Về các từ “vu quy”, “xuất giá”, “giá thú”
VNTN - Ở bài Tại sao gọi cuộc kết duyên nam nữ là “hôn nhân”? của tác giả Như Châu (Văn nghệ Thái Nguyên, số 26, ra ngày 30/6/2020) đã giải thích rất rõ từ hôn nhân, nay người viết không giải thích lại nữa, chỉ giải thích thêm một số từ cũng liên quan đến chuyện cưới xin như: vu quy, xuất giá và giá thú.
1. Vu quy
Khi đi dự lễ cưới, nếu ở bên nhà cô dâu chúng ta sẽ thấy biển đề: Lễ Vu quy. Vậy xuất xứ của từ vu quy như thế nào?
Trong Hán Việt tự điển của Thiều Chủ chú: “vu 于: đi; quy 歸: con gái về nhà chồng”. Như vậy vu quy 于歸 có nghĩa là con gái đi về nhà chồng. Trong Kinh thi, từ vu quy xuất hiện ở bài Đào yêu thiên Chu nam: Đào chi yêu yêu/ Chước kì hoa/ Chi tử vu quy/ Nghi kì thất gia. Nghĩa là “Cây đào tơ xanh mơn mởn, hoa đỏ hồng rực rỡ. Cô ấy về nhà chồng, hòa hợp với gia đình nhà chồng của cô”.
Từ vu quy đã hình thành nên thành ngữ gốc Hán Nạp thái vu quy, có nghĩa là “đưa đồ sính lễ qua nhà gái để xin rước dâu về”. Thành ngữ này cũng đã được dùng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: Định ngày nạp thái vu quy/ Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong. Hay ca dao Nam Bộ có câu: Chữ rằng chi tử vu quy/ Làm thân con gái phải đi theo chồng.
Tranh minh họa (Nguồn Internet)
2. Xuất giá
Thành ngữ gốc Hán có câu Tam tòng tứ đức để chỉ những chuẩn mực đạo đức, những ràng buộc mà người phụ nữ xưa phải tuân thủ, trong đó Tam tòng là Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử (người phụ nữ khi còn ở nhà phải theo cha, lúc lấy chồng phải theo chồng, nếu chồng qua đời phải theo con trai). Như vậy xuất giá có nghĩa là con gái theo chồng.
Về từ này, các từ điển hầu như thống nhất với nhau trong cách giải thích. Bửu Kế trong Từ điển Hán Việt từ nguyên (NXB Thuận Hóa - 2009) đã chú: xuất 出là ra khỏi nhà; giá 嫁 là gả (Con gái ra lấy chồng). Các tác giả trong Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) viết: “xuất giá: đi lấy chồng”. Tuy nhiên khi tra Hán Việt tự điển của Thiều Chủ, chúng ta đã bắt gặp một “mã văn hóa” khá thú vị của người Trung Hoa xưa được đan cài trong chữ giá: “Giá: Lấy chồng, Kinh lễ định con gái hai mươi tuổi thì lấy chồng gọi là xuất giá 出嫁”.
3. Giá thú
Trong mùa cưới đôi khi chúng ta hay nghe từ giá thú. Từ giá thú cũng đã từng xuất hiện trong nhan đề một quyển tiểu thuyết của nhà văn Ma Văn Kháng, tiểu thuyết Đám cưới không có giấy giá thú. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ hiện nay khi được hỏi về nghĩa của từ này thì hầu như họ không trả lời được.
Tác giả Trịnh Mạnh trong Tiếng Việt lí thú (tập 2) do NXB Giáo dục ấn hành năm 2004 đã giải thích: Giá là con gái đi lấy chồng; Thú là con trai đi lấy vợ.
Trong Từ điển Hán Việt do NXB TP.Hồ Chí Minh xuất bản, Nguyễn Tôn Nhan chú: “Giá 嫁: con gái đi lấy chồng, con gái đi sang nhà chồng; Thú 娶: lấy vợ, lấy con gái người khác về làm vợ mình”.
Qua những cách chú thích trên chúng ta nhận thấy, ban đầu từ giá thú chỉ được hiểu với một nghĩa hẹp là chỉ việc lấy chồng lấy vợ. Tuy nhiên hiện nay, từ giá thú cần phải được hiểu rộng hơn: Giá thú là việc lấy vợ lấy chồng được pháp luật thừa nhận (theo Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên). Vậy nên trong tiếng Việt cũng đã xuất hiện hàng loạt những từ, những ngữ liên quan đến từ giá thú như: giấy giá thú (giấy đăng kí kết hôn), hôn nhân ngoài giá thú (hôn nhân không được pháp luật thừa nhận)...
Tìm hiểu một số từ liên quan đến việc cưới xin, nhận thấy một điều thú vị là những chữ như: hôn 婚, nhân 姻, giá 嫁, thú 娶 đều liên quan đến bộ nữ 女(toàn bộ những chữ ấy đều thuộc bộ nữ 女). Mặc dầu những chữ như: nhân 姻, thú 娶không có nghĩa nào liên quan đến con gái sắp lấy chồng hoặc họ nhà gái cả. Điều này xuất phát từ một dấu ấn văn hóa cổ xưa của người Trung Hoa. Xã hội Trung Hoa cổ đại vốn là một xã hội mẫu hệ. Thế nên việc cưới xin do người phụ nữ làm chủ. Cũng vì lí do này mà nhiều chữ Hán liên quan đến việc cưới xin đều có liên quan đến bộ nữ. Tuy nhiên, sau này khi xã hội Trung Hoa đã dịch chuyển từ ý thức mẫu hệ sang ý thức phụ hệ cùng với việc định hình thể chế phong kiến với tư tưởng trọng nam khinh nữ thì những chữ mang hàm nghĩa xấu lại có liên quan đến bộ nữ như: cô 姑 (tạm bợ), gian 姦 (gian xảo), nịnh 佞 (nịnh hót), đố 妬 (ghen tị)...
Trần Thanh Tuấn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...