Thứ năm, ngày 31 tháng 10 năm 2024
02:27 (GMT +7)

Vua Minh Mệnh và thơ Ngự chế về việc đúc Cửu Đỉnh

VNTN - Vào năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), sau khi cho đúc xong Cửu Đỉnh, đích thân vua Ngự chế bài thơ để ghi lại sự việc quan trọng này. Bài thơ và phần phụ chú khá dài 3 trang khắc in mộc bản.


Lâu nay các nhà nghiên cứu chỉ nghiên cứu Cửu Đỉnh qua những ghi chép trong thư tịch chính sử như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Khâm định Đại Nam hội điển… còn việc tiếp cận thơ Ngự chế do đích thân vua Minh Mệnh viết còn bỏ ngỏ. Nhân sự kiện đúc xong Cửu Đỉnh, vua đích thân đến Thế Miếu tế lễ, xong việc làm bài thơ để ghi lại.

Bài thơ này được in trong Ngự chế thi ngũ tập, quyển 1 tờ 11-12 , được làm theo thể thất ngôn bát cú, xen các câu thơ là phần chú thích rất chi tiết về việc đúc đỉnh. Đây là phần tư liệu rất có giá trị để nghiên cứu về Cửu Đỉnh, bổ sung thêm tư liệu cho chính sử còn khuyết.

Chúng tôi xin cung cấp nguyên văn chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa của bài thơ này.

倣古鑄成九鼎安設于世廟庭前恭詣祭告禮成詩以誌事 

爰用貢金倣古先

鑄成九鼎置庭前(a)

三才鉅細皆成象

萬物形容盡取焉(b)

既法夏皇增式廓

豈方宋主費陶甄(c)

巍峨屹立安磐泰

子子孫孫永保傳(d)

Phỏng cổ chú thành Cửu Đỉnh an thiết vu Thế Miếu đình tiền cung nghệ tế cáo lễ thành thi dĩ chí sự

Viên dụng cống kim phỏng cổ tiên,

Chú thành Cửu Đỉnh trí đình tiền.

Tam tài cự tế giai thành tượng,

Vạn vật hình dung tận thủ yên.

Kí pháp Hạ hoàng tăng thức khoách,

Khởi phương Tống chủ phí đào chân.

Nguy nga khất lập an bàn thái,

Tử tử tôn tôn vĩnh bảo truyền.

Dịch nghĩa: Mô phỏng thời cổ đúc thành chín đỉnh đặt ở trước sân Thế Miếu, cung kính thân nghênh tới làm lễ, lễ xong làm bài thơ ghi lại.

Bèn dùng đồng vật phẩm cống nạp phỏng theo cổ xưa

Đúc thành chín đỉnh đặt ở trước sân.

Các loại lớn bé thuộc Tam tài  đều trở thành biểu tượng,

Hình dáng của muôn vật tất cả đều lấy.

Đã theo phép của vua nhà Hạ lại thêm lớn hơn nữa,

Há hợp với vua nước Tống làm phí cả sự giáo hóa.

Sừng sững đứng yên như bàn thạch Thái sơn,

Con con cháu cháu mãi mãi bảo vệ truyền tụng.

(Theo quan niệm Phương Đông, tam tài gồm có 3 cõi: cõi trời có mặt trời, mặt trăng, cõi đất có nhu có cương, cõi người có nhân có nghĩa. Hai chữ tam tài trong bài thơ chỉ sự vật trong 3 cõi đều được tuyển chọn để khắc vào Cửu Đỉnh, ví dụ như cõi trời thì có, trăng, mặt trời, sao, mây, gió, cầu vồng…; cõi đất có sông lớn, biển; cõi người có các dụng cụ xe, thuyền, súng ống, vũ khí, cây lúa, các loại hoa cỏ phục vụ cho đời sống con người…).

Nguyên văn đoạn ghi chép về Cửu Đỉnh Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 177

Nguyên chú: những nguyên chú dưới đây của chính vua Minh Mệnh chú thích để làm câu thơ rõ hơn về ý nghĩa.

(a): 法古鑄大鼎者九奉安于世廟庭前, 正中高鼎, 左一仁鼎, 右一章鼎, 左二英鼎, 右二毅鼎, 左三純鼎, 右三宣鼎, 左四裕鼎, 右四玄鼎.

