Vì sao chưa có Luật Biểu tình, đại biểu Quốc hội cũng không thể trả lời!
VNTN - “Nhẹ nhàng thì người dân bảo Quốc hội lờ đi, nhưng nặng nề hơn họ bảo Quốc hội sợ dân, ngại dân, nghi dân", nhà sử học - đại biểu Dương Trung Quốc bình luận về việc không biết đến bao giờ mới có thể có Luật Biểu tình.
Quốc hội khoá 14 vừa qua tuần làm việc thứ năm của kỳ họp thứ 8 với tuyệt đại đa số thời gian dành cho công tác lập pháp, trong đó có một đạo luật được nhiều vị đại biểu nhấn mạnh là hết sức quan trọng, bởi đó là luật để làm ra luật: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Lần sửa đổi này, nội dung được đặc biệt quan tâm là đề xuất "đổi vai", chuyển trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết từ Quốc hội sang Chính phủ.
Phiên thảo luận toàn thể ngày 21/11 đã cho thấy sự lo lắng đặc biệt của không ít đại biểu Quốc hội, vị thì khẳng định Quốc hội sẽ bị mất quyền kiểm soát hoạt động xây dựng luật nếu "đổi vai", vị khác cho rằng đó sẽ là bước lùi trong hoạt động lập pháp.
Chia sẻ với nhiều ý kiến phát biểu của đại biểu, song từ góc nhìn của một vị đại biểu liên tiếp bốn nhiệm kỳ có số ghế tại nghị trường, nhà sử học Dương Trung Quốc tiếp cận ở góc khác.
"Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nhưng hoạt động theo cơ chế nhiệm kỳ cho nên sự khớp nối giữa hai nhiệm kỳ phải bảo đảm tính liên tục, tính kế thừa như là một pháp lệnh. Quốc hội khóa 13, một trong những nội dung xuyên suốt của cả khóa là xây dựng Hiến pháp, thông qua Hiến pháp và triển khai với một tinh thần tăng cường hơn nữa việc xây dựng những luật liên quan đến quyền của người dân. Quốc hội đã làm được Luật Trưng cầu dân ý mà không biết bao giờ đi vào đời sống, còn hai luật rất quan trọng, đương nhiên là nhạy cảm Luật Biểu tình và Luật Lập hội đã thảo luận rất nhiều ở diễn đàn Quốc hội, Thủ tướng đương thời còn thể hiện rất rõ quyết tâm sẽ thực hiện luật này, vậy mà cuối cùng cho đến ngày hôm nay vẫn chưa hề được thông qua", đại biểu Dương Trung Quốc nói.
Riêng Luật Lập hội, "ông nghị" Dương Trung Quốc nhấn mạnh đã qua nhiều phiên bản sửa chữa và phiên bản cuối cùng gần như đã được nhất trí, thì bỗng nhiên lại trình ra Quốc hội một phiên bản có thêm những điều khoản mà chưa hề được thảo luận khiến cho chính những cơ quan có liên quan trực tiếp như Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam phải có kiến nghị là xin dừng lại để sửa và điều chỉnh. Nhưng cho đến nay hầu như không ai còn nhắc đến nữa.
Còn với Luật Biểu tình, nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ sự sốt ruột khi mà hầu như cả khóa 14 này đã không còn xuất hiện trong chương trình xây dựng luật nữa và đại biểu cũng không được giải thích lý do vì sao.
"Chính vì thế đại biểu Quốc hội không thể trả lời cử tri là vì sao. Nhẹ nhàng thì người dân bảo Quốc hội lờ đi, nhưng nặng nề hơn họ bảo Quốc hội sợ dân, ngại dân, nghi dân" - ông Quốc bình luận.
Theo vị đại biểu cao niên và có "thâm niên" làm đại biểu nhất nhì Quốc hội đương nhiệm thì chuyện này cần phải làm cho rõ ràng, giải thích rõ ràng.
"Chúng tôi rất hiểu rằng đây là những luật rất cơ bản nhưng cũng rất khó khăn, rất tế nhị, rất nhạy cảm như cách nói của chúng ta. Nhưng những luật này lại rất phổ quát trên thế giới, nó được ghi trong Hiến pháp 1946 và trên thực tế ngay thời Pháp thuộc trong hệ thống dân chủ tư sản, nó đã thực hiện ở nước ta rồi. Tại sao giờ chúng ta lại né tránh?", đại biểu Dương Trung Quốc đặt vấn đề.
Nhìn lại lịch sử lập pháp Việt Nam từ khi có bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, nhất là những năm gần đây thì không khó để có thể chia sẻ với tâm tư của đại biểu - nhà sử học Dương Trung Quốc.
Trên diễn đàn Quốc hội, nhiều lần, nhiều vị đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực cao nhất đã nhấn mạnh: biểu tình là quyền cơ bản của công dân mang tính phổ quát của nhân loại, được quy định tại Hiến pháp của Việt Nam từ năm 1946 đến nay.
Điều 25 của Hiến pháp 2013 vẫn tiếp tục hiến định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Và, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật cũng là điều đã được hiến định tại bản Hiến pháp này.
Có lẽ vì thế mà suốt 5 năm của nhiệm kỳ Quốc hội khoá 13, dự án luật được nhắc đến với nhiều cung bậc cảm xúc nhất tại nghị trường chính là Luật Biểu tình với kỳ vọng “Quốc hội khóa 13 sẽ rất vinh dự là Quốc hội trả nợ được nhân dân Luật Biểu tình, mà 12 khóa Quốc hội trước đây chưa có điều kiện thực hiện”.
Có trách nhiệm trình Luật Biểu tình là Chính phủ, cuối năm 2011, trả lời chất vấn trước Quốc hội, người đứng đầu Chính phủ khi đó khẳng định rằng Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét để có Luật Biểu tình, phù hợp với Hiến pháp và phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như điều kiện của Việt Nam, đảm bảo quyền của dân, ngăn chặn các hành vi gây xâm hại đến lợi ích của xã hội.
Nhưng cứ lùi lại lùi, lùi mãi, cho đến đầu Quốc hội khóa 14 thì hy vọng lại được thắp lên khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong cuộc gặp mặt các cơ quan thông tấn báo chí ngày 23/7/2016 đã khẳng định: Quốc hội khoá 14 sẽ xem xét nghiêm túc Luật Biểu tình.
Song, đến giữa năm 2018, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết Chính phủ vẫn chưa chuẩn bị xong dự án Luật Biểu tình. Trong một vài phiên thảo luận sau đó, một số vị đại biểu cũng đã lên tiếng hối thúc phải làm Luật Biểu tình, dù khó đến mấy cũng phải làm. Nhưng, như nhà sử học Dương Trung Quốc đã phát biểu, dự án Luật Biểu tình đã không còn xuất hiện trong chương trình xây dựng luật của khóa 14 này nữa và đại biểu cũng không được giải thích lý do vì sao.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14 chỉ còn hơn một năm nữa là hết. Quyền biểu tình của dân đã được Hiến định 73 năm.
Vĩnh An
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...