Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
17:40 (GMT +7)

29 năm làm người lính Cụ Hồ

Hôm ấy là ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch. Năm nào cũng vậy, huyện Định Hóa mở Lễ hội Lồng Tồng, một hoạt động tín ngưỡng có từ ngàn xưa, cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no đầy đủ. Cũng là ngày người dân các xóm bản tụ hội, giới thiệu sản vật địa phương, trình diễn những tiết mục văn hóa đặc sắc nhất của dân tộc mình.

 Tôi theo dòng người đổ về Quảng trường ATK (thị trấn Chợ Chu). Ngoài mục đích xem hội, tôi còn tìm gặp một người, mà theo lời giới thiệu của ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền thống Trường Sơn tỉnh Thái Nguyên, thì “ông ấy cả cuộc đời là người lính Cụ Hồ”.

Từ người lính đánh Pháp ở Điện Biên

 Sau nhiều cuộc điện thoại, tôi tìm gặp được ông Hoàng Tính, khi ông đang say câu chuyện với các bạn già trong lán trại của xã Kim Phượng. Dường như hôm nay mới là chính Tết, mọi người mừng tuổi, chúc tụng, trò chuyện ríu ran trong tiếng nhạc của điệu nhảy Tắc - Xình. Chỉ đường cho tôi về nhà ông ở xóm Cạm Phước, ông bảo: “Cháu cứ đi theo lối này, chú chạy xe máy về sau”. Ấy thế mà khi tôi đến đã thấy ông đứng cổng chờ từ lúc nào.

Nếu gặp ở ngoài, tôi không nghĩ người đàn ông dân tộc Tày ngồi trước mặt tôi đây đã ở độ tuổi 90. Ông “khoe” sáng nay đèo vợ (85 tuổi) đi chơi hội, nhưng lạc nhau vì bà còn mải vui chỗ nhảy sạp và múa rối Thẩm Rộc. “Kệ bà ấy, các cháu nó sẽ đưa bà về”, ông cười khà khà đi đun nước tráng ấm pha trà. Trên mặt bàn gỗ bóng loáng ở phòng khách, tôi để ý thấy một chiếc hộp tròn bằng nhôm trắng cũ kỹ, không ăn nhập với những đồ vật xung quanh. Ông bảo đó là vật kỷ niệm ông có được khi chiến đấu trên cứ điểm Him Lam, chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954.

Và câu chuyện của người lính già bắt đầu như thế.

 “Nói thực với cháu là tôi sinh năm 1936, nhà tôi có 7 anh chị em, tôi là con trai thứ 4. Anh tôi cũng là bộ đội chống Pháp năm 1947. Năm 17 tuổi, tôi được cử ra ủy ban xã giúp việc văn phòng đánh máy, chuyển công văn, nhưng tôi thích đi bộ đội hơn. Không khí toàn dân chống Pháp hừng hực, tôi không thể yên tâm với công việc giấy tờ. Tôi nói với mấy ông ở xã thế này: Các bác có tuổi thì ở vòng ngoài, thanh niên chúng cháu phải ra chiến trường, chúng cháu không đi thì ấy đâu ra người đánh giặc. Thế là tôi xung phong đi bộ đội, nhưng họ không chấp nhận vì tôi chưa đủ tuổi, nên tôi khai tăng lên 2 tuổi để được đi bộ đội. Từ đó hồ sơ của tôi ghi năm sinh 1934, nên tôi cứ theo cái mốc đó” - ông Hoàng Tính chậm rãi nói - “Lúc mới nhập ngũ, tôi ở Tỉnh Đội rồi về Liên khu Việt Bắc (nay là Quân khu Một).

Ước mơ cháy bỏng của tôi là được tham gia đánh trận Điện Biên Phủ. Như cháu đã biết đấy, ngày 13/3 chúng ta mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, thì ngày 11/3, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới các chiến sĩ Điện Biên: "Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn nhưng rất vinh quang... Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới!".

Ngay ngày hôm đó, lệnh động viên toàn thể cán bộ, chiến sĩ mở cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã được gửi tới các đơn vị: "Chiến dịch Điện Biên Phủ sắp bắt đầu! Đây là chiến dịch công kiên quy mô lớn nhất trong lịch sử quân đội ta... Giờ ra trận đã đến! Tất cả các cán bộ và chiến sĩ, tất cả các đơn vị, tất cả các binh chủng hãy dũng cảm tiến lên, thi đua lập công, giật lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của Hồ Chủ tịch".

Và sung sướng thay, ước mơ của tôi thành hiện thực. Ngày 10/4/1954, tôi được lệnh cùng đoàn quân từ Việt Bắc lên Tây Bắc tham gia đánh Pháp. Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”(*), chia thành nhiều đợt tấn công thì tôi được tham gia 27 ngày. Tôi trở thành người lính Điện Biên khi toàn chiến dịch bước vào đợt tấn công thứ hai (từ ngày 30/3 đến ngày 30/4/1954). Trong trí nhớ của tôi, Điện Biên rộng lớn và bao quanh bởi núi non trùng điệp. Tôi là lính mới chưa qua đào tạo, được phân công vào bộ phận vận chuyển, tiếp đạn cho súng máy cao xạ 12 ly 7. Các khẩu cao xạ không ở một chỗ mà cơ động trong phạm vi vài cây số. Tôi chấp hành mệnh lệnh chỉ huy, làm tốt mọi công việc của người lính với tinh thần tiến công hừng hực. Hiện ở xã Kim Phượng còn 2 người (sinh năm 1930) tham gia đánh Điện Biên Phủ, nhưng giờ già yếu quá, ít nhớ được chuyện xưa.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi được điều đi xây dựng Phương án Đánh đồng bằng do tướng Vương Thừa Vũ làm thủ trưởng. Khi Hiệp định Giơnevơ ký kết (20/7/1954), tôi trở về công tác ở Liên khu Việt Bắc. Năm 1960 tôi được cử đi học tại Trường Sĩ quan Pháo binh. Năm 1963 tôi về Lữ đoàn pháo 210, làm Chính trị viên Đại đội 3 pháo 100mm. Sau khi tham gia bảo vệ cầu Gia Bẩy năm 1965, tháng 2/1966, tôi được biên chế vào Tiểu đoàn 7 cao xạ, nhận lệnh lên đường vào Tây Nguyên. Đến Quảng Bình, chúng tôi dừng lại chiến đấu. Tại đây Tiểu đoàn tôi bắn rơi 7 chiếc máy bay Mỹ”.

   Ngồi nghe ông Tính kể, tôi nhớ lại sự kiện lịch sử tôi đọc được về lực lượng bộ đội pháo cao xạ: Ngày 1/4/1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam đã ký quyết định thành lập Trung đoàn Pháo cao xạ 367 - Trung đoàn Pháo phòng không đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 15/4/1953, tại khu rừng thuộc xã Bộc Nhiêu, Định Hoá (Thái Nguyên), Lễ công bố quyết định thành lập được long trọng tổ chức với sự chứng kiến của 2.700 cán bộ, chiến sĩ. Ngày 1/4 hằng năm trở thành Ngày truyền thống vẻ vang của Bộ đội Pháo cao xạ Việt Nam.

Nói về vai trò của pháo cao xạ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn thắng giặc ta phải có bộ đội pháo cao xạ mạnh để trị máy bay của chúng”. Trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, bộ đội pháo cao xạ là một trong các lực lượng chủ yếu của thế trận phòng không nhân dân, nhằm tiêu diệt các phương tiện đột nhập, tiến công bằng đường hàng không.

Đến người lính đánh Mỹ trên đường Trường Sơn

Trên tuyến lửa Trường Sơn, lực lượng pháo cao xạ có nhiệm vụ rất đặc biệt: Bảo vệ mặt đất, trên đó có hàng nghìn chiến sĩ công binh ngày đêm mở đường, có những đoàn xe rầm rập chở hàng ra mặt trận, có những đoàn quân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”; bảo vệ kho tàng, cầu cống, những trọng điểm giao thông huyết mạch. Và ông Hoàng Tính, khi đó 32 tuổi, là một trong hàng trăm xạ thủ bám trụ trên dãy Trường Sơn.

ông Tính 3
Ông Hoàng Tính giới thiệu cùng tác giả về những kỉ vật chiến tranh

Ông Tính kể: Sau khi dừng chân ở Quảng Bình, tiểu đoàn Cao xạ chúng tôi tiếp tục hành quân, điểm đến là Bản Đông (Lào).

 Chợt ông Tính hỏi tôi: Cháu có biết địa danh Bản Đông không?

Tôi láu táu: Cháu đọc lịch sử được biết có một trận đánh vang dội của bộ đội mình trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971 diễn ra ở Bản Đông. Sau đó nhạc sĩ Trần Chung đã sáng tác bài hát “Từ Đông Hà qua Bản Đông”, trong đó đoạn điệp khúc nhắc đi nhắc lại thế này:

“Từ Đông Hà qua Bản Đông, đường chiến đấu có bạn có ta. Từ Đông Hà qua Bản Đông, Đường 9 đó lẫy lừng chiến công”.

 Ông Tính gật đầu xác nhận. Rồi ông kể tiếp: “Bản Đông là địa danh tôi nhớ nhất, vì chính từ đó, chúng tôi nhận nhiệm vụ trực tiếp của Đoàn 559. Công việc có thể nói ngắn gọn thế này: Ở đâu có người, có xe, có máy bay là có pháo cao xạ. Đời sống của bộ đội cao xạ chúng tôi là: “Không ngày, không đêm, không tiền tuyến, không hậu phương, không nắng, không mưa”, tóm lại là sẵn sàng chiến đấu bất kể lúc nào. Trong các trận chiến ở Trường Sơn, tôi nhớ nhất trận đánh khu vực đèo Văng - Mu (nằm trên Đường 128, bản Văng - Mu, huyện Sê Pôn, Savannakhet - Lào).

Đèo Văng - Mu dài khoảng 3km, một bên vực sâu, một bên vách núi dốc ngược, là một trong những “yết hầu” cần vượt qua để xuống Đường 9 nên trở thành trọng điểm giao thông, trọng điểm đánh phá của địch. Từ đầu năm 1966, địch tăng cường ném bom nơi này, có ngày Văng - Mu hứng chịu 195 trận oanh tạc. Thủ trưởng Hoàng Văn Thái yêu cầu tiểu đoàn cao xạ vào trọng điểm đánh một trận rồi rút ra. Khi đó vào mùa mưa, cả khu vực trơ khấc đất đỏ vì bom cầy đạn xới. Chúng tôi kéo một đêm (khoảng 15km đường dốc) mang 6 khẩu pháo vào, lấy đất đỏ sơn pháo ngụy trang. 8 giờ sáng triển khai xong trận địa thì máy bay địch kéo đến. Riêng ngày hôm ấy chúng tôi bắn rơi 4 chiếc. Rồi chúng tôi được lệnh rút quân ngay, mất 3 đêm chúng tôi mới ra được vị trí cũ, đường lầy lội, trơn trượt, dốc ngược, máy bay địch quần đảo thả truyền đơn trắng đầu, chúng dọa: “một tuần sẽ quét sạch cộng sản”.

Vừa tối hôm trước đơn vị rút đi, hôm sau máy bay B52 “rọt” bom vào vị trí đó, rồi chúng đổ quân xuống, nhưng tiểu đoàn đã rút ra an toàn, tôi bị thương nhẹ. Sau đó tôi được ra Quảng Bình an dưỡng (1967) rồi được điều về làm Chính trị viên phó Tiểu đoàn pháo 24 (đơn vị mới thành lập) ở Hương Xuân (Hà Tĩnh). Tiểu đoàn 24 nhận nhiệm vụ bảo vệ Bộ Tư lệnh, được một mùa mưa thì Bộ Tư lệnh chuyển sang phía Đông sông Sê Băng Hiêng. Tiểu đoàn pháo lại trở về Đường 9…”.

Khi Hiệp định Pari được ký kết, Tiểu đoàn 24 của ông Tính được lệnh xây dựng trung đoàn xe tham gia giải phóng Phước Long, đón bộ đội ở sân bay Lộc Ninh. Sau khi đi viện điều trị vết thương, ông Tính được điều về Quân đoàn 4. Ông và đồng đội làm công việc quân quản sau khi Sài Gòn giải phóng. Tháng 8/1978, hoàn thành nhiệm vụ giúp nước bạn Campuchia thoát cảnh diệt chủng, ông được cử đi học tại Trường Đảng của quân đội. Ngày 17/2/1979, khi 60 vạn quân Trung Quốc mở cuộc tấn công ào ạt trên 6 tỉnh biên giới Việt -Trung, ông Tính được lệnh về Binh chủng cao xạ của mặt trận Quảng Ninh. Nhưng căn bệnh cột sống tái phát, không đủ sức khỏe lên biên giới, ông được điều về làm Phó Chính ủy Đoàn An dưỡng 61 Quân khu Một. Giữa năm 1982, ông được quân đội cho nghỉ hưu sau hơn 29 năm làm người lính Bác Hồ.

Về với gia đình, ông lại tích cực tham gia công tác ở xã Kim Phượng. Năm 2001, ở tuổi 65, ông Hoàng Tính chính thức vui tuổi già bên vợ, con, cháu, chắt.

Thấy tôi hỏi về kỷ niệm chiến tranh, ông Tính mang ra một chiếc hăng-gô của Mỹ. Ông kể: Trong những ngày làm công tác quân quản sau khi Sài Gòn giải phóng (năm 1975), tôi nhặt được chiếc hăng - gô này. Tôi dùng để pha trà, làm nồi nấu mì… tóm lại là nó rất nhiều tác dụng. Ngoài giá trị sử dụng, tôi còn coi nó là vật lưu niệm. Cùng với chiếc hộp nhôm tôi đã kể trên, thì hai đồ vật này là chứng tích về cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ tôi đã tham gia. Thỉnh thoảng kể lại chuyện xưa cho con, cháu, chắt nghe, những đồ vật này thành “giáo cụ trực quan” để chúng hiểu thế hệ của ông, của cụ chúng đã sống những tháng ngày “máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn” (*) như thế.

Hai kỷ vật chiến trường ông Tính giữ đến tận hôm nay như là chứng tích về cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ mà ông đã tham gia
Hai kỷ vật chiến trường ông Tính giữ đến tận hôm nay như là chứng tích về cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ mà ông đã tham gia

 Chia tay tôi, ông Tính cho biết năm nay là năm đặc biệt với ông, vì ông được chứng kiến hai ngày kỷ niệm lớn. Theo dõi truyền hình, ông được biết sẽ có chương trình diễu binh, diễu hành rất hoành tráng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5). Cũng trong tháng 5, sẽ có Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Đoàn 559 - Đường Hồ Chí Minh (19-5-1959). Với ông, người đã đi qua những ngày tháng gian khổ mà oai hùng, lại được sống trong hòa bình, no đủ hôm nay, là may mắn và hạnh phúc mà cuộc đời đã trao cho.

Minh Hằng

-----------

(*) Câu thơ trong bài “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, nhà thơ Tố Hữu viết tháng 5/1954

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy