Thứ năm, ngày 31 tháng 10 năm 2024
00:22 (GMT +7)

Văn xuôi Thái Nguyên: một năm đáng kể

VNTN - Còn nhớ, cách đây khoảng dăm, bảy năm, trong một hội nghị bàn về sáng tác của Chi hội Văn xuôi, có không ít ý kiến khá bi quan về tình hình đuối tầm của đội ngũ văn xuôi ở Thái Nguyên. Tình hình lúc đó quả cũng có ít nhiều u ám. Chỉ trừ một vài cây bút đã quen tên còn đa số anh chị em trong Chi hội thỉnh thoảng lắm mới có sự xuất hiện trên các báo chí ở địa phương chứ chưa nói ở trung ương. Các tác phẩm thường luôn bị chìm trong quên lãng. Giải thưởng văn học không đáng kể và cũng chỉ rơi vào một, đôi người. Có tác giả bi quan đến mức gần như bỏ bút. Nhưng rồi thật may mắn, chỉ ngay sau đó ít năm, dường như ở cuối chân dốc, đội ngũ văn xuôi Thái Nguyên đã tạo một sức bật khá ngoạn mục. Rồi đến kết thúc năm 2015 này, những độc giả, những nhà phê bình khó tính nhất, cũng thấy cần phải dành cho văn xuôi Thái Nguyên những lời hay ý đẹp.

Với mảng truyện ngắn, điều cần nêu danh đầu tiên là truyện ngắn “Thủy” của nhà văn Nguyễn Văn, giải Ba trong Cuộc vận động sáng tác về đề tài giao thông vận tải do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải đồng tổ chức. Với thể tài truyện ngắn, Nguyễn Văn là tác giả duy nhất của cả vùng Việt Bắc (cũ) đoạt giải trong cuộc vận động lớn này. Thêm một tín hiệu vui nữa là chỉ trong một thời gian ngắn, cây bút trẻ Nguyễn Nhật Huy đã có hai truyện ngắn dự thi đăng trên tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là chuyện hết sức hi hữu đối với bất cứ một cây bút mới nào ở địa phương.

Trại Sáng tác Văn học năm 2015 đi thực tế tại Nghệ An - Ảnh: Khắc Thiện

Trong hơn 50 số báo Văn nghệ Thái Nguyên được xuất bản năm 2015, tuy phần truyện ngắn, kí vẫn chưa hoàn toàn làm hài lòng các độc giả yêu qúy văn chương nhưng khoảng 60 truyện ngắn và hơn 50 bài kí được đăng tải trong năm là một dấu ấn đáng ghi nhớ. Chỉ có điều hơi buồn, ở mảng truyện ngắn, số tác giả là hội viên trong tỉnh chỉ chiếm khoảng 1/3 số lượng chung, gồm mười hai tác giả với 20 tác phẩm. 3 tác giả có 3 truyện (Lê Thế Thành, Phan Thái, Hồ Thủy Giang); 3 tác giả có 2 truyện (Phạm Qúy, Trinh Nguyên, Đào Nguyên Hải). Như vậy, số lượng tác giả là người Thái Nguyên rất thấp. Điều này có một nguyên nhân khách quan là hiện tại Cuộc thi truyện ngắn và kí trên báo Văn nghệ Thái Nguyên đang vào giai đoạn “nước rút”, nhiều tác giả tỉnh ngoài gửi tác phẩm đến tham dự Cuộc thi, nên có sự chênh lệch trên cũng là điều dễ hiểu. Nhưng cũng không thể biện minh về sự vượt lên của người viết văn xuôi Thái Nguyên còn chưa đồng đều, có những tác giả vẫn dẵm chân tại chỗ. Tuy nhiên, một điều đáng mừng là qua dư luận chung, thấy hầu hết các truyện ngắn của các hội viên văn học của tỉnh được đăng trên Báo Văn nghệ Thái Nguyên đã chiếm được cảm tình của đông đảo độc giả. Những tác giả quen thuộc của làng văn xuôi như Lê Thế Thành, Bùi Như Lan, Phan Thái, Phạm Qúy, Trinh Nguyên… vẫn xuất hiện với những truyện ngắn chững chạc. Những tác giả gây được dấu ấn sâu sắc nhất trên báo Văn nghệ Thái Nguyên năm 2015 này là Phan Thái và Trinh Nguyên. Cả 2 tác giả xuất hiện chưa lâu nhưng đã trở thành những cái tên gây chú ý trong giới văn học và độc giả. Các truyện ngắn của Phan Thái và Trinh Nguyên đăng tải trong năm 2015 (Nước mắt nắng, Người đàn bà đi trong sương của Phan Thái và Giấc mơ, Mặt hồ phẳng lặng của Trinh Nguyên) đều hướng ngòi bút về thân phận những con người không may mắn trong cuộc đời, những con người bé nhỏ, lầm lũi, dưới đáy, nhưng trong tận thẳm sâu tâm hồn họ lại lấp lánh những vẻ đẹp nhân hậu, sự vượt lên số phận. Cả hai tác giả đều có một giọng kể riêng, thiết nghĩ, đi xa hơn một bước nữa có thể sẽ trở thành phong cách, là điều không phải tất cả các nhà văn đều có được. Riêng 2 truyện ngắn vừa nhắc tới của Trinh Nguyên và một vài truyện ngắn trước còn có những dấu hiệu đề cập đến vấn đề nữ quyền. Văn học nữ quyền là trào lưu văn học xuất hiện từ rất lâu ở Âu, Mỹ, lan truyền sang nhiều nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. Trong vài thập kỉ qua, không phải không có một số nhà văn đã sáng tác những tác phẩm chưa thực sự phù hợp với văn hóa Việt, nên lợi bất cập hại. Với Trinh Nguyên, vấn đề nữ quyền mà chị đề cập trong tác phẩm thường không trực diện, thường khuất lấp sau những thân phận - những phụ nữ quen thầm lặng, cam chịu, đức hi sinh cao cả, không kêu than, đòi hỏi. Nhưng từ trong sâu thẳm, với bạn đọc, với chúng ta, với lương tâm thời đại, đó lại là những tiếng kêu không lời, sự phản ứng không lời nhưng không kém phần dữ dội, quyết liệt trước sự đè nén của cái ác, cái phi nhân tính, sự kìm tỏa, định kiến, thắt buộc của nam quyền. Phải chăng đó là tinh thần văn học nữ quyền của Việt Nam (?). Một cây bút nữ khác, Bùi Như Lan, với truyện ngắn Mây trôi, chị vẫn giữ được giọng văn trong trẻo, đậm chất miền núi. Nếu như ở các truyện ngắn trước, sự nổi bật trong bút pháp của Bùi Như Lan là tạo ra những không gian nghệ thuật đầy ấn tượng thì ở truyện ngắn này tâm lí nhân vật đã được tác giả khắc họa có phần phức tạp, đa chiều hơn. Qua “Mây trôi” người đọc nhận ra, ở tận những nơi xa vắng, hoang sơ tưởng như rất thanh bình, yên ả nhưng tình người, tình yêu cũng khốc liệt không kém bất cứ nơi đâu.

Tuy chỉ đóng góp mỗi người một truyện trong năm nhưng các cây bút như Phạm Qúy, Nguyễn Văn, Phan Thức…vẫn giữ được phong độ ngòi bút.

Năm 2015, có sự lóe sáng của một vài cây bút mới. Đào Nguyên Hải với 2 truyện ngắn viết về những cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt của những con người bình dị, chân chất trước những cám dỗ của đồng tiền và ma túy, ma men (Hoa tường vi, Anh Tình say). Đặc biệt, hiện tượng Vũ Kim Khoa, một người đã có nhiều thành công trong nghệ thuật nhiếp ảnh, đang thử bút trên lĩnh vực văn xuôi. Mấy năm trước, Kim Khoa đã có ít nhiều thành công trong thể kí. Truyện ngắn Chùm nhãn khô của anh đăng tải trên Văn nghệ Thái Nguyên lần này có lẽ là truyện ngắn đầu tay. Chùm nhãn khô đã gây được dấu ấn với người đọc bởi những tình tiết mới lạ, và, tuy là truyện ngắn đầu tiên nhưng kết cấu đã tỏ ra khá chặt chẽ. Những điều đó chứng tỏ một sức bút tiềm ẩn đang được khai mở của cây bút này.

Mảng kí năm 2015 vẫn giữ được thế mạnh của nhiều năm trước với những tác giả sung sức như Minh Hằng, Lưu Bạch Liễu, Lê Thế Thành, Phạm Ngọc Chuẩn… Một hiện tượng nổi bật là tập bút kí Những con đường sau lặng im tiếng súng của nhà văn Bùi Như Lan đã đoạt giải Ba trong Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài giao thông vận tải do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải đồng tổ chức.

Điều đáng mừng là với một số lượng tác phẩm chưa phải là quá lớn đăng tải trong năm nhưng hầu như các mặt hoạt động của đời sống xã hội đều được phản ánh khá đậm đặc. Lớn, như chuyện chủ quyền biển đảo, phát triển kinh tế, văn hóa; những vấn đề có ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội như bảo hiểm, thu thuế; nhỏ, như là những chuyện thường nhật của những người khiếm thị làm nghề vật lí trị liệu, những người ở chợ lao động, những người khai thác than tự do… Điều đáng nói nhất của tình hình sáng tác kí năm 2015 là sự xuất hiện của một số cây bút trẻ, mới. Những tác giả như Quang Khải, Đào Tuấn, Anh Thắng, Thiệu Hóa… Còn trẻ cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề, các tác phẩm của họ tuy chưa thật chín trong lối viết, trong suy tưởng, phát hiện, cách chọn lọc tình tiết và còn ảnh hưởng lối viết báo chí… nhưng chắc chắn họ là một lớp trẻ có thể tiếp ứng một cách nhanh nhạy và hiệu quả những vấn đề của xã hội. Với khoảng 50 bài kí trên Văn nghệ Thái Nguyên trong năm 2015 mà có tới 6 bài bút kí, phóng sự của Anh Thắng đã nói lên sức viết khá dồi dào của cây bút trẻ này. Điểm mạnh của Anh Thắng là anh biết/ dám đi vào những đề tài bé nhỏ, đời thường, bên lề, điều mà nhiều cây bút, kể cả những cây bút đã thành danh vô tình bỏ qua. Với 6 bài kí xoay quanh những vấn đề tưởng như “vụn vặt” như vậy, Anh Thắng đã tạo được sức lôi cuốn độc giả, điều mà đối với thể kí không dễ dàng chút nào. Nếu chịu khó rèn luyện ngòi bút, đi sâu hơn về bếp núc của thể loại này, tin rằng Anh Thắng sẽ còn đi xa hơn nữa.

Mảng tiểu thuyết, một thể tài ví như xương sống của một nền văn học, trong năm qua, với Thái Nguyên là một mùa vàng bội thu.

Sự hiện diện của sáu cuốn tiểu thuyết trong năm (Giông gió làng chè - Phạm Đức; Danh gia đất mỏ - Nguyễn Văn; Sóng bên ngày nắng - Phan Thái; Cây không lá - Hoàng Luận; Mắt rừng, Những người mở đường - Hồ Thủy Giang) trong đó có tới 3 giải thưởng của các tổ chức văn học ở trung ương, nếu cộng thêm giải thưởng truyện ngắn và kí như đã nêu ở trên, có thể nói, Chi hội Văn xuôi đã làm nên một “chiến công” chưa từng có kể từ năm thành lập Hội đến nay, và có lẽ cũng là một kỉ lục không dễ dàng có thể phá trong nhiều năm tới. Một điều nữa không thể bỏ qua khi nói về tiểu thuyết Thái Nguyên, đó là yếu tố phát hành. Lâu nay chúng ta ít có thói quen nhìn chuyện xuất bản qua ống kính phát hành. Tất nhiên, không ai đánh giá những cuốn sách tự in, tự phát hành là những tác phẩm không có giá trị hoặc thua kém những cuốn sách bán trên thị trường. Nhưng cũng nên thống nhất một điều, dù xuất sắc hay chưa xuất sắc thì trước hết sách vẫn cần phải đến tay người đọc. Với góc nhìn như vậy, chúng ta có thể tự hào khi tất cả các cuốn tiểu thuyết vừa nêu trên của các tác giả Thái Nguyên đều có số lượng in từ 1000 đến 2000 bản và được bày bán ở các hiệu sách lớn, nhỏ trên thị trường sách toàn quốc. Phải chăng, đó cũng là một mặt mạnh đáng mừng của tiểu thuyết Thái Nguyên, điều còn đang là mơ ước của rất nhiều tỉnh bạn.

Một năm văn xuôi Thái Nguyên đã trôi qua với nhiều tín hiệu tốt. Không những ở số lượng, chất lượng mà còn nhận thấy ở một số tác giả đã có sự cách tân về bút pháp và thi pháp. Nói tín hiệu tốt nhưng đồng thời cũng là một thách thức lớn đối với tất cả các cây bút văn xuôi Thái Nguyên trong những năm tới.

Ai đó đã đưa ra một ý kiến rất hay: “Từ xuất phát điểm 2015, hãy tạo cho văn xuôi Thái Nguyên một con đường”. Một ý kiến rất mạnh mẽ. Nhưng thấy vẫn cần sự bổ sung: “… hãy tạo cho văn xuôi Thái Nguyên một con đường mới, một con đường lớn, nối với quốc lộ của quốc gia”. Tất nhiên, còn nhiều gian khổ, chông gai. Muốn thực hiện được tâm nguyện này, trước hết phải trông chờ vào sự quyết tâm của mỗi cây bút. Sau là của các cơ quan, của các cá nhân những nhà quản lý văn hóa văn nghệ trên mảnh đất đã và đang trở thành trung tâm văn hóa của vùng miền này.

Hồ Thủy Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy