Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
20:39 (GMT +7)

100 NĂM – LẬT LẠI NHỮNG TRANG HỒ SƠ THEO DÕI NGUYỄN ÁI QUỐC CỦA MẬT VỤ PHÁP Ở PARIS: (Kỳ I)- Nguyễn Ái Quốc là ai?

VNTN- Tập hồ sơ mang tên “Nguyễn Tất Thành bí danh Nguyễn Ái Quốc bí danh Hồ Chí Minh ( từ 1911 đến 1955)”, có mã số tư liệu “4015 COL 1”, hiện đang được lưu giữ tại Cục lưu trữ quốc gia Hải Ngoại Pháp (ANOM – Archives Nationales d’Outre-Mer) có trụ sở tại Aix-en-Provence, trực thuộc bộ văn hóa của Cộng hòa Pháp. Cục lưu trữ quốc gia Hải Ngoại chịu trách nhiệm thu thập và bảo tồn các tài liệu về quá trình mở rộng thuộc địa của Pháp, từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20. Đây là một tập hợp các tài liệu thu thập từ năm 1911 cho đến năm 1955 khi Nguyễn Ái Quốc trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tập hồ sơ dày hơn 9.000 trang được cung cấp bởi các cơ quan an ninh tại Đông Dương và tại Pháp.

Giấy tờ tùy thân của Nguyễn Ái Quốc được lưu trữ tại Pháp
Giấy tờ tùy thân của Nguyễn Ái Quốc được lưu trữ tại Pháp

Tập hồ sơ bao gồm các văn bản tài liệu bằng nhiều thứ tiếng: Pháp, Anh, tiếng Việt, chữ Hán nôm, được chia làm hai phần. Phần một, bao gồm các tài liệu được cung cấp bởi Cơ quan Liên lạc lãnh thổ Hải ngoại của Pháp (SLOTFOM), mang mã số tư liệu “SLOTFOM XV 1”, từ năm 1919 đến 1949. Phần hai mang mã số tư liệu “HCI SPCE 364-370”, gồm tài liệu cung cấp bởi Cơ quan Bảo an Lực lượng Viễn chinh Pháp từ năm 1911 đến năm 1955 bao gồm phần lớn các báo cáo chi tiết của các mật vụ, ghi chú và thông tin mật về việc theo dõi Nguyễn Ái Quốc; nhiều thư từ trao đổi của sở cảnh sát, lãnh sự quán Pháp ở châu Á, Bộ Thuộc địa và Chính phủ Pháp. Ngoài ra còn có các tài liệu về các cuộc phỏng vấn và thẩm vấn các nhân chứng và “nghi phạm” trong các cuộc bắt giữ.

Đặc biệt tập hồ sơ còn lưu giữ nhiều tài liệu được thu giữ trong quá trình khám xét và bắt giữ Nguyễn Ái Quốc, một vài mảnh bút tích của Nguyễn Ái Quốc được các cơ quan an ninh thu thập để xác định chữ viết tay của Bác. Ngoài ra còn có nhiều trích đoạn báo chí dưới dạng các bản dịch được chép lại hoặc các mẩu báo, và một số tờ báo. Nhiều tập tin có các bức ảnh về Hồ Chí Minh, một số tờ rơi và áp phích nhỏ.

Có thể nói, đến năm 1919, Nguyễn Ái Quốc vẫn là cái tên hoàn toàn xa lạ với chính quyền Pháp. Khi đó, mối quan tâm của cơ quan mật vụ nhằm vào Phan Văn Trường, Phan Chu Trinh và những chí sĩ khác đang có mặt tại Pháp. Nhưng khi Nguyễn Ái Quốc đích thân gửi bản “Yêu sách của nhân dân An Nam”vào tháng 6 năm 1919 tạo lên một tiếng nổ vang dội trên chính trường đẩy cái tên Nguyễn Ái Quốc lên thành đối tượng theo dõi số một. Dưới đây là bức thư Tổng Thư ký Chính phủ gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa: 

Phủ Tổng thống nước Cộng hòa

Paris, ngày 23 tháng 6 năm 1919

Ngài BỘ TRƯỞNG

Ngài Tổng thống đã nhận được một thông điệp gửi tới từ Nguyễn Ái Quac, sống tại số 56 đường Hoàng Tử, người tự xưng được ủy thác bởi “Hội Đồng Hương An Nam”.

Ngài Tổng thống ủy thác cho tôi chỉ định cho ngài điều tra về con người của ông Nguyễn Ái Quac và về nhóm hội mà ông ta tham gia.

Xin ngài nhận từ tôi sự tôn kính sâu sắc. 

Tổng Thư ký Chính phủ nước Cộng hòa

Ký tên: Pichon (*)

Cho đến lúc này hồ sơ về Nguyễn Ái Quốc chỉ là những thông tin vụn vặt, những thông tin mù mờ không chính xác, sơ yếu lý lịch chỉ bao gồm những thông tin rất ngắn gọn và ít ỏi, những dòng thông tin liên quan đến cá nhân và gia đình đều để trống (cha mẹ, địa chỉ, ngày sinh, nghề nghiệp, tình trạng hôn nhân…). Trong hồ sơ có kèm một bức ảnh chân dung đen trắng với những đặc điểm nhận dạng sơ sài như sau :

Họ và Tên: Nguyen Ái Quốc (Nguyễn Yêu Tổ Quốc)

Bí danh: Quac (hoặc có thể Nguyễn Văn Thanh)

Quốc tịch: An Nam

Chiều cao: 1m62

Tuổi tầm: 28

Nhận dạng chung: gầy gò

Nước da: xanh xao

Râu: ngắn

Ria: cạo

Trán: rô

Mũi: nở rộng – cao

Tai: xòe

Miệng: Môi dày

Nhận dạng chung: Hơi dong dỏng, dáng hơi nghiêng bên trái, cởi mở, hay cười

Nhận dạng đặc biệt: Vai mở rộng bên trái, hơi hẹp bên phải

Vậy là từ tên tuổi vô danh Nguyễn Ái Quốc đã công khai sự tồn tại và làm đảo điên giới chức mật vụ. Từ sự kiện này, mật vụ Pháp đã tung ra một mạng lưới để theo dõi hành tung của Nguyễn Ái Quốc. Dẫu vậy câu hỏi “Nguyễn Ái Quốc là ai?” vẫn chưa có câu trả lời chính xác.

Chân dung Nguyễn Ái Quốc (trái) và một số nhà hoạt động cách mạng Việt Nam được mật thám Pháp đặt tên là “Nhóm Ngũ long” và lập hồ sơ theo dõi.
Chân dung Nguyễn Ái Quốc (trái) và một số nhà hoạt động cách mạng Việt Nam được mật thám Pháp đặt tên là “Nhóm Ngũ long” và lập hồ sơ theo dõi.

 Từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 11 năm 1919, mật vụ Pháp đã có tới hơn chục bản báo cáo chi tiết về Nguyễn Ái Quốc của gần chục nhân viên được gửi về sở mật vụ, bao gồm những thông tin cá nhân và những thông tin hoạt động tại Paris. Nhưng dường như mọi cố gắng của mật vụ Pháp cũng chỉ dừng lại ở những những nghi ngờ và phán đoán.

GHI CHÉP MẬT

Tối qua, một thanh niên An Nam gốc Bắc Kỳ tự xưng danh là HO BA đã đến gặp tôi, anh ta tự giới thiệu là sinh viên ngành nuôi tằm tơ ở Lyon từ năm 1914. Rời đất nước ra đi từ năm năm nay, anh ta hoàn toàn mù tịt mọi thông tin chính trị và những biến động tại Đông Dương. Anh ta tự hỏi liệu những thông tin đăng tải trên tờ “Nhân Đạo có chính xác, anh ta mong muốn được biết thêm liệu người dân An Nam đã được đáp ứng tất cả những đòi hỏi ghi trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam được đăng tải trên báo. Vì không biết anh ta nên tôi chỉ nói với anh ta những suy nghĩ của bản thân. Tôi yêu cầu anh ta trở lại gặp tôi và cho tôi biết địa chỉ chính xác. Anh ta đã trả lời tôi một cách qua loa rằng anh ta đang ở khách sạn Hiện Đại gần ga Lyon và vì anh ta đang rất bận nên chỉ có thể quay trở lại gặp tôi khi có thể. Tôi đã nài nỉ anh ta cho tôi một cuộc hẹn. Cuối cùng anh ta nói với tôi rằng sẽ viết cho tôi muộn nhất vào thứ bảy để thông báo liệu anh ta có thể đến gặp tôi hay không.

Thái độ của anh khiến tôi tin rằng những điều anh ta vừa nói với tôi không phải là sự thật. Cần phải kiểm chứng những thông tin trên.

Tôi quên chưa nói rằng người thanh niên đã nói khi đến gặp tôi rằng anh ta đã gặp một người công chức già của phòng Thuộc địa để tìm hiểu thêm những thông tin về những diễn biến dành cho người dân An Nam sau khi bản yêu sách được công bố và người ta đã trả lời anh ta hãy đi gặp hoặc là tướng CHAU hoặc là gặp trực tiếp tôi, người làm việc tại Bộ để có thể có được thông tin.

Tôi ghi ngờ rằng người vừa đến gặp tôi chính là NGUYEN AI QUỐC.

Vào khoảng 9 giờ tối, tôi đã đi gặp một sinh viên, người mà theo những tin tức mà tôi có được, có thể nhận diện NGUYỄN ÁI QUỐC. Sau một cuộc nói chuyện khá lâu về rất nhiều đề tài, tôi cũng đề cập đến NGUYỄN ÁI QUỐC, PHAM CHAU TRINH và PHAM VĂN TRƯỜNG. Từ cuộc trò chuyện này anh ta đã tiết lộ rằng PHAM VĂN TRUONG có lẽ đang ở Đức từ hai tháng nay cùng với NGUYỄN ÁI QUỐC. Người này có lẽ đã trở về Paris từ một tuần nay. Anh ta có lẽ đang sống ở số 6 Đại Lộ des Gobelins (trong căn hộ của TRƯỜNG).

Theo như những miêu tả về NGUYỄN ÁI QUỐC thì tôi tin rằng những nghi ngờ của tôi là hoàn toàn có lý và người thanh niên đến gặp tôi khi trước chính là QUỐC.

Tôi cũng có thêm được lời hứa rằng anh ta sẽ giới thiệu NGUYEN AI QUỐC với tôi vào chiều thứ bảy.

Trong lúc chờ đợi cuộc gặp, tôi muốn biết liệu ông TRƯỜNG có thật sự đang vắng mặt tại ở Paris.

PHAM CHAU TRINH vẫn đang ở PONS. Tôi sẽ sớm có địa chỉ của ông ta.

Tôi sẽ vắng mặt tại Paris vào ngày thứ năm và thứ sáu, nếu như cơn đau khớp không biến mất.

Paris ngày 5 tháng Mười 1919

Ký tên : Edouard

Một bản cóp py gửi cho P. Arnoux.

Tuy nhiên, diễn biến tiếp theo của cuộc gặp gỡ không mang lại cho mật vụ Edouard kết quả mong đợi.

GHI CHÉP MẬT

Người thanh niên đã hứa giới thiệu NGUYEN-AI-Quốc vào tối thứ bảy, đã không thể hoàn thành nhiệm vụ với lý do Nguyễn Ái Quốc không có thời gian gặp gỡ.

Tuy nhiên vào buổi chiều thứ bảy tôi đã nhận được từ người sinh viên ở Lyon, có tên gọi HỒ-BÁ mà tôi đã nói tới trong ghi chép ngày 5 tháng mười. Tôi đã nói chuyện với anh ta bằng tiếng An Nam và tôi đã nhận ra anh ta là người Bắc Kỳ. Khi tôi hỏi thì anh ta trả lời anh ta đến từ Hải Phòng. Anh ta đang là sinh viên của trường đại học ngành nuôi tằm tơ ở Lyon … (một vài từ quá mờ không thể dịch). Anh ta cũng hỏi tôi nếu có thể và không thấy phiền lòng cùng đứng về phía PHAN-VAN-TRUONG và NGUYEN-AI-QUOC để bảo vệ quyền lợi của người An Nam. Tôi tin chắc nếu anh ta không phải là Nguyễn Ái Quốc thì anh ta cũng là người cùng phe phái, tôi trả lời anh ta rằng với tư cách là sinh viên thì anh ta không nên tham gia vào những chuyện có thể gây khó khăn cho việc học hành của anh ta nhưng anh ta đã nói làm những điều có ích đối với anh ta.

Anh ta đã nói với tôi về những bài báo của NGUYEN-AI-QUOC đặc biệt là về bài báo trả lời cho ngài OUTREY trên tờ “Bình Dân”ngày 16 tháng mười 1919. Bài báo này, theo như lời anh ta nói với tôi, chỉ là một đoạn trích lược rất ngắn gọn của một bức thư rất dài mà NGUYEN-AI-QUOC đã viết cho ngài OUTREY. Tôi đã may mắn có được một bản cóp py của bức thư này, tôi sẽ gửi kèm trong phụ lục. Cuối cùng trước khi chia tay anh ta đã hứa sẽ viết cho tôi từ Lyon ngay khi anh ta về đến đó.

Do đó cần phải theo dõi chặt chẽ anh ta ở Lyon nhưng không để cho anh ta biết đang bị theo dõi.

Tôi cũng được biết thêm rằng ngài KHANH KY có sở hữu một vài cửa hàng ở Mayence, Gutenbergphatz, số 10 và ở Francfort A. M. Hohenzellernstr, số 18.

Ngài François Albert hình như là người gốc Nam Kỳ đang ở Mayence tại nhà KHANH-KY.

Paris, ngày 10 tháng mười năm 1919.

Ký tên: Edouard

Một bản cóp py gửi cho P. Arnoux.

Ghi chép của Jean ngày 4 tháng 1 năm 1920
Ghi chép của Jean ngày 4 tháng 1 năm 1920

Rõ ràng, mật vụ Pháp đang rất bối rối để tìm ra người mang tên Nguyễn Ái Quốc là ai. Phải mất nhiều tháng điều tra, họ mới có được một chút kết quả. Ngày 17 tháng 11 năm 1919, báo cáo về Nguyễn Ái Quốc không chỉ còn là ghi chép báo cáo đơn thuần, nó đã được xếp vào “hồ sơ mật”. Dưới đây là trích đoạn bản báo cáo của mật vụ Edouard

GHI CHÉP MẬT

Tôi đã gặp Nguyễn Ái Quac tối qua và nhận được sự đồng ý cho lời mời ăn tối cùng. Trong buổi trò chuyện, ông ấy đã khiến tôi tin rằng ông ấy xuất thân từ miền Bắc An Nam, và rất có thể là Thanh Hóa. Đó là một chàng trai rất thông minh.

(… Trích đoạn)

Cuối cùng, ông ấy khẳng định với tôi rằng đã rời Đông Dương năm 1914. Ông ấy nói rất tốt tiếng Anh, tiếng Trung Quốc. Ông ấy biết rất ít tiếng Đức.

Đó là những thông tin có thể nói chính xác nhất từ đầu đến bây giờ về Nguyễn Ái Quốc. Ngay sau bản báo cáo mật vụ này, đích thân toàn quyền Đông Dương Pasquier đã gửi giấy mời Nguyễn Ái Quốc đến văn phòng gặp gỡ. Giấy mời được ký ngày 20 tháng 11 năm 1919.

Như vậy có thể nói chỉ sau vài tháng, Nguyễn Ái Quốc đã thành công trong việc thu hút được sự chú ý của chính quyền để có thể tự do diễn đạt ý tưởng bảo vệ Đông Dương và lên án chế độ thực dân, nhờ đó đã tạo lên cơn địa chấn cho bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” mà Bác đã gửi cho Hội nghị vì Hòa Bình ở Véc - Xây vào tháng 6. Nguyễn Ái Quốc đã rất khôn khéo khi công khai tất cả các hoạt động trên đất Pháp giống như một lý lẽ mạnh để thuyết phục chính luận thế giới.

Tuy công khai hoạt động, nhưng câu hỏi “Nguyễn Ái Quốc thực sự là người như thế nào?” vẫn là lời thách đố với chính quyền Pháp lúc bấy giờ. Ngày 10 tháng 12 năm 1919, mật vụ Jean có bản báo cáo về Nguyễn Ái Quốc như sau:

“Trí thức, nhưng chưa diễn đạt thành thạo, nói và viết tốt tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, và đọc được ít tiếng Ý.

Ông ấy có khả năng đánh giá sự việc rất nhanh, đôi khi có chút mâu thuẫn.

Ông ấy dành phần lớn thời gian để học, đọc tất cả các sách tiếng Pháp và tiếng nước ngoài về Đông Dương.

Mục đích chính của ông ấy là ở lại Pháp để có thể diễn đạt một cách tự do để bảo vệ quyền lợi Đông Dương.

  (...)”

Quang cảnh bên ngoài Trung tâm Lưu trữ quốc gia Pháp (ANOM)
Quang cảnh bên ngoài Trung tâm Lưu trữ quốc gia Pháp (ANOM)

Bắt đầu từ đây việc theo dõi Nguyễn Ái Quốc trở nên gắt gao và sâu sát hơn. Những bản báo cáo ngày một dài và chi tiết đến từng giờ, bao gồm cả những người thân cận có quan hệ gần hoặc xa của Nguyễn Ái Quốc. Mọi giấy tờ đến và đi từ Nguyễn đều được kiểm soát và sao chép lại. Dưới đây là trích đoạn mọt bản báo cáo chi tiết của mật vụ Pháp gửi ngày 30 tháng 12 năm 1919 tới Sở Cảnh sát:

“Ngày 26 tháng 12 Nguyễn Ái Quốc ra khỏi nhà, số 6, tòa nhà Gobelins vào lúc 15 giờ 25 để đến số 70 đại lộ Gobelins ở xưởng in Charpentier. Khi rời xưởng ông ta đã mua “Báo Nhân Dân”.

Tiếp đó ông ấy đi tàu điện đến “Hiệu thuốc Lớn số 1”, 26, đại lộ Sébastopol và mua nhiều thứ lặt vặt. Ông ta trở về nhà lúc 16 giờ 55.”

Dù rất chi tiết đến từng giờ, từng phút thì câu hỏi “Nguyễn Ái Quốc là ai?” vẫn là dấu hỏi rất lớn đối với chính quyền Pháp lúc bấy giờ.

(Còn tiếp)

Quyên GAVOYE 

* Lưu ý: Tất cả tên riêng được dịch nguyên bản từ tài liệu gốc mà không sửa chữa.

Kỳ II

1 đã tặng

0

0

1

0

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy