Thứ bảy, ngày 27 tháng 04 năm 2024
17:03 (GMT +7)

Anh Hồng: mong manh trong hành trình Đêm

 VNTN - Ngày (10/3), Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Thái Nguyên, tác giả Anh Hồng (Bút danh của nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học PGS.TS Cao Thị Hồng) cùng gia đình đã tổ chức chương trình gặp gỡ, giao lưu và giới thiệu tập thơ: “Tôi và Đêm, Và…” vừa xuất bản của chị.

Dự sự kiện có lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên; đại diện các đơn vị tài trợ;  những bạn bè trong giới văn nghệ sĩ yêu mến nhà thơ Cao Thị Hồng cùng đông đảo các học sinh, sinh viên yêu văn chương, gia đình nhà thơ.

Không gian ấm cúng và nghệ thuật của sự kiện
Không gian ấm cúng và nghệ thuật của sự kiện

PGS.TS Cao Thị Hồng được nhiều người biết đến là một nhà giáo, nhà nghiên cứu, phê bình văn học có tư duy đổi mới, sáng tạo. Bên cạnh việc chú tâm viết nghiên cứu phê bình văn học và giảng dạy chị còn đam mê sáng tác thơ.

GS. TS. Viện sĩ - nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng , chia sẻ những cảm nhận về tập thơ và tặng quà chúc mừng tác giả
GS. TS. Viện sĩ - nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng , chia sẻ những cảm nhận về tập thơ và tặng quà chúc mừng tác giả

Nói về những đóng góp cho văn chương của nhà thơ Cao Thị Hồng, mở đầu sự kiện, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, người bạn thơ và cũng là người bạn tri âm từ thuở học sinh với nhà thơ Anh Hồng có những phác họa rất xác đáng: Chúng tôi có hai Cao Thị Hồng. Một thẳng thắn,  mạnh mẽ, sắc sảo và xông xáo trên các trang viết nghiên cứu phê bình. Một mong manh, thảng thốt, đầy tổn thương trên những dòng thơ. Hình như các nhà nghiên cứu làm thơ (ít nhất là ở Thái Nguyên) có sự giống nhau ở điều này.

Nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng cả nước có mặt tại Chương trình
Nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng trong nước có mặt tại Chương trình

Và nhà thơ phát hiện ra “Tôi và Đêm, Và…” là hành trình khám phá cái Tôi ở những chiều kích khác. Chị đồng tình với nhà lý luận phê bình văn học Trần Hoài Anh khi gọi tập thơ này là: Sự đối thoại với mình và tha nhân của cái tôi bản thể. Nhà thơ viết: “con người bé nhỏ như hạt bụi đi đi lại lại trên trái đất - bàn cờ giăng thế trận...”. Còn tôi thấy một Cao Thị Hồng mong manh đi đi lại lại trong một hành trình đêm dằng dặc suốt 10 năm, qua trùng trùng thế trận làm Người để hôm nay hiện ra trước ánh sáng Ngày với một dung mạo khác, một tầm vóc khác.

Anh Hồng: mong manh trong hành trình Đêm
Nhà phê bình văn học nghệ thuật Nguyễn Thanh Tâm và tác giả

Cùng chung tâm thế của nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, đến với buổi tọa đàm, các học giả, nhà phê bình, nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ có uy tín và đều là bạn văn chương của nhà thơ Cao Thị Hồng như: GS. TS. Viện sĩ - nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng, nhà thơ - hoạ sĩ Bàng Ái Thơ, Nghệ sĩ Ưu tú, diễn viên điện ảnh Văn Báu, Nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm, PGS.TS. nhà phê bình văn học Trần Thị Việt Trung, nhà thơ Nguyễn Đức Hạnh, nhà thơ Phạm Văn Vũ... đã đọc thơ và có những cảm nhận tinh tế về những sáng tạo nghệ thuật, những giá trị độc đáo của tập thơ.

Thầy trò Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm tặng hoa chúc mừng nhà thơ
Thầy trò Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm tặng hoa chúc mừng nhà thơ

“Tôi và Đêm, Và…” là tập thơ thứ ba, và là tập sách thứ 7 của Cao Thị Hồng. Về thơ, chị viết nhiều nhưng in thơ không nhiều. Từ tập “Mùa bánh kiến” (2006) đến “Người đàn bà qua hai mùa tóc” (2013) cho đến “Tôi và Đêm, Và…(2024)… mỗi tập xuất bản cách nhau 10 năm.

Luôn không vừa lòng với những gì mình viết ra, đặc biệt là thơ, như chị chia sẻ: Phải quyết tâm lắm mới dám in thơ… Với chị, thơ là nơi để cứu chính mình trong quá trình nghiệm sinh. Đời sống vốn vô thường, thơ như người bạn dìu dắt mình đi qua những tháng năm… qua những vui buồn, gian khó. Thơ - từ tiếng nói tâm tình của cá nhân sẽ trở thành tiếng lòng chung của bạn đọc và chia sẻ cùng mọi người những gì muốn nói! Mục tiêu cuối cùng để người được gần với người hơn… Và có lẽ tập “Tôi và Đêm, Và…” đã khắc họa rõ nét nhất điều đó.

Anh Hồng: mong manh trong hành trình Đêm
Nhà thơ Nguyễn Đức Hạnh trao đổi tại Chương trình

Tập thơ được chị viết trong những thời khắc đất nước chìm trong đau thương bởi đại dịch COVID-19. Những phận người, những ký ức… tất cả những hiện tượng dội vào chị đêm đêm khiến chị không thể nào ngủ được. Và chị đã viết như một sự giải cứu chính mình. Nhiều bài nửa đêm Anh Hồng ngồi dậy, viết một mạch đến sáng.

Tâm linh như chi phối, những con chữ được gọi ra từ tâm tưởng, nhập nhòa, xô lệch giữa thực và hư.  “Chị ơi! em chết rồi!/ em chết năm em tròn ba mươi lăm tuổi/ quê em miền Kinh Bắc…/ Bàn tay em mềm như lá úa mùa thu”(Bàn tay em mềm như lá úa mùa thu); “Và đêm đêm nối tiếp đêm đêm/ lang thang/ những em bé đó đây/ trên khắp trái đất này/ sống và chết/ mong manh như lá”…(Những em bé trong đêm); "Em đan tay dưới sợi sợi thời gian.../ nghe năm tháng hắt lên bao mùa tóc"... (Em đan tay dưới sợi sợi thời gian); "Cơn mưa chiều tê tái/ tang thương phủ trắng trời/ những đoàn xe chật ních xác người lương thiện/ phố trầm mặc cúi đầu/ hoàng hôn ứa máu/ chân trời/ tả tơi"... (Sài Gòn 2021...).

Anh Hồng: mong manh trong hành trình Đêm
Tác giả xúc động khi nghe thi sĩ Minh Thắng đọc thơ và đồng cảm với những thi phẩm của mình 

Sống với tận cùng cảm xúc đau đớn, dằn vặt của nhân vật và hóa thân thành người khác; những người phụ nữ mất chồng,  ly hôn chồng, người đàn ông chỉ còn hai mắt… Những giấc mơ với những người đã khuất, họ hiện về nói chuyện với chị. Chị đau đớn chia sẻ, cảm thông, viết lên những câu chữ xuất thần đầy ám gợi, nhân ái và đậm màu sắc hiện sinh.

Thầy và trò Trường THPT Chuyên Thái Nguyên tham dự chương trình 
Thầy và trò Trường THPT Chuyên Thái Nguyên tham dự chương trình 

Đồng cảm với những giây phút đối thoại trong “Tôi và Đêm, Và…”, nhà phê bình văn học Trần Thị Việt Trung chia sẻ: Tập thơ chinh phục tôi đó là một tư duy thơ mới mẻ và hiện đại mang màu sắc hiện sinh. Những sâu thẳm đó là tiếng nói của một người phụ nữ mang trái tim, tâm hồn của một trí thức Việt Nam rất đàn bà yếu đuối mong manh.

Anh Hồng: mong manh trong hành trình Đêm
Nhà nhà phê bình văn học Trần Thị Việt Trung nói về màu sắc hiện sinh của tập thơ  

Còn GS. TS. Viện sĩ - nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng người đã dày dạn kinh nghiệm và được ghi nhận trên văn đàn trong nước và nước ngoài sau khi thưởng thức những tác phẩm trong tập “Đêm và Tôi, Và…” đã thốt lên: Người làm thơ mở ra được một tập thơ như thế này cũng như là một nhà doanh nghiệp làm được một lâu đài. Đó là mồ hôi nước mắt là tâm huyết trí tuệ nhà thơ Anh Hồng. Nói về tôi, đối thoại về tôi nhưng cũng là đối thoại với tất cả mọi người để tìm ra điểm chung chân lý.

Tập thơ Đêm và Tôi, Và… gồm 32 bài thơ, trong đó đã có 27 bài lấy thi tứ từ “biểu tượng Đêm”, có 52 từ “đêm” được nhà thơ sử dụng trong các bài thơ. Và trong hành trình đêm thi sĩ Anh Hồng đã thấy được mình, chị nhận ra: con người bé nhỏ như hạt bụi đi đi lại lại trên trái đất - bàn cờ giăng thế trận.../ chiến tranh và hòa bình/ bình yên và dịch bệnh/ tiền bạc và quyền lực/ giàu và nghèo/ hơn thua, được mất.../ khóc, cười... những màn bi hài kịch.

Và trong buổi ra mắt tập thơ, còn rất nhiều những góc nhìn, những phát hiện  mới thú vị từ tập thơ đã được những các nhà thơ như: Nguyễn Đức Hạnh, Bàng Ái Thơ, Minh Thắng phát hiện và chia sẻ.

Kết thúc chương trình, tác giả Anh Hồng hạnh phúc: Qua buổi gặp gỡ, tôi càng thấm thía hơn sự đọc, sự tiếp nhận sáng tạo trên nền sáng tạo là vô cùng quan trọng. Mỗi người ở một góc nhìn khác nhau, đều có sự chia sẻ đồng cảm với tôi. Những sự đóng góp, cảm nhận của mọi người ngày hôm nay như một sự động viên, tiếp tục khích lệ tôi phải nỗ lực vượt qua giới hạn của chính mình trên hành trình thơ đầy sáng tạo.

Quang Khải

6 đã tặng

2

1

3

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy