Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
01:42 (GMT +7)

Ai đã cử Bùi Viện đi sứ sang Hoa Kỳ?

VNTN - Tôi đã được đọc bài “Người Việt Nam đầu tiên làm báo trên đất Hoa Kỳ” của tác giả Chu Huy Sơn, đăng trên Văn nghệ Thái Nguyên số 26 ra ngày 25/6/2019, trong đó có đoạn: “Theo sử liệu chính thống, vào đầu thập niên 1870, vua Thiệu Trị đã cử sứ thần Bùi Viện dẫn đầu phái bộ sang Hòa Kỳ cầu viện”.

Trước khi trao đổi với tác giả, xin được nói đôi chút về vua Thiệu Trị, và sứ mạng đi sứ của Bùi Viện:

Vua Thiệu Trị là con trai trưởng trong số 142 người con của vua Minh Mạng. Tên khai sinh của vua Thiệu Trị là Nguyễn Phúc Miên Tông, sinh năm 1807. Nối ngôi cha từ năm 1840, cuộc đời làm vua của vua Thiệu Trị không dài, và cũng không để lại dấu ấn gì nổi trội, ngoại trừ ông là người thích làm thơ và làm khá nhiều, nhưng thơ của ông không mấy nổi tiếng.

 

Chân dung cụ Bùi Viện Nguồn: Internet

Sau gần 7 năm trị vì, vua Thiệu Trị dự định truyền ngôi cho con trai trưởng là Nguyễn Phúc Hồng Bảo, nhưng Hồng Bảo lại là người hay “la cà, lêu lổng, ăn chơi trác táng”, nói năng không cẩn trọng, thiếu suy nghĩ. Mặc dù đã được nhiều lần nhắc nhở song Hồng Bảo vẫn chứng nào tật ấy, nên vua Thiệu Trị đổi quyết định, và truyền ngôi cho người con trai thứ là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (vua Tự Đức sau này).

Vua Thiệu Trị ở ngôi 7 năm và mất vào tháng 9/1847, thọ 40 tuổi. Nguyễn Phúc Hồng Nhậm kế nghiệp, đặt niên hiệu là Tự Đức, và làm vua xấp xỉ 36 năm từ năm 1847 đến 1883 thì từ trần, thọ 54 tuổi (1829 - 1883).

Còn Bùi Viện sinh năm 1839, quê ở làng Trình Phố, tổng An Hội, phủ Kiến Xương - nay là xã An Ninh, Tiền Hải, Thái Bình. Năm 1864, ông đỗ Tú tài, năm 1868 đỗ Cử nhân, sau đó thi Hội 2 lần nhưng đều không đỗ. Ông là một quan chức của triều Nguyễn, và được triều đình cử đi sứ hai lần sang Hoa Kỳ cầu viện sự giúp đỡ của Hòa Kỳ để chống lại Pháp đang mở rộng chiến tranh ra miền Bắc và miền Trung. Lần thứ nhất vào năm 1873, nhưng khi đi, Bùi Viện không mang theo quốc thư, nên Tổng thống Grant yêu cầu phải có quốc thư mới có cơ sở đàm phán và ký kết Hiệp ước; ông tức tốc quay về và trình lên vua Tự Đức, nhà vua lại ủy thác ông mang quốc thư trở lại Hoa Kỳ vào năm 1875, nhưng khi sang tới nơi thì Tổng thống Grant đã từ trần*, Tổng thống Hayes kế nhiệm từ chối giúp đỡ, ông thất vọng trở về Việt Nam.

Hai chuyến đi sứ sang Hoa Kỳ của Bùi Viện vô cùng gian nan vất vả, vì ông phải đi bằng đường biển theo hành lang: cửa biển Thuận An (Việt Nam) - Hồng Kông - Yokohama (Nhật), rồi vượt Thái Bình Dương sang San Francisco, rồi từ đó vượt đường bộ sang thủ đô Washington. Tức là từ bờ biển miền Tây sang gần bờ biển miền Đông nước Mỹ. Trong chuyến đi lần thứ hai, khi về đến Nhật thì ông được tin mẹ mất. Ông về đến Kinh đô Huế báo cáo lên vua Tự Đức, rồi xin về quê chịu tang mẹ. Hai chuyến đi dù không thành công, nhưng vua Tự Đức vẫn đánh giá cao công lao của ông: “Trẫm đối với ngươi chưa có ân nghĩa gì mà ngươi đã coi việc nước như việc nhà, không quản xa xôi, lo lắng; quỷ thần ắt cũng chứng cho” (Bang giao trong lịch sử Việt Nam - Nguyễn Thế Long, Nxb Giáo dục, 2005). Ông bị bệnh và mất tại Huế tháng 11/1878, thọ 39 tuổi.

Tóm lại: Năm 1847, vua Thiệu Trị từ trần thì Bùi Viện mới có 8 tuổi. Năm 1873, Bùi Viện được cử đi sứ lần 1 sang Hoa Kỳ thì vua Thiệu Trị đã “đi xa” từ 26 năm về trước, nên ông không thể cử Bùi Viện đi sứ. Vua Tự Đức mới là người cử Bùi Viện đi sứ hai lần sang Hoa Kỳ vào năm 1873 và 1875. Không biết tác giả Chu Huy Sơn đã khai thác ở nguồn “sử liệu chính thống” nào? Có sự nhầm lẫn chăng?.

Nguyễn Đình Thưởng

(*) Theo Báo Thế giới số Xuân 2006 Bính Tuất thì Tổng thống Grant còn tại vị đến năm 1877.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy