Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
21:32 (GMT +7)

Về bốn khúc nhạc trong Truyện Kiều

VNTN - Ai đã đọc Truyện Kiều hẳn đều biết đến đêm Thúy Kiều và Kim Trọng cùng đối thơ, thưởng nhạc, thề nguyền yêu thương. Trong đêm ấy, Kim Trọng ngỏ ý muốn được thưởng thức tiếng đàn của Kiều. Sau một hồi phân vân cuối cùng Kiều cũng so lại dây đàn lên bốn khúc nhạc kinh điển:

Khúc đâu Hán Sở chiến trường

Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau

Khúc đâu Tư Mã phượng cầu

Nghe ra như oán như sầu phải chăng

Kê Khang này khúc Quảng Lăng

Một rằng lưu thủy hai rằng hành vân

Quá quan này khúc Chiêu Quân

Nửa phần luyến chúa nửa phần tư gia.

Mỗi khúc nhạc Thúy Kiều đàn đều liên quan đến một câu chuyện và có giá trị riêng.

1. Khúc Hán - Sở chiến trường

Thực chất, ở đây chỉ khúc “Hán - Sở tương tranh” 漢楚相爭 còn gọi là “Thập diện mai phục” 十面埋伏 - một trong mười khúc nhạc cổ điển nổi tiếng của Trung Quốc. Khúc nhạc này ra đời từ sự việc Tây Sở Bá vương Hạng Vũ và Hán vương Lưu Bang giao tranh ở Cai Hạ năm 202 TCN. Khi đó, Lưu Bang cử Hàn Tín làm đại tướng quân lãnh đạo 30 vạn quân Hán bao vây 10 vạn quân Sở trong doanh trại ở Cai Hạ. Trong đêm, quân sư của Lưu Bang là Trương Lương sai những quân sĩ biết phương ngôn đất Sở dùng tiêu thổi nhạc, hát bài ca nước Sở. Nghe những lời hát đó, quân Sở động lòng nhớ quê, ý chí chiến đấu tan rã, bỏ chạy tán loạn. Chỉ còn lại hơn ngàn người bên cạnh, Hạng Vũ quyết định rạng sáng sẽ phá vòng vây, quay về Giang Đông. Nhưng ái thiếp của Hạng Vũ là Ngu Cơ biết mình khó có thể cùng chồng thoát khỏi vòng vây nên đã tự vẫn trong quân doanh. Hạng Vũ dẫn theo tùy tùng hơn tám trăm kị binh phá được vòng vây nhưng bị truy sát, đến bên sông Ô chỉ còn lại một người một ngựa, tự cảm thấy không còn mặt mũi nào về Giang Đông gặp lại cha già nữa nên đành tự vẫn.

Khúc “Hán - Sở tương tranh” thể hiện sự dữ dội, sức ép, lòng dũng cảm và đau đớn biệt ly giữa Hạng Vũ và Ngu Cơ.

2. Khúc Tư Mã Phượng cầu

Từ khúc nhạc “Phượng cầu Hoàng” 鳳求凰 (con chim trống tìm con chim mái) của Tư Mã Tương Như thời Hán, Nguyễn Du đã ghép tên tác giả và tên khúc nhạc thành Tư Mã Phượng cầu. Khúc cổ cầm này liên quan đến câu chuyện chàng tài tử Tư Mã Tương Như và nàng giai nhân mới góa chồng là Trác Văn Quân.

 

(Nguồn Internet)

Khi Tư Mã Tương Như đến làm khách nhà họ Trác, có đàn hát khúc “Phượng cầu Hoàng”. Những ca từ thẳng thắn, chân thành đã làm cho Trác Văn Quân cảm động, lập tức cảm mến Tư Mã Tương Như. Đôi bên cùng nhau bỏ trốn về Thành Đô. Nhưng sau đó, đối diện với gia cảnh bần hàn, hai người đành trở về quê Văn Quân mở một quán rượu. Cuối cùng họ cũng thuyết phục được sĩ diện của cha Văn Quân để thừa nhận tình yêu của họ.

Câu chuyện Tư Mã Tương Như - Trác Văn Quân cũng như khúc nhạc “Phượng cầu Hoàng” là đại biểu cho tình yêu đôi lứa vượt qua khuôn phép của lễ giáo phong kiến. Đồng thời chứng minh cho sức mạnh của tình yêu.

3. Khúc Quảng Lăng

Tức “Quảng Lăng tản” 廣陵散, giống như khúc “Thập diện mai phục”, là một trong mười khúc nhạc cổ nổi tiếng của Trung Quốc.

Khúc nhạc này có liên quan đến câu chuyện Nhiếp Chính thời Chiến Quốc hành thích vua nước Hàn. Cha của Nhiếp Chính nhận lệnh rèn kiếm cho Hàn vương, nhưng sai hẹn nên bị Hàn vương giết. Nhiếp Chính báo thù cho cha nhưng thất bại. Biết Hàn vương thích âm nhạc, ông bèn tự hủy dung mạo, vào núi sâu, khổ luyện nghề đàn. Hơn mười năm sau, học được tuyệt kĩ, ông quay lại nước Hàn, tìm cơ hội tiến cung đàn cho Hàn vương nghe. Trong lúc đàn ông đã rút đoản kiếm hành thích Hàn vương.

“Quảng Lăng tản” được nhận định là khúc nhạc duy nhất của Trung Quốc có đầy đủ không khí chiến đấu của giáo gươm sát phạt. Đồng thời cũng là khúc nhạc có âm điệu sục sôi, khảng khái.

4. Khúc Chiêu Quân

Khúc nhạc này tên đầy đủ là “Chiêu Quân oán” 昭君怨 ra đời trong dân gian thời Bắc Tống, liên quan đến cuộc đời nàng Vương Chiêu Quân thời Tây Hán - một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc cổ đại. Chiêu Quân là cung nữ dưới thời Hán Nguyên Đế. Khi vua Hung Nô đến Trường An để tìm mĩ nữ, đã được vua Hán ban tặng Chiêu Quân. Khi qua biên ải, Chiêu Quân ngồi trên lưng ngựa gảy khúc đàn giãi bày tâm sự, thể hiện nỗi lòng nhớ nhà, lưu luyến chủ, tức vua nhà Tây Hán.

Vậy tại sao Nguyễn Du lại lựa chọn bốn khúc nhạc nổi tiếng của Trung Hoa này?

Đối chiếu với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, thì thấy đoạn trích trên trong Truyện Kiều của Nguyễn Du tương ứng với đoạn trích trong hồi thứ ba “Lưỡng ý kiên Lam Kiều hữu lộ - Thông tiêu nhạc bạch bích vô hà” của tiểu thuyết Trung Quốc. Tuy nhiên, Thanh Tâm Tài Nhân tuyệt nhiên không hề nhắc đến bất kì một bản nhạc cụ thể nào, chỉ tập trung khắc họa và miêu tả tiếng đàn của Vương Thúy Kiều, như: “Lúc đầu ngỡ là hạc kêu, tiếp đến lại ngạc nhiên thấy tiếng vượn hót, chợt chầm chậm như tiếng gió thoảng, chợt lại gấp gáp như tiếng mưa rào…”. Những câu trên đã được đại thi hào nước Nam chuyển hóa thành mấy câu lục bát: Trong như tiếng hạc bay qua/ Đục như tiếng suối mới sa nửa vời/ Tiếng khoan như gió thoảng ngoài/ Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa. Như vậy bốn khúc nhạc được Nguyễn Du chọn là do dụng ý nghệ thuật của thi hào.

Nhìn ở một góc độ nào đó, bốn khúc nhạc Nguyễn Du nhắc đến là bốn câu chuyện đại biểu cho bốn chữ, cũng là bốn đức tính quý của con người: dũng, tình, hiếu, trung. Và đều mang âm hưởng buồn ai oán, đến nỗi sau khi nghe Kiều đàn xong bốn bản nhạc, Kim Trọng đã phải thốt lên: Rằng: “Hay thì thật là hay/ Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!”.

Như vậy, việc đại thi hào nước Nam kể tên bốn khúc nhạc lừng danh của Trung Quốc cho thấy sự khác biệt rất lớn so với văn nhân đất Bắc. Bốn khúc nhạc, liên quan đến bốn câu chuyện, là bốn cung bậc cảm xúc, là minh chứng cụ thể tài năng âm nhạc của Thúy Kiều. Thủ pháp này không chỉ thể hiện được học vấn uyên bác của Nguyễn Du mà còn là sự tinh tế và khéo léo trong việc dụng điển. Chính điều đó đã góp phần tạo nên giá trị của Đoạn trường tân thanh vượt xa so với Kim Vân Kiều truyện.

Như Châu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy