Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
14:36 (GMT +7)

50 năm phiên họp đầu tiên Hội nghị 4 bên về vấn đề Việt Nam

VNTN - Trước sự đấu tranh quyết liệt của ta và sức ép của dư luận quốc tế và nội bộ Mỹ, nhất là sự thất bại của biện pháp chiến lược "tìm diệt" và "bình định", dẫn đến sự phá sản của chiến lược "chiến tranh cục bộ" của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, ngày 04/01/1969, Bộ Ngoại giao chính quyền Sài Gòn công bố thông cáo về vấn đề thủ tục của Hội nghị Paris, cố dàn xếp chiến thuật đàm phán hai phe. Những đề nghị đó gồm 6 kiểu bàn mới, bằng cách này hay cách khác thể hiện sự hiện diện của hai phe đối diện nhau trong một cuộc tranh chấp trong ý niệm của "một hội nghị song phương". Thực chất chiến thuật của chính quyền Sài Gòn là cố gắng bác bỏ tư cách độc lập của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, phá bỏ nguyên tắc mà chính họ đề ra (nguyên tắc vấn đề miền Nam Việt Nam do các bên miền Nam Việt Nam tự giải quyết).

Sớm nhận biết được toan tính này, ngay sau khi kết thúc đàm phán hai bên, phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa tỏ rõ lập trường đàm phán bốn bên, các phái đoàn phải độc lập, bình đẳng với nhau, nhưng cả Mỹ và chính quyền Sài Gòn đều ra sức cự tuyệt. Để giải tỏa sự bế tắc, Đại sứ Liên Xô tại Pháp Borodenko đưa ra gợi ý về vấn đề thủ tục của Hội nghị Paris, theo đó, bàn hội nghị là một bàn tròn, hai đầu đặt một bàn chữ nhật cho thư ký, các phài đoàn tham gia sẽ không đề bảng tên và cắm cờ; thứ tự phát biểu sẽ được quyết định bằng cách nhờ nước chủ nhà Pháp rút thăm. Đây là một giải pháp mang tính dung hòa có sự nhượng bộ của các bên và không thể hiện đó là cuộc đàm phán bốn bên hay hai bên.

Ngày 16/01/1969, không còn lý do để trì hoãn, Bộ Ngoại giao chính quyền Sài Gòn công bố thông cáo chấp nhận đàm phán. Tuy nhiên, trong thông cáo, chính quyền Sài Gòn cố tình nhắc lại nhiều lần các cụm từ "hai bên", "phía ta", "phía bên kia", với âm mưu khẳng định lập trường hai phe trong đàm phán.

5 ngày sau khi Tổng thống Lyndon Johnson rời khỏi Nhà Trắng, Richard Nixon lên nắm quyền, 10h30 ngày 25/01/1969, phiên họp đầu tiên của Hội nghị 4 bên về vấn đề Việt Nam gồm: Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, chính thức khai mạc tại Paris.

Phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa do ông Xuân Thủy làm trưởng đoàn, ông Lê Đức Thọ làm cố vấn đặc biệt; phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam do ông Trần Bửu Kiếm làm trưởng đoàn, bà Nguyễn Thị Bình và ông Trần Hoài Nam làm phó trưởng đoàn. Phái đoàn Mỹ do ông Averell Harriman làm trưởng đoàn; phái đoàn Việt Nam Cộng hòa do ông Phạm Đăng Lâm làm trưởng đoàn, Nguyễn Cao Kỳ làm cố vấn.

Hội nghị 4 bên về vấn đề Việt Nam đánh dấu một giai đoạn mới của cuộc chiến tranh Việt Nam: đọ sức trên mặt trận ngoại giao đồng thời với đọ sức trên chiến trường; với Việt Nam là tạo cục diện "vừa đánh vừa đàm". Hội nghị Paris về Việt Nam là mũi nhọn và tiêu điểm của mặt trận ngoại giao của ta thời chống Mỹ, cứu nước.

Thế giới gọi Hội nghị Paris về Việt Nam là "cuộc hòa đàm thế kỷ". Bởi đó là cuộc đàm phán để chấm dứt một cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ 20, cuộc chiến tranh diễn ra trên phạm vi một nước, nhưng lại là tiêu điểm của những mâu thuẫn và xung đột mang tính thời đại: giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, giữa hòa bình và chiến tranh.

Cuộc đấu tranh này tiêu biểu cho cuộc đối đầu giữa hai nền ngoại giao đối lập nhau. Một bên là nền ngoại giao cách mạng, trưởng thành qua đấu tranh thực tiễn của hai cuộc kháng chiến cứu nước, dựa vào chính nghĩa và sức mạnh của dân tộc, kế thừa truyền thống ngoại giao của dân tộc mấy nghìn năm văn hiến. Một bên là nền ngoại giao của một đế quốc đầu sỏ, có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh nhất thế giới, nhiều mưu mô, thủ đoạn và luôn luôn muốn thương lượng trên thế mạnh.

Cả ta và đối phương đều đến Hội nghị Paris với những mục đích và đòi hỏi đối lập nhau. Tới tháng 5/1969, Hội nghị 4 bên đã trải qua 14 phiên, nhưng không đạt được tiến triển nào đáng kể. Ngày 08/05/1969, phái đoàn Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã đưa ra "Giải pháp hòa bình 10 điểm" bao gồm: 1) Tôn trọng các quyền dân tộc, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được quy định trong Hiệp định Geneve 1954 về Việt Nam; 2) Quân đội Mỹ và quân đội nước ngoài thuộc phe Mỹ phải rút hoàn toàn khỏi Việt Nam, hủy bỏ các căn cứ của Mỹ tại Việt Nam; 3) Vấn đề các lực lượng vũ trang ở miền Nam Việt Nam sẽ do các bên ở Việt Nam giải quyết; 4) Nhân dân miền Nam Việt Nam tự giải quyết công việc nội bộ của mình, tự quyết định chế độ chính trị tại miền Nam Việt Nam bằng tổng tuyển cử tự do, bầu quốc hội lập hiến và chính phủ liên hiệp; 5) Miền Nam Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại trung lập, hòa bình, công nhận chủ quyền và biên giới của Campuchia và Lào, lập quan hệ ngoại giao với Mỹ. Sẵn sàng tiếp nhận viện trợ kinh tế, kỹ thuật của mọi quốc gia không kèm theo điều kiện chính trị ràng buộc; 6) Việc thống nhất Việt Nam. Được thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình. Trong khi chờ thống nhất, hai miền tái lập quan hệ bình thường, giới tuyến quân sự giữa hai miền tại vĩ tuyến 17 chỉ có tính chất tạm thời; 7) Trong khi chờ thống nhất, hai miền Việt Nam không được thiết lập liên minh quân sự với bất kỳ quốc gia nào; 8) Hai bên sẽ thương thảo về việc trao trả tù binh; 9) Các bên thỏa thuận về một sự giám sát quốc tế. Đối với việc rút quân đội Mỹ và đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam; 10) Tất cả các phe phái sẽ thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời.

Tuy nhiên, Hội nghị lại lâm vào bế tắc, khi Mỹ đưa ra đề xuất 08 điểm ngày 14/5/1969. Ðây là thủ đoạn của chính quyền Nixon nhằm tìm cách kéo dài hội nghị để giành thế mạnh trên chiến trường, đồng thời vẫn bám giữ điều kiện: yêu cầu hai bên "cùng rút quân", khôi phục khu phi quân sự và duy trì chính quyền Sài Gòn (có nghĩa là tiếp tục duy trì chế độ thực dân mới ở miền Nam, chia cắt lâu dài Việt Nam); tôn trọng Hiệp định Geneve năm 1962 về Lào; tôn trọng chủ quyền Campuchia. Lập trường trên đây của Mỹ nhằm đặt ngang hàng kẻ xâm lược và người chống xâm lược.

Ngày 10/6/1969, phái đoàn Cộng hòa miền Nam Việt Nam cử Ngoại trưởng Nguyễn Thị Bình thay ông Trần Bửu Kiếm làm trưởng đoàn. Trong phiên họp ngày 12/6/1969, ông Hà Văn Lâu tuyên bố: Việt Nam Dân chủ cộng hòa công nhận Cộng hòa miền Nam Việt Nam là người đại diện duy nhất và hợp pháp cho nhân dân miền Nam. Sau đó, có 23 quốc gia công nhận và 21 quốc gia đặt quan hệ ngoại giao với Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Mỹ càng leo thang chiến tranh thì tỉ lệ người dân Mỹ ủng hộ chiến tranh tại Việt Nam càng giảm đi, từ mức 78% năm 1966 xuống còn 32% năm 1969; điều này đã gây áp lực lớn lên phái đoàn Mỹ tại Hội nghị 4 bên. Một mặt, chính quyền Nixon triển khai chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", mặt khác đẩy mạnh ngoại giao xích lại gần Trung Quốc để cô lập Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Tháng 8/1969, cố vấn Lê Ðức Thọ và cố vấn Henry Kissinger bắt đầu đối thoại trực tiếp; vấn đề tù binh Mỹ bắt đầu được nêu ra. Trong các phiên họp, ta vẫn kiên trì lập trường đòi Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân đội và vũ khí ra khỏi miền Nam Việt Nam, xóa bỏ chính quyền bù nhìn tay sai, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam... trong khi phái đoàn Mỹ và Việt Nam cộng hòa đã cố tình lảng tránh thảo luận các vấn đề chính, nhằm chờ thời cơ "đánh gục" Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trên chiến trường và kết thúc đàm phán. Phía Mỹ áp dụng chiến thuật "xé lẻ" các phiên thảo luận, chỉ đưa ra một vấn đề trong một phiên thảo luận và không đi vào các nội dung cốt lõi. Trước áp lực của dư luận, phái đoàn Mỹ đã nhiều lần đề nghị họp kín, không công khai thông tin cho báo chí...

Mỹ tiếp tục thực hiện các hành động phiêu lưu quân sự mới ở cả hai miền Nam Bắc Việt Nam và lấn sâu vào một cuộc chiến tranh hao người, tốn của. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam càng đánh càng mạnh. Cuối cùng, Mỹ phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27/01/1973. Đến ngày 29/3/1973, lính Mỹ đã cuốn cờ rút khỏi miền Nam Việt Nam.

Vũ Khanh

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy