Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
08:05 (GMT +7)

Yêu sao xứ Thái gió ngàn

VNTN- Đi đến những miền quê xứ Thái, cứ thấy ở đâu có rừng cọ, đồi chè, tôi lại muốn đi chậm, hay dừng chân lại để ngắm nhìn cảnh đẹp hữu tình có tính đặc trưng của miền xứ Thái gió ngàn.

           Rừng cọ (nguồn: internet)

Tôi là người Thái Nguyên. Nói thế có lẽ khá vô duyên đấy nhỉ, vì tôi sinh ra, lớn lên và sinh sống ở Hà Nội. Vậy mà thỉnh thoảng đi đâu đó, có một sự vô thức nào đó, tôi thường nói mình đến từ Thái Nguyên, hay là người Thái Nguyên. Nhưng dù thế nào đi nữa, thì tôi vẫn có nguyên cớ cho cái tội “nhận vơ” đó.

Hình như học lớp 2 gì đó, tôi đã phải giúp gia đình nấu cơm. Nếu học sáng thì nấu cơm tối, còn học chiều thì nấu cơm trưa. Và tất nhiên ngày nghỉ thì nấu cả trưa lẫn tối. Nấu cơm thì phải biết giờ nào nấu là vừa, không sớm quá, mà cũng đừng muộn quá, và đặc biệt đừng ham chơi quên nấu thì cả nhà nhịn đói. Tất nhiên, riêng mình không phải nhịn đói, mà sẽ được ăn no roi.

Ấy là cứ nói thế thôi, chứ tôi cũng khá chịu khó, biết lo việc, đặc biệt đã có “bùa hộ mệnh” nên chưa bao giờ được ăn roi từ cái chức vụ “anh nuôi” tí hon ấy. Bùa hộ mệnh ấy chính là tiếng còi tàu hỏa.

Nhà tôi nằm cách đường tàu Hà Nội - Thái Nguyên không xa lắm, mỗi khi tàu chạy qua đều kéo những hồi còi dài inh ỏi. Tiếng còi hú như lên tận trời xanh, như một niềm hân hoan. Người dân quê tôi gọi đó là “Tàu Thái”. Đấy là nghe người lớn nói thì biết thế thôi, chứ tôi cũng chẳng biết “Tàu Thái” nghĩa là ra làm sao. Nghe có vẻ như đến từ một xứ sở xa xôi, một miền đất xa lắc xa lơ nào đấy, với rất nhiều điều mới lạ mà tôi chưa thấy bao giờ.

Ngoài những chuyến tàu hàng, mỗi ngày có hai chuyến tàu khách ngược xuôi. Buổi sáng tàu từ Thái Nguyên về Hà Nội, gọi là “tàu xuôi”. Buổi chiều, từ Hà Nội lên Thái Nguyên, gọi là “tàu ngược”. Cũng rất tình cờ, như trời sắp đặt, khi tàu ngược, tàu xuôi, chạy qua khu chúng tôi thì đều là lúc nửa buổi. Đó là thời điểm, tôi biết mình phải hái rau và chuẩn bị nhiều thứ nữa để nấu cơm cho gia đình. Tiếng còi hú dài như một hiệu lệnh “này thằng nhóc kia, chuẩn bị nấu cơm đi”. Và đôi khi để cho chắc chắn, trước khi đi đâu, thỉnh thoảng người lớn lại nhắc nhở thêm “để ý còi tàu mà nấu cơm nhé”. Đồng hồ là thứ vô dụng, ít nhất là trong việc nấu cơm của tôi. Giờ giấc, yên tâm đã có còi “Tàu Thái” báo rồi. Đồng hồ có thể “chết” vì quên không lên dây cót, chứ tàu thì đố có hôm nào quên không chạy.

Tiếng còi “Tàu Thái” đã trở thành một phần nào đó trong cuộc sống mỗi ngày của chúng tôi. Nó như ngôi trường phải có tiếng trống, như những anh lính quen nghe tiếng kẻng trong doanh trại, hay người dân quê quen nghe tiếng gà gáy gọi bình minh vang khắp bản làng.

Tôi còn nhớ trong sách “Tiếng Việt” lớp 4 hay lớp 5 của chúng tôi có những bài tiếng Việt ngắn, theo chủ đề như về Bác Hồ, đất nước hay quê hương. Dù đã mấy chục năm rồi, nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ có một bài về Nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Hình vẽ minh họa cũng đơn giản thôi, mà với tôi nó có ấn tượng rất lớn. Tôi mường tượng và có cảm giác như nó to lớn và có một vai trò gì đó lớn lao lắm, chứ không chỉ là nhà máy sản xuất bình thường. Nó có sứ mệnh to lớn với đất nước mình, quan trọng như các trạm phóng tên lửa vũ trụ lên không gian của Liên Xô và Mỹ ấy chứ. Sau này, tôi đã từng làm việc trong một nhà máy rất lớn của một tập đoàn Nhật Bản, với chiều dài một nhà xưởng liền mạch đến cả gần cây số, nhưng nó vẫn không đem lại cho tôi cái cảm giác mà tôi vẫn mường tượng về Nhà máy Gang thép Thái Nguyên trong trang sách tuổi thơ của mình. Và tôi biết có rất nhiều những người từ những miền quê khách nhau, đã ngược núi, ngược rừng, gắn bó cả cuộc đời với nhà máy ấy với biết bao kỷ niệm, niềm tự hào và hy vọng về thành phố gang thép. Và lạ thật, chính tôi cũng có tình yêu và niềm tự hào ấy, dù chưa đến đó bao giờ.

Lớn hơn cái lớp 4, lớp 5 ấy một chút, tôi biết đến những vần thơ tuyệt vời của Tố Hữu về “rừng xanh hoa chuối đỏ tươi”, về rừng cọ, rừng nứa, rừng mai của núi rừng Việt Bắc, mà đặc biệt là ở “Thái Nguyên Thủ đô gió ngàn”. Nơi ấy Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng bao chiến sĩ, đồng bào đã cùng chia nhau từng củ sắn lùi và hơi ấm của chăn sui, với bao nghĩa bao tình, để trường kỳ kháng chiến.

Rồi cơ duyên cũng đưa tôi đến với Thái Nguyên và gắn bó một thời gian khá dài với đồng bào dân tộc, với mái nhà sàn và sắc chàm xứ Thái. Chính tại nơi xứ Thái gió ngàn, tôi đã thấy tận mắt những hình ảnh trong những vần thơ đầy ân tình của Tố Hữu về Việt Bắc yêu thương, nơi có rừng cọ xanh lá xòe như tia nắng; có rừng nứa, rừng mai xanh ngát núi đồi, có hoa chuối rừng đỏ tươi như ngọn đuốc hồng thắp lửa giữa rừng xanh; có bóng áo chàm thấp thoáng và mái nhà sàn tỏa khói lam chiều. Những hình ảnh thật bình dị mà lãng mạn biết bao. Đi đến những miền quê xứ Thái, cứ thấy ở đâu có rừng cọ, đồi chè, tôi lại muốn đi chậm, hay dừng chân lại để ngắm nhìn.

Cây Đa Khuôn Tát (trăm tuổi), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng anh em làm sân tập võ và đánh bóng chuyền. Nguồn: internet.

Theo những vần thơ ân tình cách mạng, theo những câu chuyện trong trang sách ấu thơ, tôi đã tìm đến với những di tích khắp vùng chiến khu cách mạng ATK Định Hóa, để cảm nhận, ngẫm nghĩ và chiêm nghiệm về một thời gian lao và thật hào hùng với biết bao ân tình. Khi đứng trên đồi Khau Tý, nơi có chiếc lán nhỏ Bác Hồ đã từng sống, tôi đã cố lặng im một mình, để lắng nghe tiếng suối chảy xa xa giữa những vạt lúa dưới chân đồi, để cố hình dung ra tâm trạng của Bác Hồ giữa đêm khuya đầy ánh trăng rọi vào bóng cây rừng, mà tức cảnh thành thơ: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”. Tôi nhớ về câu chuyện “Ông Ké” ngày xưa, để đến với dòng suối Khuôn Tát, nơi năm xưa Bác Hồ vẫn thường ra suối tắm giặt, và tắm mát cho những em bé, hiền từ và phúc hậu như bất cứ ông ké tốt bụng nào của bản làng dân tộc đất này. Phút giây thiêng liêng ấy giữa suối ngàn xứ Thái, tôi có cảm giác như những phiến đá kia đang in dấu những vần thơ của Bác, và tiếng suối kia đang hát ngàn lời ca dâng Người.

Thái Nguyên với tôi không phải là một tỉnh, với ý nghĩa hành chính thông thường. Đó là một xứ sở. Xứ sở của một miền ký ức ấu thơ. Xứ sở của đồi nương và những cánh rừng hoa chuối đỏ lửa. Xứ sở của chiến khu cách mạng với những trang sử thần thánh, nuôi nấng tinh thần cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước.

Cho đến bây giờ, xứ Thái với tôi vẫn là một miền đất đáng nhớ, đáng yêu. Cuộc sống rồi sẽ có nhiều đổi thay với bao biến thiên theo dòng chảy của thời gian. Nhưng dù có đổi thay thế nào, tôi vẫn mong Thái Nguyên mãi giữ lại những biểu tượng đẹp đẽ, đã ăn sâu vào ký ức và tâm hồn con người. Thái Nguyên ơi, hãy giữ mãi nhé, sự nồng hậu ân tình cách mạng của thủ đô kháng chiến, của chiến khu anh hùng một thủa! Thái Nguyên ơi, hãy giữ lấy rừng cọ đồi chè đã đi vào lời thơ, câu hát; giữ lấy những mái nhà sàn còn hiếm hoi nơi những bản làng dân tộc, và tìm lại cho ta bóng áo chàm thấp thoáng thủa nào, để lòng người mãi nhớ, mãi yêu về miền xứ Thái gió ngàn.

Đào Vân Việt (Sóc Sơn, Hà Nội)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Một cánh chim bằng

Xem tin nổi bật 3 ngày trước

Mái trường của tôi

Tôi và Thái Nguyên 6 ngày trước

Dọc miền kí ức

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Vẳng tiếng chuông chùa

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Xóm Đồi yêu dấu

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Vó Ngựa, mảnh đất tôi yêu

Xem tin nổi bật 5 tháng trước