Về 3 bài thơ của nhà vua – thi sỹ Trần Thánh Tông
LTS: Trong Lễ hội Thơ nguyên tiêu Thái Nguyên 2018 vừa qua, Ban tổ chức đã chọn chùm 3 bài thơ của vua Trần Thánh Tông gồm Tự thuật (Tự bày tỏ nỗi lòng), Hạnh Yên Bang phủ (đi chơi ở phủ Yên Bang) và Cung viên xuân nhật hoài cựu (Ngày xuân ở vườn trong cung nhớ người cũ) để giới thiệu với công chúng. Nhà thơ Võ Sa Hà đã bình 3 bài thơ này tại Lễ hội. VNTN trân trọng đăng lại bài bình của nhà thơ Võ Sa Hà.
3 bài thơ của Trần Thánh Tông
Bài 1:
Tự thuật (kỳ 2)
Chung nhật nhàn đàn bất điệu cầm,
Nhàn môn vô sự khả quan tâm.
Cá trung khúc phá vô nhân hội,
Duy hữu tùng phong họa thử âm.
Dịch nghĩa:
Tự bày tỏ nỗi lòng (bài số 2)
Suốt ngày thảnh thơi gảy cây đàn không điệu,
Trong cánh cửa nhàn, không có việc gì đáng để tâm.
Khúc nhạc trong lòng đã mở ra rồi mà không ai hiểu
Chỉ có gió trên cây tùng là họa được âm thanh ấy.
Bài 2:
Hạnh Yên Bang phủ
Triêu du phù vân kiệu,
Mộ túc minh nguyệt loan.
Hốt nhiên đắc giai thú,
Vạn tượng sinh hào đoan.
Dịch nghĩa:
Đi chơi ở phủ Yên Bang
Sáng chơi trên ngọn núi có đám mây nổi,
Tối về nghỉ ở eo biển trăng sáng.
Bỗng nhiên có được hứng thú đẹp
Muôn hình tượng nảy sinh ra đầu ngọn bút.
Bài 3:
Cung viên xuân nhật hoài cựu
Môn không trần yểm kính sinh đài,
Bạch trú trầm trầm thiểu vãng lai.
Vạn tử thiên hồng không lạn mạn,
Xuân hoa như hứa vị thuỳ khai ?
Dịch nghĩa:
Ngày xuân ở vườn trong cung nhớ người cũ
Cửa vắng bụi bao phủ, tường đầy rêu,
Chính giữa ban ngày mà chìm lặng, ít người qua lại.
Nghìn hồng muôn tía luống những đua tươi,
Không biết những hoa xuân kia vì ai mà nở?
Vua Trần Thánh Tông tên thật là Trần Hoảng, là con của vua Trần Thái Tông và Thuận Thiên Hoàng hậu Lý Oanh. Ngay sau khi sinh, ông đã được lập làm Thái tử. Ông lên ngôi vua năm 1258, khi mới 18 tuổi, trị vì 20 năm, năm 1278 nhường ngôi cho con là Thái tử Trần Khâm (vua Trần Nhân Tông) lên làm Thượng Hoàng 12 năm. Nhà vua qua đời năm 1290, thọ 51 tuổi.
Ông là vị vua thứ hai của triều Trần, được sử sách ngợi ca là một vị Hoàng đế nhân hậu, văn võ song toàn, luôn hòa hợp với anh em trong Hoàng gia và giữ vững cơ nghiệp của triều đại. Ông là vị vua duy nhất của triều Trần đã trực tiếp chiến đấu, chỉ đạo và có công lao to lớn trong cả 3 cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông của dân tộc (1258,1285,1288).
Ông còn là một nhà văn hóa, nhà thiền học, thường hay sáng tác thơ ca và những bài kệ về thiền. Theo Thánh đăng ngữ lục, cuối đời nhà vua đi tu ở chùa Tư Phúc dưới sự hướng đạo của Thiền sư Đại Đăng, vua lấy đạo hiệu là Vô Nhị Thượng Nhân.
Trần Thánh Tông viết nhiều tác phẩm nhưng hầu hết đã thất lạc, chỉ còn lại 6 bài thơ: 5 bài trong Việt âm thi tập và một bài trong Đại Việt sử ký toàn thư. Trong cuốn Thơ văn Lý Trần tập 2, các tác giả Nguyễn Huệ Chi, Trần Thị Băng Thanh viết: “Thơ Trần Thánh Tông giàu chất trữ tình, kết hợp nhuần nhị giữa tinh thần tự hào về đất nước, về dân tộc của người chiến thắng, với tình yêu cuộc sống yên vui, thanh bình và phong độ ung dung, phóng khoáng của một người biết tự tin, lạc quan”.
3 bài thơ: Tự thuật (Tự bày tỏ nỗi lòng), Hạnh Yên Bang phủ (đi chơi ở phủ Yên Bang) và Cung viên xuân nhật hoài cựu (Ngày xuân ở vườn trong cung nhớ người cũ) của vua Trần Thánh Tông rất tiêu biểu cho những đặc điểm trên. Ba bài đều viết theo thể tứ tuyệt của Đường thi, hai bài thất ngôn, một bài ngũ ngôn, mỗi bài là một thi tứ riêng mang một nguồn cảm hứng sáng tạo khác nhau. Một bài giãi bày nỗi lòng sâu kín của một bậc quân vương - thi sĩ; một bài nói về thú ngao du sơn thủy - nguồn cội của thi ca cổ; một bài bộc lộ cảm xúc trực tiếp giữa một ngày xuân tươi đẹp hòa cùng nỗi nhớ người yêu mến đã xa.
Ở bài thơ thứ nhất Tự thuật, ta thấy hiện ra hình ảnh một người ẩn sĩ đang ung dung tự tại trong triết lý sống nhàn:
Suốt ngày thảnh thơi gảy cây đàn không điệu,
Trong cánh cửa nhàn, không có việc gì đáng để tâm.
Trong cấu trúc Khai - Thừa - Chuyển - Hợp của thể tứ tuyệt, câu thứ ba là câu Chuyển, có vị trí vô cùng quan trọng, giống như cái bản lề mở toang cánh cửa ý nghĩa của bài thơ:
Khúc nhạc trong lòng đã mở ra rồi mà không ai hiểu,
Cả ngày thảnh thơi, không có việc gì đáng quan tâm, gảy cây đàn không điệu. Nhưng thật kỳ lạ: đàn không có điệu mà khúc nhạc lòng vẫn được mở ra, chỉ có điều mở ra mà không ai hiểu. Phải chăng khúc nhạc lòng đã được mở ra ấy là những nỗi niềm sâu kín, cao xa của riêng một tâm hồn thi sĩ. Thi sĩ muôn đời vẫn là kẻ cô đơn, thật khó tìm tri kỷ. Thì ra sống nhàn chỉ là cái bề ngoài còn bên trong con người này sóng lòng vẫn đang nổi cuộn.
Câu thơ thứ tư khép lại bài thơ hết sức thần tình:
Duy hữu tùng phong họa thử âm.
(Chỉ có gió trên cây tùng là họa được âm thanh ấy.)
Không người hiểu, nhưng có gió trên cây tùng hiểu, và hơn cả hiểu, tùng phong còn họa được cả khúc thanh âm ấy. Tác giả không dùng từ hòa mà dùng từ họa, hòa là đồng điệu, còn họa thì đã trên cả đồng điệu, đến mức chuyển nhập tượng hình với thi nhân.
Khúc nhạc lòng đã hóa chuyển thành tùng phong và chỉ có tùng phong mới họa được khúc nhạc này. Cây tùng trong thơ cổ tượng trưng cho phẩm tiết thanh cao, lối sống ngạo nghễ vượt mọi gian khó, khát vọng lớn lao cao quý của người quân tử. Các thế hệ còn nhớ bài Tùng của Nguyễn Trãi trải bao sương gió mùa đông, chống đỡ ngôi nhà lớn quốc gia, gốc rễ vững bền, tạo ra hổ phách, phục linh - những tiên dược trợ giúp cho dân cho nước. Hoặc như bài Tùng của Nguyễn Công Trứ:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Giữa trời vách đá cheo leo
Ai mà chịu rét thì trèo với thông
Ở đây, gió của cây tùng có thể hiểu là linh hồn tùng đã đồng cảm, thẩm thấu và khắc họa được khúc nhạc lòng thi sĩ - khúc nhạc lòng của một đấng minh quân tuy ung dung nhàn hạ mà vẫn khát khao những điều cao quý cho quốc gia dân tộc. Một thi tứ có sự chuyển nhập giữa nội tâm và ngoại cảnh, giữa con người với thiên nhiên, giữa vô hình với hữu hình, là lời gửi gắm vào trời đất khí phách và khát vọng lớn lao cao đẹp của đời mình.
Bài thơ Hạnh Yên Bang phủ (Đi chơi ở phủ Yên Bang) là một thi tứ khác hẳn. Đạo Yên Bang đời Trần là vùng đất tỉnh Quảng Ninh ngày nay, đến đời Lê Anh Tông (1556 - 1573) do kỵ húy mới đổi thành Yên Quảng. Những năm cuối đời, sau cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 3, vua Trần Thánh Tông tu ở chùa Tư Phúc, cùng với Thiền sư Đại Đăng thường du ngoạn các nơi. Hai câu thơ đầu đã đặc tả được cái đẹp kỳ diệu của vùng đất Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới:
Sáng chơi trên ngọn núi có đám mây nổi
Tối về nghỉ ở eo biển trăng sáng.
Đúng là trọn một ngày sơn thủy hữu tình, đăng sơn rồi hạ thủy. Có điều núi đã cao lại thêm đám mây nổi nên lại càng cao, biển đã sâu lại thêm ánh trăng vằng vặc (minh nguyệt) lại càng lung linh sâu thẳm. Thiên nhiên gắn kết, hợp hòa, quấn quyện nhau như những sinh thể có tâm hồn. Khung cảnh yên bình, tươi đẹp và huyền diệu ấy khiến cho trong lòng nhà thơ nảy sinh thi hứng đẹp và muôn hình tượng trào ra đầu ngọn bút kết thành một thi phẩm đặc sắc.
Bài thơ chỉ kể lại chuyện của riêng mình nhưng ẩn chứa bên trong một tình yêu thiên nhiên, một tình yêu đất nước vô cùng thắm thiết. Đây chính là nguồn cội của thi ca chân chính. Điều đáng xúc động hơn nữa là tình yêu quê hương đất nước, tình yêu cái đẹp, cảm hứng sáng tạo thi ca ấy lại xuất phát từ tâm hồn một vị hoàng đế đã ba lần lao mình vào cuộc chiến khốc liệt chống Nguyên Mông. Võ công xuất chúng, tài trị nước đỉnh cao, cảm xúc thẩm mỹ lai láng và bén nhạy đã mở sáng một miền mỹ cảm rất riêng trong tâm hồn nhà vua - thi sỹ này.
Bài thơ thứ ba lại là một miền mỹ cảm khác về mùa xuân và tình yêu:
Cửa vắng bụi bao phủ, tường đầy rêu,
Chính giữa ban ngày mà chìm lặng, ít người qua lại.
Khu vườn vắng vẻ, cửa bụi phủ dày, tường đầy rêu phong, giữa ngày xuân mà hiu quạnh. Một nỗi buồn man mác lan tỏa trước khung cảnh đìu hiu ấy. Thế nhưng mùa xuân vẫn cứ là mùa xuân, sự sống vẫn tuôn tràn, lộc non chồi biếc, muôn hoa đua nở… tất cả vẫn bừng bừng sức trẻ, khoe sắc đua hương:
Nghìn hồng muôn tía luống những đua tươi,
Bài thơ kết thật bất ngờ:
Không biết những hoa xuân kia vì ai mà nở?
Nhân vật ai ở đây nằm trong mạch hoài cựu (nhớ người cũ) của nhà thơ. Cựu có thể là một người bạn cũ, một tri kỷ tri âm, cũng có thể là một bóng hồng đã nhiều kỷ niệm gắn bó. Dòng hoài cựu đặt vào không gian muôn hồng nghìn tía đua tươi nhắc gợi về một giai nhân đã xa nơi này. Hoa vẫn nở vì nhớ người xưa ấy hay chính tâm hồn nhà vua đang bâng khuâng nhớ về người đẹp. Bài thơ có một kết thúc mở, dẫn đến nhiều suy đoán khác nhau nhưng sức ám ảnh của tứ thơ thì luôn vấn vương day dứt tâm hồn bạn đọc. Nhà vua ân tình quá, yêu thương đằm thắm quá! Dường như Người muốn dâng tặng người cũ của mình tất cả hương sắc của mùa xuân.
Viết về vua Trần Thánh Tông, sách An Nam chí lược chép: vua có “Dáng người hòa nhã khôi ngô, có nhã lượng”; sách Thánh đăng ngữ lục ghi: “Thánh Tông bản chất hiền tài, toát ra ngoài sáng ngời, xử sự dứt khoát”.
Đọc ba bài thơ của ông, tôi có cảm giác như ông đang bước ra từ những trang sách cổ, nở nụ cười tươi tắn, nhân hậu, khoan hòa, nói với chúng ta rằng: Hãy yêu mùa xuân, yêu cái đẹp, yêu con người, yêu quê hương đất nước, sống thanh thản và ung dung, luôn vững vàng trước mọi thăng trầm, thuận nghịch, thiện ác của cuộc đời, đúng như bài Dụng của chân tâm mà ông để lại lúc cuối đời:
Động như hạc mây
Tĩnh như tường vách
Nhẹ tựa mảy lông
Nặng như bàn thạch.
Võ Sa Hà
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...