Xao xác nỗi nhớ tre
VNTN- Khi rặng tre quanh bờ ao bị chặt hết, tôi bỗng thấy lòng mình trống trải. Từ sân nhà, bây giờ đã có thể nhìn thông thống ra cánh đồng, thoáng đãng lắm. Nhưng sự mất mát làm tôi bâng khuâng, hụt hẫng, cả tuần tôi thẫn thờ, xao xác cảm giác nỗi nhớ tre...
Ngày nay, sẽ rất khó để bắt gặp những hình ảnh bình yên bên rặng tre như thế này. Ảnh minh họa, nguồn: internet
Những rặng tre, những bụi tre cứ dần dần biến mất trong các xóm làng. Người ta chặt tre, đốt gốc, cuốc gốc tre đi để trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ. Xóm làng vẫn xanh nhưng vắng bóng tre. Tôi vẫn thường tự hỏi rặng tre không còn nữa, những đàn cò bay về sẽ đậu vào đâu? Còn đâu những mùa tre thay lá? Còn đâu hình ảnh trong gió heo may, những lá tre rực lên màu vàng cam, bay thia lia như ngàn mũi tên, như đàn én nhỏ chao liệng...
Tôi đứng trước đống thân tre, cành tre trước ngõ mà bồi hồi nhớ. Dưới rặng tre này là cả tuổi thơ, tuổi thanh niên gian khổ. Chỗ này có căn hầm chữ A những năm chống Mỹ. Hồi máy bay B.52 của giặc Mỹ đánh phá khu Gang thép Thái Nguyên, rải thảm bom ở Hà Nội, căn hầm rung lên bần bật, đất rơi lả tả. Cả nhà tôi có hôm phải ngủ trong hầm. Trên nóc hầm, chồi lên những cành tre, lá xanh sum suê. Dưới bóng tre, tụi con trai chơi bi, chơi quay, chơi khăng. Tụi con gái thì chơi ô ăn quan, chơi chuyền, chơi nhảy dây… Những khi đi học về, đứa nào đứa nấy quét lá tre, nhặt cành tre khô về đun bếp. Cây tre khô, đồ dùng tre hỏng, gốc tre làm cái đun. Gốc tre để đun bếp nồi cám lợn, để sưởi những ngày rét buốt, để nấu bánh chưng ngày Tết. Trong làng, nhà nào cũng trồng tre. Nhà ai ở rìa làng, có bãi, có đồi thì còn có cả những rặng tre. Ranh giới giữa các nhà là hàng rào tre, xen lẫn cúc tần, dâm bụt. Ngọn tre dấp ngõ khi đêm xuống. Nhà nào cẩn thận thì có cái cổng đan bằng tre, có thể chống lên, hạ xuống.
Nhà ở của người dân trước những năm 1980, đa số làm bằng tre. Tre ngâm làm kèo, cột , dui, mè. Tre tươi chẻ ra buộc dứng, đất nhào với rơm, rạ trát vách. Nhà tre, tường đất, mái rạ đơn sơ. Nhà giàu mới có nhà xây, lợp ngói. Đồ dùng trong nhà nhiều thứ bằng tre. Nong tre để phơi thóc, ngô, đỗ lạc… Dần, sàng, thúng mủng, rổ rá, quang gánh, đòn tre. Trên nhà, chõng tre, tràng kỷ tre, giường tre. Dưới bếp, giàn đựng bát đũa, cầu cỗ bằng tre, ống đựng đũa tre. Chái nhà, cái cối xay tre nặng nề bên cái cối gạo bằng gỗ. U tôi thường dậy sớm xay thóc, sàng gạo, giã gạo, giần gạo. U hay trông trăng sao, lấy cữ là ngọn tre để biết khuya, sớm mà dậy làm lụng hay gọi anh em tôi dậy học bài.
Món ăn măng tre mới phong phú làm sao. Măng luộc, măng xào, măng nộm lạc, măng chua ngâm nấu canh cá, măng ngâm ớt, măng khô hầm mỗi khi nhà có giỗ, có tết, cưới xin… Nhà ai có việc lớn, anh em họ hàng giúp chặt tre trước mấy ngày để làm rạp. Người vót đũa, người chẻ lạt, chẻ tăm nhộn nhịp.
Mùa cấy, lạt tre bó mạ. Đi cấy khoán hợp tác xã, các bà, các chị buộc lạt ở bắp chân. Tính lạt ra điểm, lấy công.
Nhà nông có rau gì bán cũng lấy cành tre nhỏ, lạt tre bó rau. Trời nóng, ngoài quạt mo cau, còn có quạt mo nang cây mai (họ tre nứa). Gàu dai, gàu sòng tát nước cũng đan bằng tre. Nôi tre cho em bé ngủ. Xe đẩy bằng tre cho em bé tập đi. Gậy trúc, gậy tre cho cụ già chống. Bà nội tôi hay chẻ tăm tre cho cả nhà, cho các anh bộ đội. Tre có mặt trong mọi sinh hoạt, cuộc sống của người quê.
Nhớ nhất là những năm chống Mỹ. Các đơn vị bộ đội chọn vùng tôi làm nơi an dưỡng, tập kết trước khi lên tàu vào Nam đánh Mỹ. Nhà tôi ở giữa xóm, có giếng nước trong, có nhà tắm xây gạch. Nhà rộng, thoáng mát, thân nhân tốt nên ban chỉ huy đại đội chọn ở. Sau nhà tôi có một bãi cao, rộng, trồng tre xung quanh. Các anh bộ đội làm bếp Hoàng Cầm, làm nhà ăn. Tôi còn nhớ những cái bếp rất to, các anh đào xuống đất, có rãnh cho khói tỏa ngang. Những chiếc chảo gang to để nấu cơm, nấu canh, nấu nước. Nhà ăn của các anh cũng là nhà tre, vách đất, lợp rạ, bàn ăn cũng làm bằng tre. Ghế là hai đoạn tre, bắc trên cọc tre, có ngáng. Các anh nuôi chia cơm cho từng nhóm, để trên bàn tre. Đến giờ ăn, anh trực ban đánh kẻng. Các anh bộ đội ăn cơm loáng đã xong. Những tiếng gõ bát đũa của các anh làm trẻ con chúng tôi rất thích. Mỗi đơn vị chỉ ở một hoặc hơn tháng là các anh đi. Khi các anh về, xóm làng vui lắm. Nhà ai cũng dành giường chiếu tốt nhất cho bộ đội. Thầy u tôi còn dành cả gian giữa, có phản, có bàn ghế cho ban chỉ huy đại đội làm việc. Các anh chị thanh niên thường có những tối văn nghệ giao lưu với đơn vị bộ đội. Những hôm như thế, làng tôi vui như hội. Nhưng đến ngày phải chia tay các anh, ai cũng lặng đi vì buồn, vì nhớ. Các anh hành quân lên ga Lương Sơn, hay xuống ga Phổ Yên để đi tàu vào Nam chiến đấu .
Sau năm 1975, làng tôi lại đón đơn vị thanh niên xung phong về làm thủy lợi, đào mương Yên Khánh, rồi kênh Núi Cốc. Dân làng lại ủng hộ tre cho các cụ tổ đan lát của hợp tác xã, đan ki, đan xảo cho thanh niên xung phong, cho các Đội thủy lợi 202 gánh đất.
Rồi chiến tranh biên giới năm 1979, cho đến những năm sau này, vùng đất Phổ Yên có Trung đoàn 209, có Quân đoàn 3 về đóng quân. Những năm đó, đất nước rất nghèo khó. Trong doanh trại của bộ đội, các loại giá đỡ đựng đồ sinh hoạt của bộ đội cũng làm bằng tre. Các anh bộ đội vào dân xin tre về làm các thứ. Nhiều ngày, các chiến sĩ đến vận động dân góp tre, rơm, rạ… bà con đều vui vẻ giúp các anh. Nhà ai có tre đều nhiều lần ủng hộ bộ đội. Ai nấy đều nhận thức rằng đó là việc nên làm, ai cũng quý, cũng thương bộ đội. Có khi, các anh đến xin tre, bà con có hoa quả trong vườn còn mời các anh ăn. Tôi còn nhớ hồi đó, tôi dạy văn lớp 6, có ra đề tập làm văn: "Em hãy tả một người em thoáng gặp làm em nhớ nhất”. Tôi nhắc các em học sinh viết trung thực. Hai phần ba bài văn trong lớp, các em tả anh bộ đội đi xin tre, xin rơm rạ về làm doanh trại.
Tre với người dân, người lính, với tình quân dân của chúng tôi gắn bó như thế đó. Sang giữa những năm 90 của thế kỷ trước, bộ đội có doanh trại trở khang trang hơn, việc ăn ở thuận tiện với trang bị hiện đại. Nhưng người dân vùng tôi vẫn nhớ một thời gian khổ, cùng các anh chia sẻ ngọt bùi.
Làng quê từ hồi đổi mới, tre dần vắng bóng. Xóm làng không còn lũy tre chỉ thi thoảng còn sót một vài bụi tre. Nhà ngói, nhà cao tầng lợp tôn. Đồ sắt, đồ nhôm, đồ nhựa thay thế đồ dùng tre. Bờ rào giờ xây gạch hoặc lưới thép. Cánh cổng sắt, cổng inox sáng choang. Chỉ còn đôi nhà trồng tre lấy măng. Vắng tre, lòng tôi hoang hoải. Cứ như mất đi một cái gì thân thiết lắm. Trong tâm trí tôi vẫn nhớ tiếng tre ken két, kẽo kẹt mỗi khi có bão hay những đêm đông gió bấc thổi mạnh. Có tiếng lá tre xào xạc khi cơn gió hè về. Có đàn cò trắng, đàn chim đậu ngọn tre. Có bóng u tôi xay giã giần sàng… Bao nhiêu kỷ niệm về tre cứ xao xác trong lòng. Giá như bây giờ, ở mỗi khu sinh hoạt cộng đồng dân cư, khu văn hóa tâm linh, chúng ta trồng thêm một vài khóm tre, khóm mai, khóm trúc… bên những cây đa, cây si thì hay biết bao nhiêu. Vì đó cũng là hồn cốt Việt, là hình ảnh của quê hương Việt Nam...
Mai Thắng (Tổ dân phố Nguyên Gon, phường Cải Đan , thành phố Sông Công , tỉnh Thái Nguyên)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...