Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
09:32 (GMT +7)

“Ao làng” nơi đất khách

VNTN - Chuyện xảy ra ở một trường Đại học có số lượng lưu học sinh Việt Nam khá đông, ở Hồ Bắc (Trung Quốc). Những ngày đầu hồ hởi gặp mặt đồng hương sinh viên Việt, ai nấy đều khá thân thiện và cởi mở.

Tuy nhiên theo thời gian, lưu học sinh bắt đầu có nhiều chuyện “bằng mặt không bằng lòng”.

Trong lễ dạ hội Giáng sinh năm nọ, giống như các quốc gia khác, hội lưu học sinh Việt Nam cũng đóng góp một tiết mục biểu diễn có sự kết hợp giữa múa truyền thống và nhảy hiện đại. Tiết mục múa hoàn toàn ổn với trang phục áo dài và nền nhạc du dương. Nhưng đến phần nhảy lại có vấn đề: phần lớn các diễn viên trong nhóm nhảy đều muốn lựa chọn trang phục noel cho hợp với không khí Giáng sinh (tạm gọi nhóm này là nhóm noel). Nhưng một vài diễn viên trong nhóm nhảy không đồng tình vì cho rằng trang phục không hợp với bài hát tiếng Việt và bắt buộc phải mặc áo bà ba hoặc quần jean, áo cờ đỏ sao vàng (tạm gọi nhóm này là nhóm bà ba) - đây cũng là quyết định của ban chấp hành hội lưu học sinh trường và yêu cầu tham gia.

Mâu thuẫn tăng lên vì không tìm được tiếng nói chung. Khi cả đội nhảy chọn cách giải quyết bằng biểu quyết, thì “nhóm noel” chiến thắng với phần đa số phiếu. Tưởng chừng như thế là xong, không ngờ các thành viên còn lại tự ý rút khỏi đội diễn, đồng thời yêu cầu hủy show. Vì lịch của nhà trường đã lên, nếu hủy show thì hình ảnh đẹp của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế sẽ khó giữ được. Nhóm noel vẫn quyết định tập và biểu diễn, mặc dù tâm trạng có phần… căng thẳng.

Đến đây, hẳn có người sẽ hỏi, tại sao không mặc áo bà ba? Trên thực tế, ở nước ngoài áo bà ba không thể có sẵn. “Nhóm bà ba” dù đã huy động mượn hội lưu học sinh khắp thành phố nhưng không đủ áo, hoặc có nhưng không tạo được sự chỉn chu, đồng bộ vì khác màu, thậm chí có nhiều chiếc còn bị nhàu, rách. “Nhóm noel” đưa ra ý kiến mặc áo cờ đỏ sao vàng ở trong và khoác áo noel ở ngoài, để đến cuối tiết mục cởi áo khoác ra cho bạn bè quốc tế thấy được chiếc áo cờ đỏ sao vàng của người dân đất Việt. Thông điệp là, dù có đi đâu, làm gì, mỗi công dân Việt Nam vẫn mang trong mình bóng hình Tổ quốc. Đến cuối cùng, sau khi biểu diễn, tiết mục của “nhóm noel” được bạn bè quốc tế tán dương và nhà trường đánh giá rất cao với thông điệp đầy ý nghĩa của mình.

Thế nhưng, điều bất ngờ là, sau đêm đó cả “nhóm noel” được triệu tập đến một cuộc họp kiểm điểm toàn nhóm, vì đã không nghe theo sự điều hành của Ban Chấp hành Hội lưu học sinh trường. Thật đáng buồn, và rất phi lý, bởi tiết mục biểu diễn thành công, giới thiệu được sắc màu quốc gia đến bạn bè thế giới, thành công đó không những không được ngợi khen mà còn bị phê bình.

Câu chuyện trên là một minh chứng khá rõ cho tư tưởng “ao làng”. Tư duy cứng nhắc, sự bảo thủ vốn tồn tại như một hạn chế ở nước ta bấy lâu, và ở đất khách thì vẫn ỉ âm và có cơ hội là… bùng phát. Chúng ta, hẳn ai cũng có thể hiểu rằng “tấm áo không làm nên thầy tu”, không phải chỉ mặc bà ba mới nhảy được dân ca Việt Nam hiện đại. Nếu hủy show thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Văn hóa cộng đồng làng xã Việt lâu nay vẫn mang trong mình bao nét đẹp. Đó là sự đoàn kết, tương thân; là sự sẻ chia hoạn nạn “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Tuy nhiên, đặc trưng văn hóa đó cũng mang trong mình không ít những hạn chế. Đất nước đang hội nhập sâu rộng với thế giới, chúng ta cần vươn cao, vượt ra khỏi “ao làng” mới mong tìm được “biển lớn”. Bởi, một khi những sự đột phá mới mẻ bị kìm hãm lại trong tư tưởng “ao làng”, thì có lẽ thành công sẽ rất xa vời.

Như Châu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Nằm giường

Câu chuyện văn hóa 1 tuần trước

Xong việc mình là… về

Câu chuyện văn hóa 3 tuần trước

Bước qua đổ vỡ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Trẻ cậy cha, già cậy ai?

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước