Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
05:36 (GMT +7)

Vô địch nâng lên đặt xuống, Luật Về hội vẫn tiếp tục hụt hơi

VNTN - Một ngày với 49 vị đại biểu có đủ thời gian đăng đàn, cả thảo luận và tranh luận, dự án Luật Về hội vẫn vô cùng ngổn ngang.


Một ngày với 49 vị đại biểu có đủ thời gian đăng đàn, cả thảo luận và tranh luận, dự án Luật Về hội vẫn vô cùng ngổn ngang.

Dù, đây là dự án luật đã được thảo luận từ kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khoá 13, sau đó đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các vị đại biểu chuyên trách khoá 14 dành khá nhiều thời gian xem xét, góp ý.

Như đúc kết của đại biểu Dương Trung Quốc - người đang dẫn đầu về "thâm niên" làm đại biểu ở cơ quyền lực cao nhất của đất nước -  thì trong lịch sử lập pháp của Việt Nam có lẽ đây là đạo luật "nâng lên, đặt xuống" nhiều nhất.

"Đúng 70 năm trước quyền lập hội  đã được đưa vào Hiến pháp đầu tiên và có mặt trong tất cả các Hiến pháp tiếp theo. Đúng 60 năm trước Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1957, đưa quyền lập hội này thành một văn bản pháp luật. Năm 2006, 10 năm trước lần đầu tiên một dự thảo được đưa ra ở Quốc hội Khóa XI và rồi lại xếp lại, tôi nhớ phải đến mươi mười lăm lần soạn thảo và đến lần này chúng ta đưa ra trên tinh thần của Hiến pháp năm 2013", ông Quốc điểm lạị sự thăng trầm của dự án luật.

Phát biểu gần cuối ngày, "ông nghị" Dương Trung Quốc cũng chỉ ra "thần thái" của cả dự thảo luật và nhiều ý kiến thảo luận.

Ông nói: "Tôi cảm giác đứng trước một đạo luật khó như thế này, chúng ta vẫn ở trong một tâm thế bất ổn, làm luật để thúc đẩy sự phát triển hay làm luật để giữ sự an toàn, mặc dù sự an toàn hết sức cần thiết, tạo nền tảng bền vững cho sự phát triển, nhưng làm luật để làm cho quyền, ở đây quyền lập hội con người được thực hiện, được đi vào đời sống, chứ còn việc giữ cho an toàn đất nước chúng ta có cả một hệ thống luật pháp".

Theo đại biểu Dương Trung Quốc thì Luật Về hội phải đặt trên cơ sở gắn kết cộng đồng lại và hướng đến mục đích tích cực chứ không thể chỉ nhìn vấn đề bảo đảm an ninh Vì thế mà dù rất mong rằng luật này càng sớm ra càng tốt nhưng đại biểu "chắc chắn là kỳ họp này chưa thể ra được".

Đề cập ở nhiều góc độ khác nhau, phân tích, lập luận nhiều chiều, không ít ý kiến khác cũng cho rằng chưa thể thông qua một đạo luật còn ngổn ngang như vậy.

Sáng 25/10 trước khi các vị đại biểu thể hiện chính kiến, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong báo cáo giải trình đã gút lại một số vấn đề được tranh luận nhiều chiều trong các phiên thảo luận trước.

Một trong các vấn đề tiếp tụckhông được đồng tình  là quy định tại khoản 5, điều 8 “Hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhìn nhận, vấn đề rất quan trọng là tất cả các đạo luật đều có quan điểm chỉ đạo phải bám sát và thể chế hóa tất cả các đường lối, chủ trương của Đảng và cụ thể hóa Hiến pháp. Nhưng đạo luật này chưa bám sát, chưa giải quyết được một vấn đề hết sức quan trọng chính sách đối ngoại và hợp tác quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.

Nhấn mạnh Luật Về hội tác động rất mạnh mẽ đến đời sống xã hội, nhưng đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng báo cáo đánh giá tác động không đầy đủ.

"Tôi đề nghị cần phải lấy ý kiến một cách hết sức rộng rãi và phải tiếp nhận một cách hết sức trung thực, khách quan, đầy đủ tất cả những ý kiến đóng góp của toàn dân, những người là đối tượng chịu tác động của luật này, còn nếu chúng ta không làm được vấn đề này, tôi đề nghị Quốc hội không thông qua tại kỳ họp này. Nó chưa đủ điều kiện để thông qua. Sau khi sự cố Bộ luật hình sự Quốc hội rất khoát phải làm những đạo luật có chất lượng chứ không dễ dàng thông qua một đạo luật mà nếu chưa đủ độ chín và chưa đảm bảo tính khoa học và tính khả thi", ông Nhưỡng phát biểu.

Được mời giải trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân - đại diện Ban soạn thảo dự án luật - nhắc lại mục tiêu, quan điểm xây dưng luật là là để đảm bảo quyền lãnh đạo của Đảng đối với hội quần chúng trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân và hội nhập quốc tế. Nhà nước đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền lập hội theo quy định của Hiến pháp. Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách để phát huy quyền dân chủ của nhân dân trong tổ chức và xây dựng các hội, nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ bảo vệ Tổ quốc và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình ý kiến đại biểu

Bộ trưởng cũng thừa nhận việc chuẩn bị chưa được chu đáo, đầy đủ về các cơ sở dữ liệu cho các đại biểu tham khảo.Vì thế, Bộ trưởng đề Quốc hội xem xét để Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu cho thật chu đáo, đầy đủ và tạo sự đồng thuận cao, trình dự thảo luật trong kỳ họp sau.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thêm một lần nhấn mạnh rằng, đây là một dự án luật rất quan trọng nhưng cũng rất khó, rất phức tạp và cũng có phần nhạy cảm, nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri và của đại biểu Quốc hội.

Phó chủ tịch cho biết,  Ủy ban thường vụ  Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến đầy đủ của các vị đại biểu Quốc hội cũng như ý kiến tham gia đóng góp ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan gửi đến cho Ủy ban thường vụ Quốc hội trong quá trình chuẩn bị xây dựng dự án luật này. Sau đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ có văn bản báo cáo trước Quốc hội trong phiên họp tới đây với tinh thần phải chuẩn bị có một luật tốt về hội, bảo đảm chất lượng, bảo đảm quyền lập hội của công dân và yêu cầu quản lý nhà nước.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy