Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
16:28 (GMT +7)

Văn xuôi trên Văn nghệ Thái Nguyên 2022: một mùa quả chín nhiều hương sắc

Lại một năm nữa trôi qua. Tòa soạn Văn nghệ Thái Nguyên (VNTN) đã cho ra đời hai mươi tư số tạp chí. Vẫn lối trình bày hiện đại, in mầu bằng công nghệ ốp-sét sáng sủa, rõ nét.

Bên cạnh những cái tên tác giả quen thuộc vẫn bền bỉ cùng bạn đọc, thấy sự hiện diện của một số cây bút mới đầy hứa hẹn.

Cũng vẫn những trang báo ấy, vẫn những gương mặt tác giả ấy, nhưng “con thuyền văn chương” đã đưa độc giả đến những “chân trời” mới mẻ hơn.

Hai mươi tư số tạp chí giống như những cuộc gặp gỡ, những nỗi niềm, những tâm sự… giữa người đọc và người viết.

Nếu nói trên mỗi tờ báo, tạp chí mang tính văn chương, văn xuôi luôn là mảng chủ lực thì Tạp chí VNTN đã làm tròn sứ mệnh ấy. Hơn hai chục truyện ngắn (chưa kể trang truyện ngắn đặc sắc và truyện dịch), 30 bài ký, hai mươi tản văn, ngót một chục truyện thiếu nhi như một cuộc trình diễn đa màu sắc về nội dung, đổi mới về bút pháp, giọng điệu… đã làm nên một gương mặt văn xuôi xứ Thái năm 2022 đầy hấp dẫn…

1. Năm 2022, nhà văn nữ Bùi Thị Như Lan đã 3 lần xuất hiện trên Tạp chí với các truyện ngắn viết về miền núi: “Nồng say hơi lửa” (số 2+3), “Vũ điệu trăng rừng” (số 8), “Cây thiêng” (số 14). Vẫn bằng lối viết bay bổng, ngôn ngữ giàu hình tượng, nhà văn đã tạo nên một không gian miền núi vừa thật, vừa mờ ảo như sương khói. Đó là một không khí Tết đầm ấm, hạnh phúc, yêu thương của những người dân bản, những con người luôn vượt lên số phận để vun đắp cuộc đời. Đó là một vùng quê có “hương bánh khảo gọi Tết”, có “cây đào già trước cổng hé mắt, nảy lộc xanh non”, có “sắc hoa rạng rỡ như từng đốm lửa hồng nhảy nhót”, có “tụi chim sẻ đá nhảy nhót, sống động” (Nồng say hơi lửa).

Trong truyện ngắn “Vũ điệu trăng rừng”, vẫn bằng lối viết quen thuộc ấy nhưng Bùi Thị Như Lan lại tạo ra một không gian khác, một số phận khác. Dúng, người bị kẻ xấu hãm hại đồng thời cùng sự vô trách nhiệm của người thực thi công vụ đã đưa anh vào tù. Theo lối viết phát triển truyện từ bên trong, nội tâm, hầu như nhà văn đã dành toàn bộ câu chuyện cho sự giãi bày, tự bạch của nhân vật. Điều khác lạ là trong những lời tự bạch ấy, ta không chỉ thấy những tình tiết, những diễn biến của sự việc mà còn nhìn thấy cả ánh trăng xao xuyến, nghe thấy tiếng gió, tiếng suối rừng róc rách, nghe thấy tiếng gà gô hoang dã gáy vang, cảm nhận được làn hương thơm ngọt ngào của trái mắc cọt, thấy ánh mắt huyền diệu của người đẹp (nhân vật Hai - người yêu của Dúng). Viết về một vụ án mang yếu tố hình sự nhưng giọng văn của Bùi Thị Như Lan vẫn thao thiết, êm trôi, vẫn “tỏa hương rừng” như nhiều truyện ngắn mà chị từng viết, không hề bị trói buộc bởi sự rắc rối, gay cấn của đề tài. Bị kết án bởi tội chứa chấp, tàng trữ động vật quý hiếm, mà sự thật chỉ là do “đất lành chim đậu”, đàn gà lôi tự bay về rừng mắc cọt của Dúng để làm tổ, sinh con đẻ cái: “Tụi gà lôi trắng ta không bắt từ rừng thẳm về nhà. Đàn gà khắc chọn rừng mắc cọt nhà ta trú ngụ… chúng bay nhảy, trêu chọc nhau từ rừng mắc cọt, lên đến nhà ta thì đua nhau xòe đuôi múa…”. Tình tiết này khiến “án hình sự” bỗng chuyển hóa thành một “câu chuyện cổ tích”. Lối viết giàu màu sắc dân gian này cũng từng được Bùi Thị Như Lan từng sử dụng qua nhiều truyện ngắn khác, đã trở thành một đặc điểm trong văn chương của chị.

Nhà văn Phan Thái góp mặt ở Tạp chí năm nay với truyện ngắn “Bên kia bờ sóng tím”. Dưới ngòi bút được “tâm linh hóa”, anh đã dẫn độc giả trở về một giai đoạn lịch sử bi thương và hào hùng của một vùng đất có thật: thị trấn Giang Tiên và một vùng mỏ mà người đọc dễ dàng đoán định đó là mỏ than Phấn Mễ. Tuy tác giả đã huyền thoại hóa một câu chuyện lịch sử nhưng độc giả vẫn có thể hình dung được những giá trị chân thực về một vùng đất, về những câu chuyện có thật. Xin trích dẫn một đoạn trong truyện ngắn để thấy được cuộc tranh đấu quyết liệt của công nhân mỏ một thời: “… Tiếng kẻng cất lên dóng diết. Tiếng hô khẩu hiệu, tiếng hò hét dậy đất. Hàng ngàn người thợ áo quần lam lũ, mặt nhem nhuốc bụi than vây chặt trụ sở công ty than, dao cuốc, gậy gộc khua loạn xạ. Khói bụi bay mù mịt. “Tăng lương cho chúng tao - đám đông gào lên… mấy tên bảo an ra ngăn cản bị ném gạch đá bỏ chạy toán loạn. Tường rào, cổng văn phòng bị đám đông đập phá tràn vào bên trong. Người đốc công có tên là Giang Quát sợ hãi dúm dó cầu xin…”.

Truyện ngắn “Phố Phiêu Bạt” của nhà văn Nguyễn Đức Hạnh, cũng giống như nhiều truyện ngắn khác của anh trong thời gian qua, sử dụng khá triệt để bút pháp kì ảo pha thủ pháp cường điệu hóa, nhằm mô tả một cách chân thực hơn thế giới thực tại. Cái không gian địa lý trong “Phố Phiêu Bạt” ấy, nếu là người đọc Thái Nguyên thì đều có thể nhận ra đó là một cái phố được hình thành từ thời thuộc Pháp, do Pháp lập ra, nằm ở cuối tỉnh - một vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa. Nguyễn Đức Hạnh đã mang đến cho người đọc những nhân vật đầy nghịch dị. Hãy nghe nhà văn miêu tả ông nhà thơ trong truyện: “Tôi kín đáo liếc nhìn, quả là lời đồn đại chẳng sai, xương sống của ông nhô cao xẻ thành hàng chục vây lởm chởm, giống như lưng cá sấu. Thảo nào dân phố đồn ông có thể đi dưới đáy sông cả ngày, bỏ cá vào giỏ dễ như ta bỏ kẹo vào miệng…”. Và một hảo hán giang hồ na ná như một anh hùng Lương Sơn Bạc: “Đó là một ông cụ khoảng 70 tuổi mà cơ bắp cuồn cuộn, làm nghề thợ rèn, mặt vuông chữ điền, râu quai nón rậm rì, bộ ngực rộng xăm hình một con hổ xanh lè, nghe đồn ông đã trải qua năm đời vợ, không bà nào chịu được khả năng tình dục phi thường của ông quá vài năm. Ông sống một mình, mỗi bữa vẫn đả hết 8 bát cơm, nửa cân thịt và một chai rượu mạnh…”. Không chỉ là con người mà thiên nhiên trong văn Nguyễn Đức Hạnh cũng mang vẻ khác thường: “gió mang nỗi buồn từ sông lên, gặp gió mang thương nhớ từ những hang núi khổng lồ gầm gào thổi xuống…”, “Cứ nửa đêm, cây đa cười khóc, rồi thì thầm trò chuyện với ai đó, những rễ đa mọc dài, rồi như những ngón tay bò đi ve vuốt từng ngôi nhà”… Nguyễn Đức Hạnh có lối viết không hề phân biệt thực, ảo một cách rất hồn nhiên, không có khoảng cách giữa thực và ảo. Đó cũng là lối viết của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo bắt nguồn từ các nước Châu Mỹ La-tinh. Hình như nhờ cách viết đó mà anh đã có thể giải mã được nhiều vấn đề thuộc về lịch sử, văn hóa, thiện/ác, đục/trong, sinh/tử theo cách của riêng mình.

“Lá sắc” cũng là một truyện ngắn đậm mầu sắc tâm linh của nhà văn Minh Hằng. Lối viết này rất ít gặp đối với một nhà văn lâu nay luôn bám sát hiện thực như chị. Có lẽ Minh Hằng muốn thể nghiệm một lối viết khác.

Chưa bàn về sự thành công nhiều hay ít của sự viết thể nghiệm này của các tác giả truyện ngắn, nhưng bạn đọc có thể nhận thấy một điều: người viết Thái Nguyên đang có sự tìm tòi trong thi pháp, mong muốn sự cách tân trong văn chương để có thể tiến xa hơn trong sáng tạo.

Trong phần văn xuôi của Tạp chí năm nay, có một dấu hiệu đáng mừng là đã có sự hiện diện của các cây bút mới, trẻ hoặc tác giả vốn là người làm thơ muốn thử bút trong lĩnh vực văn xuôi, như trường hợp Nguyễn Thị Minh Thắng. “Hồn sông” của Tiết Minh Hà - một tác giả “mới toanh”, truyện ngắn lần đầu xuất hiện trên Tạp chí. Với kiểu trần thuật nội tâm một cách chân thành của người kể chuyện, tác giả đã đem đến cho người đọc những cảm xúc đẹp mà phảng phất buồn. Nguyễn Bích Hồng cũng là một cây bút trẻ, nhiều triển vọng. Truyện ngắn “Lặng im” của chị trên Tạp chí VNTN lần này là một minh chứng…

Ngoài các cây bút truyện ngắn ở địa phương, sự xuất hiện của các tác giả tỉnh ngoài, trong đó có nhiều nhà văn nổi tiếng như Sương Nguyệt Minh (Hòn đá cháy màu lửa), Phùng Văn Khai (Triệu Vương luận pháp), Tống Ngọc Hân (Bức tường rào phía tây), Niê Thanh Mai (Sóng lòng)… với những bút pháp khác nhau đã làm nên bức tranh nhiều màu sắc, giống như một cuộc “hội thảo” văn chương vô hình trên tạp chí.

Các chuyên mục Truyện ngắn đắc sắc và Văn học nước ngoài cũng đóng góp một phần quan trọng, làm phong phú thêm cho mảng văn xuôi trên Tạp chí năm 2022.

Chi hội Văn xuôi đi thực tế tại Cao Bằng

2. Cùng với truyện ngắn, sắc diện của văn xuôi trên Tạp chí VNTN năm qua còn có sự đóng góp của thể ký, tản văn và truyện thiếu nhi.

So với truyện ngắn, mảng ký trên Tạp chí được các tác giả Thái Nguyên quan tâm nhiều hơn. Có tác giả đã đăng tới 7 bài trong vòng chưa đầy một năm (Kim Ngân). Kim Ngân cùng 7 bài ký xuất hiện thường xuyên, trước hết là do trách nhiệm với công việc được giao (chị là phóng viên chuyên viết ký của Tạp chí và Tạp chí điện tử VNTN), nhưng những tác phẩm của chị đã vượt qua giới hạn của truyền thông để tiếp cận tới những giá trị thẩm mỹ của các tác phẩm văn học. Ký của chị thường có tính phát hiện như các bài: “Phận mành, đời cọ” (số 12), “Miền xanh bừng giấc” (18), “Nét làng ở bản Trung Sơn” (số 22)… Chị cũng là một người thích tìm tòi những chi tiết đắt giá, lạ khiến người đọc đỡ nhàm chán, đỡ sa rơi vào sự khô khan mà thể ký thường mắc phải.

Các tác giả Phan Thái, Hữu Minh, Phạm Quý, Phạm Ngọc Chuẩn cũng là những nhà văn, nhà báo rất sung sức trong thể tài này. Nhìn chung, ký trên Tạp chí VNTN có sự tiến bộ khá rõ. Các bài ký thường rất gần với thể ký văn học, điều mà không phải bất cứ tạp chí văn nghệ ở địa phương nào cũng thực hiện được.

Còn với tản văn thì sao? Không phải không có những thời kỳ mà người viết chưa nắm thật chắc chắn lí thuyết hoặc nghệ thuật viết tản văn. Vì vậy, độc giả từng phải đọc những bài tản văn chỉ nghiêng về trữ tình, nghiêng về tính chủ quan của tác giả, nên thường gây một cảm giác hạn hẹp, thiếu chiều sâu. Thực ra, tản văn là một thể có sự hài hòa của các loại trữ tình, tự sự và chính luận, lối viết cũng nhiều hình nhiều vẻ. Đó mới là những tản văn sâu sắc, có thể đàm luận về nhiều vấn đề trong xã hội. Rất mừng là trong vài năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2022 này, thể tản văn trên Tạp chí đã có sự tiến bộ rõ rệt.

Rất nhiều tản văn đăng tải trên Tạp chí đã chiếm được cảm tình của độc giả như “Nhớ hương nếp ả làng tôi” của Đào Nguyên Hải, “Nắng ngọt” của Mai Đình, “Anh tôi và cánh đồng” của Hồ Quỳnh Châu, “Mùa trám tuổi thơ” của Lã Thị Thông, “Mùa quả dại” của Võ Thị Thu Hằng, “Đồi Đảng” của Cồ Thị Thơm, “Cánh đồng thì con gái” của Doãn Long… Đa số những tác giả viết tản văn trên Tạp chí VNTN năm nay đều là các tác giả mới, có người chỉ mới xuất hiện lần đầu như Hồ Điệp, Đoàn Thị Hạnh nhưng đã tỏ ra bước đầu khá vững vàng về thể loại, sâu sắc trong thể hiện. Vì thế tuy chỉ là những “bài văn ngắn”, chiếm một vị trí khiêm nhường trên các trang tạp chí nhưng đã ghi đậm dấu ấn trong tâm hồn người đọc.

Một mảng khác cần nói đến, đó là truyện thiếu nhi. Đây là mảng xuất hiện vào những ngày kỷ niệm, Tết Trung Thu… do chính các em thiếu nhi viết hoặc của các nhà văn dành “tay trái” cho thể loại này. Chín truyện ngắn và mười ba bài thơ được đăng tải tuy còn là một con số khiêm tốn trong một năm tạp chí, nhưng đã là sự ra quân khá ngoạn mục của các tác giả thuộc nhiều lứa tuổi (từ 9 đến 75), đã như một dàn đồng ca có sự hòa điệu của các cây bút viết về thiếu nhi trong tỉnh. Các tác giả còn trong độ tuổi thiếu nhi có thể nhắc tới Minh Thư, Trần Gia Linh, Đoàn Gia Hân, Dương Phương Thảo là những tác giả có nhiều triển vọng. Nên chăng, Tạp chí cần có kế hoạch dành cho văn học thiếu nhi một chuyên trang hoặc một góc nhỏ để có thể thu hút được đông đảo bạn đọc trẻ trong các trường phổ thông và cũng là nơi rèn luyện ngòi bút cho các thế hệ tác giả trong tương lai.

Tóm lại, trong năm 2022, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên đã làm nên một mùa quả chín nhiều hương vị khác nhau. Mong trong những năm tới, lãnh đạo Tạp chí cùng ban biên tập có sự động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tác giả để có nhiều tác phẩm chất lượng hơn nữa, để tờ tạp chí có thể trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người đọc Thái Nguyên, trở thành một địa chỉ thân thiện và tin yêu của các cộng tác viên trong và ngoài tỉnh.

Hải Yến

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy