Vi hành và “vi hành”
VNTN - Vi hành là chuyến đi có chủ định, được cải trang sao cho không lộ thân phận của nhân vật chính. Xưa chỉ có vua, chúa mới nói đến vi hành, nhằm hiểu được thực chất cuộc sống và dân tình, tránh ngộ nhận bởi những lời sàm tấu.
Ngày nay, “vi hành” được hiểu là một trong những cách tiếp cận thực tế về những gì mà người lãnh đạo quan tâm. Thế nên, nhìn vào vấn đề mà nhà lãnh đạo “vi hành”, người ta cũng biết được cái tâm, cái tầm của người ấy ở mức nào.
Người lãnh đạo hiện nay tiếp cận thực tế chủ yếu bằng hai cách, là “đi thăm và làm việc” (theo cách nói của báo chí) và “vi hành”. Phải thừa nhận rằng, đến nay thì “vi hành” chưa phải là phương thức được thực hiện phổ biến.
Xin có vài so sánh về hai phương thức này:
- “Đi thăm và làm việc”, là cách tiếp cận công khai, chính thức; theo đó, nơi “khách” đến được báo trước, có sự chuẩn bị nội dung và việc đón tiếp.
- “Vi hành” là cách tiếp cận bí mật, bất ngờ, không chính thức. ở nơi diễn ra cuộc “vi hành”, mọi người như nhau, không ai bị chức tước hay lễ nghi ngăn cách. Cái cần của người “vi hành” là mục sở thị thực tế cuộc sống, không bị cái gì che đậy hoặc gây nhiễu.
Xem vậy thì “Vi hành” và “Thăm và làm việc”, là hai cách tiếp cận khác nhau, nhưng có liên quan đến nhau. Những thông tin nhờ “vi hành” mà có, sẽ được xử lý trong các cuộc làm việc chính thức, giúp người ta tránh được tình trạng quan liêu và thiếu trách nhiệm. Như vậy thì “vi hành” là việc làm cần lắm.
Tuy nhiên, nói “vi hành” thì dễ, làm mới khó. Để “vi hành”, người ta phải tạm xếp những phương tiện sang trọng được Nhà nước trang bị lại, đi bằng phương tiện đại chúng, chấp nhận khó khăn, vất vả; phải gác lại những cuộc đón tiếp trọng thị, để đến nơi chẳng có ai đón tiếp; phải biết cách gợi chuyện để dân nói những gì là sự thật, kể cả những sự thật nghiệt ngã; phải bình tĩnh để nghe cả những gì “dễ nghe” và “khó nghe” v.v… Ngày nay khi sóng truyền hình đến từng nhà, những người có “thân phận quốc gia” thường xuất hiện nhiều trên ti vi, dân quen mặt các vị như người nhà. Thế nên khi các vị xuất hiện, dân biết ngay là ai. Thế là chuyến “vi hành” có thể bị “lộ”. Nhưng cũng chẳng sao. Khi dân thấy người hữu trách lặn lội đi tìm sự thật, thì dù có “lộ” thân phận, người ta vẫn sẵn lòng cung cấp. Nhưng với những cuộc “vi hành” mà có cả đoàn người đi theo để ghi hình, ghi âm, ghi chép hoạt động của nhân vật chính, thì dân không thích. Người ta nghĩ rằng, “vi hành” kiểu ấy cốt là để tuyên truyền, chứ đâu phải đi tìm sự thật, để vì nước, vì dân.
ở ta, qua báo chí, thấy các vị lãnh đạo luôn đi sát cơ sở. ở đâu có chuyện “nóng”, hoặc có nhân tố mới… thì lập tức lãnh đạo có mặt. Có những vụ việc không phải một, mà nhiều vị lãnh đạo chủ chốt đã cùng tới. Đó là cách tiếp cận chính thức và công khai, rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, việc tiếp cận bằng cách “vi hành”, thì hầu như chưa thấy báo nào đưa tin. Chuyện này đôi khi cũng trở thành chủ đề trao đổi nơi bàn trà. Có người quả quyết rằng, ở ta vẫn có những chuyến “vi hành” của lãnh đạo, nhưng các vị ấy không cho trống dong cờ mở, không muốn tuyên truyền. Lại có người bảo, “vi hành” là để kiểm chứng thông tin, mà những thông tin đã được kiểm chứng nhiều lắm, giải quyết không xuể, thì cần gì phải “vi hành” nữa? v.v… Dù ý kiến có khác nhau, nhưng mọi người cùng tỏ mong muốn được lãnh đạo mở những cuộc “vi hành” để làm rõ những chuyện mà lâu nay dân tình rất bức xúc. Đó là những chuyện thuộc về tham nhũng, tiêu cực, mà rất nhiều người dân có thể kể ra được ít nhất một chuyện, gọi là “mắt thấy, tai nghe”. Những chuyện đó là:
- Có hay không việc mua bán biên chế, mua bán chức vụ trong các cơ quan Nhà nước?
- Có hay không hành vi gây khó khăn trong các dịch vụ công (như việc cấp quyền sử dụng đất, cấp phép các loại v.v…), để buộc người dân, muốn được việc thì phải lo lót?
- Có hay không tình trạng chạy án và bảo kê cho người vi phạm pháp luật?
- Có hay không chuyện cơ quan Nhà nước là “sân sau” của doanh nghiệp tư nhân?
v.v…
Những chuyện trên rất cần được làm rõ, mà “vi hành” là một trong những cách hữu hiệu.
Thái văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...