Viết, về và vì một thế giới đang thay đổi
Triết gia Hy Lạp cổ đại Heraclitus (535 - 475 TCN) từng đưa ra một luận điểm nổi tiếng về trạng thái tồn tại của thế giới, dưới dạng một hình ảnh sống động: “Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Hai mươi lăm thế kỷ sau Heraclitus, đến lượt V.S.Naipaul, nhà văn người Anh gốc Trinidad & Tobago, chủ nhân của Nobel văn chương năm 2001 thốt lên, trần trụi hơn nhiều: “Thế giới thay đổi, thay đổi khủng khiếp, luôn luôn thay đổi”.
Thật ra, nhận thức về sự thay đổi, thay đổi liên tục như là cách tồn tại và vận động, thậm chí như là bản chất và mục đích của thế giới này, là một nhận thức mang tính phổ quát toàn nhân loại và xuyên thời gian. Hai mươi lăm thế kỷ giữa Heraclitus và V.S.Naipaul, từ Đông sang Tây, không biết bao nhiêu triết gia, văn nhân, thi sỹ đã phát biểu về điều ấy. Người ta biết rằng mỗi giây phút trôi qua là một lần thế giới bị hủy diệt và được tái sinh: một thế giới mới ra đời. Và không chỉ thế giới (khách quan) mà chính chủ thể nhận thức, tức con người, cũng luôn luôn thay đổi, thay đổi liên tục. Nhà thơ Xuân Diệu từng viết rất hay về sự thay đổi này: “Thuyền qua, mà nước cũng trôi/ Lại thêm mây bạc trên trời cũng bay/ Tôi đi trên chiếc thuyền này/ Giòng mơ tơ tưởng cũng thay khác rồi/ Cái bay không đợi cái trôi/ Từ tôi phút trước, sang tôi phút này”.
Nhưng mặt khác, ở nhiều xã hội, nhiều nền văn minh, trong nhiều khoảng thời gian nhất định, người ta lại nhận thấy dường như cả thế giới và con người đều đóng khung trong một sự ngưng đọng, trầm trệ nào đó. Mặc dù vẫn có vô vàn thay đổi đang không ngừng diễn ra và tích tụ ở bề sâu, nhưng ở bề mặt cuộc sống, có vẻ như mọi thứ vẫn trước sao sau vậy, từ diện mạo của núi non sông biển, những khu rừng và những cánh đồng, các loài điểu thú và thảo mộc, đến cách con người ta suy nghĩ, nói năng, cách người ta lao tác với thiên nhiên và tổ chức đời sống cộng đồng, cách người ta thực hành các truyền thống văn hóa và các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh v.v.. Các khái niệm “đêm trường trung cổ châu Âu”, “giấc ngủ phương Đông”, hay cách nói hình ảnh “nghìn năm vẫn con trâu đi trước cái cày theo sau” chính là để chỉ trạng thái dường như ngưng đọng này.
Có lẽ, phải chờ đến sự lên ngôi của chủ nghĩa tư bản, với đặc trưng là nền sản xuất công nghiệp được cơ giới hóa tối đa nhằm mục đích nâng cao năng suất lao động, mở rộng thị trường và tối đa hóa lợi nhuận, thì nhận thức của con người nói chung về sự thay đổi của thế giới mới trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Và cho đến bây giờ, khi nhân loại đã bước vào cuộc cách mạng 4.0, kỷ nguyên của công nghệ số, thì sự ngạc nhiên trước một thế giới đang thay đổi nhanh chóng đã biến thành sự sợ hãi, nỗi kinh hoàng về viễn cảnh sụp đổ của nền văn minh, sụp đổ bởi chính những thay đổi khủng khiếp đang diễn ra trên quy mô toàn thế giới. Nếu ở khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi chứng kiến cái vòi bạch tuộc tư bản chủ nghĩa tham lam cắm vào đất đai xứ Đông Dương thuộc Pháp để khai thác tài nguyên, cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đã phải thốt lên: “Khoét rỗng ruột gan trời đất cả/ Phá tung phên dậu Hạ, Di rồi”, thì hiện nay, trong những thập niên đầu thế kỷ XXI, tình hình còn tệ hơn thế gấp bội. Việc khai thác tài nguyên thiên nhiên vô hạn độ - bị thúc đẩy bởi lòng tham, sự ngu xuẩn, và cơn điên cuồng chạy theo những chỉ số tăng trưởng kinh tế - không những dẫn đến rừng khô, suối cạn, biển độc (như nhan đề một công trình của nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Thị Tịnh Thy: “Rừng khô, suối cạn, biển độc... và văn chương”), mà rộng hơn, cả hệ sinh thái trái đất đã bị tàn phá trầm trọng, biến đổi khí hậu và những hậu quả ghê gớm của nó đối với cuộc sinh tồn của con người đã trở thành cái nhãn tiền hàng năm, chứ không cần chờ tích tụ trong dăm bảy thập kỷ như trước nữa. Bên cạnh đó, những xung đột không dứt về ý thức hệ/ tôn giáo/ sắc tộc, các cuộc chiến tranh khi bùng lên dữ dội khi âm ỉ dai dẳng, các đường biên giới lãnh thổ bị xóa đi vẽ lại liên tục, các quốc gia đang phát triển và làn sóng đô thị hóa dường như bất khả kiểm soát của chúng, các truyền thống văn hóa bản địa bị phôi pha hoặc biến mất trong cơn lốc toàn cầu hóa, sự gia tăng khoảng cách về thu nhập và chất lượng đời sống giữa các tầng lớp xã hội trong cùng một đất nước, sự dịch chuyển trong những quan niệm về giới, nỗi “cô đơn trên mạng” của con người trong kỷ nguyên số hóa, kiểu con người tưởng có tất cả trong tay nhưng rốt cuộc lại luôn chỉ một mình đối diện chính mình v.v., hàng loạt sự kiện ấy đã là nguyên nhân dẫn đến những thay đổi gây choáng váng và tạo thành những dư chấn nặng nề trong thế giới ngày hôm nay, trên nhiều phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa, đạo đức, nhất là quan niệm về giá trị của nhân phẩm và ý nghĩa của tồn tại người.
Trong một thế giới đang thay đổi như vậy, thay đổi đến chóng mặt, nhà văn có thể và cần phải làm gì? Câu trả lời ngắn gọn của tôi: anh ta viết. Anh ta về và viết vì sự thay đổi của thế giới. Anh ta viết, với tư cách một người quan sát, ghi nhận những thay đổi; nhưng cũng có thể, anh ta viết bằng chính những trải nghiệm sống động, những cảm xúc chân thực của một người đã và đang chịu sự ma chiết của những thay đổi ấy. Anh ta viết, có thể với mục đích tạo ra sự thay đổi cho những thay đổi của thế giới, nhưng cũng có thể, anh ta viết để bảo vệ những giá trị người đích thực - những giá trị cốt lõi, thường hằng - trong một thế giới vô vàn sự biến động về các giá trị. Dĩ nhiên, nhà văn là nhà văn chứ nhà văn không phải nhà xã hội học hay nhà nhân học văn hóa. Anh ta viết, không phải bằng những phân tích, lập luận chặt chẽ, những con số hay bảng biểu thống kê chính xác, những khái quát khoa học đậm chất lý tính. Mà anh ta viết bằng những niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc và đau khổ từ chính trái tim mình, thể hiện ra thành những cuộc đời con người cụ thể, trong những không gian xã hội đặc định và những trạng thái sống vừa phổ quát vừa đơn nhất. Khi ấy, nói như triết gia Pháp Jean Paul Sartre trong công trình có tên “Văn học là gì?”, bằng thực hành viết, nhà văn đã khiến cho không ai còn có thể vô tư và vô can trong một thế giới đang thay đổi.
Giữa một biển tác phẩm văn xuôi nghệ thuật của các tác giả Việt Nam, hoặc gốc Việt, được viết ra và xuất bản trong khoảng một phần tư thế kỷ nay, trước hết, tôi chọn ngẫu nhiên hai truyện ngắn của hai nhà văn nữ: “Sau những mùa trăng” của Đỗ Bích Thúy, và “Giữa cơn mưa trắng xóa” của Niê Thanh Mai. Truyện đầu nằm trong chùm truyện đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ quân đội, năm 1999. Truyện sau nằm trong chùm truyện đoạt giải Nhì, cũng cuộc thi truyện ngắn do tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức, năm 2006. Nhưng điểm chung thật sự quan trọng giữa hai truyện này lại nằm ở chỗ: chúng viết về cuộc ra đi - trở về - lại ra đi của những con người thuộc các sắc tộc thiểu số miền núi, một ở miền núi Đông Bắc, một ở miền núi Trường Sơn Tây Nguyên. Họ, chàng trai tên Lìn trong “Sau những mùa trăng” và cô gái tên H'Linh trong “Giữa cơn mưa trắng xóa”, đã rời bỏ quê hương bản quán của mình như một cuộc đào thoát khỏi cái đời sống đói nghèo, cơ cực, quẩn quanh, lầm lụi, không ánh sáng hy vọng hắt vào tương lai. Họ đến thành phố, mong được sống một cuộc đời khác, tốt hơn. Rồi họ trở về quê trong thoáng chốc, để thấy: ở bên dưới cái bề mặt đời sống vẫn nguyên đói nghèo quẩn quanh ấy, hình như có những điều gì đó đã trở nên biến dạng hoặc đã biến mất, những điều gì đó vốn thuộc về bản sắc văn hóa tộc người, gắn liền với tâm hồn, ký ức, căn cước tinh thần của họ, nay đã không còn như trước nữa.
Trong truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy, đó là những mùa trăng mà cảnh sắc núi rừng trở nên đẹp đến kỳ ảo, là những đêm giã cốm bừng bừng sức trẻ của thanh niên nam nữ bản làng, là tiếng khèn lá gọi bạn tình thiết tha, da diết. Trong truyện ngắn của Niê Thanh Mai, đó là những đêm say sưa đốt lửa kể “khan”, là tiếng chiêng Êđê bổng trầm như mơ như thực, là nghĩa địa làng với những pho tượng nhà mồ thô sơ mà rất giàu biểu cảm, sinh động. Họ lại ra đi, về với thành phố, bỏ lại sau lưng quê hương miền núi mỗi ngày một thêm cơ cực lầm lụi, bỏ gia đình với những người thân đã phải chịu biết bao đau khổ để ở lại và sống sao cho vừa với khung khổ của nếp sống quen và đạo lý cũ (chị dâu của Lìn trong “Sau những mùa trăng” và anh rể của H'Linh trong “Giữa cơn mưa trắng xóa”). Bản thân các nhân vật Lìn và H'Linh, nhất là H'Linh, cũng phải chịu sự tha hóa trong chính lựa chọn của mình: cô là một kiểu người “mất gốc” nhưng rốt cuộc cũng không thuộc về đâu cả, để tồn tại được giữa phồn hoa đô hội, cô đành chấp nhận thân phận làm hầu non cho một người đàn ông giàu có nhưng mắc chứng bất lực. Nói chung, hai nhà văn Đỗ Bích Thúy và Niê Thanh Mai, dù không chủ đích viết về những thay đổi, nhưng truyện ngắn của họ lại phản ánh rất rõ những thay đổi đang diễn ra ở nơi cư trú nhiều đời của các sắc tộc thiểu số miền núi Việt Nam: một mặt, có những người bỏ lại quê hương miền núi để gia nhập không gian đời sống đô thị; mặt khác, văn minh đô thị đã và đang trong quá trình “thượng sơn” mạnh mẽ và ngày càng thắng thế, khiến cho, bất chấp những lời kêu gọi “bảo tồn và phát huy”, những truyền thống tạo thành bản sắc, thành căn cước văn hóa của các sắc tộc thiểu số miền núi đang hiển hiện nguy cơ bị hòa tan, bị lãng quên, và rồi có lẽ sẽ biến mất trong một tương lai gần.
Một ví dụ nữa về những thay đổi của thế giới hằn lên trong văn chương Việt Nam đương đại, tôi nhận thấy khi đọc tiểu thuyết “Vạn sắc hư vô” của tác giả trẻ Nguyễn Khắc Ngân Vi (Tao Đàn & Nxb Hội nhà văn, 2022). Đây là tác phẩm mới nhất của chị, sau hai tiểu thuyết đã xuất bản: “Đàn bà hư ảo” (Tao Đàn & Nxb Hội nhà văn, 2016) và “Phúc âm cho một người” (Tao Đàn & Nxb Hội nhà văn, 2017). “Vạn sắc hư vô”, có thể được khái quát như cuốn tiểu thuyết về sự tan rã của những gì từng hiện hữu, đồng thời là cuốn tiểu thuyết về sự vô hướng của những gì mà một bộ phận người trẻ đô thị hiện nay đang khao khát kiếm tìm.
Nhân vật người kể chuyện xưng Tôi trong tác phẩm, tên Nhàn, vốn là dân Sài Gòn gốc, “có hộ khẩu ở quận Nhất”, sinh ra và sống thời thơ ấu trong một đại gia đình gồm đầy đủ ông, bà, cha, mẹ, vợ chồng các anh chị em ruột của người cha và những đứa con của họ. Nhưng sau khi ông nội qua đời, ngôi nhà lớn bị bán đi, đại gia đình tứ tán, và bản thân gia đình của Nhàn - với người cha làm thầu khoán xây dựng cả đời chạy theo những đàn bà khác, và người mẹ ham làm đệ tử thần đổ bác hơn là làm mẹ - cũng rời rã như những hạt cơm nguội. Nhàn đã sống tại Sài Gòn, thành phố quê hương mình, như một dân nhập cư, một người ở trọ, và còn tệ hơn thế, cô không biết bám víu vào đâu để tìm và xác nhận cội rễ tinh thần của mình. Chính là với cái trạng thái tồn tại như thế, Nhàn - một tiến sỹ ngành Trung văn hiện đại, từng du học ở Trung Quốc - đã gặp cô gái tên Chỉ Kỳ và chồng của cô ta, đã dọn về nhà họ để ở cùng, và đã gia nhập nhóm bạn của vợ chồng họ, làm thành một nhóm trí thức văn nghệ sỹ nửa mùa, nửa yếm thế nửa cuồng ngạo, luôn sẵn lòng lao mình vào những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng. Đáng nói hơn cả là thái độ và ứng xử thực tế của họ với tình dục, một thứ tình dục phóng túng hoang dại, vừa đam mê vừa đầy nỗi ê chề, một thứ tình dục mà khoái cảm xác thịt luôn được trộn lẫn với cảm giác sỉ nhục và bị sỉ nhục. Chưa hết, ở đây có tình dục đồng giới - đồng giới nữ - chính là mối quan hệ giữa Nhàn và Chỉ Kỳ. Cần phải nhấn mạnh chi tiết này bởi lẽ, dù tình dục đồng giới nữ không phải, không còn là chuyện lạ trong lịch sử, nhưng để có thể công khai nó, để có thể nói về nó một cách cụ thể với một thái độ khách quan lạnh lùng, thì cần một sự thay đổi mạnh mẽ trong quan niệm xã hội về người đồng giới và tình dục đồng giới nói chung. Tiếng vọng của sự thay đổi quan niệm ấy đã được Nguyễn Khắc Ngân Vi nắm bắt và đưa vào tác phẩm của mình. Dĩ nhiên, tác giả của “Vạn sắc hư vô” nói về tình dục không phải vì tình dục, mà chị nói về sự bất lực của phương tiện (tình dục) trong việc đạt tới cứu cánh là một đời sống tinh thần hài hòa, viên mãn. Vạn sắc đều là hư vô, khi lý tưởng sụp đổ, khi mòn mỏi trơ lỳ trong một thực tại nhàm chán, con người dễ trở thành kẻ bị lưu đày trong nỗi tuyệt vọng vô phương. Và đó, có lẽ là một trong những bi kịch lớn của tình thế đương đại.
Đề cập chủ đề tình dục đồng giới nữ trong tiểu thuyết “Vạn sắc hư vô” của Nguyễn Khắc Ngân Vi, tôi không khỏi nghĩ đến tình dục đồng giới nam trong tiểu thuyết tự truyện của nhà văn Mỹ gốc Việt Ocean Vuong: “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” (On earth we're briefly gorgeous. Khánh Nguyễn dịch, Nhã Nam & Nxb Hội nhà văn, 2021). Cũng dĩ nhiên, Ocean Vuong không nói về tình dục chỉ vì tình dục. Cuốn tiểu thuyết tự truyện của anh, một nỗ lực thành thật với chính mình, là một tổng thể phối trộn khá nhiều chủ đề, mà ngoài những khoái cảm xác thịt đầu đời giữa người kể chuyện với cậu bạn trai người Mỹ tên Trevor, còn có nỗi ám ảnh của ký ức và sự tưởng tượng về chiến tranh Việt Nam trong quá khứ, còn có nỗi đau đớn về thân phận người nhập cư da màu trong một xã hội da trắng đầy kỳ thị sắc tộc, còn có sự khắc khoải da diết tìm về một quê hương chỉ còn lại vài hình ảnh lờ mờ trong trí nhớ v.v..
Hầu hết những chủ đề ấy, một mặt, theo cách đọc liên văn bản, ta đều có thể bắt gặp trong những tiểu thuyết mới đây của các nhà văn, như: Thuận (Thư gửi Mina) hay Linda Lê (Sóng ngầm, Vượt sóng), ở đó in hằn dấu vết về những cuộc chiến tranh trên đất nước Việt Nam thế kỷ qua, ở đó có đời sống và những những phức cảm tâm lý của người tị nạn, người nhập cư Việt Nam trên những đất nước không phải là quê cha. Mặt khác, hầu hết những chủ đề ấy, đặt trên nền cảnh của đời sống đương đại, hiển nhiên đã phơi lộ một thế giới đang không ngừng thay đổi, một thế giới mà sự viết của nhà văn bất quá chỉ là cố gắng nắm bắt một cách đầy tuyệt vọng mà thôi.
Cũng có thể nói khái quát như thế về rất nhiều tác phẩm, tác giả khác nữa của văn chương Việt Nam đương đại. (Ở đây, trong khuôn khổ bài viết, tôi tạm bỏ qua một mảng tác phẩm rất quan trọng và phản ánh rất rõ nỗi lo âu, sự sợ hãi, thậm chí là đạo đức và lương tri của con người trước những thay đổi của thế giới tự nhiên: văn chương sinh thái). Nhưng tôi sẽ nói điều đó kèm một lưu ý: dù tuyệt vọng đến đâu chăng nữa thì cái hành vi ấy - viết, thực hành viết - có lẽ vẫn là cách duy nhất để các nhà văn can dự tích cực vào những thay đổi của thế giới hôm nay.
Ảnh minh họa, nguồn: internet
Hoài Nam
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...