Về Ba Vũng gặp nhà sáng chế chân đất
VNTN - Tôi được nghe nhiều về ông, một nông dân chân đất, cha đẻ của nhiều sáng chế có tính ứng dụng cao. Những sáng chế được ông nghiền ngẫm, đúc kết từ thực tế cuộc sống, nên khi trình làng nhanh chóng được nhiều người trong giới khoa học quan tâm. Người nông dân đó là ông Trần Quang Vinh, 57 tuổi, ở xóm Tân Thái, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên.
Từ lâu nay, xóm Tân Thái được người dân trong vùng gọi là Ba Vũng. Đứng ở đỉnh Tam Đảo nhìn lại, có thể thấy bao quát cả một vùng trùng điệp đầy cây lá. Ở đó có dòng suối từ chân dãy Tam Đảo ùa về, uốn lượn ôm lấy các chân đồi rồi mới hòa vào đập Ghềnh Chè. Nhưng trước lúc hòa vào đập nước rộng lớn hơn, dòng nước mát lành ấy chính là nguồn sinh thủy duy trì sự tồn tại của “3 bụm nước” nhỏ bé, khiêm tốn cho cá, tôm và nguồn nước tưới cho cư dân trong vùng trồng, cấy.
Năm 1975, ông Trần Quang Vinh cùng một số bà con rời làng Tân Hưng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên gồng gánh, dắt díu nhau lên vùng đất này lập nghiệp. Ông kể: Năm đó tôi 25 tuổi, cái sức trẻ chẳng nề nan khổ nhọc, thiếu thốn, ăn không thấy no, làm không thấy mệt. Ở lán, ngủ lều để phát rẫy trồng cây sắn, cây mố, san đất trũng làm ruộng cấy lúa lấy lương thực ăn trước mắt.
Sau 2 năm làm lụng, ông có trong tay gần 3 ha đất đồi, bãi và ruộng cấy lúa nước. Ông tự tin, về quê khoe chuyện mình đi làm kinh tế với người thân và bà con chòm xóm. Nghe chuyện ông, nhiều cô gái cùng làng mê lắm, muốn được cùng ông lên đất Ba Vũng cùng nhau khoai, sắn no - đói có nhau đến hết đời. Rồi ông nên duyên với bà Bùi Thị Lâm, người cùng làng, cùng tuổi.
Cưới nhau xong là đi. Bà Lâm kể lại: Từ ngoài thị xã Thái Nguyên vào, toàn đi bộ theo đường mòn, lúc lên dốc đầu gối thúc vào ngực, khi xuống dốc phải bám vào cây bên đường, thỉnh thoảng thấy con chồn, con sóc nhảy vút qua ngang đường... Mới đó đã gần 40 năm, 6 người con vợ chồng tôi sinh dưỡng đã yên bề gia thất, mình cũng lên thiên chức… ông bà ngoại.
Ba Vũng ngày nay đã có đường trải sỏi đá cho xe ô tô vào đến trung tâm xóm. Nhưng thế đất dốc, nên đường vào Ba Vũng vẫn dốc nối dốc. Có thể nói là dốc kinh khủng, và dốc nhất trong tất cả các tuyến đường thuộc địa bàn thành phố Thái Nguyên. Cùng đi với tôi, chị Nguyễn Thúy Hằng, Phó trưởng Phòng Chính trị - Văn xã (Báo Thái Nguyên) thảng thốt: Không ngờ ở thành phố lại có một xóm đường vào gian nan hơn cả đường lên bản Mèo của các huyện Đồng Hỷ, Phú Lương và Võ Nhai… Lên dốc, xuống dốc xe đều đi số 1. Nhiều lúc xe như người bị hụt hơi. Lên dốc còn dễ, khi xuống dốc chỉ lo mất phanh, lao xuống khe đồi thì cầm chắc cái chết. Song mỗi lần tạm ngưng nghỉ ở đỉnh dốc Trùm Ty, và dốc Bồ Đề, thấy khoan khoái vì được thả hồn giữa một miền đất đầy rừng keo, có tiếng ong vo ve bay tìm mật ngọt.
Đón chúng tôi ở đoạn đường giữa rừng bằng nụ cười hiền khô, ông Vinh nói khích: Ai đến đây lần đầu đều thấy ngại. Đường đất nó thế, mà như dân chúng tôi đã gắn bó mấy mươi năm cuộc đời, quen đến cả cái rễ cây trồi ra ngang đường dốc. Giây lát dừng lời, ông nói như chợt nhớ ra một điều quan trọng: Về nhà tôi, từ đây đến còn vài cái dốc và khe suối nữa.
Từ chân đồi lên nhà ông Vinh xe cũng phải bò bằng số 1. Vất vả lắm, nhưng khoan khoái vì chúng tôi đã chinh phục thành công một chặng đường rừng. Từ sân nhà, nhìn một vòng xung quanh, thấy rặt rừng cây. Đang những ngày đông lạnh, song chúng tôi cảm nhận được một niềm ấm áp lan tỏa bởi không khí trong lành. Nhìn cây hồng trước nhà trụi lá, còn trơ lại quả đỏ mọng, tôi liên tưởng đến sự hà khắc của thiên nhiên không làm cho cây trái lụi tàn, vì ở đó có bàn tay con người. Và cũng trong kham khổ, thiếu thốn, con người luôn nảy sinh sáng tạo để có cuộc sống tốt hơn.
Là người sinh sống ở vùng đất được ví giống như cái đáy giỏ, chỉ có một tuyến đường duy nhất từ xóm Soi Vàng (Tân Cương) vào, nên ông Vinh cũng như những nông dân ở đây luôn có những sáng kiến trong lao động sản xuất, với một mong muốn giản đơn là làm cho cuộc sống của mình và người thân bớt khó nhọc. Bên ấm trà được hái từ vườn nhà, ông Vinh tâm sự: Tôi là người hay nghĩ, rồi đúc kết. Ví như cái cối giã gạo tôi làm năm 1975. Tôi đã trộn đất với mật mía và vôi, vậy mà thành công, nhiều bà con trong vùng thấy hay, làm theo như thế.
Ông chạy ra hiên nhà, lấy mảnh cối vỡ, bảo: Ngày trước, cái cối giã gạo là vật dụng cực kỳ quan trọng trong cuộc sống của người nông dân, nhất là ở vùng đất xa khuất như Ba Vũng. Sau này máy xát gạo trở nên phổ biến, nông dân chúng tôi không phải kì cạch, thậm thịch cả đêm mới có gạo ăn… Ông Vinh tự hào: Khi đập cái cối này, tôi nghe như tiếng sành vỡ.
Tiếng sành vỡ gợi cho ông liên tưởng đến các loại vật liệu xây dựng nên những công trình văn hóa từng tồn tại hàng trăm năm, như các công trình đình, chùa và cả tháp Chăm, tháp Chàm. Ông bảo: Nhiều giáo sư, tiến sỹ, nhà khoa học bao năm nghiên cứu xem chất kết dính giữa các vật liệu là thứ gì. Họ chưa có giải đáp. Còn tôi cho rằng, đó là các loại vật liệu được khai thác từ tự nhiên, phối trộn với nhau, tạo nên chất kết dính đó.
Minh chứng điều mình nói, ông Vinh lấy các loại vật liệu do mình tự chế tạo ra, trộn đều với nhau thành một loại dung dịch trông giống như hồ dán, rồi phết một lượt mỏng lên viên gạch, gắn chúng lại thành một khối chắc chắn không có mạch vữa. Ông bảo: Tôi đang làm thủ tục đăng ký ứng dụng sáng tạo với Bộ Khoa học và Công nghệ và Viện Khảo cổ học Việt Nam. Hiện đang trong giai đoạn… chưa công bố, nên tôi xin không tiết lộ về các vật liệu làm nên chất kết dính này. Nhưng tôi cam đoan, 100% chất kết dính này đều có từ tự nhiên.
Tuy nhiên, sáng chế chất kết dính bằng nguyên liệu tự nhiên của ông Vinh, một nông dân chân đất, có trình độ văn hóa chưa hết lớp 5 (hệ 10/10) còn cần được các nhà khoa học, và các thiết bị kỹ thuật hiện đại kiểm chứng. Nhưng nếu thành công, chắc chắn sáng chế này của ông Vinh sẽ mở ra nhiều cơ hội cho một số ngành nghề ứng dụng phát triển. Ông cho biết: Có chất kết dính này, “chúng ta” có thể sản xuất được các loại vật liệu xây dựng như: Tấm lợp không có chất amiang gây ung thư; tấm ép bằng bột giấy; giản đơn hơn là làm vật liệu xử lý tường nhà bị thấm mốc.
Ông hăng hái diễn thuyết, lý giải về các nguyên lý cơ bản liên quan tới cuộc sống tự nhiên. Trong ông, luôn thường trực câu hỏi vì sao, rồi ông lại tự đi tìm câu trả lời cho mình. Nhiều người bảo ông có số “giời hành”, cứ luôn chân, tay, chẳng đêm nào ngủ ngon vì đầu óc lúc nào cũng theo đuổi những lý giải của cuộc sống. Ông bảo: Cái cây mọc ở vùng xuôi và vùng ngược cũng có nhiều điểm khác nhau, nhưng giống nhau ở chỗ nhìn vào thân cây biết phương hướng, cây nào có thể làm thuốc chữa bệnh cứu người, cây nào có thể làm nhà không bao giờ bị mối mọt.
Chuyện ông Vinh, nhiều bà con ở Ba Vũng cho biết: Ông Vinh là người khéo tay. Thợ mộc, thợ cơ khí và thợ chế tạo máy ông đều làm cả. Thỉnh thoảng ông lại cho ra đời một cái máy chạy bằng điện, hoặc bằng sức người. Nghe vậy, ông Vinh ừ à bảo: Là cái việc mình thích, mình làm chứ có to tát gì đâu.
Ông nói như thế khiến chúng tôi càng tò mò, muốn tỏ tận những sáng chế đời thường như lời ông bảo. Rồi vì nể lời, ông cũng kể cho chúng tôi nghe về những cỗ máy, những loại dược liệu quý tự tay ông làm ra. Ví như chiếc máy xao chè, ông tự tay gò, hàn, lắp đặt vào năm 1996 để phục vụ cho việc chế biến chè của gia đình. Sau đó, có một số thợ cơ khí ở Tuyên Quang, Thái Nguyên tìm đường vào Ba Vũng gặp ông, xem máy, về cải tiến làm theo.
Ông Trần Quang Vinh khoe miếng thịt lợn được ướp bằng nguyên liệu tự chế gần 7 năm vẫn chưa có mùi hôi thối.
Ông không nghĩ đến bản quyền sáng chế như các nhà khoa học, cũng không màng danh tiếng như nhiều người. Ông bảo: Quan trọng là cái máy làm theo cách của mình “nó” giải phóng được sức lao động cho con người là quý rồi. Cuối năm 2008, thấy vợ ngồi băm sắn ở sân, ông suy nghĩ, rồi kì cạch chế tạo thành công chiếc máy thái sắn, đạt công suất hơn 100 kg/giờ. Nhờ có máy thái sắn chạy điện, vợ ông và nhiều phụ nữ trong vùng đỡ bệnh đau lưng do ngồi băm sắn, và có nhiều thời gian làm công việc khác. Một lần vào vụ cấy, thấy vợ con phàn nàn quần áo lấm bùn khó giặt, ông ra thành phố, đến nhà người quen xin được xem máy giặt. Về nhà, lại “bom bom, chát chát” đập gò, chế tạo thành công chiếc máy giặt mi ni, giặt được quần áo lấm lem nhiều bùn đất. Ngoài giặt, chiếc máy này còn có chức năng chải sạch các vết bẩn trên quần áo khô.
Ông có một hạn chế là không biết xây dựng bản vẽ thiết kế, không biết trình bày bằng văn bản về sáng kiến, sáng chế của mình. Nhưng bù lại, mọi việc đều được ông định hình trong đầu. Nên nhiều ý tưởng ông chỉ thực hiện một lần là có kết quả, như việc phối trộn một số hợp chất từ tự nhiên thành thuốc bảo vệ thực vật. Thuốc được một số nông dân trong vùng Tân Cương sử dụng thử có hiệu quả trên cây chè.
Ông phấn chấn vào góc nhà lấy ra cho tôi xem chiếc lọ, trong đó có 1 miếng thịt lợn được ướp đã 7 năm nay. Miếng thịt vẫn nguyên lành, không có mùi hôi thối. Ông khoe: Tôi đã sử dụng một số loại lá cây trên rừng để chiết suất ra chất ướp thịt. Chất này có nhiều trong tự nhiên, dễ khai thác, có thể sử dụng rộng rãi trong việc bảo quản thực phẩm tươi sống. Cũng bằng các loại cây, rễ, lá lấy trên rừng, tôi đã chữa được bệnh lở mồm long móng trên trâu, bò, lợn và chiết suất làm thuốc tẩy rửa vết thương trên cơ thể người. Hiện tôi đang nghiền ngẫm, đúc kết với tham vọng tìm ra được thuốc chữa bệnh ung thư vòm họng.
Ông lập luận: Mọi việc đều có sẵn trong trời, đất, chúng có thể bổ sung, hỗ trợ cho nhau phát triển, nhưng cũng có thể chế ngự nhau. Vì thế tôi tin, trên mặt đất chắc chắn sẽ có loài thảo dược chữa được bệnh hiểm nghèo.
Ông Vinh thuộc tạng người thực tế, không viển vông, làm việc gì là dốc hết sức mình. Chính vì thế mà ông thành công trên nhiều lĩnh vực sáng chế khác nhau, từ chế tạo máy móc phục vụ đời sống sản xuất đến việc chữa bệnh cho con người. Một số sáng chế của ông đã được cơ quan chức năng Nhà nước thẩm định, ghi nhận, như sản phẩm bếp không khói. Bếp này tiết kiệm được 30% chất đốt, và gần như không có khói thải ra môi trường. Sáng chế được nhiều nông dân vùng chè ứng dụng, được Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh; UBND tỉnh tặng Bằng khen tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên lần thứ V năm 2009-2010.
Một số nhà khoa học đánh giá cao sản phẩm bếp không khói của ông Vinh. Họ gọi ông Vinh là cha đẻ của chiếc bếp thân thiện với môi trường. Cuối năm 2010, ông được tham dự Hội thảo Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội, do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam tổ chức. Ông bảo: Tôi là nông dân ở rừng, làm việc gì cũng âm thầm, đơn độc, nên khi được các cấp, ngành quan tâm, động viên, tôi thấy không cô đơn trên con đường sáng tạo. Chính vì thế tôi càng nhập cuộc sâu hơn. Năm 2011, tôi thực hiện thành công máy thả khóm mạ. Máy có thể sử dụng linh hoạt ở các chân ruộng khác nhau. Máy cùng lúc thực hiện 8 hàng cấy, công suất máy 10 sào/ngày, tương đương với gần 10 thợ cấy/ngày. Máy thả khóm mạ đoạt giải Ba tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp ngành Hội Nông dân tỉnh năm 2011-2012; được Ban tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VI năm 2011-2012 tặng Bằng khen.
Bằng sức sáng tạo của mình, lãnh đạo các cơ quan chức năng Nhà nước biết đến ông. Song ông vẫn là người độc hành trên con đường sáng tạo - với một mong mỏi chính đáng là mang lại cho xã hội những điều tốt đẹp nhất.
Minh Tâm
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...