Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
03:51 (GMT +7)

Xin hãy gọi yêu thương quay về!

Người Việt Nam hầu như mới chỉ biết đến văn hóa Hàn Quốc qua các kênh điện ảnh, ca nhạc, thời trang và các sản phẩm của nền công nghiệp Hàn Quốc, từ lâu đã tràn ngập và trở nên rất quen thuộc, mà ít biết đến nền văn học đồ sộ của đất nước này. Ngoài rất ít cuốn tiểu thuyết được dịch trong vài chục năm trở lại đây với nỗ lực của một số cá nhân đơn lẻ như dịch giả Nguyễn Hiến Lê, ta mới chỉ thấy một vài bộ sách viết về lịch sử văn học Hàn Quốc, trong đó chủ yếu là mảng văn học cổ điển. “Hãy chăm sóc mẹ” của Shin Kyung Sook do Lê Hiệp Lâm và Lê Nguyễn Lê dịch từ nguyên bản tiếng Hàn mới phát hành năm 2011 là một bổ khuyết quan trọng cho vốn hiểu biết văn hóa cũng như văn chương Hàn Quốc của người Việt Nam.

 

Shin Kyung Sook là một nhà văn tiêu biểu cho văn học Hàn Quốc đương đại, xuất hiện lần đầu tiên và đạt nhiều giải thưởng với tác phẩm “Winter's Fable” được xuất bản năm 1985. Đặc biệt với tiểu thuyết “Please Look After Mom” (“Hãy chăm sóc mẹ”) ra mắt năm 2007, bà đã trở thành gương mặt văn học xuất sắc nhất châu Á năm 2009. Tác phẩm chỉ với 323 trang sách nhưng đã mang lại cho bạn đọc Việt Nam sự đồng cảm đặc biệt, bởi ở đâu đó trong những làng quê Việt Nam cũng có những bà mẹ hy sinh quên mình gìn giữ mái ấm gia đình. Bằng cách kể chuyện điêu luyện, khéo léo với nhiều tầng ý nghĩa được gửi gắm, Shin Kyung Sook đã làm nên một tác phẩm mang đầy đủ phong vị Hàn Quốc mà thấm thía tình nhân loại.

Bằng câu chuyện cảm động về người mẹ đi lạc đường, tác giả Shin Kyung Sook đã dựng nên bức tranh rộng lớn về xứ sở quê hương, gia đình, con người và đặc biệt là người phụ nữ Hàn Quốc. Chính điều này đã làm nên thành công của Shin Kyung Sook, giúp bà đạt nhiều giải thưởng văn học, trong đó giải thưởng danh tiếng nhất là giải thưởng Man Asian Literary năm 2011.

“Hãy chăm sóc mẹ” là tiểu thuyết thứ sáu của Shin Kyung Sook, được bắt đầu viết từ mùa đông năm 2007, đăng trên tập san “Sáng tác và phê bình” và hoàn thành sau bốn kỳ đăng. Từ lúc bắt đầu khởi đăng, “Hãy chăm sóc mẹ” đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của độc giả. Tháng 11 năm 2008, khi lần đầu phát hành sách, “Hãy chăm sóc mẹ” ngay lập tức gây chấn động toàn bộ thị trường xuất bản Hàn Quốc và đứng đầu danh sách xếp hạng sách bán chạy nước này suốt một thời gian dài. Cho đến nay, đã hơn một triệu bản sách tiếng Hàn đã được bán ra.

Không những vậy, tiểu thuyết “Hãy chăm sóc mẹ” của nhà văn Shin Kyung Sook còn vượt ra khỏi biên giới Hàn Quốc, lọt vào danh sách sách bán chạy nhất của tờ New York Times (Mỹ) và tiếp theo, được xuất bản tại Anh, Canada, Pháp, Tây Ban Nha và các nước khu vực châu Á. Đến nay, tác phẩm đã được dịch sang 20 thứ tiếng. Có thể thấy tiểu thuyết của Shin Kyung Sook thực sự đã nhận được sự chú ý của độc giả quốc tế - điều mà rất ít nhà văn Hàn Quốc có thể làm được.

Mở đầu câu chuyện là sự kiện bà mẹ bị đi lạc ở một ga tàu điện ngầm, cả gia đình bấn loạn với sự kiện này. Họ bắt đầu tìm kiếm, họ viết thông báo, cùng nhau đi phát tờ rơi và cuộc hành trình tìm mẹ bắt đầu. Trên cuộc hành trình không có điểm tận cùng đó, những ký ức về mẹ ồ ạt ào tràn về trong sự hoang mang, lo sợ, đau đớn của những đứa con và của cả người chồng cô con gái thứ ba không nguôi nhớ về những ngày đông về cùng mẹ làm cá đuối để dâng lên mâm cơm cúng tổ tiên. Cô nhớ lại những lần mẹ nhờ cô đọc thư của anh trai gửi về, nhớ lúc mẹ dắt cô ra cửa hàng mua váy, nhớ dáng mẹ vất vả bên những chiếc chum để cọ cho chúng thật sạch và nhớ cả việc mẹ đang là một người bệnh cần được quan tâm, chăm sóc…Cô nhận ra rằng đã quá muộn, rằng cô đã thực sự mất mẹ rồi. Và giá như cô không quá ích kỷ lao vào sự hối hả của cuộc sống hiện đại, giá như mẹ cô có thể quay trở lại, cô sẽ chăm sóc và bù đắp cho bà.

Người anh đã quên đi giấc mơ làm công tố viên của mình mặc cho giấc mơ ấy là niềm hi vọng, mong chờ của người mẹ. Anh lãng quên đi một người đã tất tả bắt chuyến tàu đêm lên Seoul để mang cho anh bằng tốt nghiệp trong cái lạnh thấu xương mà không một lời thở than để cho anh được tiếp tục đi học. Anh hứa rằng sẽ cho mẹ ngủ trong ngôi nhà sang trọng, để đôi bàn tay vất vả của mẹ sẽ được ấm áp… nhưng anh đã không làm được. Và giờ đây, khi đã mất mẹ, giấc mơ thêm một lần có mẹ mới lại thổn thức trong trái tim anh.

Còn người chồng, hôm ấy, đáng lẽ nên bắt một chiếc xe taxi để cả hai cùng lên thành phố thăm con thì lại lựa chọn đi một chuyến tàu cho nhẹ… Chưa bao giờ ông khóc, kể cả khi ba mẹ ông mất hay khi ông bị xiên tre đâm vào cổ. Vậy mà giờ đây, ông đã khóc, khóc vì nhận ra cả quãng đường vừa qua, ông luôn sống cho chính mình mà lãng quên sự hi sinh thầm lặng của vợ; còn vợ ông chỉ biết sống với âm thầm và cô đơn. Chỉ khi vợ bị lạc, ông mới nhận ra bà là một người vĩ đại, tuy không biết chữ mà không một cuốn sách nào của con gái mà bà chưa từng đọc qua, bà còn có tấm lòng yêu thương con người, bà đi làm từ thiện đã mấy chục năm.

Kết thúc tác phẩm là lời tự thuật của chính người mẹ đã ra đi mãi mãi, để lại sự hối tiếc, day dứt cho các con trong gia đình và người thân. Qua lời kể xưng “tôi” ấy, người ta mới nhận ra góc khuất sâu thẳm trong trái tim người mẹ, đó là một trái tim giàu đức hy sinh, yêu cuộc sống và biết ước mơ, có tình cảm riêng, có suy nghĩ riêng mà chưa một người trong gia đình có thể chạm tới được.

Chỉ khi con người ta mãi mãi mất đi một thứ gì đó, người ta mới biết trân trọng và kiếm tìm. Tất cả những người trong gia đình đều hối hả trên hành trình đi tìm mẹ, một người phụ nữ bình thường mà vĩ đại. Họ khao khát tìm lại mẹ hay cũng chính là khao khát tìm lại bản thân mà xưa nay họ đánh mất. Vậy nên, hành trình tìm mẹ chính là hành trình mà mỗi nhân vật trong tác phẩm đang nhận thức lại để thêm hiểu và trân trọng giá trị cuộc sống.

“Hãy chăm sóc mẹ” đã khép lại nhưng những trang sách của nỗi niềm, của những cảm xúc sâu lắng thì vẫn còn đọng lại mãi trong tâm trí người đọc. Tác giả rung lên hồi chuông cảnh tỉnh để nhắc nhở mọi người: “Hãy chăm sóc mẹ”. Rằng tình yêu sẽ không bao giờ là trọn vẹn nếu chỉ có một hướng cho hoặc chỉ một hướng nhận.

Vân Huyền

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy