Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
13:56 (GMT +7)

Dặm trường vời vợi xa

Chấm tác phẩm Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Miền núi phía Bắc 2013 tại Thái Nguyên. Ảnh: Q.K

Dễ cũng đã tới vài chục năm, nhiều nhà quản lý ở Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam có mong muốn rằng những nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng sẽ được nhà nước phong tặng các danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân; Nghệ sĩ ưu tú như bên điện ảnh, hoặc sân khấu; biểu diễn… Đương nhiên mọi toan tính nhằm để khẳng định thang bậc giá trị của một cá nhân, động viên tinh thần cho những hội viên đã góp nhiều công sức cống hiến bằng các tác phẩm xuất sắc phục vụ đời sống văn hóa của nhân dân, thì đều được coi là lành mạnh và cần thiết.

Nhưng trải qua đã mấy nhiệm kỳ, kết quả đến nay vẫn chỉ là con số không tròn trĩnh. Và đợi mãi thành mòn mỏi, nên những “Nghệ sĩ” của Hội NSNA Việt Nam dường như cũng đành bằng lòng với các danh hiệu (có người cho là tự phong): EVAPA, EVAPA/G... Là những chữ cái đầu của Anh ngữ: Excellence Artist of Vietnam Association of Photographie Artist/ Gold (Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc, nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc bậc cao). Nó không những xa lạ với phần đông người Việt, mà còn gây khó nhớ cho chính những người đã được Hội NSNA Việt Nam cấp thẻ hội viên và trao tặng danh hiệu đó, bởi đại đa số các nghệ sĩ nhiếp ảnh của chúng ta chỉ nói và viết bằng tiếng Việt.

Vậy nguyên nhân từ đâu mà mong muốn của giới nhiếp ảnh đến nay vẫn chỉ nằm trong “miền ước” của một giấc mơ và hoặc vì thứ đó nằm ngoài tầm với - nên đành buông xuôi, rồi cố quên nó đi nhằm không phương hại đến những đam mê mà số phận đã đặt vào đôi tay, chiếc máy ảnh để sáng tạo và săn tìm cái đẹp…? Nay nghe trên diễn đàn Quốc hội có người đứng ra đòi quyền lợi cho đội ngũ những người cầm máy, thì thấy mừng đấy, nhưng cũng thấy băn khoăn quá đỗi với câu hỏi: Trong những NSNA Việt Nam hiện nay, ai sẽ xứng đáng được trao danh hiệu đó? Vậy chúng ta cùng thử tìm hiểu về những khó khăn nào sẽ phải vượt qua, để một ngày kia ai đó đủ điều kiện được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhiếp ảnh nhân dân”…?

Xét về góc độ tổ chức

Theo Chinhphu.vn thì Chính phủ đã ban hành Nghị định 40/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”, trong đó có sửa đổi một số vấn đề ở chuyên mục thi đua khen thưởng và đã khẳng định danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” là danh hiệu cao nhất mà Nhà nước trao tặng cho những người hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Thẩm quyền quyết định thuộc về Chủ tịch nước; cơ quan trực tiếp thực hiện là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các cơ quan phối hợp gồm: UBND cấp tỉnh, Sở VHTTDL, Bộ Quốc phòng, Đài tiếng nói Việt Nam…

Một bộ hồ sơ để xin xét danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” vẫn làm theo trình tự thủ tục của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Nó phải trải qua bốn hội đồng xét duyệt: Hội đồng cấp cơ sở (Sở VHTTDL), Hội đồng cấp bộ, Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước và Hội đồng nhà nước. Ngoài ra, bộ hồ sơ đó phải được sự đồng thuận của lớn hơn hoặc bằng 90% các thành viên mỗi hội đồng chấp thuận.

Điểm số nói gì?

Xin được trích lược Bảng quy đổi giải thưởng lĩnh vực âm nhạc mà Bộ VHTTDL ban hành:

- Huy chương Vàng, Giải Nhất, Giải A tại Hội diễn, Liên hoan, Cuộc thi về nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp toàn quốc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức = 01 Huy chương Vàng.

- Huy chương Vàng, Giải Nhất, Giải A tại Liên hoan, Hội diễn, Cuộc thi về nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp do các Hội VHNT chuyên ngành trung ương tổ chức = 2/3 Huy chương Vàng.

Trong nội dung quy chế mà Hội NSNA Việt Nam đặt ra để tính điểm kết nạp hội viên mới và xét tước hiệu cho những nghệ sĩ có nhiều thành tích, thì chỉ tính những điểm ở các cuộc thi mà Hội NSNA Việt Nam tổ chức, hay phối hợp tổ chức. Ngoài ra các cuộc thi do FIAP, PSA (Hội nhiếp ảnh Hoa Kì), RPS (Hội nhiếp ảnh Hoàng Gia Anh), ISF (Hội nhiếp ảnh không biên giới), cũng được Hội NSNA Việt Nam công nhận.

Nhưng lạ thay, khó hiểu thay: Những thành tích của các cuộc thi ảnh mà Bộ Văn hóa Thông tin và Du lịch được Nhà nước Việt Nam ủy quyền trên danh nghĩa quốc gia tổ chức, thì lại không được công nhận - nếu như cuộc thi đó không có sự “phối hợp” với Hội NSNA Việt Nam!

Nếu thể theo công văn của Chính phủ và cách tính điểm để xét NSND của Bộ Văn hóa Thông tin và Du lịch thì sẽ mở ra cơ hội cho mọi công dân Việt Nam, khi họ có thành tích cao trong các cuộc thi ảnh của Bộ VHTTDL tổ chức. Và đương nhiên, Hội NSNA Việt Nam và các hội viên của mình khi đó phải chấp nhận sự quy đổi của Nghị định mà Chính phủ đã ban hành: Giá trị của một Huy chương Vàng ở cuộc thi mà một Hội chuyên ngành tổ chức chỉ bằng 2/3 giá trị của Huy chương Vàng mà Bộ VHTTDL tổ chức…

Điều mà người viết bài này thấy thiếu lạc quan: Giả như khi được Nhà nước trao cơ hội, liệu một nhà nhiếp ảnh (vốn vẫn thích bay nhảy, tự do và đầy cá tính), có đủ kiên nhẫn thực hiện trọn vẹn mọi thủ tục theo Bản khai xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” đúng với mẫu 1a tại Phụ lục I ban hành theo Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ? Và khi hồ sơ đã hoàn thành, thì nhà nhiếp ảnh làm gì để vượt qua bốn cửa vũ môn xét duyệt của các cấp? Vì chỉ một trong bốn hội đồng trên không đạt được chín mươi phần trăm số người ủng hộ, thì nhà nhiếp ảnh sẽ bị tuột đi cơ hội hiếm hoi trong đời.

Ai cũng biết, danh hiệu của Nhà nước trao là cao quý. Nhưng cũng không thể “mưa dầm thấm xuống” đến những hội viên xứng đáng. Và khi đã lấy danh hiệu của Nhà nước trao làm chuẩn mực, thì giá trị những danh hiệu sẵn có sẽ thế nào (?). Để cùng song song tồn tại, hay sẽ bị hủy đi (?)…

Nhằm thay đổi một điều trong hệ thống thi đua, khen thưởng của một quốc gia quả là không đơn giản. Song để hiện thực hóa một nguyện vọng chính đáng của văn nghệ sĩ, thiết nghĩ sẽ phải cần đến những nỗ lực chung của cả đội ngũ, nhằm chứng minh cho xã hội thấy rõ vai trò đóng góp của từng cá nhân, hay của cả tập thể vào sự phát triển lành mạnh của quê hương, đất nước. Để đạt được những kỳ vọng mà ta cho là lớn hơn, thì ắt sẽ phải đánh đổi những thói quen, những định kiến cũ; bảo thủ - thậm chí phải thay đổi cả quy chế và điều lệ của tổ chức, cho phù hợp với những định chế mà Chính phủ đã ban hành.

Dặm trường còn vời vợi xa, tuy vậy khi đã định hướng đến, thì một ngày không xa hẳn sẽ tới đích. Nhưng tin rằng các nhà nhiếp ảnh cũng chẳng vì thấy khó mà nản lòng. Bởi như có một triết gia đã khẳng định: “Thành công là một hành trình chứ không phải là điểm đến”.

Vũ Kim Khoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy