Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
15:29 (GMT +7)

Những người hùng văn nghệ

VNTN - Nói đến văn nghệ sĩ người đời thường hình dung đó là những người yếu đuối cả về thể xác lẫn tâm hồn, những kẻ trói gà không chặt. Điều đó có phần đúng. Có lẽ, những người trong giới văn nghệ sĩ chân yếu tay mềm như thế khi gặp những chuyện chướng tai gai mắt trong đời thì dù có thấm nhuần cái triết lí “Giữa đường gặp sự bất bằng chẳng tha” của Lục Vân Tiên xưa cũng khó có thể ra tay cứu giúp.

Vậy mà, các văn nghệ sĩ Thái Nguyên đã có vài câu chuyện chứng tỏ quan niệm ấy chưa hẳn đã chính xác.

Chuyện thứ nhất, cách đây đã rất lâu rồi. Khi đó nhà thơ kiêm phó tiến sĩ văn học (bây giờ đã là giáo sư) Vũ Anh Tuấn vẫn còn là giảng viên Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Một lần Vũ Anh Tuấn ra bến xe Thái Nguyên để về Hà Nội. Bến xe hồi đó rất lộn xộn. Ngồi chờ xe, Vũ Anh Tuấn chứng kiến một vụ đánh nhau giữa hai thanh niên. Người xung quanh rất đông nhưng chắc do tâm lí sợ hãi nên không ai dám can thiệp, kể cả một thiếu úy cảnh sát đứng cách đó khá gần cũng chỉ nhìn đám xung đột bằng vẻ mặt làm ngơ. Vũ Anh Tuấn bèn đến gần viên cảnh sát, hơi nặng lời:

- Tại sao đồng chí thiếu úy có thể vô trách nhiệm đến vậy? Đề nghị đồng chí giải quyết đám đánh nhau ngay.

Viên thiếu úy nhìn người đàn ông nhỏ thó, gương mặt có vẻ hiền lành, ngu ngơ, cười khảy:

- Ông là ai mà dám ra lệnh cho tôi?

Vũ Anh Tuấn tỏ ra khó chịu trước thái độ hách dịch của viên cảnh sát, liền giở ví rút ra một tấm thẻ:

- Tôi là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Tôi không ra lệnh cho ai cả nhưng nếu đồng chí không giải quyết, tôi sẽ đưa lên công luận.

Sau khi đọc tấm thẻ hội viên văn nghệ, viên công an có vẻ chột dạ, vội chạy đến huýt còi inh ỏi. Đám đánh lộn lập tức được giải tán. Mọi người nhìn vị phó tiến sĩ kiêm nhà thơ với những cặp mắt đầy thán phục. Hóa ra tấm thẻ Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cũng “oách” ra trò.

Câu chuyện thứ hai có phần đồng dạng với câu chuyện trước nhưng không phải là sức mạnh của tấm thẻ hội viên thơ mà là tấm thẻ nhà báo văn nghệ. Đó là trường hợp nhà báo kiêm nhà văn Lê Thế Thành. Một lần anh Lê Thế Thành có công việc về Hà Nội và cũng gặp một đám đánh nhau dữ dội trên hè phố. Xung quanh đám hỗn chiến có rất nhiều thanh niên trông mặt mày bặm trợn hò hét, khích bác. Chắc hẳn vì thấy đám thanh niên mang vẻ dân xã hội đen nên người đi đường không ai dám dây. Đột ngột, nhà báo kiêm nhà văn Lê Thế Thành rút tấm thẻ nhà báo đưa ra trước mặt đám đông theo kiểu các cảnh sát trong phim hình sự, oang oang ra lệnh:

- Nhà báo đây! Tất cả dừng lại ngay!

Đám người sững sờ, nhìn nhau. Không hiểu bởi cái kiểu cách cứng như thép của Lê Thế Thành hay do cái oai của tấm thẻ nhà báo mà đám đánh nhau lập tức dừng lại.

Sau lần ấy, tôi nói với nhà báo kiêm nhà văn Lê Thế Thành:

- Anh đã nghỉ hưu lâu rồi, thẻ nhà báo của anh đã hết hạn. Anh sử dụng nó như vậy là vi phạm nguyên tắc đấy.

Lê Thế Thành cười khà khà:

- Biết vậy, nhưng nó chỉ sai khi tác nghiệp thôi, chứ để làm việc nghĩa thì vô tư đi! Hôm ấy mà không có nó, có khi có thằng đổ máu.

Thế mới biết, mỗi tấm thẻ dù là mỏng manh, tưởng như rất ít giá trị nhưng vào tay hai “người hùng văn nghệ” như Vũ Anh Tuấn và Lê Thế Thành thì lại xiết bao hữu ích.

Hồ Thủy Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

"Đội bóng" đặc biệt

Giai thoại văn nghệ 1 tháng trước

Thơ nhại Văn nghệ sĩ Thái Nguyên

Xem tin nổi bật 7 tháng trước

Một trận bóng đáng nhớ

Giai thoại văn nghệ 11 tháng trước

Chuyện vui về ô tô của Hội

Giai thoại văn nghệ 1 năm trước

Cuốn tuyển truyện ngắn đầu tiên của Hội

Giai thoại văn nghệ 1 năm trước

Nhà văn Phạm Đức đi khám mắt

Giai thoại văn nghệ 3 năm trước