Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
19:34 (GMT +7)

Việt Nam trong ASEAN

KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HIỆP HỘI CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á (ASEAN) 

VNTN - Tiền thân của ASEAN là tổ chức có tên Hiệp hội Đông Nam Á, thường được gọi tắt là ASA (thành lập năm 1961 gồm ba nước Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a và Thái Lan). Ngày 8 tháng 8 năm 1967, khi các bộ trưởng ngoại giao của năm quốc gia: In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Xin-ga-po và Thái Lan gặp gỡ tại Bộ ngoại giao Thái Lan ở Băng Cốc đã ra Tuyên bố ASEAN (còn gọi là tuyên bố Băng Cốc) để nhập ASA cùng với In-đô-nê-xi-aXin-ga-po thành Hiệp hội các nước Đông Nam Á (Association of South - East Asian Nations), gọi tắt là ASEAN. 

Trong 25 năm đầu, các thành viên ASEAN hoạt động với mục đích biểu hiện tinh thần đoàn kết giữa các nước trong cùng khu vực với nhau, đồng thời hợp tác chống tình trạng bạo động và bất ổn tại những nước thành viên. Sang thập niên 90 của thế kỷ XX, trong bối cảnh toàn cầu hóa, giao lưu, hợp tác giữa các nước ngày càng mở rộng nên quan hệ giữa các nước trong khu vực dần được cải thiện. ASEAN đã điều chỉnh mục tiêu phát triển, xu thế hợp tác kinh tế xuất hiện và ngày càng trở thành xu thế chính. Do đó, các nước còn lại trong khu vực đã lần lượt tham gia vào Hiệp hội như Bru-nây (năm 1984), Việt Nam (năm 1995), Mi-an-ma và Lào (năm 1997), Cam-pu-chia (năm 1999). Các nước ASEAN hợp tác trên nguyên tắc tự nguyện và tôn trọng chủ quyền của từng quốc gia với mục tiêu chung đã được khẳng định ở Hội nghị cấp cao tháng 12 năm 1998 tại Hà Nội, đó là: Đoàn kết và hợp tác vì một ASEAN hòa bình, ổn định và phát triển đồng đều

Đến nay ASEAN đã có 10 thành viên, gồm có In-đô-nê-xi-a (diện tích 1919 nghìn km2, dân số 249 triệu người, thủ đô Gia-cac-ta, ngôn ngữ chính Mã Lai, Anh); Thái Lan (diện tích 513 nghìn km2, dân số 67 triệu người, thủ đô Băng Cốc, ngôn ngữ chính Thái); Ma-lai-xi-a (diện tích 330 nghìn km2, dân số 29 triệu người, thủ đô Cua-la-lăm-pơ, ngôn ngữ chính Mã Lai, Hoa); Phi-líp-pin (diện tích 300 nghìn km2, dân số 99 triệu người, thủ đô Ma-ni-la, ngôn ngữ chính Phi-líp-pin, Anh); Xin-ga-po (diện tích 0,7 nghìn km2, dân số 5,3 triệu người, thủ đô Xin-ga-po, ngôn ngữ chính Mã Lai, Anh, Hoa); Bru-nây (diện tích 5,8 nghìn km2, dân số 0,4 triệu người, thủ đô Ban-đa Xê-ri Bê-ga-oan, ngôn ngữ chính Mã Lai, Anh, Hoa); Việt Nam (diện tích 329,3 nghìn km2, dân số 88,7 triệu người, thủ đô Hà Nội, ngôn ngữ chính Việt); Mi-an-ma (diện tích 677 nghìn km2, dân số 54,5 triệu người, thủ đô Y-an-gun, ngôn ngữ chính Miến); Lào (diện tích 236,8 nghìn km2, dân số 7,0 triệu người, thủ đô Viên Chăn, ngôn ngữ chính Lào, Thái, Mông); Cam-pu-chia (diện tích 181 nghìn km2, dân số 15,4 triệu người, thủ đô Phnôm-pênh, ngôn ngữ chính Khơ-me. (Số liệu năm 2012, Nguồn: Ban Thư ký ASEAN và Tổng cục Thống kê).

Các nước ASEAN có nhiều điều kiện thuận lợi để giao lưu, hợp tác và phát triển. Đó là vị trí địa lí gần gũi, có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử và có nguồn nhân lực dồi dào. Tuy vậy, ASEAN cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, trong đó trở ngại lớn nhất là trình độ phát triển kinh tế còn chênh lệch giữa các nước, thiên tai thường xuyên xảy ra và tình hình chính trị của một số nước như Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin nhiều khi thiếu ổn định. 

Để tận dụng triệt để những thuận lợi và khắc phục những khó khăn đó thì các nước ASEAN đã và đang thúc đẩy hợp tác toàn diện và mạnh mẽ. Năm 1992, kế hoạch Biểu thuế Ưu đãi Chung (CEPT) được ký kết như một thời gian biểu cho việc từng bước hủy bỏ các khoản thuế và như một mục tiêu tăng cường lợi thế cạnh tranh của vùng như một cơ sở sản xuất hướng tới thị trường thế giới. Điều luật này sẽ hoạt động như một khuôn khổ cho khu vực tự do Thương mại ASEAN. 

Sau cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1997, một sự khôi phục lại đề nghị của Malaysia được đưa ra tại Chiềng Mai, được gọi là Sáng kiến Chiềng Mai, kêu gọi sự hội nhập tốt hơn nữa giữa các nền kinh tế của ASEAN cũng như các quốc gia ASEAN + 3 (Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản)… Quan trọng nhất là tăng cường trao đổi hàng hóa qua việc thực hiện khu vực thương mại tự do ASEAN (giảm thuế các mặt hàng, tự do buôn bán giữa các nước trong khu vực). Các nước giúp đỡ nhau về kĩ thuật, đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ, bảo đảm an ninh lương thực. Trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, các nước xây dựng tuyến đường sắt xuyên quốc gia chạy qua các nước Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Cam-pu-chia, Việt Nam nối với Côn Minh - Trung Quốc và xây dựng tuyến đường hành lang Đông - Tây nối miền Trung Việt Nam với Trung Lào và Đông Bắc Thái Lan. Kết nối mạng thông tin giữa các quốc gia trong khu vực và với quốc tế. Hợp tác trong khai thác, cải tạo và bảo vệ sông Mê Công và Biển Đông. Duy trì đều đặn các hoạt động văn hóa - thể thao của khu vực như Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Giải thưởng văn học ASEAN… Nhờ sự hợp tác này mà bộ mặt kinh tế - xã hội của các nước ASEAN đã có nhiều thay đổi rõ rệt. Tăng trưởng kinh tế khá cao và ổn định, công nghiệp và dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn trong GDP, đời sống vật chất - tinh thần của đại bộ phận nhân dân các nước được nâng cao… Những thành quả đó đã giúp Đông Nam Á trở thành một khu vực hòa bình, ổn định và ngày càng phát triển, đúng như Tuyên bố ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30, ngày 29 tháng 04 năm 2017 đã khẳng định: “Quyết tâm xây dựng ASEAN thành một mô hình kiểu mẫu của hợp tác khu vực, dựa trên tinh thần hợp tác mở với một ASEAN ngày càng hội nhập vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu”… 

Ngày 28 tháng 7 năm 1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của ASEAN: “Là thành viên chính thức của ASEAN, Việt Nam nhấn mạnh chủ trương nâng cao hiệu quả và chất lượng hợp tác với các nước cùng Hiệp hội, cùng xây dựng Đông Nam Á thành một khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển đồng đều với ba trụ cột (chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng diễn ra từ ngày 12 đến 19/01/2011 nhấn mạnh chủ trương: “cần chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước xây dựng cộng đồng ASEAN vững mạnh”.

Từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ trong khu vực. Quan hệ với các nước thành viên ASEAN, chúng ta có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - văn hóa. Trong quan hệ mậu dịch giữa Việt Nam với các nước ASEAN: Năm 2014 so với năm 1994 (trước khi Việt Nam gia nhập ASEAN), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này đã cao gấp 21,5 lần, bình quân 1 năm đã tăng 16,6%; tỉ trọng giá trị hàng hóa buôn bán với các nước này chiếm tới 1/3 (32,4%) tổng buôn bán quốc tế của Việt Nam; trong đó mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang các nước ASEAN là dầu thô và gạo; chúng ta nhập khẩu nguyên liệu sản xuất như xăng dầu, phân bón, hàng điện tử… Khi thực hiện Dự án phát triển hành lang Đông - Tây, những lợi thế về kinh tế của miền Trung nước ta như tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân công… sẽ được khai thác, mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân đang sinh sống tại khu vực còn nhiều khó khăn này. Hiện nay, chúng ta đang tiến hành cải cách hành chính để có thể giảm bớt các thủ tục không cần thiết giúp thuận tiện hơn khi giải quyết các hợp đồng, các giấy cấp phép hoạt động… góp phần vào quá trình tăng cường hợp tác giữa nước ta và các thành viên khác trong Hiệp hội.

Với 50 năm hình thành và phát triển qua những biến động của tình hình chính trị, kinh tế của khu vực và thế giới, ASEAN đã không ngừng lớn mạnh, trở thành một trong những tổ chức hợp tác về kinh tế có vị thế và ảnh hưởng quan trọng nhất trên thế giới, góp phần đáng kể vào việc giữ gìn hòa bình và duy trì, thúc đẩy sự phát triển trên toàn cầu

Trần Văn Lợi

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy