Văn thật, văn giả
VNTN - Hiện có một thực tế đáng buồn là người đọc đang bị chia sẻ trong thưởng thức mà người sáng tác lại tăng lên gấp bội (có người đưa ra con số tăng đến hàng trăm lần, có vẻ cũng rất chính xác). Vậy là cung vượt cầu quá lớn. Mà một khi người viết không được chọn lọc, một khi ai cũng sáng tác, lại được xuất bản hẳn hoi (tất nhiên hầu hết là tự xuất bản) thì sẽ sinh ra chuyện thật giả lẫn lộn. Cái hay, cái tốt có khi bị vùi lấp trong một núi hàng giả; cái dở, cái ba lăng nhăng có khi lại ngang nhiên án ngữ trong đời sống văn học. Điều này đã làm cho độc giả hoang mang. Có một thực trạng là những người viết xuất sắc thường chậm chân và lơ ngơ, người viết dở lại nhanh nhạy, biến báo, nên sách của họ có khi bán chạy hoặc được nhiều nhà phê bình quan tâm, nên trên bình diện nào đó có khi họ lại “nổi tiếng” hơn. Thị phần “văn giả” nhiều khi lấn lướt thị trường “văn thật”. Có một số tác giả tên tuổi có vẻ khá nổi nhưng tác phẩm của họ lại yếu kém, thậm chí hết sức vô bổ. Có chuyện như vậy vì các tác giả này thường có điều kiện xuất hiện trên ti vi, trên các diễn đàn, hoặc do phê bình cánh hẩu, do rùm beng quảng cáo…. Tuy nhiên, dù biến hóa khôn lường đến mấy thì văn giả cũng không lừa được người đọc. Tiếp xúc với văn giả, người đọc dần dần sẽ chán văn chương, vì văn chương không đem lại cho họ điều gì bổ ích cả. Không phải chỉ ở Thái Nguyên, không chỉ ở Việt Nam, mà là tình hình chung của rất nhiều nước trên thế giới. Có thể giải quyết chuyện này bằng các biện pháp quản lí xã hội, bằng luật pháp được không? Câu trả lời là không thể! Chúng ta chấp nhận kinh tế thị trường là phải chấp nhận cả mặt phải lẫn mặt trái. Vì vậy, không thể có một biện pháp tối ưu chung cho vấn đề chọn đọc những tác phẩm đích thực. Có một thời người ta thích lắng nghe chương trình giới thiệu sách trên truyền hình để mua và rút cục cũng bị “quả lừa”. Vì một số người làm chương trình cũng ít tìm đến sách hay mà chỉ làm để lấp sóng hoặc cho “đẹp” chương trình, chuyên mục, chưa nói đến chuyện cánh hẩu. Cũng có một thời người ta tìm đọc những cuốn sách được các nhà phê bình giới thiệu. Tưởng đó là một phương pháp khả thi, nhưng rồi chính một số nhà phê bình thiếu lương tâm và thiếu tài năng đã làm cho độc giả thất vọng. Với các tác phẩm in trên báo, tạp chí, việc đọc có vẻ khả dĩ hơn. Vì việc đọc dù có xuống cấp bao nhiêu đi nữa thì tác phẩm in trên báo chí vẫn luôn có “suất” được bạn đọc tìm đến. Một số độc giả khi đọc báo thường tìm những tên tác giả đã từng chiếm được cảm tình của họ, nghĩa là có cơ hội tìm đến những tác phẩm mà họ yêu thích. Chuyện đọc văn chương qua báo chí kiểu ấy xem ra khá thuận lợi nhưng cũng ít nhiều bộc lộ những điểm yếu, đó là sự bỏ sót những tên tuổi mới xuất hiện mà tài năng không thua kém gì những tác giả đã thành danh. Mặt khác, văn chương trên báo chí cũng có điều bất cập là “đất” thường hạn hẹp nên chỉ có thể dung nạp những tác phẩm có số chữ vừa phải. Rồi còn “gu” biên tập, còn chuyện thân quen, sự nể nang, thậm chí là nhóm lợi ích... nên cũng chưa chắc đã chọn được những tác phẩm nổi trội và đồng thời cũng không lọc hết được thứ văn giả như đã đề cập ở trên. Tóm lại, chuyện văn thật/văn giả luôn là những thách thức khôn lường đối với đời sống văn chương của bất cứ đất nước nào. Trong cơ chế thị trường thì văn chương cũng có thể ví như hàng tiêu dùng ở siêu thị. Muốn tìm được hàng có chất lượng thì trước hết phải trông vào tài của người mua hàng. Đúng như người ta khuyến cáo: hãy rèn luyện để trở thành một người tiêu dùng thông minh.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...