Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
20:45 (GMT +7)

ATK Định Hóa với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

KỈ NIỆM 65 NĂM CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2019)

VNTN - ATK do Trung ương xây dựng tại Định Hóa và một số huyện giáp ranh là khu an toàn lớn nhất và quan trọng nhất, vì đó là căn cứ của các cơ quan đầu não kháng chiến. Chính kẻ thù cũng phán doán: “Địch đã tổ chức trong khu tứ giác Chợ Chu - Tuyên Quang - Chiêm Hóa - Chợ Rã một căn cứ địa, từ chỗ ấy chúng chỉ huy và điều khiển cuộc kháng chiến” (1).

Bởi vậy, sau khi hình thành ATK Trung ương ở huyện Định Hóa, vấn đề bảo vệ các cơ quan đầu não kháng chiến được đặt thành một yêu cầu bức thiết. Từ yêu cầu này, cùng với việc xây dựng hệ thống chính trị thực sự vững mạnh, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng được tăng cường. Thông qua các hình thức tuyên truyền, giáo dục, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện càng hiểu rõ hơn trách nhiệm của mình đối với việc xây dựng, bảo vệ ATK Trung ương.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ (xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cuối năm 1953)

Ra đời và tồn tại trong hoàn cảnh luôn luôn bị kẻ thù tìm mọi cách tấn công tiêu diệt, ATK Định Hóa được tổ chức bảo vệ chu đáo, nghiêm ngặt. Những biện pháp về tổ chức canh gác, phòng gian được đặt ra cụ thể cho các địa phương trong khu vực ATK. Đảng bộ và Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện thường xuyên đôn đốc việc canh gác trên các ngả đường vào ATK; huấn luyện cho các trạm gác biết một số điều thông thường về cách xem giấy tờ, cách nhận dạng người, cách ứng cứu nhau trong trường hợp xảy ra biến cố…

Từ năm 1949, đặc biệt “Từ năm 1951, phần lớn các cơ quan Trung ương đều ở Định Hóa, Thái Nguyên. Nhiều làng, bản, số cán bộ, bộ đội, nhân viên cơ quan đông hơn dân địa phương. Máy bay địch săm soi, đánh phá nhiều lần…” (2). Trong hoàn cảnh ấy, công tác bảo vệ ATK càng được tăng cường. Ngoài lực lượng cảnh vệ và công an, ATK Định Hóa được bảo vệ vững chắc là nhờ sự che chở, đùm bọc của nhân dân trong huyện.

Để giữ bí mật vùng trung tâm An toàn khu - Thủ đô kháng chiến, theo chỉ đạo của Ban Căn cứ địa, Huyện ủy, Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện lãnh đạo, chỉ đạo các xã trong khu vực tiếp tục duy trì các đại đội dân công với số lượng thường xuyên từ 200 đến 300 người, làm nhiệm vụ sửa chữa, xây dựng đường sá, cầu cống; vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm; xây dựng hầm, hào, nhà cửa, lán trại, hội trường..., cho các cơ quan đầu não kháng chiến và các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn.

Đại đội dân công xã Thanh Định do các đồng chí Ma Tiến Được làm Đại đội trưởng, Ma Phúc Đàm làm Đại đội phó, đã tham gia cùng với bộ đội công binh xây dựng được 50 công trình; trong đó, có những công trình rất quan trọng, như hầm địa đạo xuyên đồi Khẩu Quắc (xã Thanh Định) - nơi làm việc của Bộ Tổng Tư lệnh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hội trường hội họp, học tập, sinh hoạt của các cơ quan Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh ở Nà Lẹng (xã Thanh Định)…

Được sự giáo dục, nhắc nhở thường xuyên, nhân dân các dân tộc trong huyện, từ cụ già đến em nhỏ, đều tự giác thực hiện khẩu hiệu “Ba không” (không nói chuyện làm lộ bí mật; không nghe những điều không có liên quan đến mình; không chỉ đường và cảnh giác với người lạ mặt).

Việc theo dõi, cảnh mật ở các địa bàn do quần chúng đảm nhận được thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, linh hoạt và sáng tạo. Từ người bán hàng rong, người làm nghề sửa chữa xe đạp, thợ cắt tóc, thợ rèn, người đan lát được bố trí tại các tụ điểm dân cư, hoặc trên các ngả đường quan trọng, cho đến người đi đốn củi trong rừng, người làm nương rẫy, em bé chăn trâu… cũng đều là những chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ ATK Trung ương. Không có một việc gì xảy ra ở đây, không có một người lạ mặt nào ra vào khu vực này lại có thể lọt qua tai mắt tinh tường của đồng bào địa phương.

Tuy nằm trên địa phận huyện Định Hóa và một số xã thuộc các huyện giáp ranh, nhưng hoạt động và ảnh hưởng của ATK Trung ương không giới hạn trong phạm vi không gian tồn tại của nó, mà rộng khắp cả nước. Tại ATK Định Hóa và các huyện: Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang), có cả một bộ máy Chính phủ gồm đủ các bộ, các ngành, sống và làm việc trong những “căn nhà lá tồi tàn với những Bộ trưởng ba lô trên lưng, hồ sơ đựng trong xà cột”(3). Nhưng chính “trong những ngôi nhà lá với những ông Bộ trưởng như vậy, những quyết định quan trọng của Nhà nước Việt Nam đã ra đời và đã chôn vùi số phận quân đội viễn chinh”(4).

Thực vậy, một tháng sau khi đặt chân đến ATK Định Hóa, trong Lời kêu gọi nhân kỉ niệm 6 tháng kháng chiến (19/6/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nhất định thắng lợi, “vì kháng chiến của ta là chính nghĩa”; “vì đồng bào ta đại đoàn kết”, “vì tướng sĩ ta dũng cảm”, “vì chiến lược ta đúng”, “vì ta nhiều bầu bạn”. Cũng trong dịp này, hàng loạt bài viết của Tổng Bí thư Đảng Trường Chinh đăng trên báo Sự Thật, được tỏa đi mọi miền đất nước, củng cố lòng tin và chỉ ra phương hướng hành động cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân bước vào kháng chiến. Tháng 9/1947, nhân kỉ niệm 2 năm Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945 - 23/9/1947), các bài viết được tập hợp, in thành sách mang tên: Kháng chiến nhất định thắng lợi. Lời kêu gọi ngày 19/6/1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của Tổng Bí thư Trường Chinh là những văn kiện quan trọng đầu tiên được xuất bản tại ATK Định Hóa, “mở đầu cho rất nhiều văn kiện tiếp theo chứa đựng chủ trương chính sách về các mặt của Đảng và Chính phủ…”(5), đưa cuộc kháng chiến đi tới thắng lợi.

Từ ATK Định Hóa, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng đã cho ra đời nhiều quyết định quan trọng về việc thành lập các phân hiệu võ bị, các trường lục quân, các lớp bổ túc cán bộ quân sự… Từ ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí nhiều sắc lệnh quan trọng để chỉ đạo kháng chiến, kiến quốc trong cả nước. Cũng tại nơi đây, Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh thường xuyên nhận được tin tức về tình hình kháng chiến, kiến quốc ở các địa phương và có những chủ trương, biện pháp chỉ đạo kịp thời, đẩy mạnh mọi mặt hoạt động ở các khu, các tỉnh. Từ ATK Định Hóa, Bộ Tổng chỉ huy ngày đêm nghiên cứu định ra phương châm hoạt động cụ thể thích hợp cho từng chiến trường trên phạm vi cả nước. Tại nơi đây, đầu tháng 7/1953, Bộ Tổng Tham mưu tổ chức Hội nghị nghiên cứu đánh công sự mới, đánh tập đoàn cứ điểm. Trung đoàn 102 (Đại đoàn 308) trực tiếp tham gia diễn tập đánh tập đoàn cứ điểm được tổ chức tại địa bàn các xóm: Bản Soi, Đèo Tọt và Đồng Lân thuộc xã Đồng Thịnh.

Vào cuối tháng 9/1953, tại bản Tỉn Keo, thôn Lục Rã, xã Bình Thành (từ đầu năm 1954 là xã Phú Đình), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị bàn về kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954. Bác ngồi họp, thái độ bình thản, điếu thuốc lá kẹp giữa hai ngón tay. Sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày tình hình địch, về ý đồ của tướng Nava tập trung lực lượng cơ động lớn chưa từng có ở đồng bằng Bắc Bộ, sẵn sàng chờ đón cuộc tiến công của ta để tiêu diệt, “… đôi mắt của Bác chợt lộ vẻ chăm chú. Bàn tay Bác đặt trên bàn bỗng giơ lên và nắm lại, Người nói:

- Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”(6).

Bàn tay Bác mở ra, mỗi ngón trỏ về một hướng. Vậy là, trong ý tưởng của Bác đã hình thành một quyết định lớn. Theo đó, Hội nghị Bộ Chính trị chủ trương: Tập trung bộ đội chủ lực mở các cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu, nhằm tiêu điệt một bộ phận quan trọng lực lượng địch, giải phóng đất đai và buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó với ta trên những địa bàn xung yếu mà chúng không thể bỏ…

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, vào trung tuần tháng 11/1953, một đơn vị chủ lực của quân ta tiến lên Tây Bắc, hướng chính là Lai Châu. Phát hiện sự di chuyển của quân ta, sau khi cân nhắc lợi hại, tướng Nava đi đến quyết định mở một cuộc hành binh mới không nằm trong kế hoạch đã được Hội đồng Phòng thủ Quốc gia Pháp thông qua trước đó.

Ngày 20/11/1953, Nava cho 6 tiểu đoàn quân cơ động nhảy dù xuống cánh đồng Mường Thanh và đánh chiếm Điện Biên Phủ. Ý định của Bộ Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh là sau khi củng cố Điện Biên Phủ, sẽ liên lạc với Lai Châu và có thể đánh chiếm vùng Tuần Giáo, Sơn La, Nà Sản. Nhưng đến cuối tháng 11/1953, địch lại phát hiện không phải chỉ một đơn vị chủ lực của ta (Đại đoàn 316), mà nhiều đơn vị, kể cả những đơn vị thiện chiến nhất (các Đại đoàn 308, 312, 351), đang tiếp tục di chuyển lên hướng Tây Bắc.

Tình hình trên đặt ra cho Bộ Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp đứng trước sự lựa chọn một trong hai phương sách: Hoặc là, rút quân khỏi Điện Biên Phủ, hoặc là, tăng cường Điện Biên Phủ và tiếp nhận cuộc chiến đấu với quân chủ lực của ta ở đó.

Sau khi cân nhắc mọi mặt, ngày 3/12/1953, tướng Nava quyết định chọn phương sách thứ hai và ra chỉ thị cần giữ vững Điện Biên Phủ bằng bất cứ giá nào. Từ đó, lực lượng của địch tại Điện Biên Phủ tăng dần lên và được xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương.

Như vậy, trung tâm điểm của Kế hoạch Nava từ chỗ tập trung quân cơ động tại đồng bằng Bắc Bộ, đã chuyển sang xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Do đó, muốn phá tan Kế hoạch Nava để ngăn chặn âm mưu của đế quốc Pháp - Mĩ, nhất thiết phải tấn công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Vấn đề đặt ra là, quân dân ta có khả năng đánh được tập đoàn cứ điểm này hay không?

Ngày 6/12/1953, tại Tỉn Keo, thôn Lục Rã, xã Bình Thành, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị nghe Tổng Quân ủy báo cáo Phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954.

Sau khi nghe báo cáo của Tổng Quân ủy, Bộ Chính trị phân tích tình hình các mặt và kết luận: Về địch, Điện Biên Phủ sẽ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng chúng có cái yếu cơ bản là bị cô lập, mọi việc tiếp tế đều dựa vào đường không. Về ta, với chất lượng được nâng cao thêm một bước trong đợt chính huấn, chỉnh quân, với những kinh nghiệm sẵn có và sự tiến bộ về trang bị, kĩ thuật, quân đội ta tới đây có thể đánh được tập đoàn cứ điểm. Vấn đề đường sá tiếp tế cho chiến dịch là một khó khăn rất lớn. Nhưng với quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, có hậu phương đang chuyển mạnh trong cải cách ruộng đất, sẽ tập trung lực lượng chi viện tiền tuyến và nhất định đảm bảo cho chiến dịch.

Từ kết luận trên, Hội nghị Bộ Chính trị nhất trí thông qua Phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954 của Tổng Quân ủy và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ (mang mật danh là Chiến dịch Trần Đình). Điện Biên Phủ trở thành điểm quyết chiến chiến lược giữa ta và dịch.

Từ sau quyết định của Bộ Chính trị, mọi công tác chuẩn bị cho Chiến dịch được xúc tiến rất khẩn trương. Với khẩu hiệu: Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng, cùng với nhân dân ở các vùng tự do Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV, vùng mới giải phóng Tây Bắc…, nhân dân các dân tộc huyện Định Hóa hăng hái, tự nguyện đóng góp công sức, tiền của, kịp thời đảm bảo cung cấp cho Chiến dịch. Chỉ tính riêng đợt tuyển quân cuối năm 1953, toàn huyện đã có 75 người nhập ngũ, vượt xa yêu cầu của tỉnh.Trong những tháng đầu năm 1954, huyện Định Hóa đã thành lập một đoàn dân công hỏa tuyến đi phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, được Chính phủ tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, được Hội đồng Cung cấp Trung ương tặng Cờ danh dự; 112 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ dân công gương mẫu; trong đó, có 2 cá nhân là Bùi Văn Thắng (xã Trung Hội) và Phạm Văn Bình (xã Bình Thành) được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Ngày 1/1/1954, cũng tại Tỉn Keo, thôn Lục Rã, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp, chỉ định cơ quan lãnh đạo và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ... Theo đó, Đảng ủy Mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam) làm Bí thư; các đồng chí: Hoàng Văn Thái (Phó Tổng Tham mưu trưởng), Lê Liêm (Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) và Đặng Kim Giang (Phó Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp) làm Đảng ủy viên. Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ gồm có: Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tư lệnh, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng, Lê Liêm - Chủ nhiệm Chính trị và Đặng Kim Giang - Chủ nhiệm Cung cấp.

Trước khi lên đường đi Chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên Khuôn Tát (xã Phú Đình) chào Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau khi nghe Bác hỏi: “Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại không?”, Đại tướng bày tỏ:

- “Tổng Quân ủy đã phân công, các anh Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng ở lại khu căn cứ sẽ phụ trách mặt trận đồng bằng Bắc Bộ. Sẽ tổ chức cơ quan tiền phương của Bộ Tổng tư lệnh tại mặt trận để chỉ đạo chiến trường toàn quốc… Các đồng chí Tổng Tham mưu phó, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đều có mặt trên đó. Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết, khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị”.

- “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, “Tướng quân tại ngoại”! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất trong Bộ Chỉ huy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau”.

Khi chia tay, Bác nhắc: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” (7).

Ngày 5/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dời ATK Định Hóa, lên đường ra Mặt trận Điện Biên Phủ. Bằng thiên tài trí tuệ, thấm sâu lời Bác nhắc trước lúc lên đường: “Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”, Đại tướng đã quyết định chuyển phương châm tác chiến từ đánh nhanh, giải quyết nhanh sang đánh chắc, tiến chắc. Đây là một quyết định “có tính chất lịch sử mà những hệ quả của nó đã mở ra tương lai của Việt Nam và đã thay đổi bộ mặt thế giới thứ ba”. Chính từ quyết định này, “sau 55 ngày đêm chiến đấu liên tục, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ”(8).

Chiến thắng Điện Biên Phủ “đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đàng, một Chi Lăng hay một Đống Đa ở thế kỉ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”(9).

Với quốc tế, chiến thắng Điện Biên Phủ được coi là “tiếng chuông báo tử của chủ nghĩa thực dân”, một “niềm hi vọng to lớn và tươi sáng của loài người”, là “lời kêu gọi các dân tộc bị trị tiến lên xung phong chiếm lĩnh các pháo đài cuối cùng của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc trên thế giới”(10).

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một đòn giáng quyết định, đập tan hoàn toàn Kế hoạch quân sự Nava, đè bẹp ý chí xâm lược của thực dân Pháp, buộc chúng phải kí kết Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954) Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, cam kết công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân ba nước Đông Dương.

Như vậy, trong suốt 8 năm kể từ mùa Xuân 1947, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Định Hóa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ ATK Trung ương. Là nơi đứng chân của cơ quan lãnh đạo kháng chiến, được chứng kiến mọi hoạt động của Bộ Thống soái tối cao, chứng kiến sự ra đời của mọi đường lối chủ trương dẫn đến những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược toàn quốc ngay từ năm đầu sau ngày Toàn quốc kháng chiến, đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954), ATK Định Hóa đã trở thành vùng đất thiêng liêng của cả dân tộc Việt Nam.

Với tầm vóc ấy, ATK Định Hóa đã được xếp hạng Di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia, theo Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10/5/1992 của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

(1)Xalăng (Salan): Một đế quốc cáo chung: “Việt Minh, địch thủ của tôi”. Tập 2, tr. 77.

(2)Dẫn theo: Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nxb QĐND, Hà Nội, 2004, tr. 187.

(3, (4)Võ Nguyên Giáp: Chiến đấu trong vòng vây. Hồi ức, Hữu Mai thể hiện. Nxb Thanh niên, Hà Nội 1995, tr. 290.

(5) Dẫn theo: Hồ Chí Minh với việc xây dựng ATK Định Hóa trong Căn cứ địa Việt Bắc (Kỉ yếu Hội thảo khoa học). Tái bản lần thứ nhất, 2004, tr. 82.

(6)Dẫn theo: Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Chiến dịch Điện Biên Phủ… Sđd, tr. 197.

(7)Dẫn theo Hữu Mai: Không phải huyền thoại. Nxb Trẻ, 2010, tr. 226.

(8)Dẫn theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ. Nxb QĐND, Hà Nội 2004, tr. 185

(9)Dẫn theo Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành thắng lợi mới. Nxb Sự thật, Hà Nội 1970, tr. 50.

(10)Lời phát biểu của Trưởng phái đoàn quân sự nước Cộng hòa Angiêri sang thăm Việt Nam. Xem: Âm mưu của đế quốc Pháp - Mĩ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tr. 171

Thái Nguyên, ngày 30/4/2019

TS Nguyễn Xuân Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy