Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
07:12 (GMT +7)

Về hai câu thơ trong Bình Ngô đại cáo

VNTN - Bởi giá trị lịch sử cũng như giá trị văn học mà từ rất sớm tác phẩm Bình Ngô đại cáo đã được đưa vào giảng trong chương trình Ngữ văn các cấp phổ thông và đại học. Có thể thấy trong sách giáo khoa và các tài liệu tham khảo, bản dịch tác phẩm được các dịch giả dịch rất hay và chính xác, tuy nhiên vẫn còn đôi chỗ cần góp ý để người đọc áng thiên cổ hùng văn này hiểu một cách rõ ràng và đầy đủ nhất.

Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi có viết hai câu:

冷溝之血杵漂,江水為之嗚咽;

丹舍之屍山積,野草為之殷紅。

Lãnh Câu chi huyết chử phiêu, giang thủy vị chi ô yết;

Đan Xá chi thi sơn tích, dã thảo vị chi ân hồng.

Trong Hợp tuyển thơ văn Việt Nam tập II: Văn học Việt Nam thế kỉ X - XVII, các soạn giả dịch là: “Suối Lãnh Câu máu chảy trôi chày, nước sông nghẹn ngào tiếng khóc/ Thành Đan Xá thây chất thành núi, cỏ nội đầm đìa máu đen”.

Câu văn này cũng được đưa vào sách giáo khoa chương trình Ngữ văn lớp 10 hiện hành. Muốn hiểu rõ dịch văn như vậy đã chính xác hay chưa cần tìm hiểu hai vấn đề.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

“Chử” có nghĩa là gì?

Trong Hán ngữ, 'chử' (杵) có 6 nghĩa. Ngoài nghĩa thông dụng là “cái chày” dùng để giã đập các vật, 'chử' còn thông nghĩa với 'lỗ' (櫓). Hán ngữ đại từ điển giải thích, 'chử' thông nghĩa với 'lỗ' và 'lỗ' là cái 'mộc', loại vũ khí thời xưa. Đồng thời, các soạn giả từ điển lại dùng Kinh Thư, nơi có cụm từ “huyết lưu phiêu chử” để minh họa cho cách cắt nghĩa của họ; và dùng sách Thuyết văn giải tự của Hứa Thận, mục “bộ 'mộc' (木)” để giải nghĩa: 'lỗ' là cái mộc lớn. Ông Đoàn Ngọc Tài thời Thanh chú rằng, 'lỗ' do mượn chữ 'chử'; 'huyết lưu phiêu chử' là 'huyết lưu phiêu lỗ'.

Sách giáo khoa Ngữ văn 10 (ban cơ bản) chú giải: “máu chảy trôi chày, ý nói máu chảy nhiều trôi cả chày (chày là một loại vũ khí)”. Chú giải này đã giúp người học tránh hiểu sai ý nghĩa của chữ “chử” - “chày” nhưng chưa thực sự rõ ràng và đầy đủ.

Như vậy có thể hiểu, “chử” tức là “lỗ” có nghĩa là cái mộc - một loại vũ khí thời xưa, dùng để đỡ giáo đâm hoặc tên bắn. Mộc thì nhẹ, được làm bằng gỗ hoặc da thú, có hình tròn, bầu dục, lưỡi mác hoặc hình chữ nhật..., mặt quay ra phía ngoài để đỡ gươm đao, đỡ tên bắn có cấu tạo cong như mặt đáy chảo. Với chất liệu nhẹ và cấu tạo như vậy, 'lỗ' có thể nổi trôi theo dòng nước trong đó có máu của đối phương bị giết chảy ra. Điều này dễ hiểu và phù hợp với thực tế.

Có “suối Lãnh Câu”, “thành Đan Xá” hay không?

Cả hai bộ sách giáo khoa Ngữ văn 10 hiện hành (cơ bản và nâng cao) đều giải thích Lãnh Câu, Đan Xá là những địa danh. Tuy nhiên Lãnh Câu có phải tên một con suối, Đan Xá có phải tên một tòa thành hay không thì cần xem xét kĩ.

Trở lại với câu văn của Nguyễn Trãi:

Lãnh Câu chi huyết chử phiêu, giang thủy vị chi ô yết;

Đan Xá chi thi sơn tích, dã thảo vị chi ân hồng.

“Lãnh Câu chi huyết” là máu (giặc Minh) trong dòng nước Lãnh Câu; “Đan Xá chi thi” là xác (giặc Minh chết) ở Đan Xá. 'Sơn tích' (山 積) là tích lại như núi; 'chử phiêu' (杵 漂) là làm trôi cái 'chử'. Xác giặc ở Đan Xá chất lại như núi; máu giặc đổ xuống Lãnh Câu làm cho trôi cái 'chử'. Ý tứ câu văn của Nguyễn Trãi rõ ràng như vậy nhưng lời dịch đọc lên nghe có phần mâu thuẫn: “Suối Lãnh Câu máu chảy trôi chày, nước sông nghẹn ngào tiếng khóc”. Vậy, Lãnh Câu là “suối” hay “sông”? Mặc dù 'câu' (溝) là suối, nhưng ở đây nó là địa danh. Hơn nữa, Nguyễn Trãi cũng nói rõ 'giang thủy' (江 水) - nước sông, chứ đâu phải 'câu thủy' (溝 水) - nước suối. Trong một mệnh đề thôi, lúc thì 'suối', lúc lại 'sông', điều này chưa thật hợp lý. Ở vế sau: “Thành Đan Xá thây chất thành núi, cỏ nội đầm đìa máu đen”. Thực ra có 'tòa thành' nào ở đây không? Xác chết ở Đan Xá tích lại thành núi, vì việc đó mà cỏ ở 'ngoài đồng' - dã thảo (野草) bị nhuốm đỏ. Thực ra, đây là câu văn miêu tả kết quả của hai trận chiến: một ở sông (giang) Lãnh Câu, một ở đồng (dã) Đan Xá, hoặc một trận chiến phối hợp thủy lục: sông Lãnh Câu, đồng Đan Xá.

Như vậy, Lãnh Câu đâu phải suối! Đan Xá đâu phải thành! Cách dịch “suối Lãnh Câu”, “thành Đan Xá”, khiến câu văn vừa sai lạc ý nghĩa của Nguyễn Trãi và vừa mâu thuẫn.

Việc minh giải hai vấn đề chữ nghĩa trên giúp cho người đọc hiểu được câu văn một cách rõ ràng và đúng đắn nhất.

Như Châu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy