Vị lãnh tụ mang tâm hồn nghệ sĩ
(Về thơ cảm hứng trữ tình của Hồ Chí Minh)
Có những người cố gắng làm thơ, in thơ để được gọi là nhà thơ. Có những người “phấn đấu” bằng mọi phương cách để trở thành nghệ sĩ. Hồ Chí Minh không hề có ý định trở thành nhà văn, không thích người khác ca ngợi mình là nhà thơ. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, sôi nổi của mình, Người sớm nhận ra văn chương là một vũ khí lợi hại để phục vụ sự nghiệp tranh đấu, có những khi cũng như người bạn, thú vui giúp mình thư thái tinh thần. Vậy là Người trở thành nhà văn, nhà thơ. Đó quả là một nhà văn, nhà thơ ngoài chủ đích.
Trong sự nghiệp văn chương phong phú về thể loại, về ngôn ngữ của Hồ Chí Minh, thơ cảm hứng trữ tình chiếm một vị trí quan trọng. Đây là những bài thơ bộc lộ tâm tư, khát vọng của cá nhân Người ở một thời điểm cụ thể nào đó, được viết bằng cả tiếng Việt và chữ Hán. Rõ ràng, mảng thơ này sẽ là nơi biểu hiện một cách trực tiếp, chân thực và toàn diện con người Chủ tịch Hồ Chí Minh, tâm hồn Chủ tịch Hồ Chí Minh - một nhân cách đặc biệt trong lịch sử dân tộc và nhân loại.
1. Đến với thơ cảm hứng trữ tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết, ta bắt gặp một tâm hồn thi sĩ dạt dào, nhạy cảm, rung động thiết tha với mọi vẻ đẹp của thế giới thiên nhiên. Từ bầu trời đến cánh chim, từ làn mây đến ngọn gió, từ đỉnh núi đến dòng sông, từ ánh mặt trời rực rỡ đến vầng trăng lung linh, mát dịu… tất cả đều đi vào thơ Người như một phần của cuộc sống gần gũi, đáng yêu. Trong cảm nhận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiên nhiên chính là một phần của đất nước tươi đẹp, một phần của cuộc sống bình dị mà bất diệt. Trước “non xa xa, nước xa xa” của căn cứ địa cách mạng Pắc Bó hay cảnh “non nước dạo chơi tùy sở thích” ở chiến khu kháng chiến, trước một đêm khuya giữa chốn núi rừng Việt Bắc huyền ảo có “trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa”, trước vầng trăng giữa ngày rằm tháng Giêng ngời ngợi sức xuân hay “Phương Đông nhuốm một màu hồng đẹp tươi” ở buổi ban mai… tâm hồn Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chan hòa, gắn bó.
Đặc biệt, thơ Người đầy trăng. Rất nhiều lần trăng đi vào thơ Người mà mỗi lần có một vẻ đẹp, ý nghĩa khác nhau. Ở Ngục trung nhật kí, ta đã bắt gặp cái tư thế ngắm trăng độc đáo của tù nhân - thi gia: Nhân hướng song tiền vọng minh nguyệt/ Nguyệt tòng song khích khán thi gia (Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ/ Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ). Đến Báo tiệp (Tin thắng trận, viết năm 1948), trăng với Người lại là đôi bạn tri âm, tri kỉ để có thể tự nhiên đẩy cửa sổ mà đòi thơ. Có lẽ đây là bài thơ duy nhất mà trăng có hành động, cất tiếng nói - mà thân mật, mà suồng sã đến vậy : "Nguyệt thôi song vấn: - thi thành vị / - Quân vụ nhung mang vị tố thi" (Trăng đẩy cửa hỏi: - thơ xong chưa ?/- Việc quân bề bộn, chưa làm thơ được).
2. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, yêu thiên nhiên cũng là yêu nước vì vầng trăng sáng, cây cỏ ấy, núi sông này… là một phần yêu quý của thiên nhiên đất nước. Tình yêu nước bao la, ý chí chiến đấu vì nhân dân, vì Tổ quốc khiến Người nhìn thiên nhiên đất nước thêm đẹp; và ngược lại - lòng yêu mến cảnh vật thiên nhiên đất nước là một động cơ thúc đẩy Người thêm lo “nỗi nước nhà”.
Từ đó, trong thơ cảm hứng trữ tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sự thống nhất một cách tất yếu giữa tình cảm đối với thiên nhiên và trách nhiệm lịch sử, xã hội. Đây là một vẻ đẹp độc đáo trong con người cách mạng mới mà truyền thống thẩm mĩ và nhân sinh thuộc quá khứ dân tộc ít khi có được. Trừ ở một số trạng thái lịch sử tích cực, những nhà nho xưa thường không khỏi tách rời, thậm chí đối lập hai phạm trù này trong bản thân họ. Khi còn ra sức phụng sự triều đại thịnh trị của nhà nước phong kiến, khi còn muốn trở thành một kẻ tôi hiền thờ phụng đấng minh quân, cuộc đời quyền thế không dễ gì khiến các bậc công khanh đó luôn đằm thắm với phong, hoa, tuyết, nguyệt. Nhiều lúc họ cho rằng đi vào thế giới thiên nhiên, núi sông, cây cỏ là lánh xa trách nhiệm trần thế, công việc quốc gia đại sự thường ngày. Nhưng khi cửa quan chẳng còn là chốn thực hiện mộng phò vua giúp đời nữa, bậc hiền giả muốn quay về nương chốn núi rừng nào đấy với cảnh nhàn của mây ngàn hạc nội, phách suối đàn thông, của ao sen mùa hạ và rừng trúc mùa thu. Lúc này, niềm vui đất trời đã thay thế cho trách nhiệm xã hội. Trong thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng một lúc chúng ta sẽ nhận thấy những “giữa dòng bàn bạc việc quân” với “khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền” (Nguyên tiêu), những “trăng vào cửa sổ đòi thơ” với “việc quân đang bận xin chờ hôm sau” (Báo tiệp), những “việc quân việc nước đã bàn” với “xách bương dắt trẻ ra vườn tưới rau” (Vô đề), những “việc quân việc nước bàn xong” với “gối khuya ngon giấc bên song trăng nhòm” (Đối nguyệt)… Tâm hồn hòa cùng đất nước đẹp tươi, giang sơn hùng vĩ kết hợp với tấm lòng nhân nghĩa ưu ái, tinh thần chiến đấu vì dân vì nước đã tạo nên những vần thơ tuyệt đẹp:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà
(Cảnh khuya)
Bài thơ tên đề Cảnh khuya nhưng lại nặng “nỗi nước nhà”, rất đậm tình. Chính cái tình đó tăng thêm không khí thâm trầm, man mác của cảnh và làm nên sức ngân vang dẫu lời thơ đã tận. Tiếng gọi của “nỗi nước nhà” luôn thao thức trong lòng Người đã bắt gặp tiếng suối trong như tiếng hát của núi rừng thiên nhiên và hai âm thanh đó hòa hợp, ngân dài, vang sâu suốt cả bài thơ.
Tình yêu thiên nhiên, đất nước thiết tha, sâu nặng của vị lãnh tụ gánh vác trách nhiệm trước lịch sử, non sông đã hài hòa trong tâm hồn, cốt cách Hồ Chí Minh. Điều đó cũng thống nhất với phong thái bình thản ung dung, tinh thần lạc quan của một con người luôn hướng về phía tương lai, vững tin vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Có lẽ cũng hiếm cảnh sống, cảnh làm việc của vị lãnh tụ trong thời đại cách mạng vô sản như thế này:
Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
(Tức cảnh Pác Bó)
Nhãn tự của bài thơ chính là ở chữ “sang” cuối bài. Được vui vầy giữa rừng núi thiên nhiên với sinh hoạt thanh đạm là sang. Được ung dung làm chủ hoạt động, cuộc sống của mình, được tự do đóng góp cho sự nghiệp cách mạng là sang. Chữ “sang” ấy đã hòa quyện thú lâm tuyền của bậc nho sĩ thanh cao thời trước với nhân sinh quan của người chiến sĩ cách mạng trong thời đại mới.
Một đêm mùa thu năm 1949, đi thuyền trên sông Đáy, “Lòng riêng riêng những bàng hoàng/ Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng”, Người vẫn mở rộng tâm hồn cảm nhận thắng lợi tất yếu của cuộc kháng chiến: “Thuyền về trời đã rạng đông/ Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi” (Đi thuyền trên sông Đáy).
3. Hình tượng cái tôi trữ tình trong loại hình thơ cảm hứng trữ tình chính là sự bộc lộ chân xác tâm hồn, cốt cách của người làm thơ. Chúng ta từng biết sở thích riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sinh hoạt hàng ngày như trồng rau, câu cá, làm thơ, sống và làm việc giữa thiên nhiên khoáng đạt. Trong những sở thích giản dị, thanh tao ấy quả có cái gì rất truyền thống như thú lâm tuyền, thú điền viên của những tâm hồn thanh khiết thuở xưa. Mặt khác, đây cũng là người chiến sĩ cách mạng có trí tuệ cao rộng, luôn hòa nhịp cùng bước tiến của thời đại sôi động. Từ đây dẫn đến trong thơ cảm hứng trữ tình Hồ Chí Minh có sự hòa hợp thú vị giữa màu sắc cổ điển và tinh thần hiện đại. Đây hẳn là điểm độc đáo nhất trong phong cách thơ trữ tình chính luận Hồ Chí Minh. Cần khẳng định ngay rằng sự hòa hợp giữa cổ điển và hiện đại trong thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là chuyện hình thức hay là chuyện “bình cũ rượu mới”. Đây là sự thống nhất tự nhiên, sâu xa từ nội dung đến hình thức, nghĩa là thấm vào mọi cấp độ của cấu trúc tác phẩm (từ đề tài, tứ thơ đến thể loại, từ kết cấu đến thi liệu, ngôn ngữ, đặc biệt là hình tượng nhân vật trữ tình).
Hầu hết thơ trữ tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết theo thể tài tứ tuyệt (bằng tiếng Việt và tiếng Hán). Đề tài, tứ thơ khá phổ biến của loại thơ này là vịnh, phỏng, tặng, tư, vô đề… (Thượng sơn, Đăng sơn, Vãn cảnh, Đối nguyệt, Vô đề, Tặng Bùi công, Tư chiến sĩ, Vọng Thiên Sơn, Vịnh Thái Hồ…). Thơ Người vẫn thường sử dụng bút pháp ước lệ, tượng trưng, có lối cách điệu hóa riêng khiến chỉ một vài nét đơn sơ mà đưa ngay người đọc vào thế giới của cổ thi. Màu sắc cổ điển thể hiện thú vị ở cách miêu tả thiên nhiên, dành cho thiên nhiên một vị trí đặc biệt. Lắm khi, nhà thơ nhìn từ cao, từ xa, bao quát trong con mắt mình toàn bộ cảnh cao sơn lưu thủy và ghi lại bằng một vài nét chấm phá đơn sơ, bỏ lại nhiều khoảng trống để gợi lên nhiều cái mênh mông bát ngát của đất trời (Thượng sơn, Tân xuất ngục học đăng sơn…):
Lục nguyệt nhị thập tứ
Thượng đáo thử sơn lai
Cử đầu hồng nhật cận
Đối ngạn nhất chi mai.
(Thượng sơn)
(Hai mươi tư tháng sáu
Lên ngọn núi này chơi
Ngẩng đầu: mặt trời đỏ
Bên suối một nhành mai)
Cái tôi trữ tình trong thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lúc có cái phong độ ung dung, nhàn dật giữa thiên nhiên giống như dáng dấp của Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, của Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Bạch Vân am vậy:
Núi ấp ôm mây, mây ấp núi
Lòng sông gương sáng bụi không mờ
Bồi hồi dạo bước Tây Phong lĩnh
Trông lại trời Nam nhớ bạn xưa
(Mới ra tù tập leo núi)
Xem sách, chim rừng vào cửa đậu
Phê văn, hoa núi ghé nghiên soi
(Tặng Bùi công)
Cổ điển, đậm đà chất Đường thi là thế song thơ cảm hứng trữ tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tươi mới sắc màu hiện đại. Trong các bức tranh thơ này con người bao giờ cũng ở vị trí chủ thể. Qua cảm nhận của Người, thiên nhiên chính là một phần của cuộc sống bình dị, đáng yêu và luôn gắn với sự hoạt động của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn ngắm thiên nhiên không phải bằng thái độ hưởng thụ, hoàn toàn chiêm ngưỡng mà với tinh thần làm chủ, cải tạo thế giới, với niềm tin hướng về phía ánh sáng, phía tương lai:
Non xa xa, nước xa xa
Nào phải thênh thang mới gọi là
Đây suối Lê-nin, kia núi Mác
Hai tay xây dựng một sơn hà
Trong Pắc Bó hùng vĩ này, biểu tượng đặc trưng của truyền thống thơ ca dân tộc (non non, nước nước) hòa làm một với tinh thần mới của thời đại vô sản. Từ cảm hứng đến hình tượng, hồn non nước thiêng liêng mà gần gũi, thân thiết quyện hòa với khí thế mới, vững chắc đi lên của phong trào cách mạng. Vì thế cần đọc lên, đọc lại kĩ mới cảm nhận được cái hay, cái đẹp của bài thơ trong âm hưởng của nó: vừa lan xa, trải rộng, vừa chắc trầm, đĩnh đạc. Trong bức tranh sơn thủy hùng vĩ, nên thơ của Pắc Bó nổi rõ lên hình ảnh nhân vật trữ tình. Con người đứng giữa núi sông thiên nhiên với tầm mắt bao quát, tinh thần tự tin và phơi phới lạc quan. Bởi vậy giờ đây “nào phải thênh thang” mà Người đã thể hiện cả sơn hà gấm vóc, tươi đẹp trong độc lập tự do, trong ánh sáng của thời đại Mác - Lê-nin. Pắc Bó hùng vĩ toát lên tinh thần làm chủ thiên nhiên, làm chủ thế giới của người cộng sản. Đặt bài thơ trong hoàn cảnh những năm cách mạng còn đầy gian khó (năm 1941) khi đó mới hiểu hết tầm cao đẹp của tâm hồn Bác. Rõ ràng, sự kết hợp truyền thống - hiện đại trong thơ cảm hứng trữ tình Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện ở câu, chữ, ở hình ảnh được nhắc tới mà có cội nguồn từ cảm hứng, từ cốt cách, tâm hồn con người. Đấy là con người tiếp nối liền mạch với truyền thống lịch sử, quá khứ thiêng liêng và cũng là hiện thân của thời đại mới - thời đại cách mạng vô sản đang tiến tới. Đấy là con người ung dung nhàn nhã, mang dáng dấp của nhà hiền triết phương Đông và cũng là con người chiến sĩ tích cực cải tạo thế giới, cải tạo xã hội với tinh thần tiến công và làm chủ, với đôi mắt nhìn thấu tương lai.
***
Truyền thống, tinh hoa dân tộc đã kết tinh nơi con người Hồ Chí Minh. Thời đại cách mạng mới đã hun đúc nên con người Hồ Chí Minh. Tất cả đã làm nên Hồ Chí Minh trong tư cách nhà thơ bằng những vần thơ độc đáo với kiểu nhân vật trữ tình thú vị như thế.
Lê Quang Hưng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...