Xu thế dạy đọc hiểu văn bản đa phương thức ở một số nước trên thế giới
LTS: Tiếp theo số trước, kỳ này Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên đăng tải bài nghiên cứu thứ 2 về văn bản đa phương thức, với nội dung giới thiệu xu thế dạy đọc hiểu văn bản đa phương thức ở một số nước trên thế giới.
TS. Trần Thị Ngọc
Lâu nay, nhà trường phổ thông Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong cách nhìn nhận về văn bản. Văn bản không đơn giản chỉ có kênh chữ mà còn có sự kết hợp của các phương thức thể hiện khác. Đặc biệt, từ sau khi tham gia chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA - Programme for International Student Assessment) năm 2012, cách hiểu về văn bản đã được mở rộng. Theo PISA, ngoài văn bản liền mạch còn tồn tại văn bản không liền mạch. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một bộ phận nhỏ mà phần lớn cách hiểu của nhiều người vẫn bị giới hạn trong cách hiểu truyền thống về văn bản (văn bản chỉ đơn giản là kênh chữ). Có thể nói, việc dạy đọc hiểu môn Ngữ văn trước năm 2020 vẫn nằm trong văn bản truyền thống. Trong khi đó, xu thế quốc tế của các nước có nền kinh tế phát triển đã chuyển sang giáo dục đa phương thức.
Hàn Quốc, Mỹ, Úc, Singapore là những quốc gia có nền giáo dục phát triển. Chương trình, sách giáo khoa về ngôn ngữ và văn học của các quốc gia này đều coi trọng việc dạy đọc hiểu văn bản đa phương thức. Hiện nay, họ còn tiếp tục mở rộng khái niệm văn bản đa phương thức, nó không chỉ là sự kết hợp của kênh chữ với kênh hình, sơ đồ, bảng biểu… mà còn kết hợp với các phương thức thể hiện của nhiều ngành khác nhau như: hình ảnh tĩnh, hình ảnh động, âm thanh, màu sắc…
Chương trình của Hàn Quốc năm 2015 chỉ rõ mục tiêu của môn Ngữ văn trung học cơ sở như sau: giúp học sinh “có được năng lực ngôn ngữ cần thiết cho việc học tập và trong sinh hoạt hàng ngày. Phán đoán được ý đồ của đối phương và thực hiện giao tiếp tương tác; mở rộng sự quan tâm từ đời sống ngôn ngữ đến thế giới đa dạng của văn hóa ngữ văn. Giao tiếp hiệu quả và phù hợp trong nhiều hoàn cảnh, đọc hiểu có đánh giá nhiều loại văn bản khác nhau và viết một cách cân nhắc hiệu quả của các cách diễn đạt. Mở rộng vốn từ và nâng cao năng lực sử dụng từ, hiểu một cách tổng quát những nội dung chính của ngữ pháp tiếng Hàn, phân tích tác phẩm văn học một cách đa dạng và tự chủ”. Trong mục tiêu trên, đối tượng đọc hiểu của học sinh trung học cơ sở ở Hàn Quốc được xác định là các loại văn bản khác nhau. Các văn bản đó không đơn thuần chỉ có chữ viết mà còn có sự kết hợp của các dạng kí hiệu khác. Các dạng kí hiệu đó được chỉ rõ trong tiêu chí 2 của phân môn Đọc, đó là: “Có rất nhiều trường hợp không chỉ đưa ra thông tin bằng chữ mà còn kèm theo các tư liệu như biểu đồ, tranh, ảnh. Để đọc một cách có phê phán, cần đọc và phán đoán hiệu quả và tính phù hợp của những tư liệu được sử dụng. Cân nhắc ý đồ của người viết, nội dung của bài, mạch của văn bản, phân tích loại tài liệu được đưa ra, phương pháp, thứ tự đưa ra, đánh giá tính phù hợp và hiệu quả của tư liệu. Cũng có thể bao gồm cả những tài liệu được sử dụng trong các loại phương tiện truyền thông chứ không chỉ những văn bản bằng chữ”.
Để thực hiện mục tiêu đó, ngữ liệu trong sách Ngữ văn của Hàn Quốc gồm: văn bản thông tin và văn bản văn học. Trong đó, số lượng văn bản thông tin nhiều hơn và tăng dần ở những khối lớp cao hơn. Các văn bản đọc hiểu gồm cả các văn bản được in (bằng chữ, tranh, ảnh…) và các nguồn không in. Đặc biệt, chương trình của Hàn Quốc đã nhấn mạnh việc sử dụng các văn bản đa phương thức. Điều đó được thể hiện trong việc lựa chọn, sắp xếp các nội dung và sự trình bày thông qua hình thức của sách giáo khoa Ngữ văn Hàn Quốc. Điều đó được nhấn mạnh qua nhận xét của tác giả Bùi Mạnh Hùng - chuyên gia nghiên cứu về chương trình và sách giáo khoa Hàn Quốc “sách giáo khoa ở cả ba cấp học, nhất là ở tiểu học và trung học cơ sở có rất nhiều tranh vẽ và sơ đồ, ít có trang sách nào chỉ có riêng kênh chữ”.
Hình thức trình bày như vậy không chỉ gây hứng thú đối với học sinh mà còn giúp học sinh hình dung tốt hơn các vấn đề được học. Nội dung của các bức tranh đều gắn với nội dung bài học. Trong nhiều bài học, học sinh phải quan sát kĩ tranh vẽ mới làm được bài tập. Nghĩa là tranh vẽ không thuần túy có chức năng trang trí mà là một phần không tách rời của nội dung sách giáo khoa.
Nhờ chính sách mở, từ sau năm 2009, sách giáo khoa Ngữ văn (tiếng Hàn và văn học) trung học cơ sở của Hàn Quốc khá đa dạng. Ở bậc trung học, sách giáo khoa Hàn Quốc dạy tiếng Hàn và văn học sử dụng rất nhiều văn bản thuộc các phong cách chức năng khác nhau. Ví dụ trong bộ SGK Ngữ văn cấp 2 (năm thứ nhất) do Nhà xuất bản Giáo dục Bi sang Seoul phát hành năm 2015 có rất nhiều văn bản thuộc các phong cách chức năng như: Sinh hoạt hàng ngày, văn học nghệ thuật, khoa học, chính luận gồm cả các văn bản được in (bằng chữ, tranh, ảnh…) và các nguồn không in.
Bên cạnh Hàn Quốc, Mỹ là một trong những quốc gia có sự đầu tư lớn cho giáo dục. Mỗi khi vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế bị lung lay, người Mỹ, trước hết là chính phủ, bao giờ cũng nhìn lại nền giáo dục của mình. Và những đổi mới giáo dục của họ bao giờ cũng được đặt nền móng trên những kết quả nghiên cứu, khảo sát nghiêm túc, công phu. Lĩnh vực đọc hiểu là một trong những lĩnh vực được giáo dục của Mỹ quan tâm. Thông điệp “Ủy ban Giáo dục bang và Ủy ban giám sát chỉ đạo quốc gia” đã nêu lên mục tiêu chung của đọc hiểu văn bản là: “giúp học sinh trở thành một người có khả năng đọc… ở thế kỷ 21. Các học sinh học đọc một cách có ý thức và kĩ lưỡng, học phân tích các tác phẩm văn học và một loạt các văn bản không hư cấu trong một thế giới bùng nổ các loại văn bản và phần mềm kĩ thuật số”.
Chuẩn chương trình của bang California quy định các văn bản mà học sinh học bao gồm: văn bản được in ấn và các văn bản bằng phần mềm kĩ thuật số. Chúng là các văn bản văn học và văn bản thông tin, trong đó văn bản thông tin rất được coi trọng. Qua “Bảng phân loại các văn bản thông tin và tác phẩm văn học qua từng cấp độ trong hệ thống kĩ năng đọc 2009 của NAEP” (National Assessment of Educational Progress - Các đánh giá quốc gia về giáo dục tiến bộ), chúng ta sẽ thấy rõ điều đó:
Như vậy, tỉ lệ giữa hai loại văn bản văn học và văn bản thông tin được chuẩn chương trình của bang California chia với tỉ lệ rõ ràng. Càng lên các cấp/lớp cao hơn, số lượng văn bản thông tin càng nhiều hơn.
Văn bản thông tin là cách gọi theo mục đích thuần túy cung cấp thông tin để phân biệt với văn bản văn học là bày tỏ cảm xúc, tình cảm, biểu đạt tư tưởng thẩm mĩ. Còn cách gọi văn bản đa phương thức là cách gọi theo phương thức thể hiện để phân biệt với văn bản đơn phương thức. Vì vậy, các văn bản thông tin mà chương trình của bang California xác định nếu gọi theo cách thức cấu tạo đó là văn bản đa phương thức. Còn đây là đối tượng đọc hiểu của văn bản đa phương thức trong sách giáo khoa của bang California:
* Cấp Tiểu học:
- Các truyện tiểu sử, tự truyện, các sách về lịch sử, nghiên cứu xã hội, khoa học và mĩ thuật.
- Sách kĩ thuật bao gồm các chỉ dẫn, các công thức và các thông tin được trình bày dưới dạng biểu đồ, đồ thị hoặc bản đồ và các nguồn dạng phần mềm kĩ thuật số về các chủ điểm khác nhau.
* Cấp THCS và THPT:
- Các bài bình luận, các văn bản nghị luận, các tài liệu chuyên ngành dưới hình thức các bài luận văn cá nhân.
- Các bài diễn văn, các ý kiến đánh giá, các bài luận văn về mĩ thuật, thơ văn, tiểu sử, hồi kí, các bài báo và các tài liệu về lịch sử, khoa học kĩ thuật và kinh tế (gồm cả các nguồn phần mềm kĩ thuật số) được viết cho các đối tượng độc giả khác nhau.
Ở Mỹ, cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông phải đọc hiểu các loại văn bản đa phương thức giống nhau. Song, yêu cầu cụ thể ở từng khối lớp có những điểm khác biệt; đặc biệt, độ phức tạp của văn bản đọc hiểu được tăng dần qua từng lớp học, cấp học.
Khảo sát bộ sách giáo khoa Ngữ văn “Literature” (từ lớp 6 - 9) của Mỹ do nhà xuất bản Mc Dougal Littell phát hành năm 2008, chúng tôi nhận thấy đây là bộ sách giáo khoa có dung lượng lớn, mỗi cuốn trên 1000 trang (lớp 6: 1151 trang, lớp 7: 1183 trang, lớp 8: 1251 trang, lớp 9: 1389 trang), được in màu, trình bày rất hấp dẫn. Các kĩ năng đọc, viết, nói, nghe và phần từ vựng, ngữ pháp được tích hợp trong mỗi bài học cụ thể. Trong sách giáo khoa Ngữ văn, đối tượng đọc hiểu gồm văn bản văn học, văn bản thông tin với nhiều thể loại khác nhau được thể hiện dưới hình thức in và không in. Với các văn bản in, ngoài kênh chữ còn có sự kết hợp của ảnh chụp, tranh vẽ, sơ đồ, bảng biểu cùng các kí hiệu khác. Các yếu tố này giúp cho người đọc hiểu được trọn vẹn nội dung của văn bản. Với các nguồn không in đó chính là các thể loại của phương tiện truyền thông như: clip phim, bộ sưu tập hình ảnh, clip truyền hình, phim tài liệu, tin tức, trang web, quảng cáo trên tivi… Như vậy, chúng ta có thể thấy dù ở dạng in hay không in, phần lớn các văn bản trong sách giáo khoa Ngữ văn của Mỹ đều là các văn bản đa phương thức với nhiều thể loại phong phú, đa dạng.
Với quan điểm cho học sinh làm quen với các văn bản in và không in (lấy từ nhiều nguồn khác nhau) ngay từ bậc tiểu học, sách giáo khoa ngôn ngữ của Singapore đã được thiết kế sinh động với nhiều hình ảnh hấp dẫn, dễ hiểu. Khảo sát cuốn “Celebrate English 6A” của Claudia Sulllivan, sản xuất bởi Person Education South Asia Pte Ltd, chúng tôi nhận thấy số lượng bài học không quá nhiều (4 bài: Endanger species, Stories from the past, Extraordinary people, Space travel), trong mỗi bài học các kĩ năng đọc, viết, nói, nghe cùng các mạch kiến thức như ngữ pháp, từ vựng được tích hợp một cách hợp lí. Với các bài đọc ngoài kênh chữ (được trình bày gồm nhiều kiểu chữ khác nhau) còn có sự kết hợp của các tranh minh họa, các kí hiệu chú giải nội dung của từng phần như nhan đề, giới thiệu, sự kiện, kết luận.
Không chỉ ở Hàn Quốc, Mỹ, Singapore mà ở Úc giáo dục đa phương thức cũng rất phát triển. Chương trình của Úc xác định rõ mục tiêu của chương trình nhằm học về nghe, đọc, nhìn, quan sát, nói, viết, sáng tạo, phản ánh những văn bản ngày càng gia tăng độ phức tạp và văn bản đa phương thức là một trong những đối tượng của đọc, nghe, nói, viết. Có thể thấy rằng, trong chương trình tiếng Anh của Úc, văn bản đa phương thức đã được xác định là đối tượng của đọc hiểu. Điều đó khẳng định, các nhà giáo dục Úc đã xác định rõ vị trí và vai trò quan trọng của văn bản đa phương thức trong giáo dục ở nhà trường phổ thông. Vì lẽ đó, sách giáo khoa dạy ngôn ngữ của Úc, đặc biệt sách giáo khoa ở bậc trung học cơ sở có sự sắp xếp rõ ràng giữa văn bản viết và văn bản đa phương thức. Ví dụ: Sách giáo khoa tiếng Anh lớp 8 đã sử dụng hai loại văn bản là: văn bản viết (Úc, Thổ dân và xứ đảo, nước ngoài) và văn bản đa phương thức (Úc, Thổ dân và xứ đảo, nước ngoài). Trong đó, tỉ lệ văn bản đa phương thức chiếm một số lượng không nhỏ, có 6 văn bản đa phương thức dành cho Úc, 1 văn bản đa phương thức dành cho Thổ dân và xứ đảo, 2 văn bản đa phương thức của thế giới.
Qua nghiên cứu chương trình và sách giáo khoa của Mỹ và Úc, chúng tôi nhận thấy có điểm khác biệt đó là: thể loại phim (thể loại tiêu biểu nhất của đa phương thức) đã được đưa vào chương trình giảng dạy của Úc; văn bản viết và văn bản đa phương thức cũng được phân định rõ ràng trong chương trình và sách giáo khoa của quốc gia này.
[gallery columns="4" ids="34529,34530,34531,34532"]
Một số trang trong SGK Ngữ văn cấp 2 (năm thứ nhất) do nhà xuất bản
Giáo dục Bi sang Seoul phát hành năm 2015
Khi đời sống xã hội và khoa học kĩ thuật ngày càng phát triển, nhiều loại văn bản được tạo ra bằng các phương thức thể hiện khác nhau. Một trong những yêu cầu mà người lao động có trình độ văn hóa cần đạt được để tiếp tục học tập, nghiên cứu hoặc lao động là phải có những hiểu biết tối thiểu về văn bản đa phương thức. Từ đó, người lao động sẽ hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng văn bản đa phương thức: nghe hiểu đa phương thức, đọc hiểu đa phương thức, viết văn bản đa phương thức và trình bày văn bản đa phương thức. Vì vậy, ngữ liệu dạy học Ngữ văn phải là một hệ thống “mở”, luôn luôn được bổ sung, cập nhật nhằm hình thành cho người học những năng lực cần thiết trong cuộc sống hiện đại. Bởi dạy đọc hiểu văn bản đa phương thức không chỉ là cơ sở cho học môn Ngữ văn mà còn là cơ sở cho việc đọc hiểu các môn học khác (các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội).
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...