Yếm và thi giới Hoàng Cầm
(Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Hoàng Cầm 22/2/1922 - 22/2/2022)
Nhà thơ Hoàng Cầm (1922 - 2010). Nguồn ảnh: internet.
Mười năm sau ngày cưới
Chồng nhớ hội yếm đào
(...)
Hai người chợt tiếc mùa xuân
Vội chắp lại đêm xuân thứ nhất
Nhờ đó tôi ra đời
(Tôi người làng quan họ)
Ra đời trong nồng nàn phồn thực hội yếm đào, Hoàng Cầm đúng là nòi tình như ông từng thú nhận. Cõi thơ tình của Hoàng Cầm “ríu ran” những hình ảnh chị, em, nàng, con gái… làm nên một “thứ hương nữ thoang thoảng trong thơ” (Đỗ Lai Thúy). Trong tập 99 tình khúc, tác giả đã thắp một nén tâm hương “Thành kính dâng lên những hồn người đã gợi ra nhịp điệu, âm thanh và đường nét sắc màu”.
Những “hồn người” ấy đã tạo nên thiên tính nữ trong thơ Hoàng Cầm. Trong thế giới của một nửa nhân loại ấy, có “váy Đình Bảng buông chùng cửa võng”, “tua khăn buông còn buộc búp hoa lan”, có “xuân hương thương xuân chồi yếm mỏng”, “rừng cỏ may khâu chật áo se tơ”. Dĩ nhiên, chiếc yếm truyền thống đã trở thành hình tượng không thể thiếu trong thi giới của thi sĩ đa tình, đa mang và cả đa đoan nữa.
Trong trang phục Việt truyền thống, yếm gắn liền với thân thể phụ nữ, vừa che vừa gợi. Theo John Oneill, “thân thể tự nó là một ngôn ngữ giao tiếp. Khi thân thể không đủ để giao tiếp thì con người sáng tạo ra một thế giới văn hóa xung quanh. Đó là các thứ trang phục, vật dụng, trang sức, thời trang… nhằm mở rộng khả năng biểu đạt của thân thể”. Từ một thứ trang phục, yếm trở thành biểu tượng của văn hoá dân gian Việt, đồng thời là một dạng ngôn ngữ giao tiếp. Trong ca dao, chiếc yếm là biểu tượng của tình yêu, nên chàng trai buông lời kín đáo mà có phần lả lơi, suồng sã: “Thuyền anh mắc cạn lên đây/ Mượn đôi dải yếm làm dây kéo thuyền”. Cũng có khi yếm là tiếng nói khát duyên, kín đáo, nhưng không kém phần mãnh liệt: “Trầu em têm tối hôm qua/ Cất trong dải yếm mở ra mời chàng”. Có lúc yếm là kỷ vật. Dứt tình là đòi yếm: “Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím/ Em lấy chồng rồi trả yếm lại anh/ Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh/ Yếm em em mặc, yếm gì anh anh đòi”.
Hoàng Cầm cũng có những câu thơ đầy sắc màu như thế. Yếm trong thơ Hoàng Cầm là dải kết nối giữa văn hóa Kinh Bắc và khát vọng tận hiến, tận mĩ của tình yêu. Yếm thắm khiến một mình em đã thành bức tranh lễ hội. Xúng xính, nhí nhảnh, xuân thì. Không gian Kinh Bắc hội tụ và tỏa rộng từ Em - “Em mặc yếm thắm/ Em thắt lụa hồng/ Em đi trẩy hội non sông/ Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh” (Bên kia sông Đuống).
Yếm là một hình tượng thẩm mỹ khơi gợi nhiều cảm hứng trong sáng tạo của văn nghệ sĩ xưa nay, nhưng chỉ trong thơ Hoàng Cầm thứ trang phục này mới biến hóa diệu kì và nhiều tầng nghĩa đến thế. Nó trở thành biểu tượng văn hóa có giá trị thẩm mỹ đa bội. Nó làm nên một thi giới nồng nàn nhục cảm, tràn trề thiên tính nữ. Không nén ngòi bút tài hoa của mình trong khuôn khổ hẹp của hình ảnh, cảm xúc cũ, thơ Hoàng Cầm nuy hơn; có khi yếm chỉ là vật mượn, vật ảo để khát khao lên tiếng. Yếm-mà-không-yếm, sử dụng thi liệu quen để kiến tạo một lối viết lạ, Hoàng Cầm thổi vào thơ những bồng bềnh cảm xúc mới mẻ: “Cứ lơi áo cởi trưa hè/ Ngực trần vỗ yếm gọi về tuổi hoa” (Bao giờ nói hết); “Nguồn sống tuôn thơm nhựa ứ đầy/ Một chiều e sợ mấy chiều say/ Đã phanh yếm mỏng thì quăng hết/ Những nếp xiêm hờ giả bộ ngây” (Hội yếm bay).
Đã phanh yếm mỏng thì quăng hết. Diễn ngôn thân thể là “ý thức sâu sắc về những gì tiềm ẩn trong vẻ đẹp thân thể của con người tạo nên cảm xúc thẩm mĩ” (Đỗ Lai Thúy). Từ mĩ cảm nhục thể, những vần thơ “yếm” của Hoàng Cầm trùng phức những tiềm ẩn thân xác và dục tình, đưa con người trở về bản nguyên tính dục ban sơ. Ngôn ngữ thân thể, ngôn ngữ thị giác mang đậm dấu ấn cảm quan phồn thực, bàng bạc cảm xúc ái ân: “Xuân hương thương xuân chồi yếm mỏng/ Phập phồng biển động sóng nao lòng/ Hai đường nhật nguyệt tròn nông nỗi/ Rưng rức vòm sao rẽ lối cong” (Tương biệt hành). Cõi thơ tình của Hoàng Cầm vừa trần trụi vừa hư ảo. Cái thực hư hòa nhòe ở cách kết hợp từ lạ, tạo nên nhiều sức gợi- “Mây thành thổi lửa/ Nẻo Đông Triều khép mở gió kì lân/ Chớp rạch dáng tiên vén xiêm xõa ngủ/ ... tràng mày xếch vòng cung/ bắn nát chiều mai ráng đỏ/ châu chấu ma vờn cổ yếm xây” (Đêm Thổ).
Chiếc yếm qua ngòi bút đậm cảm quan phồn thực của Hoàng Cầm trở thành diễn ngôn khát vọng tận hiến, tận mỹ. Có những câu thơ lãng mạn mang nỗi niềm hoài vọng tuổi thơ “Em mười hai tuổi tìm theo chị/ Qua cầu bà Sấm bến cô Mưa/ Đi.../ Ngày tháng lụi/ Tìm không thấy/ Dải yếm lòng trai mải phất cờ”; “Lẽo đẽo Em đi vườn mai sau/ Cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng” (Quả vườn ổi). Thơ tình Hoàng Cầm xoay quanh hình ảnh người chị Kinh Bắc với mối tình thơ dại vô vọng, đầy ám ảnh. Mối tình ngây đeo đuổi suốt cuộc đời thi nhân, khiến những câu thơ lẽo-đẽo-xuân-thì choáng đầy cõi thực, cõi mộng “Từ thuở ấy, Em cầm chiếc lá, Đi đầu non cuối bể, Gió quê vi vút gọi, Diêu Bông hời..., ... ới Diêu Bông!...” (Lá Diêu bông). Những bài thơ về mối tình ngây đều hư ảo, chị-em-nàng-con gái biến ảo trong miền cảm xúc tỉnh say:
Vậy thì Em ngắt quãng tân hôn
Theo Chị lùa mưa đuổi nắng buồn
Hai đứa lung linh lơi yếm áo
Thuyền trăng dềnh
sã cánh cô đơn
Chị vỡ pha lê
Bùn vấy tay
Hồn trong Em chuốt chị chìm say
Là Em cưới Chị xanh thiêm thiếp
Sinh một đàn con/
Mây trắng bay...”
(Chị em xanh)
Những vần thơ lung linh giữa thực và hư, mờ nhòe, tràn ra từ vô thức, từ trạng thái ẩn ức nguyên sơ. Thơ Hoàng Cầm có những khoảng trống vô ngôn, độ dừng giữa những con chữ, những dòng thơ gợi liên tưởng. Trong hoài niệm đắm đuối về mối tình ngây, yếm là sự nối kết không và có, tình và mộng: “Ước sao soi chị lim dim mắt/ tay gió đàn/ lơi/ yếm trắng tinh” (Ước nguyện); giữa khát tình và thất tình: “Yếm rách còn ngăn được gió/ Tình em dang dở yếm nào che”; “Ngủ lại giấc mê dang dở/ Chũm cau căng nứt mạch tằm/ Yếm may ba ngày mẹ vá lại/ Khuya nghe buồng động bóng đêm rằm” (Ngủ lại giấc mê).
Lí luận hiện đại thường đề cập hiện tượng thơ-thị giác. Sự hôn phối giữa thơ và thị giác không đơn giản là hình thức sắp đặt câu chữ để gợi cái nhìn liên tưởng trên bề mặt (kiểu thơ của Guillaume Apollinaire, thơ Nguyễn Vỹ trước đây hoặc một số bài thơ Tân hình thức với nhiều biến hóa). Trong thơ Hoàng Cầm lối sắp đặt, phối ghép những con chữ tượng hình, những kí hiệu trùng phức khêu gợi liên tưởng thị giác. Yếm trở thành một hình ảnh “độc” để nhà thơ phô diễn hết cái lạ của sự phối ghép từ: sồi non yếm tơ, vò nhàu ngực yếm, dải yếm lòng trai, hoa sữa yếm, yếm đào tuổi son, yếm thắm lụa hồng, lơi yếm áo, chuông chùa cởi yếm, châu chấu ma vờn cổ yếm xây, hội yếm bay, hội yếm đào, yếm hãm xuân tình em hé đôi, xuân chồi yếm mỏng, ngực yếm phập phồng bưởi ngọt, bay cờ triệu yếm ríu ran ca,... Khoái cảm thẩm mĩ không đến từ những hình ảnh thực mà đến từ trường liên tưởng thị giác, tạo âm vang. Âm điệu không đến từ vần nhịp mà phần lớn là từ độ chênh vênh câu chữ. Những con chữ ghép bên nhau khập khiễng đầy sức gợi; ẩn dụ nối tiếp ẩn dụ, nỗi khao khát lỡ thì con gái trải ra, dàn ra, và đọng lại ở hình ảnh “hoa sữa yếm” lả lơi trễ nải:
Buồng ngẩn ngơ gió lọt sẵn riêng nằm
Trăng riêng gối mà em riêng phận gái
Em chờ anh đừng trách em mê mải
Lót chiếu giường hoa bưởi rụng
giát chung chiêng…
Anh khát bòng chua
Em hoa sữa yếm khoe thèm
Gọi huê thèm ngọn gió liều đẩy cửa
(Lỡ thì)
Hoàng Cầm là một trong những thi sĩ thành công khi để ngòi bút chảy tràn theo lối tự động tâm linh, kết tinh thành một thế giới thơ có sức ám gợi sâu sắc, dai dẳng. Hơn một lần nhà thơ đã lí giải về sự linh diệu, xuất thần của cảm hứng, của “phút linh” sáng tạo. “Nó là những kỷ niệm ăn sâu trong mình rồi bật ra thành thơ, khiến những lúc say sưa viết lại kỷ niệm đó, tôi cứ tưởng có ai đang đọc cho mình chép” (Hoàng Cầm nói về sự ra đời của bài thơ Lá Diêu bông). Tuy vậy, không ngất ngưỡng từ cái hư vô, tứ thơ Hoàng Cầm luôn bắt nguồn từ truyền thống, nhưng cội nguồn dân tộc đã được bồi đắp bởi cảm thức hiện đại. Viết về lễ hội, về các trò chơi dân gian, chiếc yếm lại chơi vơi, chênh vênh, hiện ẩn - “Luồn tay ôm say/ Giấc bay lay đỉnh núi/ Tuột hàng khuy lơi yếm tóc buông mành/ Đùi chảy búp dài thon nhún vội/ Bàng hoàng tia chớp liệng ngang xanh” (Thi đánh đu).
Trò chơi dân gian, trò chơi trong lễ hội đã thành nghệ thuật sắp đặt trong thơ với những biểu thị chữ. Cũng là chơi, hội, vui xuân, nhưng Hoàng Cầm đã tạo sự khác lạ ngay trên văn bản ngôn từ. Cũng là biểu tượng “rất nữ” nhưng nhà thơ đã làm lạ những thi liệu rất quen, mở ra những lớp nghĩa có sức gợi. Có khi dải yếm trở thành cầu nối giữa trái tim và trái tim, khát vọng và khát vọng; giữa cái đẹp hữu hình với cái đẹp vô hình, cái nhỏ bé hữu hạn và cái lớn lao vô hạn, giữa hôm qua và hôm nay. Yếm là nốt nhấn cho ngòi bút thơ của tác giả chạm đến cõi miền siêu thực với lối viết tự động. Hội yếm bay là bài thơ có độ nhòe như thế.
Yếm hãm xuân tình em hé đôi
Ngồi bên Liễu Hạnh nhếch môi cười
Em phải quỳ run xe tóc lạnh
Từ nay giải yếm cấm buông lơi
(…)
Hương ngát em lồng kín cõi anh
Yếm đào trút lại phía vô linh
Đung đưa gác lửng nghênh xuân ấy
Đôi núm hồng em nở hết mình.
Vẫn là hình ảnh rất thực nhưng không thời gian thơ đã mở ra đến cõi vô cùng. Không còn ý nghĩa trần trụi ở bề mặt chữ, câu, chỉ còn lung linh một thế giới của cái đẹp, của sự tương giao, của thăng hoa vô thức. “Đã phanh yếm mỏng thì quăng hết”, “Yếm đào trút lại phía vô linh” - đâu đây trong thơ Hoàng Cầm ta đã bắt gặp khát vọng tận hiến này. Thế giới nghệ thuật thơ Hoàng Cầm không hiếm những hình ảnh, những tứ thơ đầy khát khao như thế: “Ngũ sắc chen nhau cầu lễ hội/ Nuột nà cởi bỏ áo hoa khôi/ Em không buộc thắt lưng thon nữa/ Thả búp tròn căng nuột ấy... ơi!”.
Thơ Hoàng Cầm đẹp lung linh giữa cái khả giải và bất khả giải. “Ngất núi ô kìa anh vỗ nhịp, Bay cờ triệu yếm ríu ran ca”; “Đến khi xé lụa bừng da thịt, Ngửa mặt phù du khép gió xanh”... là những câu thơ như thế. Không phải là chữ đặt bên chữ cho thành nghĩa mà chính là cảm xúc níu cảm xúc, trái tim réo gọi trái tim. Đây là những câu thơ hay chỉ có thể cảm nhận bằng trực giác chứ không phải bằng cách thông diễn ngôn từ.
Lê Thị Hường
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...