vũ Hưng (còn có tên là Vũ Văn Uyển, Đỗ Văn Đoài, Hai Cao), năm 1931 - 1932 là Ủy viên Ban Tỉnh ủy Hà Nam. Cuối năm 1932 lên hoạt động, gây dựng cơ sở cách mạng ở huyện Định Hóa. Xem Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Nam, t.1.
(2) Xem Kỉ yếu hội thảo khoa học: Hồ Chí Minh với việc xây dựng ATK Định Hóa trong căn cứ địa Việt Bắc, tr. 9.
1 đã tặng
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...