Thứ sáu, ngày 03 tháng 05 năm 2024
16:56 (GMT +7)

Về ý thức nữ tính trong thơ nữ Trung Quốc đương đại – trường hợp Nữ tử thi báo

Vào thập niên 80 - 90 của thế kỷ XX, kế tiếp trào lưu thơ Mông Lung của những năm 70, thơ ca Trung Quốc đã có những bước phát triển mới, với sự đa dạng hóa của các thi trào, thi phái và phong cách sáng tác. Giai đoạn này cũng đặc biệt đánh dấu những thành tựu mang tính đột phá của trào lưu thơ nữ Trung Quốc. Bài viết này nghiên cứu sự hình thành và quá trình hoạt động của Nữ tử thi báo - tập san do phụ nữ viết, phụ nữ biên tập và điều phối - một hiện tượng lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử thơ ca Trung Quốc và có vị trí quan trọng trong trào lưu thơ nữ Trung Quốc đương đại.

Hội thảo về thơ nữ Trung Quốc lần đầu tiên được tổ chức tại Bắc Kinh năm 1993.


Nữ tử thi báo 女子诗报 (Tạm dịch: Báo thơ do phụ nữ viết) được thành lập vào tháng 12 năm 1988 tại Tứ Xương, tỉnh Tứ Xuyên - một tờ báo thơ do một nhóm các nhà thơ nữ tự bỏ tiền xuất bản, tự sáng tác, biên tập và điều phối - đã trở thành hiện tượng lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử thơ ca Trung Quốc. Những người phát động cho sự thành lập của tờ báo này là các nhà thơ nữ: Hiểu Âm (Tổng Biên tập), Chung Âm, Đàm Thi, Tiểu Lâm, Phong Tử, A Mạn. Nữ tử thi báo quy tụ 35 nhà thơ nữ đến từ nhiều địa phương khác nhau, hầu hết đều là những trí thức trẻ đã tốt nghiệp ở các trường đại học. Mục tiêu của Nữ tử thi báo là giải cấu trúc diễn ngôn truyền thống, xây dựng một trung tâm diễn ngôn mới (về phụ nữ và thơ nữ). Trong khi theo đuổi một lối viết phản nữ tính, họ thiết lập một hệ thống thẩm mỹ mới cho giai đoạn thơ thập niên 80 - 90 như một sự tổng hòa của các yếu tố “tính dân gian, tính tiên phong, tính độc lập và tính bao dung”.

Quá trình hoạt động của Nữ tử thi báo

Ngay khi vừa ra mắt văn đàn, Nữ tử thi báo đã làm dấy lên sự quan tâm của đông đảo giới sáng tác và bạn đọc bởi nhiều lý do: thứ nhất, tờ báo hoàn toàn do “phụ nữ viết, phụ nữ biên tập”, một tờ báo thơ thuần túy được phụ nữ điều phối - một trường hợp đặc biệt lần đầu tiên xuất hiện trên văn đàn Trung Quốc; thứ hai, hình thức của tờ báo cũng có sự khác biệt so với các tạp chí địa phương, tạp chí dân gian thông thường. Vào những năm 80 của thế kỷ, mặc dù các tờ báo địa phương ở Trung Quốc nhiều vô kể, nhưng hầu hết các báo đều in ở dạng rô-nê-ô (in giấy nến/in dầu), chọn kích thước in bốn mặt: 389mm x 546mm (tương đương A2) hoặc nhỏ hơn nữa. Trong khi đó, Nữ tử thi báo lại dùng hình thức in máy (in tô-pô), hai mặt, khổ lớn 390mm x 540mm, chạy trang báo từ trên xuống. Nữ tử thi báo đã xuất hiện với một diện mạo khí thế, tự tin và bắt mắt hơn hẳn so với những tờ báo địa phương khác. Khi số đầu tiên của Nữ tử thi báo ra đời, Tổng Biên tập Hiểu Âm cùng nhà thơ nữ Tiểu Lâm đã ngồi tàu hỏa mang hai trăm tờ báo đến Thành Đô để phân phối - chủ yếu cho giới sáng tác và các trường đại học. Tin tức về việc Nữ tử thi báo ra đời được lan truyền nhanh chóng tại Thành Đô và nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt, đặc biệt từ chính các nhà thơ nam - như Thượng Trọng Mẫn, Lam Mã, Lê Chính Quang, Dương Lê, Tôn Văn Ba, Dương Viễn Hoành, Vũ Điền, Hướng Dĩ Tiên... Ở thời điểm đó, nhiều tờ báo, tập san khác, như Thi ca báo, Bách gia (tỉnh An Huy), Tác gia sinh hoạt báo, Hồ Nam Nhật báo (tỉnh Liêu Ninh), Thi song nguyệt báo (Hương Cảng), Tác gia (tỉnh Cát Lâm), Thi thần (tỉnh Hồ Bắc)… đều đưa tin và đăng lại tác phẩm thơ ca, văn luận của các nhà thơ trong Nữ tử thi báo; nhiều bạn bè phương xa đã tìm cách gửi tiền qua thư để mua và ủng hộ hoạt động của tờ báo, đó là những điều mà chính những người sáng lập ra Nữ tử thi báo cũng chưa hề nghĩ tới.

Nữ tử thi báo kỳ 1 - số ra tháng 12 năm 1988

Tuy nhiên, Nữ tử thi báo ngay từ khi ra đời đã phải đối mặt với những nguy cơ chính trị. Tại Trung Quốc, những năm 1980 và 1990, việc in báo văn học và các tạp chí định kỳ theo cách tự phí đều không được phép và bị xếp vào dạng “xuất bản phẩm bất hợp pháp”. Mặc dù mức độ nghiêm khắc trong giám sát, quản lý ở mỗi địa phương khác nhau, nhưng tỉnh Tứ Xuyên lại là nơi chịu sự giám sát và quản lý cực kỳ nghiêm ngặt. Nữ tử thi báo, do chưa được sự phê chuẩn của Cục Xuất bản và Báo chí Quốc gia nên bị liệt vào dạng ấn phẩm bất hợp pháp và bị cấm xuất bản. Sau số thứ 4 (năm 1994), Nữ tử thi báo chính thức bị đình bản.

Trước đó không lâu, vào tháng 12/1993, xuất phát từ sức ảnh hưởng của Nữ tử thi báo, Hiệp hội thơ ca Trung Quốc lần đầu tiên tổ chức Hội thảo về thơ nữ của Trung Quốc tại Bắc Kinh. Nữ tử thi báo dừng hoạt động trong vòng 8 năm, cho đến khi internet đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc, tờ báo này mới chính thức xuất hiện trở lại dưới hình thức tạp chí trực tuyến và diễn đàn văn học mạng(1). Diễn đàn này đã quy tụ các nhà thơ Trung Quốc đương đại tại đại lục và hải ngoại như Đường Quả, Bạch Địa, Thất Nguyệt Đích Hải, Hàn Bích, Tây Diệp, Thi Vũ (Mỹ), Thi Vỹ (Mỹ), Hồng Ảnh (Anh), Vương Tiểu Ni, Chu Tán, Quân Nhi, Bạch Lan, Lý Khinh Tùng, Lý Minh Nguyệt, Mộng Kiều, Trầm Lợi, An Kỳ, Đinh Yến, Trần Ai, Đan Ni, Triệu Lệ Hoa… tạo nên một cục diện thơ nữ Trung Quốc đương đại tương đối phát triển và toàn diện.

Thành viên của Nữ tử thi báo chụp với các văn hữu

Nữ tử thi báo không chỉ là diễn đàn của nhiều nhà thơ trẻ đương thời, mà còn thu hút sự tham gia của các nhà thơ thuộc thế hệ trước như Băng Tâm, Trịnh Mẫn, Thư Đình… Sự tồn tại của Nữ tử thi báo đã làm tiêu giải sự yếu thế của thơ nữ trong suốt lịch sử thơ ca Trung Quốc, và xác lập nên một địa vị quan trọng của thơ nữ Trung Quốc trong nền thơ mới đương đại.

Nữ tử thi báo và cuộc Cách mạng về ý thức nữ tính trong thơ nữ đương đại

Sự ra đời của Nữ tử thi báo tại tỉnh Tứ Xuyên không phải là hiện tượng đột khởi, mà là sự tiếp nối một cách có ý thức những tiếng nói thơ nữ trước đó. Trước khi Nữ tử thi báo chính thức ra đời vào năm 1988, thì Trạch Vĩnh Minh - đồng thời cũng là một nhà thơ Tứ Xuyên, tác giả của chùm thơ Nữ nhân (1984) - đã khởi xướng lên một làn sóng thơ nữ mới cho thi đàn Trung Quốc. Trong giai đoạn giữa những năm 80, Tứ Xuyên, đặc biệt là Tây Xương, đã trở thành một địa chỉ quan trọng của thơ Trung Quốc đương đại, có rất nhiều quan niệm và trường phái thơ mới xuất hiện vào thời điểm này. Tỉnh Tứ Xuyên cũng là nơi xuất hiện của phái thơ “Phi phi” (với tạp chí thơ Phi Phi, thành lập vào tháng 5 năm 1986 tại Tây Xương, Thành Đô) do Châu Luân Hữu, Lam Mã, Dương Lê và một số nhà thơ khác phát động, tạo sức ảnh hưởng lớn và góp phần không nhỏ trong quá trình hiện đại hóa của thơ ca Trung Quốc. Rõ ràng tất cả những yếu tố trên đều trở thành nền tảng, động lực và chất xúc tác mạnh mẽ để Nữ tử thi báo tiếp tục “làm cách mạng trong thơ”.

Bước sang nửa cuối những năm 80 đầu 90, thơ Mông Lung sau thời kì đỉnh cao đã bắt đầu đi vào thoái trào. Lúc này thi đàn Trung Quốc xuất hiện rất nhiều trường phái thơ ca khác nhau, trong đó, phong trào “hậu thơ mới” - còn gọi là phong trào thơ ca thế hệ thứ ba (1984 - 1989) được coi là nổi bật nhất, mang tính chất tiên phong và gây ảnh hưởng rộng rãi. Trong một bối cảnh chung, thơ nữ Trung Quốc chịu ảnh hưởng của tư tưởng văn học nữ quyền phương Tây giai đoạn hai (những năm 1960), nhấn mạnh ý thức giới, đề cao sự độc đáo và khác biệt của nữ giới so với nam giới, góp phần thúc đẩy phong trào nữ quyền đang phát triển tương đối chậm ở Trung Quốc.

Các nhà thơ nữ trong những năm 1980 đã chú ý và thể hiện tâm lý và sức sống của phụ nữ với ý thức giới tính rõ ràng, viết lại cơ thể phụ nữ từ một đối tượng thụ động thành một chủ thể chủ động. Họ không ngần ngại khai thác những kinh nghiệm sống bí mật và riêng biệt của nữ giới: những trải nghiệm vật lý về quá trình sinh trưởng, phát triển của một người phụ nữ, những đặc thù và bí mật của cơ thể nữ như kinh nguyệt, mang thai, sẩy thai, sinh con, cho con bú... - vốn bị che lấp trong trạng thái vô danh của một truyền thống văn học vốn thiếu vắng lịch sử viết của nữ giới (Hơi thở thai nhi của Đường Á Bình, Người chốn nhân gian của Trạch Vĩnh Minh, Em có đồng ý nhận lời ngợi khen không của Y Lôi, Nhà thơ nữ của Lưu Hồng...).

Tập san Nữ tử thi báo năm 2004

Là một trong những hiện tượng thơ thu hút nhiều sự chú ý trong những năm 1980, thơ nữ thế hệ thứ ba đã thức tỉnh ý thức độc lập của phụ nữ, hình thành diễn ngôn tư duy độc đáo của giới nữ và biến kinh nghiệm sống của phụ nữ thành nghệ thuật. Tuy nhiên, đến cuối những năm 80 - đầu những năm 90, nhiều nhà thơ nữ trẻ hơn (thuộc thế hệ 7x) cho rằng, lý thuyết nữ quyền cần một cái nhìn hoàn thiện hơn về con người hơn là một cái nhìn thuần túy về phụ nữ; đồng thời, những thực hành nghệ thuật của thơ nữ (trong khi tiếp tục thừa nhận và thể hiện) cũng cần vượt ra ngoài sự nhấn mạnh một chiều về sự khác biệt giới tính, bằng cách viết về phần sâu sắc hơn của con người tự nhiên, của nhân loại. Chính trong bối cảnh này, Nữ tử thi báo đã xuất hiện với một sứ mệnh và số phận riêng. Hiểu Âm nhấn mạnh, “Tôi không muốn tôi xuất hiện trên thi đàn với tư cách một người phụ nữ”, “Là một nhà thơ, đối tượng suy nghĩ của tôi đã vượt qua trật tự được thiết lập của toàn nhân loại, trước đế chế rộng lớn của ngôn từ, dùng ngòi bút để đối thoại với nó”. Ngay từ khi mới xuất hiện, Nữ tử thi báo đã theo đuổi khuynh hướng xác lập nên một nguyên tắc mỹ học mới cho thơ nữ Trung Quốc, lật đổ và thay đổi ý thức chủ lưu trong thơ nữ đương đại một cách có chủ ý. Tinh thần này được các nhà thơ thể hiện qua Tuyên ngôn sáng tác của họ, bao gồm 6 điều mục:

- Phụ nữ viết, phụ nữ biên tập.

- Nữ tử thi báo mong muốn bạn chú ý đến - thơ - thay vì tập trung vào “phụ nữ”.

- Ở Trung Quốc, nơi có lịch sử hàng ngàn năm văn minh, một Nữ tử thi báo vừa mới trải qua mười lăm năm có thể coi là còn rất trẻ. Một Nữ tử thi báo trẻ tuổi dương cao ngọn cờ “tiên phong” và làm “mờ hóa ý thức phân biệt giới tính”. Dưới ngọn cờ này, đội hình thơ nữ đã làm nên một cảnh tượng riêng.

- Nữ tử thi báo cự tuyệt sự bảo hộ của nam tính, xem xã hội nam quyền là rác rưởi.

- Thông qua sáng tác, Nữ tử thi báo muốn xây dựng một trung tâm diễn ngôn của thơ nữ nằm ngoài giới tính.

- Điều mà Nữ tử thi báo trước đây và hiện tại đang làm: xây dựng một kiến trúc tổng thể về thơ nữ(2).

Bằng cách phủ nhận sự phụ thuộc quá mức vào ý thức giới tính trong sáng tác của các nhà thơ nữ trước đó, Nữ tử thi báo phê phán và giải cấu trúc tư tưởng lấy nam giới làm trung tâm thống trị xuyên suốt lịch sử Trung Quốc. Xác định khuynh hướng “sáng tác với ý thức phản nữ tính, kiến tạo nên một hệ thống thẩm mỹ mới cho thơ nữ”, họ tìm cách “thoát khỏi ý thức truyền thống về giới tính làm vướng víu ngòi bút thơ ca”. Không phải họ không biết, hoặc không nhận ra sự khác biệt giữa phụ nữ và nam giới về thể chất và tinh thần, nhưng họ nhấn mạnh rằng những thực hành nghệ thuật của mình được dựa trên góc độ “con người” nói chung, viết về những trải nghiệm của con người trên tiền đề quên đi giới tính.

Trong lúc chủ trương “thoát khỏi những ràng buộc về ý thức nữ tính đối với ngòi bút”, “vận dụng những thử nghiệm và tìm tòi hiệu quả để tiếp cận với chính bản thân thơ ca”, “làm mờ hóa ý thức giới trong quá trình thực hành sáng tạo”, các nhà thơ của Nữ tử thi báo không ngừng tìm cách mở rộng phạm vi đề tài và cảm hứng sáng tác, đặc biệt hướng đến một cảm quan mang tầm vóc nhân loại. Họ đặt ra những câu hỏi trăn trở, suy tư về cá thể trong tương quan với lịch sử và hiện thực thời đại (Lược sử thời gian của tôi - Cần Hiểu Tĩnh, Ngồi trên bậc thang buổi chiều - Vương Tiểu Ni, Tống từ và nữ nhân - Thi Vĩ), kết hợp giữa tự sự đời thường với hình tượng tôn giáo trong một tổng thể phức tạp (Cửu Trại Châu - An Kỳ), gửi gắm triết lý về sự sống và cái chết (Sau khi chết - Bạch Địa, Sống, hãy cho đi,... Tình yêu thánh thiện và cao quý - Thi Kỳ), miêu tả vẻ đẹp của tự nhiên và trái đất bằng cảm nhận đa giác quan (Bào thai của cây nho, Gặp gỡ với mưa - Bạch Địa), tìm kiếm vẻ đẹp trong bản chất tự nhiên (Mùa thu thật sâu, Bàn tay cô đơn - Du Tung), hoặc chiêm nghiệm về những vòng xoáy quan hệ cá nhân (Tôi đã quen với việc nhận biết thời tiết từ ánh sáng ban mai - Tống Hiểu Kiệt)....

Đặc điểm chung trong thơ của các tác giả Nữ tử thi báo là sự tiết chế chất trữ tình, tăng cường tính duy lý trong diễn đạt và đánh giá sự vật, đồng thời tính tự sự trong thơ trở nên lấn át và nổi bật Hình tượng người nữ không bị miêu tả thông qua kinh nghiệm cơ thể nữ như trong những sáng tác truyền thống (một dạng thức tự sự vốn dễ dàng làm thỏa mãn nam giới), mà được xem như một ý niệm lịch sử (Kẻ mất tiếng nói - Du Tung)... Những sáng tác của nhóm Nữ tử thi báo cho thấy tính đa dạng của ý thức nữ giới trong thơ nữ những năm 1990, đồng thời khẳng định nhận thức của các nhà thơ nữ về vị thế và giá trị của văn thơ nữ trong lịch sử - hiện thực Trung Quốc. Trong khi vượt qua ý thức giới tính, họ không ngừng mở ra không gian biểu đạt của thơ ca bằng cách tiến hành rất nhiều thử nghiệm, khám phá các khía cạnh thực tiễn và lý thuyết về nghệ thuật thơ, mài sắc những trải nghiệm của riêng mình về nhân loại bằng cách đặt kinh nghiệm nữ của mình trong trạng thái tự nhiên chung của con người. Khi sử dụng ngôi nhân xưng, nhiều nhà thơ của Nữ tử thi báo (chẳng hạn Hiểu Âm, Triệu Lệ Hoa, Lan Tuyết…) sử dụng lối biểu đạt trung tính, thậm chí có thể nói là “phi giới tính”. Nếu như các cây bút nữ giai đoạn trước, do quá chú trọng sử dụng ngôn từ để miêu tả những đặc điểm, kinh nghiệm của cơ thể nữ trong cái nhìn khác biệt với nam giới, dẫn đến sự phân biệt sâu sắc hơn về bản chất của hai giới, thì sự trung tính hóa trong việc diễn đạt lẫn sử dụng ngôi nhân xưng có thể xem là hành vi “cải biến” tính kỳ thị giới tính trong ngôn ngữ Trung Hoa. Các nhà thơ nữ của Nữ tử thi báo thể hiện sự đặc biệt quan tâm đến vấn đề ứng xử và lựa chọn ngôn ngữ. Họ đem mình vào văn bản và tìm thấy mình qua ngôn từ:

Với một ngôn ngữ đã tồn tại hàng nghìn năm, ai có thể nắm quyền giữ nó một cách độc lập?

Ai có thể đóng cửa thành, cự tuyệt những linh hồn đi vào giấc mộng hàng ngày của chúng ta, và trò chuyện?

Những chữ được khắc trên tường đá, những chữ được đào lên từ lòng đất, chúng từ chối tôi.

(Tống từ và nữ nhân - Thi Vĩ)

Tôi đặt một từ vừa vặn vào dòng thơ

Như nhấn một viên đạn vào nòng súng

Câu hỏi dưới đây trở nên quan trọng:

Tôi sẽ bắn ai?

(Tôi đặt một - Triệu Lệ Hoa)

Câu của tôi rất ngắn, và từ ngữ thường

Giống như một con chim sẻ nhảy tíu ta tíu tít.

(Mượn lời của Nora - Chu Toản)

Vứt bỏ một số lượng lớn động từ, và quay bước

Thế giới của tôi tịch mịch và tĩnh lặng.

(Khó gọi thành tên - Du Tung)

Một mảnh thủy tinh - tập hợp

của rất nhiều từ ngữ

Nó săm soi những sự vật đang trôi qua

Lời nói tóm lấy tôi

đặt tôi lên một con dao mềm mại.

(Bờ biển trong suốt - Lý Minh Nguyệt)

Như thế, ngay từ khi xuất hiện, Nữ tử thi báo đã hướng đến việc xây dựng một cộng đồng những nhà thơ nữ viết văn, tự do thể nghiệm nghệ thuật, xóa nhòa tâm thức về giới vốn chi phối thơ nữ Trung Quốc, thông qua những sáng tác của mình - đặt phụ nữ và thơ nữ ở vị trí cao hơn. Những thực hành nghệ thuật của Nữ tử thi báo đã đi ngược lại quan niệm truyền thống về thơ, đồng thời, phá vỡ hình dung của đại chúng về thơ nữ Trung Quốc nói chung, cùng với các trường phái thơ tiên phong khác mở ra một khuynh hướng thẩm mỹ mới cho thời đại.

Bằng cách làm mờ hóa ý thức giới tính, Nữ tử thi báo đã giải cấu trúc nhị nguyên về bản sắc giới. Hàm ý chính trị của động thái này là nhằm tạo nên sự bình đẳng về giới trong ngôn từ, xóa nhòa thái cực lưỡng phân giữa người nam và người nữ. Về mặt văn chương, Nữ tử thi báo đã mở đầu và đặt nền móng cho khuynh hướng siêu giới tính của thơ nữ Trung Quốc, tạo tiền đề cho thơ nữ những năm 90 có một không gian rộng lớn hơn để phát triển, từ đó mang đến cho các nhà thơ nữ thập niên này những góc nhìn đa dạng và rộng rãi hơn. Mặc dù, trên thực tế, cũng như phụ nữ, Nữ tử thi báo đứng ở một vị trí văn hóa ngoại biên, nhưng những thực hành nghệ thuật của nó có ý nghĩa đánh dấu cho bước chuyển mình của ý thức nữ tính trong thơ nữ Trung Quốc đương đại, đồng thời hội nhập thơ nữ Trung Quốc vào cùng dòng chảy của tư tưởng nữ quyền trên toàn thế giới.

Sự hiện diện của Nữ tử thi báo trong vòng 30 năm, nếu xét về độ thời gian, tương đương với sự tồn tại của một thi trào, điều này cũng cho thấy những nỗ lực và cả sự quyết liệt của các nhà thơ nữ trong việc xác lập cá nhân mình bằng ngôn từ. Mặt khác, hiện tượng Nữ tử thi báo trong lịch sử thơ đương đại Trung Quốc cũng thúc đẩy giới nghiên cứu phê bình phải phản tư lại các ý niệm và hệ giá trị được kiến tạo trong các diễn ngôn xã hội, chẳng hạn như thế nào là “cơ thể”, “phái tính”, “trật tự giới”, “nữ tính” và “nam tính”, “lối viết nữ tính” và “lối viết nam tính” v.v.. Bên cạnh sự khẳng định năng lực sản xuất ra tri thức và văn hóa của nữ giới, đây cũng có thể được xem như một lối ngỏ cho việc kiến tạo vị thế, căn cước của các sáng tác nữ trên nền tảng lý thuyết triết học chính trị nữ quyền

N.T.T.H

(1): Hiện tại, độc giả có thể tìm đọc tác phẩm của Nữ tử thi báo thông qua hai địa chỉ mạng: http://www.nvzishibao.com/, và http://www.sunpoem.com/nzsb/nzsb.htm. Những dẫn chứng cho các sáng tác của Nữ tử thi báo được tôi chủ yếu tham khảo và dịch sang Việt ngữ từ hai nguồn này (NTTH).

(2): Có thể tìm thấy tuyên ngôn sáng tác của Nữ tử thi báo trên trang đầu của diễn đàn: http://www.sunpoem.com/nzsb/nzsb.htm.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy