Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
18:34 (GMT +7)

Văn xuôi năm 2016: thành quả và hy vọng

VNTN - Với nền văn học ở mỗi đất nước hoặc các vùng miền, văn xuôi luôn giữ một vị trí quan trọng. Sự khởi sắc của văn xuôi có thể coi như là sự khởi sắc chung của mỗi nền văn học.

Văn xuôi Thái Nguyên đã từng đi qua những giai đoạn thăng trầm. Vào thập niên cuối của thế kỉ XX, văn xuôi Thái Nguyên suy giảm đến mức không hình thành nổi một đội ngũ. Ngoài một số rất ít tác giả đã có mặt từ văn nghệ Việt Bắc (cũ) vẫn giữ được phong độ, hầu như không có thêm một tác giả mới nào đáng kể. Nhưng rất mừng là bắt đầu bước sang thế kỉ XXI, sự lần lượt xuất hiện những cây bút có tác phẩm đăng tải trên báo Văn nghệ Thái Nguyên như Nguyễn Văn, Bùi Như Lan, Phạm Đức, Bùi Nhật Lai, Trần Quang Toàn, Ngọ Quang Tôn, Hữu Thịnh… đã như báo hiệu một triển vọng mới về thể loại tự sự đầy khó khăn này.

Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ mới dừng lại ở thể kí và truyện ngắn. Đây là thời kì tiểu thuyết Thái Nguyên hầu như vắng bóng. Hình như một số anh chị em ở chi hội Văn xuôi cũng hình dung thấy điểm còn khiếm khuyết ấy nên vài cây bút đã có ý thức chuyển sang sáng tác tiểu thuyết. Về điều này, có lẽ phải kể đến các cây bút Hoàng Luận, Phạm Đức, Phan Thái, những người đi tiên phong trong phong trào viết tiểu thuyết ở Thái Nguyên vào thập kỉ thứ 2 thế kỉ XXI. Chỉ trong vòng năm, sáu năm (2011- 2016) Hoàng Luận đã xuất bản tới 4 cuốn tiểu thuyết (Làng một người, Cây không lá, Nắng tím, Đất ống); Phan Thái 3 cuốn (Cơm áo chợ đời, Sóng bên ngày nắng, Đèn giời); Phạm Đức 2 cuốn (Bão rừng, Giông gió làng chè). Tiếp đó là tiểu thuyết lịch sử của Ma Trường Nguyên (Ông Ké thượng cấp). Rồi các tác giả Nguyễn Văn, Đỗ Dũng, Quản Văn Tại, Lê Hoàng… lần lượt cho ra đời tiểu thuyết về các đề tài công nghiệp, nông thôn; khoáng sản, rừng, lịch sử thời kì phong kiến, thời kì chống Pháp, chống Mỹ… Tính đến cuối năm 2016 Thái Nguyên đã có số lượng tiểu thuyết lên đến gần 20 cuốn, trong đó có một số tác phẩm đoạt giải trong các cuộc thi và các tổ chức văn học ở Trung ương.

Một điều đáng nói là trong những năm gần đây, tuy các tác giả tiểu thuyết Thái Nguyên chưa có nhiều tác phẩm thật sự gây được tiếng vang trong dư luận cũng như sự chấp nhận của thương trường sách, nhưng hầu như các tác giả tiểu thuyết Thái Nguyên đã từ bỏ được kiểu “tự sản tự tiêu” (tự bỏ tiền để xuất bản, rồi đem tặng cho mọi người). Trong nhiều năm nay, hầu hết các cuốn tiểu thuyết của tác giả Thái Nguyên đã được sự ưu ái của một số công ty phát hành ở Hà Nội nhận liên kết xuất bản (số lượng in từ 1000 đến 2000 bản, sách có mặt ở các thư viện, biên giới, hải đảo… và trên giá sách của các công ty phát hành trên toàn quốc). Có thể nói, trong điều kiện xuất bản hết sức khó khăn như ngày hôm nay, dù chưa thật mĩ mãn, nhưng đó là một hướng đi đầy triển vọng cho các nhà văn ở Thái Nguyên mà không phải ở tỉnh nào cũng có.

Nhưng có lẽ thể loại văn học có sức bền nhất, có hướng đi lâu dài nhất đối với các cây bút Thái Nguyên vẫn là thể truyện ngắn và kí. Năm 2016 là năm được mùa của văn xuôi Thái Nguyên về 2 thể loại này. Việc số tác giả Thái Nguyên (trong và ngoài Hội) đoạt giải trong cuộc thi sáng tác văn học 2 năm do Báo VNTN tổ chức (lễ trao giải vào giữa năm 2016) lên tới 9 tác giả truyện ngắn và 9 tác giả ở thể kí, mà hầu hết ở các giải nhất, nhì, ba đã nói lên điều đó. Nếu như trong hai năm 2014 và 2015, số tác giả văn xuôi là người Thái Nguyên gửi bài tham gia cuộc thi sáng tác văn học của Báo Văn nghệ Thái Nguyên, theo công bố của Ban Tổ chức, chỉ bằng 1/3 tổng số tác giả dự thi trên toàn quốc, thì trong năm 2016, số lượng bài gửi dự thi và được đăng tải đã tăng lên gấp đôi. Những giải thưởng cao mà các tác giả Thái Nguyên đoạt được đã như một sự tạo đà, để đến nửa năm cuối 2016, các cây bút truyện ngắn Thái Nguyên đã liên tục xuất hiện trên các báo chí (Báo Văn nghệ Thái Nguyên, Báo Thái Nguyên hằng tháng, Báo Thái Nguyên cuối tuần…).

Các tác giả đã quen thuộc với bạn đọc như Lê Thế Thành, Bùi Như Lan, Nguyễn Văn, Phan Thái, Minh Hằng, Phạm Qúy, Đào Nguyên Hải… cùng các tác giả trẻ như Hoàng Hiền, Trần Thị Nhung… cùng sự xuất hiện khá thường xuyên của họ trên các phương tiện truyền thông đã đánh dấu sự tiến lên không ngừng của đội ngũ văn xuôi Thái Nguyên. Một dấu mốc của truyện ngắn Thái Nguyên năm 2016 là chùm 3 truyện ngắn (Vòng vía, Mưa giông, Ké Ngàng) của nhà văn Bùi Thị Như Lan đã đoạt giải ba trong cuộc thi viết về đề tài mỏ và khoáng sản do Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam đồng tổ chức.

Nét nổi trội của truyện ngắn Thái Nguyên năm 2016 là sự đa dạng về đề tài. Ngoài các đề tài như nông thôn, công nghiệp hóa, biên giới, hải đảo, miền núi… vẫn luôn hiện diện trên báo chí với tư cách là các đề tài chủ đạo, nhiều tác giả truyện ngắn Thái Nguyên còn đi sâu vào khai thác những những khía cạnh về tâm lí phức tạp, đa chiều; cũng không bỏ quên những đề tài nói về thân phận con người, những con người dưới đáy, nhưng trong tận thẳm sâu tâm hồn họ lại lấp lánh những vẻ đẹp vị tha, nhân hậu, sự vượt lên số phận để xây dựng cuộc đời. Đó là những đề tài tưởng như bé nhỏ, riêng lẻ nhưng thực chất lại là những vấn đề được bạn đọc quan tâm.

Ngoài sự đáng mừng vì đội ngũ văn xuôi Thái Nguyên được bổ sung nhiều cây bút mới, ta còn nhận thấy rất rõ sự thay đổi về bút pháp ở một số tác giả. Nếu trước đây, trên các báo ở Thái Nguyên luôn gặp những truyện ngắn đơn giản như một câu chuyện đời thường, không có ý tưởng, thông điệp riêng của người viết, với lối cấu trúc tuyến tính một chiều thì trong năm 2016 độc giả đã được thưởng thức những tác phẩm đã bắt đầu mới mẻ hơn, đa dạng hơn, biến hóa hơn cả về nội dung và hình thức. Những truyện ngắn “Gió không từ trời”, “Hạc trăng” của Phan Thái; “Phản xoáy” của Minh Hằng; “Đôn điên”, “Những chiếc măng tre” của Đào Nguyên Hải”; “Người kế nghiệp” của Vũ Đình Toàn; “Sóng ngược” của Trần Thị Nhung; “Phía sau người đàn bà” của Hoàng Hiền; “Mẹ và con” của Hoàng Thao… đăng trên Văn nghệ Thái Nguyên trong thời gian gần đây đã minh chứng cho điều đó.

Chỉ có một điều hơi đáng buồn là hình như đang có sự chững lại của một vài cây bút văn xuôi vốn khá xuất sắc trong những năm vừa qua. Nếu như Trinh Nguyên từ những năm 2013 - 2014 đã từng nổi lên như một cây bút vừa sắc sảo, mạnh bạo trong việc lựa chọn chủ đề vừa có sự cách tân trong lối viết, được sự quan tâm của độc giả và các bạn viết thì năm 2016 lại hoàn toàn vắng bóng. Hoặc, Nguyễn Thị Sáu, người từng chiếm giải Nhất trong cuộc thi truyện ngắn của báo VNTN, hơn hai năm trôi qua đã không có thêm một tác phẩm nào được đăng tải. Tất nhiên, đó không phải là một lời trách, vì công việc viết lách, nhất là viết truyện ngắn, vốn có những đặc thù, một vài năm “im lặng” không bao giờ là dấu hiệu của sự lụi tàn. Nhưng mặt khác, độc giả lại luôn có quyền mong muốn và đòi hỏi đối với những cây bút mà họ hằng kì vọng.

Ký năm 2016 cũng là năm được mùa. Các tác giả đang là các phóng viên ở các tòa soạn báo, trong nhiều năm qua vốn vẫn là các cây bút chủ lực trong lực lượng viết ký, năm 2016 vẫn phát huy tốt sứ mệnh ấy. Các tác giả như Lê Đình, Quang Khải, Anh Thắng… (Báo Văn nghệ Thái Nguyên); Minh Hằng, Phạm Ngọc Chuẩn, … (Báo Thái Nguyên), Lưu Thị Bạch Liễu (Hội Nhà báo) luôn xông xáo, tìm tòi, đào sâu các đề tài khác nhau và có bài thường xuyên. Lâu nay, Báo VNTN vốn có tác phong mở rộng đề tài trên phạm vi toàn quốc, năm 2016 vẫn giữ được truyền thống đó. Phóng viên Quang Khải đã từng đi thực tế và có loạt bài viết khá sâu sắc về thiên tai lũ lụt (Vào rốn lũ miền Trung). Bài kí “Về một nhiệm vụ đặc biệt” của tác giả Dương Mạnh Việt viết về đề tài đi tìm hài cốt liệt sĩ từ nước bạn Lào, một đề tài mà không phải bất cứ một cây bút viết ký nào cũng dám đề cập tới. Bút kí “Chuyện về những nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa” của hai tác giả trẻ Anh Thắng và Bích Hồng cũng là một đóng góp đáng kể cho phong trào viết ký ở Thái Nguyên.

Kế tục tinh thần không né tránh những vấn đề “nóng”, thậm chí có phần “nhạy cảm”, Báo VNTN trong năm 2016 đã cho đăng tải một loạt những bài viết phơi bày những mặt trái của xã hội. Nếu như bài viết “Góc khuất quản lý đất đai” của Minh Quân đã thẳng thắn chỉ ra những khiếm khuyết, nói đúng hơn là những vấn nạn trầm kha trong công tác quản lí đất đai của các cấp chính quyền và của chính những người được cấp đất, thì “Phận rác” của Phạm Văn Vũ lại là tiếng kêu thương về sự tàn tệ đến rợn người về những người mẹ, người cha nhẫn tâm ném những thai nhi, hài nhi, những đứa trẻ chưa kịp cất tiếng khóc chào đời ra… bãi rác.

Rất mừng là trong một đôi năm gần đây, tuy chưa nhiều, nhưng Thái Nguyên đã bắt đầu xuất hiện các bài ký mang tính văn học. Hai tác giả Minh Hằng (Phố xưa) và Lưu Thị Bạch Liễu (Một thuở làng xưa) đều đã đoạt giải cao trong cuộc thi văn học trong năm. Đọc “Phố xưa” của Minh Hằng hầu như không thấy những con số, những sự kiện, sự giằng co của những thuận lợi, khó khăn khô khan, thứ mà luôn được những người viết ký báo chí quan tâm hàng đầu. Ở bài viết của chị chỉ thiết tha những niềm tiếc nuối về những gì đã và đang mất dần trước cuộc đổi thay của đô thị mà chính con người đã vô tình/cố tình lãng quên những kí ức, thực ra là những giá trị về văn hóa, tinh thần. “Một thuở làng xưa” của Lưu Thị Bạch Liễu lại đậm đà những kỉ niệm khó quên về một miền quê thân thuộc. Tác phẩm ký của các chị là tiếng nói của trái tim chứ không chỉ là những thông tin, sự kiện, mà luôn lấy giá trị thẩm mĩ làm hồn cốt. Có thể nói, đó là những dấu hiệu đáng mừng đối với phong trào viết ký ở Thái Nguyên. Nếu các tác giả biết tận dụng và phát huy tinh thần này thì tin rằng ký Thái Nguyên sẽ có bước tiến xa trên con đường sáng tác văn học, có thể sánh cùng các tác giả viết thể loại này trên toàn quốc.

Còn nhớ, trong bài tổng kết của Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tác văn học do Báo VNTN tổ chức có đưa ra một ý kiến mang tính phổ quát, đồng thời như một sự nhắc nhở, động viên khuyến khích những cây bút truyện ngắn và ký Thái Nguyên: “Hãy lan tỏa rộng rãi, khai mở những con đường mới”. Một năm qua, các tác giả văn xuôi Thái Nguyên đã làm tròn “nghĩa vụ” của mình, không chỉ ở thể truyện ngắn và ký mà lan sang cả lĩnh vực tiểu thuyết, một thể tài đầy cam go thử thách đối với người sáng tác.

Con đường văn xuôi Thái Nguyên đã mở và đang cần những bước đi mạnh mẽ, sung mãn, mới mẻ và rộng mở hơn nữa.

Hồ Thủy Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy