Về cái gọi là “kỹ năng sống” trong tập Quà cho con
LTS: Hiện đang có dư luận ồn ào xung quanh tập sách “Quà tặng cho con” được cho là “100 bài thơ viết về 100 kỹ năng sống thiết yếu cho trẻ”, của tác giả Nguyễn Huy Hoàng, do Nhà sách Tân Việt phát hành. Các luồng dư luận xoay quanh việc bênh vực/phản đối chất lượng cuốn sách, nhìn từ góc độ văn chương.
Bài viết sau đây của tác giả Hoàng Xuân Tuyền về cuốn sách này tiếp cận từ góc độ nghiên cứu giáo dục.
Xin bạn đọc của Báo cho phép tác giả bài viết này trình bày ngay vài ý kiến của mình về cái gọi là “kỹ năng” trong tập Quà cho con “100 bài thơ - 100 kỹ năng sống” (Nguyễn Huy Hoàng). Bởi, theo chúng tôi, đây mới là vấn đề quan trọng nhất, cần bàn bạc, trao đổi với hi vọng làm sáng tỏ thêm. Xin được trình bày thật vắn tắt như sau:
Để xác định một ấn phẩm bất kỳ có khả năng cung cấp nội dung thông tin giúp hình thành, phát triển “kỹ năng” nói chung và “kỹ năng sống” nói riêng hay không, trước hết ta cần làm rõ xem “kỹ năng là gì”. Nếu công việc này được tiến hành một cách bài bản, sẽ mất rất nhiều thời gian của bạn đọc và phá vỡ mọi khuôn khổ của các loại báo giấy hiện đang tồn tại. Xin bạn đọc hãy tạm bằng lòng với việc tìm hiểu “kỹ năng” theo cách rút gọn qua “công thức” thường được những người làm công tác đào tạo sử dụng:
Năng lực = Kiến thức + Kỹ năng + Thái độ
Trong đó:
- “Kiến thức” là khối lượng tri thức (hiểu biết) mà một con người tiếp thu, tích lũy được từ cuộc sống, thông qua việc nghe, xem, đọc…
- “Kỹ năng” là khả năng hành động thực tế, đạt tới một mức độ thành thục nhất định, giúp tiến hành một hoạt động cụ thể.
- “Thái độ” - một thành tố trừu tượng cực kỳ quan trọng cấu thành năng lực (không trực tiếp liên quan đến vấn đề đang được xem xét, xin được bỏ qua).
“Kỹ năng” được hình thành trên cơ sở của “kiến thức”, thông qua một quá trình “rèn tập” nhất định. Không có “kiến thức” thì không có cơ sở để hình thành “kỹ năng”. Có “kiến thức” mà không được “rèn tập” thì cũng không hình thành được “kỹ năng”.
Ví dụ:
- Kiến thức về cái xe đạp: mọi điều về xe đạp.
- Kỹ năng sử dụng xe đạp với tư cách là phương tiện tham gia giao thông, vận tải: khả năng thực tế đi xe đạp; khả năng thực tế lai, thồ.
- Muốn có kỹ năng đi xe đạp, cần “trải nghiệm”, tức là tập xe (bao gồm cả việc bị ngã, v,v…), cần thời gian và phương tiện hỗ trợ hơn rất nhiều lần việc “nắm được kiến thức”.
Tập Quà cho con “100 bài thơ - 100 kỹ năng sống” thuần là những lời dăn dạy. Điều hay nhẽ phải cũng có, và có cả những điều chưa hay lắm, có khi dở (theo ý kiến chúng tôi). Nó thuần “kiến thức”. Nó sẽ là một tập sách thật sự “kỹ năng”, nếu nội dung của nó cung cấp được cho bạn đọc 100 câu trả lời cụ thể cho 100 điều cần làm mà nó đã nêu ra. Bởi: “kiến thức” thì trả lời cho câu hỏi “cái gì cần làm?”, còn “kỹ năng” luôn cần trả lời cho câu hỏi “làm cái đó như thế nào?”.
Để kết thúc câu chuyện rất cần trao đổi nhưng lại nặng nhọc và mất thời gian này, tác giả bài viết xin được chia sẻ cùng bạn đọc ý kiến của cá nhân mình: Kỹ năng sống thực chỉ có thể học được từ cuộc sống thực.
***
Về những vấn đề khác, chẳng hạn: “được giá, bán chạy” hoặc “thơ hay không thơ” xin chia sẻ thêm với bạn đọc quan tâm qua mẩu chuyện vui sau đây:
Cả nước nghiện thuốc lào? Hay là chuyện thơ hay không thơ
Xóm An Vui, có mấy anh tuổi 50 đổ lên, làm nhiều công việc khác nhau: vẽ, viết, dạy học, trồng rau, chạy xe... Họ gần gụi và quan tâm giúp đỡ nhau trong đời sống cũng như công việc. Nhờ có Facebook, họ thường trò chuyện, nhắn tin cho nhau những lúc giải lao hoặc khi có việc cần. Để thư giãn, nội dung thông tin được văn vần hóa theo thể lục bát, gọi vui là “lục bát thuốc lào”, dù không ai trong số họ xơi món khói cổ truyền này cả. Ví như:
Tự do, nào tự do nào
Tự do bắn điếu thuốc lào rồi... tiếp tục công việc
Đại khái đó là những câu nói vui, trong lành, có vần điệu, nhưng hoàn toàn không dám họ hàng gì với thơ.
Một họa sĩ trong bọn, giờ giải lao đã làm hẳn một bức minh họa cho hai câu văn vần có tính chất "tuyên ngôn" đó.
Bữa trước, đọc thơ lục bát của một tác giả nổi danh, thấy có câu: “...Hành trang nhỏ, mộng vô cùng/ Chắt chiu thơ trải giữa mông lung tình” đã thấy thích vì nó đặc hơi thuốc lào xóm ta.
Nay đọc báo Tuổi Trẻ Thủ đô thấy giới thiệu một tập “100 bài thơ - 100 kỹ năng sống” gọi là tập Quà cho con. Tập này do một NXB Trung ương cấp phép, một công ty sách chắc giàu có đã mua bản quyền hơn nửa tỉ VNĐ/ 5 năm. Sách đã có bán. Thơ - kỹ năng sống này thế nào? Xin mời các bạn cùng thưởng thức một vài áng ví dụ:
Xã hội có kẻ đầu bò
Ngang nhiên cướp giật bày trò hại ta
Thế nên khi ra khỏi nhà
Học cách ứng phó để mà phòng thân
rồi thì:
Dù có quan hệ rộng
Có rất nhiều bạn bè
Nhưng lúc bị ngã xe
Chỉ mình con đau đớn
hay:
Khi đời lắm kẻ dối gian
Thì ta cần phải khôn ngoan với đời
Chớ có mà vội tin người
Nhất là ai đó buông lời ngọt ngon
hoặc
Thế gian có kẻ dối lừa
Cái gì chưa rõ thì chưa tin dùng.
v.v…
Hoàng Xuân Tuyền
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...