Xin nói lại với ông Nguyễn Kiến Thọ
LTS: Tiếp tục cuộc tranh luận văn học về một số vấn đề văn xuôi Thái Nguyên, sau khi bài “Thưa lại với ông Hồ Thủy Giang” của tác giả Nguyễn Kiến Thọ được đăng trên số 15 ra ngày 10/4/2018, tác giả Hồ Thủy Giang có bài hồi âm trao đổi lại. VNTN đăng tải toàn văn bài viết này.
Đọc xong bài “Thưa lại với ông Hồ Thủy Giang” của ông Thọ, ngay lập tức, tôi rút ra một bài học cho mình: Ông Thọ thuộc kiểu người không thể tranh luận được, ít nhất là với riêng tôi. Vì sao vậy? Thứ nhất, ông là người không bao giờ chấp nhận sự thật, dù là những sự thật hết sức hiển nhiên. Thứ hai, để né tránh sự thật, ông thường dùng kiểu biện luận loanh quanh để bao biện. Đấy là chưa kể đến việc ông sẵn sàng “vấy bùn” lên người khác.
Ví dụ, trong bài trước, tôi có nêu ra sai lầm khi ông nhận định hai nhà thơ Ma Trường Nguyên và Hà Đức Toàn là những người “mở đầu” cho văn xuôi “hậu Việt Bắc” thì ông lại bẻ quặt sang việc: “Tôi hỏi ông Giang: có khi nào, ai đó viết về văn xuôi Thái Nguyên mà lại không điểm đến hai ông ấy không?”. Đó là thuật đánh tráo khái niệm. “Mở đầu” và cần phải nhắc tên khi điểm về tình hình viết văn xuôi Thái Nguyên là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Đương nhiên hai nhà văn nêu trên cũng như nhiều người viết văn xuôi khác (như Bùi Như Lan, Phạm Đức, Trần Quang Toàn, Phan Thái, Minh Hằng, Ngọc Thị Kẹo…) khi điểm đến đội ngũ văn xuôi Thái Nguyên không thể không nhắc đến họ. Nhưng dứt khoát tất cả những người vừa nêu tên ở trên không phải là những người “mở đầu” cho văn xuôi “hậu Việt Bắc”. Cái chân lí quá rõ ràng như vậy mà ông vẫn cố cãi bằng được thì quả là tôi cũng đành bó tay chấm com. Bó tay là vì có tranh luận thêm cũng vô ích.
Ví dụ thứ hai: là những nhận định mang tính võ đoán của ông về Vi Hồng, Nông Minh Châu, Phan Thái, Minh Hằng. Ở bài viết của mình, tôi chỉ muốn vạch ra một điều đơn giản rằng, không ai có thể định giá một cách thiếu cơ sở khoa học về những tác phẩm chưa xuất hiện và không thể xuất hiện được nữa (với những người đã khuất như Vi Hồng và Nông Minh Châu). Ông đâu phải là nhà tiên tri. Nhưng nếu ông vẫn khăng khăng cho rằng những nhận định của ông về họ là đúng thì đó là việc của cá nhân ông. Ai mà cấm được ông nói. Nhưng về phần cá nhân thì tôi chắc chắn sẽ tránh xa ông. Cũng không ai cấm được tôi về điều đó.
Ông Thọ có vận đến thành ngữ “Đoạn chương thủ nghĩa” để gán cho tôi cũng rất không chính xác. Hình như ông Thọ chưa hiểu thật đầy đủ, thấu đáo thành ngữ này. Còn nếu như ông cố tình hiểu sai thì tôi cũng không nói thêm nữa.
Trong bài viết “Thưa lại….”, điều nổi cộm nhất là thái độ thiếu thiện chí của ông đối với tôi và một số anh em văn nghệ sĩ ở Thái Nguyên. Xưa nay, tôi không hề có một hiềm khích nhỏ nào đối với ông. Sau bài viết thứ nhất của ông, tôi buộc phải lên tiếng là bởi muốn bảo vệ đôi ba sự thật bị ông làm sai lạc, chứ nói rằng tranh luận gì đó với ông thì cũng chưa thật chính xác. Vì về bản chất, bài viết của ông không có vấn đề gì đáng và cần phải tranh luận. Và nếu ông đọc nó bằng thiện ý thì sẽ thấy những điều tôi nói hoàn toàn là vì người khác, chứ không vì bản thân mình. Vậy mà không hiểu sao ông lại có những lời nói nhằm bóng gió chỉ trích cá nhân tôi, mà toàn là những chuyện nằm ngoài các vấn đề đang trao đổi. Ví như lớp văn xuôi của chúng tôi thế này thế nọ, rằng văn của tôi chưa vượt được cầu Đa Phúc bao xa, rằng… Nhân đây, tôi cũng xin được tỏ bày vài lời ngắn gọn.
Cái lớp văn xuôi ấy, không một học viên hoặc giảng viên nào tự nhận là “lớp đại học viết văn” như ông chế nhạo nó dưới hình thức một ví dụ mang tính dèm pha, thiếu tinh thần xây dựng. Nghĩ mãi mà tôi vẫn không hiểu vì sao ông lại có ác cảm với cái lớp học mà nhiều anh em viết văn xuôi phải cố gắng lắm mới mở được. Cái lớp học ấy nó có động chạm, ảnh hưởng gì đến ông đâu. Về phần cá nhân tôi cũng vậy. Xưa nay, tôi chưa bao giờ nghĩ hoặc nói nửa câu rằng văn chương của mình đi đến đâu, đang ở vị trí nào. Tôi nghĩ, văn chương của tôi, hay bất cứ một nhà văn nào ở Thái Nguyên, dù chỉ đi đến cầu Đa Phúc hay đến Ngã Ba Bắc Nam thôi cũng tốt ông Thọ ạ. Mà chẳng đi được đến đâu thì cũng chẳng sao. Tôi luôn nghĩ rằng, một nhà văn ở tỉnh lẻ mà văn tài của mình, dù đã hết sức cố gắng, nhưng cũng chỉ có thể phục vụ bạn đọc trong tỉnh, thậm chí trong huyện, trong xóm, xã thì cũng đã là tạo được niềm vui ít nhiều rồi. Ông thỉnh thoảng cũng có làm thơ, nếu là người khiêm tốn và biết mình, biết người thì chắc hẳn ông cũng nghĩ như thế thôi. Văn chương, xét cho cùng cũng chỉ là một nghề, một nghề mà nếu viết không ra hồn thì cũng chẳng ai cần. Đua chen, ảo tưởng mà làm gì cho thêm buồn ông Thọ ơi? Sự thật thì ở đời này không ai có thể tự nắm tóc kéo mình lên được và cũng không ai mất uy tín hoặc danh dự khi bị kẻ khác cố tình bôi nhọ. Anh em văn nghệ sĩ có thể có một đôi người vì lợi ích cá nhân nhỏ bé nào đó mà bất chấp chân lí, nhưng những người trọng sự thật thì bao giờ cũng là đại đa số đấy, phải không ông Thọ?
Trong bài viết, ông có ý cho tôi là người không biết tranh luận. Điều này thì ông nói không sai. Tôi xưa nay, chỉ chăm chú vào việc viết, có mấy khi tranh luận, cũng chẳng ai bày vẽ cho cách thức tranh luận thế nào cho chuyên nghiệp. Chẳng qua thấy ông nói không đúng sự thật thì tôi nói lại thôi, chứ bài viết của tôi, tuy có chút động chạm đến học thuật nhưng suy cho cùng, hoàn toàn không có sự tranh luận. Nhưng nếu ông không nhất trí với những điều tôi nói, vẫn một mực giữ quan điểm của mình như ông từng viết, thì cũng phương hại gì đến cá nhân tôi đâu. Mọi việc xin cứ để công chúng định đoạt.
Điều cuối cùng: Đọc bài vừa rồi của ông, tôi tìm mãi nhưng không thấy lời giải thích nào về khái niệm “đại tự sự” mà ở bài trước ông đã đưa ra một cách thiếu chính xác. Ông có ý cho tôi là người không biết tranh luận, hẳn cũng đồng nghĩa với việc ông là người giỏi tranh luận. Vậy sao ông không nói gì về chuyện này? Nhưng mà thôi, đến lúc này, tôi cũng không muốn ở ông một sự giải thích gì thêm nữa. Với lại, cái khái niệm “đại tự sự” ấy nó cũng không quá phức tạp, khó hiểu. Nếu có chút ít nghiên cứu về chủ nghĩa hậu hiện đại thì sẽ vỡ ra thôi. Tranh luận về cái chuyện có phần hơi đơn giản này, e rằng những người có kiến văn đầy đủ chê cười.
Trước khi kết thúc bài viết, tôi xin nhấn mạnh lại ý kiến tôi đã nói ở trên, rằng tôi không muốn bàn cãi với ông dù bất cứ về chuyện gì nữa. Mọi việc xin được chấm dứt ở đây. Cũng còn nhiều việc phải làm. Và tôi xin nói trước, nếu ông Thọ có viết gì tôi cũng không đọc. Đó là quyền cá nhân tối thiểu của tôi. Xin chúc ông sức khỏe.
Hồ Thủy Giang
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...