Phiên âm:

Pháp cổ chú đại đỉnh giả, cửu phụng an vu Thế Miếu đình tiền, chính trung Cao Đỉnh, tả nhất Nhân Đỉnh, hữu nhất Chương Đỉnh, tả nhị Anh Đỉnh, hữu nhị Nghị Đỉnh, tả tam Thuần Đỉnh, hữu tam Tuyên Đỉnh, tả tứ Dụ Đỉnh, hữu tứ Huyền Đỉnh.

Dịch nghĩa:

Noi theo phép xưa đúc 9 đỉnh lớn, kính vâng đặt ở trước sân Thế Miếu, chính giữa đặt Cao Đỉnh, bên trái ở vị trí thứ nhất đặt Nhân Đỉnh, bên phải vị trí thứ nhất đặt Chương Đỉnh, Bên trái vị trí thứ hai đặt Anh Đỉnh, bên phải vị trí thứ hai đặt Nghị Đỉnh, bên trái vị trí thứ ba đặt Thuần Đỉnh, bên phải vị trí thứ ba đặt Tuyên Đỉnh, bên trái vị trí thứ tư đặt Dụ Đỉnh, bên phải vị trí thứ tư đặt Huyền Đỉnh.

(b): 日月星雲風雷虹雨名山巨川大河蒼海以至本朝所有飛潛動植之屬及鎗礮舟車之類皆取其形而鑄焉. 用本朝尺高五尺五寸餘至六尺一寸餘大一丈一尺餘各有差其耳, 分為高耳直耳圓耳固耳大耳方耳堅耳平耳廣耳凡九焉. 重四千一二百餘觔 上下, 起工自明命十六年乙未十二月至十七年丙申十二月告成, 本年丁酉正月穀旦登于廟庭高大完堅無一瑕隙. 此九鼎皆一鑄而成惟雕刻精工故需時日耳. 按本朝尺較北朝則北朝尺得本朝尺七寸五分而已如比周尺則倍之矣.

Phiên âm:

Nhật, nguyệt, tinh, vân, phong, lôi, hồng, vũ, danh sơn, cự xuyên, đại hà, thương hải, dĩ chí bản triều sở hữu phi tiềm, động thực chi thuộc, cập thương bác, chu xa chi loại, giai thủ kì hình nhi chú yên. Dụng bổn triều xích cao ngũ xích, ngũ thốn dư, chí lục xích nhất thốn dư, đại nhất trượng nhất xích dư, các hữu sai kì nhĩ, phân vi cao nhĩ, trực nhĩ, viên nhĩ, cố nhĩ, đại nhĩ, phương nhĩ, kiên nhĩ, bình nhĩ, quảng nhĩ, phàm cửu yên. Trọng tứ thiên nhị bách dư cân thượng hạ, khởi công, tự Minh Mệnh thập pục niên Ất Mùi thập nhị nguyệt chí thập thất niên Bính Thân thập nhị nguyệt cáo thành, bổn niên Đinh Dậu chính nguyệt cốc đán đăng vu Miếu tiền, cao đại hoàn kiên vô nhất hà khích. Thử cửu đỉnh giai nhất chú nhi thành, duy điêu khắc tinh công, cố nhu thời nhật nhĩ. Án bản triều xích giảo Bắc triều xích đắc bản triều xíc thất thốn ngũ phân nhi dĩ, như tỉ Chu xích tắc bội chi hĩ.

Dịch nghĩa:

Mặt trời, mặt trăng, sao, mây, gió, sấm, cầu vồng, mưa, các tên núi, sông lớn, biển lớn, cho đến các loại động thực vật thuộc sở hữu của bản triều đến các loại xe thuyền, súng lớn đều được tuyển chọn để đúc vào đỉnh. Dùng thước đo của triều ta cao hơn 5 xích 5 tấc, đến hơn 6 xích 1 tấc, lớn hơn 1 trượng 1 tấc, các đỉnh khác đều sấp xỉ như thế, chia là Cao, Thẳng, Tròn, Bền vững, Lớn, Vuông, Cứng, Bằng, Rộng, tất cả là 9 loại. nặng khoảng trên dưới 4 nghìn 1 trăm cân hoặc 4 nghìn 2 trăm cân có lẻ, khởi công từ tháng 12 năm Ất Mùi niên hiệu Minh Mệnh thứ 16 (1835) đến tháng 12 năm Bính Thân niên hiệu Minh Mệnh thứ 17 (1836) thì hoàn thành, ngày tốt tháng giêng năm Đinh Dậu đặt lên sân Miếu sừng sững cao, to, lớn, nặng, vững, không vết chút tì vết nhỏ nào. Cửu đỉnh này đều đúc một lần mà thành, chỉ có việc điêu khắc các phần tinh xảo thì cần thời gian. Theo thước đo của triều ta so với Bắc triều (Nhà Thanh) thì thước Bắc triều so với thước triều ta là 7 tấc 5 phân mà thôi, như thế so sánh với thước nhà Chu thì gấp bội.

(c): 雖倣夏禹貢金鑄鼎而今之較古則其高大厚重已逾數倍矣. 至如宋徽宗所鑄帝鼐, 寶鼎, 牡鼎, 蒼鼎, 岡鼎, 彤鼎, 阜鼎, 皛鼎, 魁鼎, 高大既有限且無取于事旋復破壞最為可鄙徒費工料誠不足道矣

Phiên âm:

Tuy phỏng Hạ Vũ cống kim chú đỉnh nhi kim chi giảo cổ tắc kì cao đại hậu trọng dĩ du sổ bội hĩ. Chí như Tống Huy Tông sở chú Đế Nãi, Bảo Đỉnh, Mẫu Đỉnh, Thương Đỉnh, Cương Đỉnh, Đồng Đỉnh, Phụ Đỉnh, Tinh Đỉnh, Khôi Đỉnh, cao đại kí hữu hạn, thả vô thủ sự, toàn phục phá hoại, tối vi khả bỉ đồ, phí công liệu thành, bất túc đạo hĩ.

Dịch nghĩa:

Tuy mô phỏng theo vua Hạ Vũ dùng đồng cống nạp đúc đỉnh mà ngày nay so với xưa thì cao to, dày nặng đã vượt hơn mấy lần. Đến như Tống Huy Tông cho đúc Đế Nãi, Bảo Đỉnh, Mẫu Đỉnh, Thương Đỉnh, Cương Đỉnh, Đồng Đỉnh, Phụ Đỉnh, Tinh Đỉnh, Khôi Đỉnh cao lớn đã có giới hạn vả lại không lựa chọn công việc lại quay lại phá hoại, thật đáng khinh bỉ, lãng phí công sức vật liệu, thành thực quá nhỏ nhoi không đáng nói.

(d): 我之子孫若能敬天, 法祖, 親賢, 愛民, 則永保萬年, 傳之百世, 誰敢問我鼎哉.

Phiên âm:

Ngã chi tử tôn nhược năng kính thiên, pháp tổ, thân hiền, ái dân, tắc vĩnh bảo vạn niên, truyền chi bách thế, thùy cảm vấn ngã đỉnh tai. 

Dịch nghĩa:

Con cháu ta nếu có thể Kính trời, noi theo pháp tổ, thân với người hiền tài, yêu dân, thì mãi mãi bảo toàn được đến muôn năm, truyền cả trăm đời, ai dám nghi ngờ đỉnh của ta.

Theo ghi chép của chính sử, Đại Nam thực lục cho biết: “Ngày Quý Mão, đặt 9 cái đỉnh ở trước sân Thế miếu. Trước đây đúc 9 cái đỉnh to (cao hơn 5 thước, đến hơn 6 thước, vòng lưng to 11 thước 6 tấc đến hơn 8 tấc, nặng 4.100 cân hay 4.200 cân có lẻ). Phàm các thứ chim cá, giống thú cây cỏ cùng đồ binh khí, xe, thuyền cho đến thiên văn địa lý trong nước, lớn nhỏ đều đủ, đều theo hình ấy mà đúc”.

Ảnh mặt trời trên cứu đỉnh

1. Cao đỉnh, khắc các hình: Mặt Trời, biển Đông, núi Thiên Tôn, sông Ngưu Chử, sông Vĩnh Tế, chim trĩ, con hổ, con ba ba, con rồng, hoa tử vi, quả mít, hạt thóc tẻ, trầm hương, gỗ thiết, cây hành, thuyền nhiều dây, súng lớn.

2. Nhân đỉnh, khắc các hình: Mặt Trăng, biển Nam, núi Ngự Bình, sông Hương, sông Phả Lợi, chim công, con báo, con đồi mồi, con cá voi, hoa sen, quả nam trân, hạt thóc nếp, cây kỳ nam, cây ngô đồng, cây hẹ, thuyền nhỏ, súng luân xa.

3. Chương đỉnh, khắc các hình: 5 sao, biển Tây, núi Thương Sơn, sông Linh Giang, sông Lợi Nông, con gà, con tê, con rùa, con cá sấu, hoa nhài, quả xoài, cây đậu xanh, cây đậu khấu, cây gỗ thuận, cây kiệu, thuyền đồng mông, súng  điểu thương.

4. Anh đỉnh, khắc các hình: sao Bắc đẩu, sông Ngân Hán, núi Hồng Sơn, sông Mã, sông Lô, con hạc, con ngựa, con ve, con rắn, hoa văn côi, cây cau, cây dâu, cây tô hợp, cây thị, cây nghệ, lá cờ, đạn bươm bướm.

5. Nghị đỉnh, khắc các hình: sao Nam đẩu, cửa biển Thuận An, cửa quan Quảng Bình, sông Bạch Đằng, sông Cửu An, chim uyên ương, con voi, con bươm bướm, cá hoa xanh, hoa hải đường, cây mai, cây biển đậu, cây quế, cây gỗ đàn, cây vải, thuyền Hải đạo, súng trường.

6. Thuần đỉnh, khắc các hình: gió, cửa biển Cần Giờ, núi Tản Viên, sông Thạch Hãn, sông Vĩnh Định, chim hoàng oanh, con bò lang, con trai, cá rô, hoa quỳ, cây đào, cây đậu vàng, cây túc sa, cây gỗ táu, cây hương nhu, cái thuyền, bài đao.

7. Tuyên đỉnh, khắc các hình: mây, núi Duệ Sơn, núi Đại Lãnh, sông Lam Giang, sông Nhị Hà, chim yểng, con lợn, con giải, cá hậu ngư, hoa trân châu, quả long nhãn, củ lạc, tổ yến, cây trắc, cây gừng, thuyền lê, cái nỏ.

8. Dụ đỉnh, khắc các hình: sấm, cửa biển Đà Nẵng, cửa quan Hải Vân, sông Vệ Giang, sông Vĩnh Điện, con vẹt, con dê, con hến, cá lành canh, hoa dâm bụt, quả lê, đậu trắng, lá dầu, cây thông, cây tử tô, thuyền ô, dao phác.

9. Huyền đỉnh, khắc các hình: mưa, cầu vồng, núi Hoành Sơn, sông Tiền Hậu Giang, sông Thao, núi Thúc Thu, con ngựa, con cà cuống, con trăn, hoa lan 5 lá, quả vải, cây bông, sâm nam, cây sơn, cây tỏi, cái xe, ống phun lửa, đều 17 loại, mỗi loại đều 9 cái. [1, tr 21-22]

Sau khi đúc xong vua đích thân ban dụ cho 31 trực tỉnh biết:

“Hơn một năm đúc xong, sai quan có trách nhiệm chọn ngày tốt đặt đỉnh (dưới đỉnh kê bằng tảng đá). Đến ngày hôm ấy, vua thân đến miếu tế cáo. Lễ xong. Dụ rằng: Trẫm xem xét đời xưa, đúc đỉnh theo hình các vật, nhưng đồ cổ còn ít, nhà biên chép truyền nói không đúng, chép ra đều là vạc nấu ăn, còn như đỉnh to cao và nặng, không những gần đây không có, dẫu 3 đời (Hạ, Thượng, Chu) cũng ít nghe thấy. Nay bắt chước người xưa mà lấy ý thêm bớt, đúc thành 9 đỉnh to, sừng sững đứng cao, to lớn nặng vững, không vết mẻ chút nào, đáng làm của báu, con con cháu cháu, giữ mãi đến không bao giờ hết. Vậy thông dụ cho 31 trực tỉnh và thành Trấn Tây đều biết”. [1, tr 23]

Qua bài thơ Ngự chế đã bổ sung thêm tư liệu khi nghiên cứu về Cửu Đỉnh, đặc biệt là cái nhìn của bậc đế vương về biểu tượng uy quyền của nhà nước. Cửu Đỉnh là linh khí, báu vật ngàn vạn năm đúng như lời vua Minh Mệnh đã nói. Vấn đề biểu tượng khắc trên Cửu Đỉnh đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, tuy nhiên, còn một vấn đề về trọng lượng đến nay vẫn chưa lý giải được.

Tài liệu tham khảo

1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (bản dịch Viện sử học 2007, tập 5), Nxb Giáo Dục, Hà Nội.

2. Minh Mệnh, Ngự chế thi ngũ tập, kí hiệu A.134/9, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Nguyễn Huy Khuyến

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy