Xung quanh việc “Đánh “tập đoàn cứ điểm” trong căn cứ kháng chiến”: Hiểu thế nào cho đúng?
VNTN - Nhân kỉ niệm 65 năm Ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019), tình cờ tôi đọc được bài báo: Đánh “tập đoàn cứ điểm” trong căn cứ kháng chiến của tác giả Mè Quang Thắng, đăng trên báo Quân đội Nhân dân điện tử, ngày 8/12/2014.
Bài báo đã trình bày khá chi tiết cuộc diễn tập đánh tập đoàn cứ điểm được tổ chức tại các xóm: Bản Soi, Đèo Tọt và Đồng Làn thuộc xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Thông qua bài báo, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc xã Đồng Thịnh nói riêng, huyện Định Hóa nói chung càng thêm tự hào vì quê hương mình đã góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến Chiến dịch Điện Biên Phủ (Nguồn: Internet)
Tuy nhiên, nội dung bài báo có nhiều chỗ không đúng với thực tế lịch sử, có phần áp đặt, liên tưởng một cách rất vô lí, gây cho người đọc sự ngộ nhận không đáng có.
Mở đầu bài báo, tác giả viết: “Trước khi cơ động lên Tây Bắc, tham gia tiến công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 (nay là Sư đoàn 308, Quân đoàn 1) tổ chức diễn tập tại xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên”. Người đọc sẽ hiểu rằng, để chuẩn bị tấn công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chúng ta đã tổ chức diễn tập tại xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa. Như vậy là sai hoàn toàn.
Thực tế, trong Chiến dịch Tây Bắc (14/10 - 10/12/1952), ngoài kết quả tiêu diệt sinh lực địch, quân đội ta đã giải phóng một vùng đất rộng lớn, bao gồm toàn bộ Nghĩa Lộ, gần hết tỉnh Sơn La (trừ Nà Sản), 2 huyện của tỉnh Yên Bái và 4 huyện phía Nam tỉnh Lai Châu, trong đó có Điện Biên Phủ. Quân ta không giải phóng được Nà Sản, nguyên nhân chính “… là do những cứ điểm này nằm trong hệ thống cấu trúc chặt chẽ của một tập đoàn cứ điểm. Người Pháp coi đây là một chiến lược ngăn chặn mới. Muốn đánh bại chiến lược này, cần phải có thời gian” (1). Từ đó, một vấn đề đặt ra là: “Cần có thời gian chuẩn bị chu đáo và huấn luyện bộ đội. Cần nghiên cứu kĩ về địch, về kiểu phòng ngự theo tập đoàn cứ điểm” (2).
Như vậy, việc tổ chức diễn tập đánh tập đoàn cứ điểm tại xã Đồng Thịnh là do yêu cầu của kháng chiến từ sau khi quân ta đánh tập đoàn cứ điểm Nà Sản không thành công, chứ không phải là để chuẩn bị cho chiến dịch “tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ”, như bài báo đã nêu. Thời điểm này chưa hề có tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, vậy thì lấy đâu ra để chuẩn bị đánh?
Yêu cầu đặt ra từ sau Chiến dịch Tây Bắc là phải huấn luyện bộ đội, phải học cách đánh tập đoàn cứ điểm. Chấp hành Nghị quyết tháng 5/1953 của Tổng Quân ủy về chỉnh huấn chính trị và quân sự, Bộ Tổng Tham mưu đề ra yêu cầu và nội dung huấn luyện. Về kĩ thuật, vẫn học 5 môn (bắn súng, ném lựu đạn, đâm lê, bộc phá và công sự). Về chiến thuật, học hai hình thức là đánh công kiên và đánh vận động. Về chiến thuật đánh công kiên, Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu bộ đội học đánh công sự mới (boongke) và đánh tập đoàn cứ điểm.
Từ ngày 15/9/1953, các đại đoàn bước vào huấn luyện quân sự trong vòng 2 tháng, đến ngày 15/11 kết thúc. Để giúp cán bộ nắm chắc nội dung huấn luyện chiến thuật, vào đầu tháng 7/1953, Bộ Tổng Tham mưu tổ chức Hội nghị nghiên cứu đánh công sự mới, đánh tập đoàn cứ điểm và sử dụng một trung đoàn thuộc Đại đoàn 308 diễn tập thực binh. Đó là Trung đoàn 102. Nơi tổ chức diễn tập là xóm Bản Soi thuộc xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa. Như vậy, việc tổ chức diễn tập đánh tập đoàn cứ điểm tại xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa là do Bộ Tổng Tham mưu quyết định, không phải là “… thực hiện Chỉ thị của Tổng Quân ủy”, như nội dung ghi trên tấm bia đặt trước Trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Đồng Thịnh, mà bài báo nêu.
Trong bài, tác giả Mè Quang Thắng viết: “Cuộc diễn tập tiến hành vào cuối tháng 9, đầu tháng 10-1953 có cơ sở xuất phát từ Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) diễn ra ngày 25 đến ngày 30-1-1953… Tại hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Địch muốn tập trung thì ta buộc địch phải phân tán, chọn hướng Tây Bắc là hướng chính để mở chiến dịch tiến công”. Thực tế có đúng như tác giả đã nêu hay không?
Tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (25 - 30/1/1953), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản báo cáo về chỉ đạo kháng chiến và chính sách quân sự. Trong đó, Bác nêu rõ: “Về mặt chỉ đạo kháng chiến và chính sách quân sự thì chúng ta phải làm những việc sau đây":
1 - Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để phân tán lực lượng địch và tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng tự do.
Đó là phương hướng chiến lược của ta hiện nay.
2 - Bộ đội chủ lực ở chiến trường Bắc Bộ thì phải dùng vận động chiến linh hoạt, để tiêu diệt từng mảng sinh lực địch, làm cho địch yếu đi, phối hợp với công kiên chiến từng bộ phận, để tranh lấy những cứ điểm và thị trấn nhỏ ở đó địch sơ hở, yếu ớt…
3 - Chiến trường sau lưng địch phải mở rộng du kích chiến để tiêu diệt và tiêu hao những bộ phận nhỏ của địch, để chống địch càn quét, bảo vệ tính mạng, tài sản cho dân, để khuấy rối, phá hoại, kiềm chế địch…
4 - Ngoài việc tăng cường bộ đội chủ lực và xây dựng bộ đội địa phương, vùng tự do và những căn cứ du kích khá to cần phải xây dựng những tổ chức dân quân, du kích không thoát li sản xuất…
5 - Về việc chỉ đạo quân sự, cần phải kết hợp những hình thức đấu tranh nói trên một cách linh hoạt, khôn khéo. Như thế, một mặt lợi cho bộ đội chủ lực có thể tìm nhiều cơ hội để tiêu diệt địch; một mặt khác có thể giúp bộ đội, du kích hoạt động và giúp căn cứ du kích của ta sau lưng địch phát triển và củng cố.
6 - Trong sự chỉ đạo các hình thức đấu tranh nói trên, cần phải thiết thực nhận rõ tính chất trường kì của kháng chiến. Cho nên, phải rất chú ý giữ gìn sức chiến đấu nhất định của bộ đội, không nên làm cho bộ đội hao mòn, mệt mỏi quá.
7 - Phải tăng cường công tác chính trị, luôn luôn nâng cao trình độ chính trị và giác ngộ giai cấp của bộ đội ta…
8 - Phải tăng cường công tác quân sự, trước hết là phải luôn luôn xem trọng việc huấn luyện bộ đội. Phải ra sức bồi dưỡng cán bộ, phải rèn luyện tư tưởng, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị cũng như trình độ chiến thuật và kĩ thuật của cán bộ. Đó là khâu chính trong các thứ công tác…
9 - Phải có kế hoạch chung về việc xây dựng và bổ sung bộ đội. Ngoài việc động viên thanh niên ở vùng tự do tòng quân, cần phải rất chú ý tranh thủ và cải tạo ngụy binh đã đầu hàng ta để bổ sung cho bộ đội ta…
10 - Cần phải tăng cường và cải thiện dần việc trang bị cho bộ đội, nhất là xây dựng pháo binh”(3).
Xem thế đủ thấy rõ, trong bản báo cáo, không có đoạn nào “Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Địch muốn tập trung thì ta buộc địch phải phân tán, chọn hướng Tây Bắc là hướng chính để mở chiến dịch tiến công”, như tác giả Mè Quang Thắng đã nêu trong bài báo.
Tác giả bài báo đã có sự nhầm lẫn, bởi vì vào thời điểm đầu năm 1953, quân cơ động chiến lược của địch chưa được tập trung quy mô lớn. Nhưng đến khi tướng Nava sang Đông Dương làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chính (5/1953) cùng với kế hoạch quân sự được Hội đồng Phòng thủ Quốc gia Pháp thông qua (7/1953), thì thực dân Pháp đã xây dựng được 84 tiểu đoàn cơ động, trong đó có 44 tiểu đoàn được tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ - một lực lượng lớn chưa từng có. Nếu tính cả lực lượng chiếm đóng, tại đồng bằng Bắc Bộ, địch có 112 tiểu đoàn.
Từ tình hình trên, vào hạ tuần tháng 9/1953, Bộ Chính trị họp để bàn kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954. Sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày đề án của Tổng Quân ủy như dự kiến của Bộ Tổng Tham mưu, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Địch muốn tập trung thì ta buộc địch phân tán”,“Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị chủ trương chưa nên đánh vào đồng bằng, mà chọn Tây Bắc làm hướng chính để mở chiến dịch tiến công, các hướng khác là phối hợp nhằm phá tan âm mưu tập trung binh lực của địch” (4).
Như vậy, tác giả Mè Quang Thắng đã lấy nội dung sự kiện Hội nghị Bộ Chính trị (9/1953) ghép vào sự kiện Hội nghị lần thứ 4 (1/1953) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đây là một sự hiểu nhầm hay cố ý?
Trong bài báo, tác giả còn giải thích lí do Trung đoàn 102 được chọn tổ chức diễn tập “bởi trung đoàn có thành tích tốt trong chiến đấu, nhiều kinh nghiệm đánh công kiên, vận động truy kích địch… đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh cứ điểm trong Chiến dịch Tây Bắc, điển hình là trận đánh ở Pú Chạng (Nghĩa Lộ) vào tháng 10/1952”.
Nên nhớ rằng, Pú Chạng là một cứ điểm mà địch vừa mới dời sở chỉ huy phân khu từ vị trí Nghĩa Lộ Phố tới đó, chỉ có hơn 300 quân. Trung đoàn trưởng Vũ Yên đề nghị Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 trao cho Trung đoàn 102 nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Pú Chạng và hứa: “Chúng tôi cố gắng tiêu diệt Pú Chạng chậm nhất là 5 tiếng”. Kết quả, sau 3 giờ tác chiến, trận đánh kết thúc tại hầm ngầm cố thủ giữa cứ điểm. Ta bắt sống 177 quân địch cùng với tên quan tư chỉ huy phân khu Tiriông. Nhưng đến khi quân ta tấn công Nà Sản, Trung đoàn 102 cùng với Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) được giao nhiệm vụ đánh chiếm vị trí Phú Hồng và đánh vị trí Bản Hời. Đêm 30/11/1952, hai Trung đoàn này đã tiêu diệt Phú Hồng và Bản Hời. Nhưng sau đó, địch phản kích chiếm lại Phú Hồng. Kết quả, quân ta không tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm Nà Sản, nguyên nhân chủ yếu đã nói ở trên. Như vậy, việc Trung đoàn 102 tham gia diễn tập đánh tập đoàn cứ điểm được tổ chức tại xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa không phải hoàn toàn như lí do tác giả nêu trong bài báo.
Cũng trong bài báo này, sau khi nêu địa bàn các xóm được chọn làm nơi diễn tập đánh tập đoàn cứ điểm, tác giả khẳng định: “Địa hình gần giống với lòng chảo Điện Biên Phủ. Đặc biệt là khu vực được bố trí hầm hào kiên cố gần giống địa hình ở Đồi A1”. Một sự so sánh, liên tưởng hết sức vô lí! Bởi lẽ, vào thời điểm quân ta tổ chức diễn tập đánh tập đoàn cứ điểm được tổ chức tại xã Đồng Thịnh (đầu tháng 10/1953), Điện Biên Phủ vẫn là vùng mới giải phóng trong Chiến dịch Tây Bắc Thu - Đông 1952. Đến ngày 20/11/1953, sau khi phát hiện quân ta tiến lên Tây Bắc, hướng chính là Lai Châu, tướng Nava mới cho 6 tiểu đoàn quân cơ động từ đồng bằng Bắc Bộ nhảy dù xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ, nhằm bảo vệ chiến trường Tây Bắc, Thượng Lào và phá kế hoạch tiến công của quân ta trong Đông - Xuân 1953 - 1954.
Không đạt được âm mưu nói trên, lại phát hiện nhiều đơn vị bộ đội chủ lực của ta, kể cả những đơn vị thiện chiến nhất (các Đại đoàn 308, 312, 351), đang tiếp tục di chuyển lên hướng Tây Bắc, ngày 3/12/1953, tướng Nava quyết định tiếp nhận cuộc chiến đấu với quân chủ lực của ta ở Điện Biên Phủ và ra chỉ thị cần giữ vững Điện Biên Phủ bằng bất cứ giá nào. Lực lượng của địch tại Điện Biên Phủ tăng dần lên và từ thời điểm này, Điện Biên Phủ mới dần dần trở thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương.
Như vậy, khi quân ta tổ chức diễn tập tại xã Đồng Thịnh, đã có “lòng chảo Điện Biên Phủ', “Đồi A1” đâu mà bố trí xây dựng trận địa giống (hoặc gần giống) như thế? Lấy một cái đang diễn ra so sánh với một cái chưa hề có trên thực tế, là một điều hết sức phi lí!
Đó là chưa kể, trong bài báo, tác giả mô tả khá chi tiết cuộc diễn tập, “có gần 200 đại biểu là chỉ huy các đại đoàn, trung đoàn, cán bộ địa phương tới tham quan rút kinh nghiệm và học tập”. Những thông tin này, tác giả dựa vào nguồn tài liệu nào?
Lịch sử phải đảm bảo tính khách quan, trung thực, không được bóp méo, thậm chí không được hư cấu. Các sự kiện, hiện tượng lịch sử trước khi đưa vào các trang sách, báo, cần phải được thẩm định, hoặc cần phải có dẫn nguồn, không thể chỉ nghe lời kể của các nhân chứng lịch sử và tuyệt đối không được suy diễn chủ quan.
Trên tinh thần ấy, tôi xin được góp một số ý kiến trao đổi về nội dung bài báo Đánh “tập đoàn cứ điểm” trong căn cứ kháng chiến của tác giả Mè Quang Thắng, với mong muốn giúp bạn đọc hiểu đúng lịch sử.
Chú thích:
(1) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Đường tới Điện Biên Phủ. Hồi ức, Hữu Mai thể hiện. Nxb QĐND, Hà Nội 1999, tr. 385.
(2) Ban Tổng kết - Biên soạn Lịch sử Bộ Tổng Tham mưu: Lịch sử Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), Hà Nội 1991, tr. 631.
(3)Hồ Chí Minh Toàn tập. Tập 7 (1953 - 1955). Xuất bản lần thứ hai. Nxb CTQG, Hà Nội, tr. 17, 18, 19.
(4) Ban Tổng kết - Biên soạn Lịch sử Bộ Tổng Tham mưu: Lịch sử Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống Pháp… Sđd, tr. 717.
TS Sử học Nguyễn Xuân Minh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...