Văn nghệ sĩ Thái Nguyên với Nghị quyết Trung ương 6
VNTN - Văn nghệ Thái Nguyên tiếp tục đăng tải những tâm tư nguyện vọng, ý kiến đóng góp của văn nghệ sĩ Thái Nguyên xung quanh việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ VI, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Nghĩ về “luồng gió mới”
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII như một “luồng gió mới” đầy hy vọng và có sức xâm nhập mạnh mẽ khắp mọi nơi trên toàn đất nước ta. Ngẫm nghĩ thấu đáo Nghị quyết này, tôi cũng như đông đảo cán bộ, nhân dân đều rất tin tưởng Đảng, Nhà nước lần này đã “bốc” đúng toa thuốc đặc trị những bệnh trầm kha mà lẽ ra phải làm lâu nay rồi. Và tôi tin là sẽ thực hiện thành công.
Nghị quyết Trung ương 6 nhằm kiện toàn bộ máy của hệ thống chính trị cồng kềnh rệu rã, trở nên tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tiếp tục đưa đất nước tiến lên trên con đường đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế. Thời gian thực hiện Nghị quyết từ 2018 kiện toàn đến 2030 và chia ra nhiều giai đoạn.
Tuy nhiên, để thực hiện chỉ với giai đoạn 2018 - 2021 là thu gọn đầu mối và giảm biên 10% thôi cũng khiến nhiều người còn tỏ ra băn khoăn lo lắng. Ai cũng thế thôi, mặc dù tin tưởng nhưng vẫn mong muốn các nhà lãnh đạo, hoạch định vĩ mô hiện nay phải thận trọng từng việc, từng hành động, có cơ sở khoa học để cho chính xác; trước khi áp dụng cần có phản biện và tham khảo, cân nhắc kỹ lưỡng, tránh thí điểm tràn lan duy ý chí, rồi lại sửa sai thì có thể gây ra xáo trộn xã hội, thiệt hại cho nhiều gia đình và cá nhân. Khi triển khai, ai đề ra biện pháp chưa đúng, thực thi sai buộc phải chịu trách nhiệm và xử lý theo pháp luật.
Tôi nói vậy, vì vừa có chuyện cổ phần hóa Xưởng Phim truyện Việt Nam để rồi dẫn đến tình trạng chấm công nhật cho văn nghệ sĩ như nhân viên hành chính hay như công nhân sản xuất có hợp lý hợp tình không? Hay việc sáp nhập các đơn vị trong ngành văn hóa, nghệ thuật chẳng hạn, một lĩnh vực rất đặc thù, thì nếp sống, sinh hoạt của cán bộ, nhân viên, các mối liên hệ sẽ như thế nào? Đây cũng là tâm tư không chỉ của riêng tôi tại thời điểm về một sự kiện sắp xảy ra với không ít văn nghệ sĩ, các nhà văn hóa..., tôi cho rằng nên chia sẻ thẳng thắn để Đảng và Nhà nước dự liệu.
Tất nhiên rồi, dù sao tôi cũng tin rằng “luồng gió mới” này chắc chắn sẽ làm trong sạch xã hội Việt Nam, và đó cũng là mong muốn chung của toàn dân trong niềm vui hội nhập.
Nhạc sĩ Quang Vĩnh
Kỳ vọng tương lai người tài sẽ có đất “dụng võ”
Bao lâu nay, người ta vẫn truyền nhau câu vè: “Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư trí tuệ”. Thực tế, có không ít những sinh viên ra trường có trong tay tới mấy bằng đại học loại ưu vẫn phải thất nghiệp, ở nhà bán trà đá, chạy xe ôm hay đi làm công nhân… Chỉ bởi vì không có mấy cái “nhất, nhì, ba” kia.
Tôi may mắn học xong, ra trường tìm được một công việc phù hợp với ngành học và sở thích của bản thân. Nói là “may mắn” bởi nhiều bạn học với tôi hiện giờ vẫn đang thất nghiệp. Một cô bạn của tôi từng ngậm ngùi bảo: “Phải mất 200 củ (triệu) mới xin được chân “đứng lớp”, thôi tao cứ lóc cóc làm gia sư dạy thêm, đợi thời thế thay đổi vậy”. Một cô bạn khác, chỉ là cùng trường, tôi gặp lại trong một lần đi cơ sở, sau một hồi chuyện trò về công việc, vô tư bảo: “Bây giờ xin việc khó lắm. Thuộc diện con ông cháu cha như tụi mình thì mới có suất mà đi làm”. Tôi cũng định thanh minh: “Ông cha chú bác tớ chẳng có ai làm to hay có quyền chức gì. Nhà tớ cũng chẳng dư dả để có tiền “chạy” việc. Tất cả là tớ phải tự thân. Ơn giời, cơ quan tớ cần người làm được việc chứ không cần người đến cho đông”, nhưng rồi lại thôi. Có phải mấy ai cũng được “may mắn” như mình đâu!
Thế nên, khi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đề cập đến “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, có thể có nhiều người còn hoài nghi, riêng tôi nghĩ lớp trẻ chúng tôi có quyền được kì vọng. Chúng tôi kì vọng về một tương lai người tài sẽ có đất “dụng võ”, để những cử nhân sau bao năm đèn sách ra trường không phải lo xin việc ở đâu mà sẽ là lựa chọn làm việc ở đâu. Kỳ vọng sẽ sớm thành hiện thực khi có được sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước, sự đồng thuận và cùng thực hiện của tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Nhà văn trẻ Nguyễn Bích Hồng
Tinh giản biên chế: tránh cào bằng và áp đặt tỉ lệ cho từng đơn vị
Tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Đây cũng không phải việc làm mới mẻ ở Việt Nam; thực tế trên thế giới tổ chức bộ máy của họ cũng đã hết sức được tinh gọn. Tuy nhiên, điều này có thể coi là sống còn ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, khi mà vấn đề biên chế đã trở nên hết sức nan giải. Theo thống kê, hiện chúng ta có khoảng 50% là cán bộ lãnh đạo và cán bộ văn phòng, trong khi những người làm chuyên môn, tức là những lao động chủ yếu cũng chỉ chiếm có 50%. Như vậy việc tinh giản biên chế là hết sức cần thiết, nhưng vấn đề ở chỗ phải tinh giản như thế nào cho phù hợp và hiệu quả; đồng thời cũng phải xem xét đến đặc thù của từng đơn vị, cá nhân cụ thể. Chẳng hạn như trong các cơ quan đặc thù hoạt động về nghệ thuật như đoàn nghệ thuật thì việc đánh giá về hiệu suất, năng lực làm việc là vấn đề không hề đơn giản và dễ dàng bởi lao động nghệ thuật mang tính sáng tạo và dấu ấn của cá nhân rất rõ. Nói đến sáng tạo là nói đến khả năng thăng hoa trong những thời điểm cụ thể. Không thể có chuyện người nghệ sĩ phải ngồi làm việc 8 tiếng như một viên chức hành chính. Ngay cả cách đánh giá xếp loại nghệ sĩ bằng việc khoán sản phẩm cũng là việc khó. Bởi lẽ, việc thẩm định các giá trị nghệ thuật lại không phải là điều dễ dàng. Mặt khác không thể đánh giá trong một đoàn nghệ thuật thì người diễn viên quan trọng hơn hay người làm phục trang quan trọng hơn.
Cho nên theo tôi từng đơn vị phải xây dựng đề án làm việc một cách chặt chẽ và minh bạch; tinh giản biên chế phải hết sức tránh cào bằng và áp đặt tỉ lệ cho từng đơn vị. Ít người mà làm việc không hiệu quả cũng không bằng nhiều người mà làm việc hiệu quả. Vậy nên vấn đề là ở chỗ chính người quản lý các cơ quan đơn vị phải chủ động, khách quan và chịu trách nhiệm ở đơn vị mình sao cho việc sắp xếp lại bộ máy có tính hiệu quả cao.
Nhà thơ Nguyễn Kiến Thọ
Cải cách tốt thủ tục hành chính là bớt đi được gánh nặng biên chế
Hiện tượng “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” lâu nay có không ít ở các cơ quan hành chính sự nghiệp. Một bộ máy chính quyền cấp xã, huyện, tỉnh…và khá nhiều các ban ngành đoàn thể có hiệu suất công việc chưa cao, còn chồng chéo chức năng nhiệm vụ, tới làm việc chỉ là “đánh trống ghi tên”. Ở nhiều xã chưa hết giờ hành chính cán bộ đã về. Người dân đến gặp không được, muốn xin chữ kí hoặc con dấu cũng phải đi lại vài lần vì các lãnh đạo bận “đi ăn cưới”.
Trong ngành giáo dục tôi công tác, nhiều đơn vị trường học đóng trên các địa bàn vùng núi, vùng sâu, có trường chỉ hơn 100 học sinh nhưng cũng phải đủ biên chế gồm: một kế toán, một thư viện, một phụ trách thiết bị, một y tế học đường, một văn thư… Với những trường học có số học sinh và số lớp ít như vậy thì số lượng nhân viên phục vụ đã quá 1/3 giáo viên giảng dạy. Số người này cũng không mấy khi được sắp xếp đúng chuyên môn đào tạo; nhiều trường học, y tế học đường kiêm thêm văn thư và thủ quỹ, cán bộ thư viện… Tình trạng “thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu” ở các trường học là có, thiếu những giáo viên tâm huyết với nghề, giáo viên dạy chính khóa, giáo viên được dạy đúng chuyên môn đào tạo; thừa những giáo viên dạy hết giờ, hết buổi là xong, không tận tâm với công việc.
Thiết nghĩ việc giảm biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy là rất cần thiết và đúng đắn. Việc này nói thì dễ nhưng làm không hề đơn giản, trước hết nên chăng cần phải giải quyết dứt điểm khâu thủ tục hành chính còn rườm rà, gây tốn kém tiền của, sức lao động, thời gian của người dân. Cải cách tốt thủ tục hành chính là bớt đi được gánh nặng biên chế, ngân sách cần chi trả; thu nhập của công chức, viên chức cũng được nâng lên, đáp ứng cuộc sống tối thiểu cho họ, họ sẽ có trách nhiệm cống hiến, từ đó sẽ phần nào giảm tệ tham ô, tham nhũng. Chúng tôi rất mong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đang thực hiện sẽ đi vào thực tế và hợp lòng dân.
Nhà thơ Doãn Long
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...