Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
11:35 (GMT +7)

Anh Tình say – Truyện ngắn. Đào Nguyên Hải

VNTN - Anh “Tình say” ở ngay cạnh nhà tôi. Nhà tôi với nhà anh đúng như câu thành ngữ các cụ để lại: “Gần nhà xa ngõ”. Tuy hai đầu hồi ghé vào nhau nhưng muốn sang chơi thì tôi và anh đều phải đi qua cả hai cái ngõ dài rồi mới vào được nhà.

Thực ra cái tên “Tình say” cũng mới chỉ được hình thành từ hơn mười năm nay. Ngày trước, cả xóm này đều gọi anh là kĩ sư Tình. Anh vốn tốt nghiệp trường đại học Mỏ địa chất vào loại giỏi. Ra trường được phân công vào làm trong khu mỏ ngay trong huyện nhà. Ngày còn trẻ, chiều chiều, anh Tình nghễu nghện trên chiếc xe máy loại sang đi từ cơ quan về nhà trước những con mắt đầy ngưỡng mộ của cả xóm, cả xã. Các bà mẹ trong làng luôn lấy anh Tình ra để làm tấm gương sáng cho những đứa con đang thời kì học phổ thông: “Đấy! Học thế nào thì học, rồi sau được như anh Tình để bố mẹ mát mày mát mặt”. Quả đúng vậy. Tiếng thơm của anh Tình tận cơ quan mỏ mà vẫn bay về tận làng xóm. Rằng, năm nào anh Tình cũng đạt danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua. Bằng khen của anh Tình có thể giăng kín cả một góc nhà. Anh Tình lại còn thêm tài đàn nhạc. Tiếng ghi ta của anh Tình lan tỏa ra toàn huyện. Các hội diễn mà vắng tiếng đàn của anh Tình thì bớt vui đi một nửa. Tôi chỉ là láng giềng với anh Tình mà cũng thấy thơm lây. Được ở cạnh nhà một người nổi tiếng như anh cũng trở thành niềm vinh dự.

Nghe nói ở cơ quan, anh Tình có rất nhiều phan hâm mộ. Về công tác chuyên môn, anh Tình luôn là người thày, người hướng đạo, người dẫn dắt nhiều kĩ sư, cán bộ kĩ thuật trẻ trong mỏ. Còn về văn nghệ thì khỏi phải bàn. Cánh ca sĩ vườn, đặc biệt là những cô gái yêu ca hát cứ mê anh như điếu đổ. Khối cô đêm đêm nước mắt chứa chan ướt đầm vỏ gối vì thương nhớ, tương tư anh Tình - một chàng trai tuấn tú, tài ba mà sao đã vội có người nâng khăn sửa áo để các cô phải ôm mối hận tình. Vâng! Nhân nói về chuyện này cũng nên giãi bày đôi chút về vợ của anh Tình. Vợ anh Tình chỉ là một cô giáo bình dị dạy cấp một trường làng, nhan sắc cũng tầm tầm. Nhưng như để bù lại những chỗ chưa hoàn mĩ ấy, vợ anh Tình là gái làng Lim chính cống, có giọng hát quan họ Bắc Ninh mê hồn. Có lẽ cũng vì giọng hát ấy mà anh Tình đã đủ sức gạt ra khỏi tầm tay không ít các phan nữ trẻ, đẹp lung linh sẵn sàng “xin chết” với chàng kĩ sư mỏ có tiếng đàn huyền ảo không kém gì Văn Vượng một thời. Đúng thế! Đứng trước các cô xinh đẹp, anh Tình vẫn ngay ngắn như cột điện, bỏ mặc bao lời bóng gió xa xôi, đầu mày cuối mắt. Gia đình anh Tình thật hạnh phúc, là mơ ước của bao cặp vợ chồng. Vài năm đầu khi họ mới lấy nhau, vào những ngày nghỉ, tôi thường nghe thấy tiếng quan họ véo von hòa trong tiếng đàn réo rắt từ nhà anh Tình vọng sang mà tâm hồn chợt thấy trong veo, thư thái.

Nhưng cuộc đời thường có những khúc quanh. Chuyện đời người láng giềng tài danh của tôi lại có những khúc quanh buồn.

Một thời, có thể do đời sống kinh tế bắt đầu khá giả nên khắp nơi thường xuất hiện những cuộc nhậu quên trời, quên đất. Được lương thưởng cao, ăn mừng. Đạt thành tích trong năm, ăn mừng. Mới mua được cái xe máy, ăn mừng. Rồi tới cái nỗi, mua được chiếc áo mới, đôi giầy xịn cũng ăn mừng. Chỉ cần tìm ra một cái cớ nào đó là lại “dô… dô” hò hét vang trời dậy đất. Trong cái không khí ấy, tất nhiên anh Tình trở thành một nhân vật trung tâm trong các đám ăn khao, nhậu nhẹt.

Những năm ấy, tôi thường thấy từ nhà anh Tình vọng sang những tiếng nôn ọe. Tiếng hát quan họ và tiếng ghi ta mỗi ngày một thưa rồi đến lúc vắng bặt. Nhiều đêm tôi còn nghe thấy cả tiếng gầm gừ của anh Tình và tiếng khóc như cố nén lại của chị vợ. Rồi mấy năm sau nữa, từ căn nhà vốn tràn đầy hạnh phúc ấy còn liên tục vọng ra những tiếng xoang xoảng chói tai của thủy tinh, sành sứ vỡ. Dáng đi của anh Tình cứ mỗi ngày một khật khưỡng, xiêu vẹo. Ánh mắt của cô gái quan họ làng Lim mỗi lúc một đổ dài bóng tối.

Một buổi chiều, tôi bỗng thấy tiếng khóc tức tưởi của vợ anh Tình vọng sang, tiếng khóc tưởng chừng như không dứt. Sau hỏi ra mới biết, do say xỉn mà anh Tình đã vô trách nhiệm làm thiệt hại hàng tỷ đồng cho cơ quan mỏ nơi anh công tác nên bị kỉ luật đuổi việc.

Kể từ đó gia đình anh Tình như rẽ sang một nẻo khác. Hai đứa con đang vào độ tuổi ăn học tốn kém mà cả nhà chỉ trông vào suất lương giáo viên tiểu học còm của vợ nên bắt đầu sa vào cảnh thiếu thốn triền miên. Vợ anh Tình ngoài công việc ở trường, cứ về nhà lúc nào là lại cắm mặt vào mấy mảnh vườn cùng đàn gà vịt mong kiếm chút đỉnh cho gia đình đỡ khổ. Đã thế, từ ngày bị đuổi việc, anh Tình đâm ra bất mãn, suốt ngày bỏ nhà, la cà trong các quán rượu. Nhiều hôm nửa đêm mới về nhà, nôn thốc nôn tháo, dựng vợ con dậy chửi bới thậm tệ như để trút nỗi giận đời. Cuộc sống cứ vậy kéo dài tới mấy năm liền. Vợ anh Tình mới ngót bốn mươi mà tóc đã bạc nửa đầu. Đến một ngày, cực chẳng đã, chị gạt thầm nước mắt, khăn gói dắt hai đứa con đến xin ở trong khu tập thể giáo viên.

Anh Tình sống một mình, buồn chán, lại càng bê tha hơn. Anh lang thang ngoài phố như kẻ tâm thần. Bao nhiêu tiền cũng dốc vào quán rượu hết. Hàng tháng, lợi dụng những lúc anh Tình vắng nhà, vợ anh vẫn len lút trở về nhét chút tiền vào gối cho anh. Phải lén lút là vì từ ngày chị bỏ đi, cứ trông thấy mặt chị ở đâu là anh Tình lại gầm gào dọa dẫm, một mực xua đuổi. Nhưng tiền thì anh không chê. Những cơn thèm rượu làm cho anh không còn liêm sỉ, sĩ diện. Những lúc nhẵn túi, anh Tình còn không biết ngượng, lê la đến nhà các bạn ở cơ quan cũ, khi thì gạ gẫm uống rượu, khi thì vay tiền. Nói là vay nhưng chẳng khi nào anh trả nổi. Người anh lúc nào cũng như tắm trong rượu. Nhiều lần tôi gặp anh Tình ôm chai ngủ vạ ngủ vật bên lề đường. Từ một chàng trai đẹp lồng lộng, nay người anh như chỉ còn da bọc xương. Trong cái xóm nhỏ của tôi, bây giờ hình ảnh anh Tình gần giống như một bóng ma. Trẻ con thoáng thấy cái dáng lòng khòng, gù gập của anh ở đâu là hò nhau chạy như bị ma đuổi. Mấy đứa học trò cấp ba gọi anh là Chí Phèo thời hiện đại.

Là người sống cạnh nhà anh Tình, mục sở thị mọi việc nhưng quả thật tôi không thể hiểu vì sao cuộc đời lại có những bước ngoặt khốn cùng đến vậy. Mà tất cả lại chỉ bắt đầu từ rượu. Xưa nay người ta thường biết đến những gia đình bị ma túy tàn phá đến bước đường cùng chứ mấy ai nghĩ con ma men lại có thể dồn đuổi con người đến mức ấy. Vậy mà nó lại hiện hữu ngay trong căn nhà vốn ngập tràn hạnh phúc của anh Tình. Từ một người yêu vợ con tưởng như đệ nhất trần gian vậy mà đùng một cái, con ma men đã biến anh thành một con người hoàn toàn khác. Đến nỗi vợ con phải bỏ anh mà đi. Hồi vợ Tình còn ở nhà, tôi đã từng khuyên chị đưa anh đi cai nghiện ở mấy bệnh viện nhưng cũng chỉ chưa đầy một tháng rồi đâu lại đóng đấy. Mấy bác người dân tộc ở xóm tôi nói mấy lời rất đơn giản nhưng hình như thật chính xác: “Không phải cái thằng Tình ăn rượu đâu mà nó bị rượu ăn rồi lố!” Đúng là anh Tình đã bị rượu ăn tươi nuốt sống cả về thể xác lẫn đạo đức, lương tri, tài năng, nhân cách của con người.

Rồi cái gì đến cũng phải đến. Buổi tối hôm ấy đi uống rượu về, anh Tình khất khưởng bước lên hiên nhà trượt chân ngã, đầu đập mạnh xuống nền xi măng. Khi xóm giềng chạy đến thì anh đã tắt thở.

Thôi, dù oán trách anh Tình đến bao nhiêu đi nữa thì thế cũng là hết. Vợ con, làng xóm đã chung tay lo cho anh Tình được mồ yên mả đẹp. Kể từ ngày anh Tình mất, mọi người không ai nỡ truyền nhau về tính xấu của anh Tình như những ngày trước nữa. Rồi dần dà, người ta lãng quên anh Tình như từng lãng quên biết bao người đã chết. Nhưng riêng tôi thì vẫn không dứt được những băn khoăn, suy nghĩ về chuyện anh Tình.

Số là, ngay sau cái ngày anh Tình đột tử, công an đã cử một nhóm người để kiểm kê tài sản của người xấu số. Vì tôi là hàng xóm lân cận nên cũng có mặt trong đoàn. Tài sản của anh Tình không còn gì đáng giá. Anh đã bán hết mọi thứ để bỏ vào chai to, chai bé. Của cải không có nhưng hôm ấy người ta tìm thấy một cuốn sổ tay nhàu nát trong ngăn kéo. Tôi cùng mấy người mở ra và đọc được những dòng chữ run run, xiêu vẹo, viết theo lối ghi nhật kí. Đó là những dòng viết cuối cùng của anh Tình:

“Ngày…tháng…năm…: Nhớ em và con quá….

“Ngày…tháng…năm…: anh biết là anh có tội nhưng anh không đáng được tha thứ…

“Ngày…tháng…năm…: Xin em đừng nghĩ cái lần em trở về nhà bị anh vác gậy đuổi đi nghĩa là anh căm ghét em. Anh làm vậy là vì không muốn em phải khổ vì anh thêm nữa. Ngàn lần xin lỗi em và con…

“Ngày…tháng…năm…: anh biết là anh đang bước dần đến cõi chết, nhưng điều anh mong ước, mong ước đến khốn khổ là trái tim anh lúc nào cũng được đập trong tim em…

Có rất nhiều những trang viết đại loại như vậy, nhưng tôi chú ý nhất đến một câu thơ ở cuối cuốn sổ. Câu thơ buồn tê tái, không hiểu có phải do anh Tình  sáng tác không, nhưng nó đúng là tâm trạng của anh: “Chiều chiều ra ngõ đứng trông/ ngõ sâu thăm thẳm mà không thấy người”.

Đọc những dòng nhật kí của anh Tình, tôi giật mình. Hóa ra không phải như ý nghĩ của tôi lúc ban đầu. Đúng là rượu có thể “ăn tươi nuốt sống” tất cả thể xác, đạo đức, lương tri, tài năng, nhân cách… nhưng nó đã không “ăn” nổi trái tim của con người. Qua những dòng để lại, tôi biết là trái tim đau đớn của anh Tình chưa bao giờ ngừng những nhịp đập yêu thương.

Nghe nói, mỗi khi vợ anh Tình chắp tay khấn vái trước ban thờ, bát hương lại bùng cháy, thiêu rụi tất cả chân hương.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 19 giờ trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước