Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
13:30 (GMT +7)

Bà nội

VNTN - Mọi người sinh ra ai ai cũng có bà nội, bà ngoại bởi vì cha mẹ mình là con các bà. Sự phân định nội  - ngoại là do tập quán bao đời nay, xin để các nhà dân tộc học hiểu sâu biết rộng lý giải. Trong phạm vi bài viết nhỏ này tôi chỉ muốn nói về bà nội - bà nội của tôi.

Trong hoàn cảnh miếng cơm manh áo đè nặng đôi vai bố mẹ thì bà nội luôn là người thấu hiểu nhất, sẵn sàng hi sinh không tiếc phần sức lực gần cạn kiệt của mình để giúp đỡ, chia sẻ cho con, cho cháu. Cao cả hơn là tình cảm máu thịt bà dồn hết cho cháu, coi cháu là tài sản tinh thần vô giá để tự hào, kỳ vọng vào sự nối đời, thờ phụng tổ tiên. Tâm niệm ngày đêm mong cháu sẽ không lam lũ như bà và bố mẹ, sớm bằng anh, bằng chị, bằng người, để thay đổi cái nghèo, cái khổ. Mộc mạc giản dị thế thôi, dẫu có phải đổi bao nhiêu mồ hôi, công sức, tâm trí vào cháu bà cũng làm. Tiếc rằng món nợ tình lớn lao ấy nhiều cháu không biết. Trẻ con không biết đã là vô tâm, cha mẹ chúng cũng không biết thì thật là chẳng còn gì để nói.

Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ tha phương cầu thực, tôi ở với bà. Bà vừa là bà nội, vừa là mẹ, vất vả khổ cực trăm bề. Hàng ngày bà phải kiếm sống cho hai bà cháu, thời gian còn lại chăm sóc, dạy dỗ tôi. Khi tôi còn bế ngửa bà nhai cơm mớm, đi ngủ chỗ ướt bà nằm. Nhiều lúc khát sữa tôi khóc đòi mẹ đến tím tái, bà cho tôi ngậm vú beo của bà, chẳng có gì nhưng cũng đỡ thèm khi nhớ mẹ. Những lúc tôi khỏe mạnh phổng phao, đẹp đẽ bà tự hào khoe với mọi người. Khi trái gió trở trời bà mất ăn mất ngủ. Bà sùng kính trời phật, thánh thần nên chỉ biết thành tâm khấn vái, tụng kinh, niệm Phật cho đến khi tôi khỏi mới thôi. Phật luôn tại tâm bà.

Từ đứa trẻ bế ngửa bà nuôi đến tám tuổi, không biết tôi đã lấy bao nhiêu mồ hôi nước mắt, tâm trí của bà vì tôi là đứa trẻ hay ốm yếu, quặt quẹo, bướng bỉnh. Nhiều lần quá sức chịu đựng bà giận nhưng không mắng chửi. Bà càng thương, tôi càng nhõng nhẽo, lì lợm, chống đối. Bà thường nghĩ "lên ba nói người cười" rồi cho qua. Vì thế mà những lời bà dạy bảo cứ trôi tuột như nước đổ lá khoai. Nhiều khi bất lực bà cứ ngực mình mà đấm thùm thụp, bộ ngực lép kẹp của bà không biết đã chịu bao nhiêu lần đấm vì tôi, mà lẽ ra tôi phải chịu mới đúng, nhưng bà chưa một lần roi vọt. Bà thương vì bà coi tôi hơn cả tấm thân còm cõi của bà.

Do tuổi cao, sức yếu, do hết kế sinh nhai bà nội tôi đã trút hơi thở cuối cùng. Kẻ thơ ngây ngốc nghếch như tôi chỉ kịp biết đã mất bà vĩnh viễn mà chưa biết bà nội vẫn để lại quá trình làm người của tôi, từng sợi tóc, kẽ răng, lòng nhân từ của tôi đều thấm đẫm công sức của bà.

Khi tôi lập gia đình, có con, có cháu, như lẽ tự nhiên tôi bước tiếp đường đi của bà, bóng bà luôn đi trước sừng sững như bức tượng. Chỉ khác là thời đại hiện này tôi không cơ cực như bà, dạy dỗ con cháu cũng không vướng phải sự cứng đầu, ngang ngạnh như thời tấm bé của tôi.

Để tri ân bà, ngoài những nén nhang và thầm tạ tội, tôi muốn viết chút gì đó về bà nội nói chung và bà nội của tôi, cho các bà nội sau này rằng: công lao các bà lớn lao như sông như núi, các bà cho các cháu đến hơi thở cuối cùng của đời mình, không cần biết đã có cháu nào nghĩ tới mình không.

Xin mọi người đừng để trong gia đình xảy ra lời oán thán: "Hạt gạo còn chẳng ăn ai nói gì hạt tấm" nghe mà xót xa, mà hổ thẹn, mà thương thân phận các bậc ông bà nội ngoại chúng ta.

Vắt kiệt sức mình cho cháu

Chỉ mong cháu sớm nên người

Khi bà lui về cõi Phật

Xin vài ngọn khói thế thôi.

Nguyễn Thưởng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 21 giờ trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước