An – Truyện ngắn dự thi. Vũ Kim Khoa
VNTN - Cái võng gai đã bục vài mắt trơn chuội, mềm oặt ẹo đang khóa chặt cái cẳng tay khoèo của An, nó không trở mình nổi để thay tư thế nằm và nó cố há ngoác miệng ra để hít không khí. Nhưng dãi dớt chẹn tắc vào khí quản khiến nó sặc nghẹn…Trái tim to lớn của An chợt nhói đau dữ dội. Người nó đẫm mồ hôi, mà toàn thân lập bập run vì cảm giác lạnh cứng bên trong. Giữa khoảnh khắc mọi thứ đang lịm dần, bễnh bãng và chao đảo theo những cú đạp yếu ớt của cái chân trái. An ảo mờ thấy điểm kết không tránh khỏi, khi trái tim bỗng như đập hụt. Cuốn nó nhao vào một khoảng hun hút sâu… sâu mãi… mọi thứ trên cơ thể An như tơi vụn ra, không còn liên kết được với nhau. Một cảm giác giải thoát trùm ngợp. An dễ dàng và nhẹ êm trút hơi thở cuối đời.
Nhà An đông anh em, nó là con thứ. Người ta lạ lùng là sao An vẫn sống được. Cả cái phần cơ thể thân trên của nó gập nghiêng hẳn sang bên phải. An như quả khế vẹo trôn. Khi mà những thứ vật chất bên trái phát triển bình thường, thì bên phải lớn lên với nhịp độ chậm. Những ngày trở giời cái phổi nhỏ bé của nó dường như không đủ cung cấp dưỡng khí cho quả tim đập liên tục, gấp gáp như vận động viên điền kinh đang trên đường đua. Ngày nóng An cởi trần thì thấy lớp da ngực của nó nhảy lật bật. Chắc số nhịp tim đập của An trong một phút phải gấp đôi số lần đập của một đứa trẻ bình thường khác. Người ta ngại ở gần, vì tiếng rít giật cục phát ra từ thanh quản của nó…
Nó lớn lên trong sự mặc cảm, tự ti. Nó không thích những ánh mắt ái ngại, sợ sệt, pha chút thương hại của người ngoài. Đông anh em, nhưng chẳng ai chơi với nó. Cái võng gai mắc ở góc nhà là lãnh địa chẳng ai tranh giành của An. Đến bữa, chị nó đơm cho một bát cơm tú hụ, mọi thứ đã được trộn đều, luôn có một cái thìa úp bên rìa bát. Nó ngồi trên võng, tay trái bê bát cơm đặt lên phần cong giơ lên của khuỷu tay phải teo tóp, cái bát luôn kề bên cằm, tay trái xúc ăn. Và cái bát luôn hứng được những hạt cơm rơi vãi khi nhai, hứng luôn cả dãi rớt trớt ra từ miệng nó.
Chẳng ai nghĩ cho An đi học, nhưng cái lớp học i tờ dạy lũ trẻ từ bảy đến chín tuổi lưu động của làng nay ở nhà này, mai chuyển sang nhà khác cuốn An theo. Thầy giáo Tứ cho nó vào lớp, nhưng mấy đứa con gái kêu nó ồn ào không muốn ngồi chung. Cuối cùng thì thầy giáo đành chấp nhận cho nó ngồi bệt nơi bậu cửa. Tuy vậy khi vào lớp một là phải làm học bạ, phải đến trường tận làng bên, thì An không được học tiếp. Chỉ có vậy, nhưng An cũng biết đọc. Sách vở cũ thải ra của anh chị nó là niềm vui để An làm quen dần với những kết cấu của con chữ…
An đã quen với việc sống lủi thủi một mình. Mẹ nó nhận một con nghé hoa của hợp tác xã về nuôi. Và từ đó An như cái sẹo trâu gắn vào mũi con nghé. Cũng nhờ vậy, cả nhà như được giải thoát khỏi An. Chỉ khi tối sấp mặt nó mới cho nghé về chuồng, ăn bát cơm nguội lạnh tanh toát mọi người để phần đặt trong lồng bàn, rồi lên võng khò khè ngủ. Những ngày bình thường An chỉ tra tấn gia đình mình. Nhưng vào những ngày trái gió trở trời An tra tấn cả xóm. Cái thanh quản của nó khi đó co lại, có tác dụng như cái khe hẹp của chiếc còi. Lúc hít vào thì phát ra tiếng rít; khi thải khí ra tạo nên tiếng rít còn chối tai hơn. Những chu kì cứ giật cục, khọt khẹt vì dồn nén đờm dãi. Mới đầu thì mọi người chờ đợi cái tiếng khạc cuối cùng thoát ra khỏi miệng An, cùng với nhúm phổi bật ra từ trong ngực nó. Nhưng rồi mãi thành quen. Xóm làng vẫn ngủ yên lành, như vẫn yên lành trong những đêm mưa, khi mà ếch nhái động tình ầm ĩ tìm nhau trong ao đầm. An vẫn sống và chật vật lớn cùng con nghé hoa.
Để chữa bệnh, ngoài mấy viên thuốc ABC ra, An dùng duy nhất thứ cây rẻ quạt. Mỗi lần đau phế quản, nó lại dứt một mẩu lá. Nhai nuốt thứ nước xanh nhờ nhợ vào họng, thoạt đầu thấy mát, nhưng chỉ sau một lát là cảm giác rát bỏng nơi vòm họng. Và nhờ thế An dễ thở hơn, do thông thoáng đường khí quản.
Bà Sượt là hàng xóm, một lần mắng anh nó: “Chúng mày phải cưu mang thằng An, nó đang gánh họa cho cả nhà mày đấy! Anh em mày năm sáu đứa. Một lũ lốc nhốc trai, gái khỏe đẹp như tranh. Giời đầy đọa nó, chứ chúng mày không được ghẻ lạnh với nó mà phải tội!”. Bà Tân mẹ của An, lặng lẽ nuốt nước mắt vào lòng. Mỗi khi nó đau ốm, nhìn những dẻ xương sườn của con một bên thì vồng lên, một bên cứ lép lại. Bà luôn cảm thấy mình có lỗi và lòng se sắt vì bất lực…
Thằng Hóa là đứa bạn chăn trâu duy nhất của An, hai thằng cùng xóm với nhau. Hóa chắc nịch và nghịch ngợm. Đưa trâu ra khỏi làng là nó giao cho An chăn dắt. Nó biến đi biệt tăm tích, rủ rê những đứa khác lần mò bới khoai, vặt trộm dưa, đơm cá và đánh nhau với bất kể thằng nào gây sự với nó. Hóa có mấy đứa em gái, ngoài những buổi học trên lớp chúng ít khi ra khỏi nhà. Hóa như một con lợn độc trong rừng trúc. Nó đơn thương quậy phá và không ít lần no đòn vì bị những thằng có đông anh em xúm vào dần cho tơi tả. Những đứa khác mà bị như thế thì sợ mà tránh xa. Nhưng thằng Hóa lì lợm luôn tìm cách đòi trả lại những gì mà nó phải nếm trải. Một lần thằng Hóa đang bị hai anh em thằng Minh đè xuống bên bờ đất. Đang trong thế thắng, thằng Minh lấy khuỷu chân đè vào cổ thằng Hóa. Lũ trẻ trâu đứng vòng ngoài không dám can thiệp. Mặt thằng Hóa tím dần vì ngạt, chỉ tí nữa là thằng Hóa chết ngạt… Chợt một hòn đất cày phơi ải bay bộp vào đầu thằng Minh. Bụi đất vụn ra rơi phủ trắng khuôn mặt tái tím của thằng Hóa. Và thằng Minh ngất lịm ngã đè ngay lên chân thằng Hóa. Cả lũ nhìn ngược lại hướng hòn đất bay, thì thấy thằng An mắt vằn lên vẻ sắc, lạnh. Bàn tay lành của nó đã nắm chặt một hòn đất tiếp theo, sẵn sàng ném vào bất kể ai lao về phía nó! Cả lũ chững lại lộ vẻ ngạc nhiên. An nổi tiếng với phía tay lành, bên tay không những biết gánh vác mọi nhiệm vụ của cánh tay phải tàn tật trút sang, mà còn khéo léo “điệu nghệ” nữa. Không đứa nào có thể cầm mảnh sành mà ném chành vảnh nhảy trượt trên mặt nước được cả chục bước như An. Đi xem phim “Những kẻ báo thù không thể bị bắt” của Liên Xô về, lũ trẻ bắt chước thửa những con dao găm bằng tre, hay gỗ bạch đàn và thi nhau tập phi vào những cây chuối. Chúng tập mãi mà chẳng đến đâu, nhưng với An thì khỏi nói: dù nắm ở phần nào của thân dao, nó cũng “tiu” được mũi dao cắm ngọt vào thân chuối!
Từ cú ném được bọn trẻ trâu thêu dệt ly kì thêm, thì thằng Hóa đã đương nhiên có đồng minh trong những cuộc chiến. Một chọi một thì mấy thằng lớn tuổi hơn còn ngán thằng Hóa. Muốn chơi hội đồng thì thằng nào cũng muốn tránh “củ đậu bay” của thằng An. Rồi lũ trẻ cùng với năm tháng cũng đã biết tìm tiếng nói hòa hợp với nhau.
Khi An mười bốn tuổi thì hợp tác xã có liên hoan, ông Chủ nhiệm hợp tác xã nghĩ ngay đến con trâu béo mẫm của thằng An. Chỉ một con trâu, mà có thể chia cho mỗi hộ cả một suất thịt. Bộ lòng, ong sách và cái thủ Ban chủ nhiệm hợp tác xã ăn tập đoàn. Thằng An tối ấy không về nhà, bà Tân mẹ nó phải sang nhà thằng Hóa nhờ đi tìm An. Tối đó thằng Hóa lần đầu tiên ngủ chung với thằng An. Hai đứa rủ nhau ra cái lều coi dưa giữa cánh đồng và thằng Hóa cũng lần đầu tiên thấy thằng An khóc. Nhập nhoạng qua ánh lửa rơm, nó ngạc nhiên vì xưa nay chỉ thấy An hen, An rít. Nó chưa thấy An nước mắt, nước mũi rều rệu như vậy bao giờ. Cánh tay của chiếc áo mặc lại của anh nó ngấm sũng nước mắt và dãi rớt. Thằng Hóa mắng: Thôi, khóc làm đ… gì? Chiều nay tao cũng không ăn thịt xào rau muống từ con trâu của nhà mày! An thương con trâu, người bạn thân thiết nhất của nó và cũng là ân nhân của nó… Cái đận nó tưởng rằng sẽ không tránh được cái chết, khi cùng với con trâu kết thành cặp đang trên bờ đê. Giữa cánh đồng cách xa làng cả ki lô mét thì trời đổ mưa. Cơn mưa cuối hạ đến sầm sập khiến nó không tìm được chỗ trú. Những giọt mưa nặng như những hạt bắp nghiêng theo gió quất sàn sạt vào mặt và dứt bay cái mũ lá lăn dọc mép bờ đê; trước khi rơi xuống sông nổi bập bềnh xuôi theo nước. Năm phút. Mười phút. Rồi cả giờ đồng hồ mà mưa vẫn không ngớt. Giữa ban ngày mà trời đen sậm sịt. Sét đánh liên hồi và nó run lập bập vì rét và vì sợ. Cái lạnh bó cứng hàm và phần thân thể què quặt của nó co rút đau tê dại.
Đơn độc và bị dập vùi, nó yếu đuối như con bướm nằm ngửa dưới làn nước. Con trâu mới đầu còn có ý tháo chạy về chuồng, nhưng vì An vẫn nắm chặt đầu dây thừng khiến nó không ngẩng cặp sừng lên được. Cuối cùng trâu dừng hẳn, đứng chôn chân trên bờ đê đợi hết mưa. Lạnh và ướt run lẩy bẩy như con gà rù. Theo bản năng, An lết người vào dưới bụng con trâu để tránh mưa và dựa vào hơi ấm tỏa ra từ đó. Nó khò khè nặng nhọc thở… Chẳng biết An ngất lịm đi trong bao lâu. Nó mơ màng cảm nhận cái lưỡi của con vật ráp và ấm liếm vào tóc, vào mặt khiến nó dần nhận ra trời đã tạnh tự lúc nào. Và nó mừng khôn xiết vì biết mình vẫn còn thở. Cơn hen và trận mưa đã làm An cảm lạnh. Nó giật nhẹ cái dây thừng vẫn cuộn trong bàn tay lành. Và con trâu hiểu ý lững thững kéo An chầm chậm về làng. Đất bùn bết thành mảng dưới chân khiến An không tiến nhanh được. Anh trai nó đi học về không thấy em ở nhà vội ra đồng tìm An. Nó cõng thằng em trên lưng chạy về nhà thay quần áo và mẹ nó xoa dầu khắp mình mẩy. Chỉ sau vài bữa An lại dắt trâu đi chăn như không hề có trận mưa hôm trước. Nhưng từ đó dưới mắt An, con trâu đã không chỉ còn là bạn.
Người ta thịt mất trâu của An, nhưng cánh đồng làng vẫn là nơi nó dành cả ngày ngoài đó. Bữa cơm gia đình cần con cua cho nồi canh rau đay mồng tơi. Ngày đông thì góc bếp luôn cần hơi ấm của cái niêu đất kho cá trong đám trấu lom rom ngọn khói xanh… Một tay, người nhấp nhổm đi như cái mô rạ, vậy mà An bắt cua và be đậy chẳng kém ai. Cứ sau buổi học, thằng Hóa lại lêu lổng ngoài đồng với An, hai đứa đều thích nuôi chim. Những con chích đồng làm tổ trên ruộng cỏ, hay mấy con nhạn nâu đẻ trứng lăn lóc bên bờ đất. Thằng An kiên trì rình kỳ được những nơi chúng xây tổ, nuôi con… An luôn bị chị nó mắng té tát vì trong túi áo, túi quần nếu không nhầy nhụa cào cào, châu chấu bị cấu chân làm thức ăn nuôi chim, thì cũng bết bát cứt chim nằm dưới đáy…Hôi hám và cáu bẩn, giặt tốn xà phòng mà vẫn không sạch được. Vào mùa thu, mùa đông rơm rạ bừa phứa ngoài đồng. Hai thằng luôn có một cái mồi rơm, mỗi khi xoay ngược ra hướng gió thì đầu cái mồi rơm đỏ rực than hồng. Cái mồi rơm giữ hơi ấm cho chúng, cái mồi rơm còn có khả năng nướng chín những con muỗm béo nần nẫn to bằng đầu ngón tay trẻ con. Trước khi chiều tàn thì miệng hai đứa bóng nhẫy mỡ dính nhem nhuốc tro than…
Buổi tối hai đứa hay ra mép làng, nơi gió đông nam như cuốn toàn bộ hương đòng đòng từ thửa ruộng lúa nếp ở gần đó lại. Hít thở thứ hương lúa ngạt ngào khiến cái phổi của An như được mở rộng. Nó phấn chấn khoe với Hóa nội dung những quyển truyện đang đọc. Trước đó An đã từng bị anh nó cốc bươu đầu vì để dãi dớt làm loang lổ quyển Ruồi Trâu. Thằng Hóa thừa biết, không chỉ nước dãi, mà còn cả nước mắt của An ngấm vào sách. Khi đọc Ruồi Trâu một mình ngoài cái lều giữa cánh đồng An đã khóc rất nhiều. An trơ với nỗi đau của bản thân, nhưng không cầm lòng với những nỗi trắc trở của người khác. An còn có trí nhớ siêu phàm, nó nhớ cả đoạn ấy, tình tiết ấy… nằm ở trang nào trong quyển sách dày hàng trăm trang.
Rồi khi thằng Hóa trượt không thi được vào cấp ba bị mẹ nó chửi té tát, nó tự ái ra lều ngủ cả tháng với An. Đến chuyện sau này cái Huế hơn chúng nó hai tuổi ở xóm ngoài vẫn luôn mượn cớ ra đồng đem theo khoai luộc cho hai đứa. Cái lều chật, thằng An nằm co một góc bên ngoài. Cái Huế và thằng Hóa rúc vào bên trong. Mặt cái Huế đỏ như trái lựu, ánh mắt lúng liếng cứ xoáy miết vào thằng Hóa. Sau vài buổi chúng gắn chặt lấy nhau, coi An như không có mặt ở đó. Lần đầu tiên thằng An nhìn thấy thân thể đứa con gái mới lớn ngồn ngộn trắng cứ vồ vập lên thằng Hóa. An phải lủi ra sau lều bởi nó thấy nơi sườn trái nóng như bị mặt trời hun và cậu nhỏ của nó săn cứng khó chịu bất giác trào ra thứ nước nhầy nhụa lép nhép như dãi dớt của nó. Nó thoáng sợ, khi thấy cái chân lành trong một chốc cũng bại hoại như phần thân thể vô dụng của nó… Tiếng rên hổn hển của hai đứa bạn và những ly kỳ tình ái từ những câu chuyện nó gom nhặt được trong các trang sách đã phá vỡ một thứ gì đó trong cơ thể què quặt của An…
Mười bảy tuổi. Thằng Hóa thỏa mơ ước được bay nhảy, nó khám sức khỏe, rồi trúng tuyển đi tận mỏ Mông Dương làm than. Một buổi trưa cái Huế sà vào lều và khóc tức tưởi. Đã hơn hai tháng thằng Hóa không về và cũng chẳng thư từ gì… Huế vạch cho An xem cái bụng đang nhọn lên của nó. Nó tục tĩu chửi thằng Hóa đủ điều. Và nó nói với An tuần sau nó đi lấy chồng. Bố mẹ nó muốn hợp thức cái thai đang lớn lên của con gái… Huế còn nói trong lúc rên rỉ khóc: Nếu An không là anh họ, nó sẵn sàng lấy An làm chồng để trả thù thằng khốn nạn bạc tình!
Khi trước Hóa thường bộc bạch những mơ ước của nó với An. An thì chẳng bao giờ nói mình mơ ước điều gì với ai, nhưng An biết mình muốn sống. Và mỗi buổi sáng thức dậy, sau những đêm mộng mị nặng nề An mừng lắm vì thấy mình vẫn còn thở. Ngày nhỏ An chứng kiến ông Việt cầm cái lông gà đặt lên mũi cụ Hồi. Ông nhìn chăm chú một lúc, khi thấy cái lông gà không còn động đậy, ông buông một câu như để thông báo với mọi người đang nhìn ông dò hỏi: Cụ đã tắt thở. Cụ đi rồi! Từ đó An biết nếu người ta không còn thở, là người ta đã chết và người ta đi sang thế giới bên kia…
An không biết thế giới bên kia nó thế nào. Nhưng cái thế giới nó đang sống còn ăm ắp điều hấp dẫn và cây chanh bên bờ ao năm nay quả kéo cành sà sát mép nước. Nó có thể mỗi đêm bứt một quả bỏ vào túi áo rỉa rót dần lớp vỏ cho vào miệng. Mùi dầu từ vỏ chanh làm thông đường họng, ngoài ra vị thơm sảng khoái cay ran ran đầu lưỡi luôn kích thích An tỉnh táo, mạch lạc suy ngẫm. An nghiện vỏ chanh, như bố An nghiện thuốc lào vậy.
Tối qua An đi ngủ muộn, nó co mình trong cái lạnh đầu thu. Cảm giác có gì đó khác lạ đang thay đổi trong cơ thể. Nó nhận ra những cơn tức ngực dịp này luôn xuất hiện. Từ ngày Hóa đi công nhân, bà Tân không cho An đêm đến ngủ một mình ở ngoài lều nữa. Khi chiều An chợt nhận ra nền trời xanh kì lạ. Nó lẩn thẩn quanh nhà thu dọn cái giỏ, cái nơm. Nhìn cái dây thừng gác bếp lâu ngày bồ hóng phủ dày nó tứa nước mắt quặn lòng nhớ con trâu… Động đến thứ gì, An cũng thấy chộn rộn một niềm thân thiết ngơ ngẩn. Hình ảnh bốn chân của con vật bị dây thừng trói chặt, năm sáu người kéo làm con trâu đổ bịch xuống nền đất và tiếng thở nặng nhọc của nó đuổi theo mãi những bước chạy và những cú vấp ngã của An chợt hiện về… Gan ruột An chộn rộn như có một bàn tay vô hình đang dứt, xé trong đó.
Ông Tân bố của An cùng với người thợ mộc cắt ghép mấy cái cánh cửa cũ từ lâu chẳng biết làm gì, được hợp tác xã chia cho khi phá ngôi đình làng để làm quan tài cho An. Đám tang không một bông hoa và đương nhiên cũng không có vòng hoa trắng. Cả làng đi đưa An ra đồng. Mọi người chợt nhận ra từ nay sẽ không còn thấy An bập bễnh trên đường. Sau ngày mất trâu, dân làng thấy nó côi cút như con cò lặng lẽ mò tép bên ruộng nước. An vô hại và tốt bụng với mọi người…
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...