Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
21:34 (GMT +7)

Văn học Thái Nguyên với đề tài lịch sử – nhận diện và khơi mở

VNTN - “Văn học Thái Nguyên với đề tài lịch sử” - đó là chủ đề của Hội thảo được Chi hội Lí luận Phê bình - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức, diễn ra vào ngày 28/8/2019 vừa qua. Nhiều vấn đề từ phương diện lí luận đến góc độ thực tiễn sáng tác gắn liền với văn học địa phương về đề tài lịch sử đã được đặt ra và trao đổi; cùng với đó còn là những gợi ý và đề xuất đáng quan tâm.

1. Văn học về đề tài lịch sử là một vấn đề đang thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu lí luận phê bình văn học, các nhà văn nhà thơ, cũng như nhiều bạn đọc. Tuy nhiên, cùng với sự hấp dẫn riêng không thể phủ nhận thì những thách thức không nhỏ của thể tài đặc thù này cũng khiến nhiều người cảm thấy nhiều khó khăn trong việc tiếp cận. Chính vì vậy, xoay quanh vấn đề văn học với đề tài lịch sử, luôn có rất nhiều điều cần lí giải, cắt nghĩa, nhận diện một cách đa chiều.

Trong đời sống văn học đương đại của Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng, đề tài lịch sử đã được nhiều tác giả khai thác, với những tác phẩm tạo nên nhiều dấu ấn tích cực, đang dần làm nên một “dòng văn học” ngày càng khẳng định được vị trí và giá trị. Đặc biệt, đối với Thái Nguyên, lịch sử là một dòng chảy lớn trong cội nguồn cảm hứng của văn chương, bởi đây là vùng đất gắn với nhiều nhân vật - sự kiện lịch sử lớn và quan trọng. Nhưng cho đến nay, dường như những thành quả từ mảng văn học này vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của nó. Văn học tỉnh nhà về đề tài lịch sử có lẽ vẫn đang tiếp tục là mối quan tâm của nhiều nhà văn, là sự chờ đợi của nhiều bạn đọc.

Giữa một bối cảnh chung như vậy, Hội thảo khoa học “Văn học Thái Nguyên với đề tài lịch sử” là hết sức cần thiết, hữu ích đối với văn học nói riêng cũng như đối với vấn đề văn hóa - lịch sử tỉnh nhà nói chung. Khẳng định điều này, trong Báo cáo Đề dẫn, nhà nghiên cứu Trần Thị Việt Trung đã nêu mục tiêu muốn hướng đến của Hội thảo:“chỉ ra những mặt được và chưa được, những thành tựu ban đầu cũng như những hạn chế, bất cập trong việc sáng tác về đề tài lịch sử - một đề tài có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn học, đời sống tư tưởng và đời sống giáo dục hiện nay của tỉnh Thái Nguyên nói riêng, của đất nước ta nói chung”, từ đó có những gợi mở, đề xuất nhằm “đẩy mạnh, nâng cao chất lượng sáng tác về đề tài lịch sử, để có thể có nhiều tác phẩm hay, xuất sắc, có sức cuốn hút, hấp dẫn người đọc”.

2. Có thể thấy, một số nội dung chính mà các tham luận và các ý kiến trao đổi trong Hội thảo đề cập tập trung chủ yếu ở ba mảng vấn đề là: Lí luận về văn học đề tài lịch sử; Tác giả, tác phẩm, thực tiễn đời sống văn học đề tài lịch sử hiện nay của Thái Nguyên; Gợi mở, đề xuất cho văn học đề tài lịch sử. Các vấn đề đưa ra không chỉ được nhìn nhận ở bề diện Việt Nam nói chung, mà từ đó còn được soi chiếu cụ thể vào phạm vi Thái Nguyên nói riêng.

Các vấn đề mang tính lí luận về văn học đề tài lịch sử: Tác giả Trần Thị Việt Trung đưa ra nhận định chung khi cho rằng văn học lịch sử là những tác phẩm mang trọn vẹn đặc trưng của văn học nhưng lại lấy nội dung lịch sử làm đề tài, làm cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, tuy mượn đề tài từ lịch sử và lấy cảm hứng từ lịch sử nhưng tác giả không hề né tránh những vấn đề, những nhiệm vụ hiện tại. Tác giả Hồ Thủy Giang đã bàn về ba “cái khó” rất cụ thể cần đối diện và vượt qua trong văn học đề tài lịch sử: Thứ nhất, quan niệm cho rằng viết về đề tài lịch sử tức là viết về danh nhân lịch sử, những tấm gương cho hậu thế khiến người viết khó ra khỏi những khuôn vàng thước ngọc được định sẵn, khó có cơ hội bứt phá, bay bổng; Thứ hai, viết đề tài lịch sử không tránh khỏi sự lệ thuộc vào sử liệu, mà điều này rất dễ bị phản ứng, qui chụp; Thứ ba, hư cấu vốn là một phương tiện tối ưu của sáng tạo văn chương, vậy vấn đề khi viết về đề tài lịch sử là hư cấu “vô hạn” hay hư cấu “có khuôn khổ”? Tác giả Phạm Văn Vũ nhấn mạnh sự khu biệt giữa văn học với lịch sử: “Vấn đề cốt lõi là ở chỗ, nhà văn không làm công việc của nhà lịch sử, tức là không hồi cố hay phục dựng quá khứ, mà nhà văn làm công việc của nhà văn, tức là đưa ra một cách tiếp cận và kết nối với quá khứ, nhằm đề xuất một cách diễn giải lịch sử. Sự diễn giải lịch sử của nhà văn thể hiện thái độ, ứng xử, điểm nhìn đối với những di sản kí ức. Nghiêm cẩn mà nói, yêu cầu không thể thiếu được của một nhà văn viết về lịch sử là trong anh đồng thời phải có một nhà nghiên cứu lịch sử, một nhà văn hóa, một nhà tư tưởng, tất nhiên là những con người này cần được đối thoại bởi sự điều hành của con người nghệ sĩ”.

Các vấn đề về tác giả, tác phẩm, thực tiễn đời sống văn học đề tài lịch sử hiện nay của Thái Nguyên: Tác giả Nguyễn Huy Quát đưa ra đánh giá, khẳng định các yếu tố thành công như: sự vận dụng hiệu quả các dữ kiện lịch sử, ngôn ngữ phù hợp với nhân vật, ngữ cảnh; đồng thời chỉ ra những hạn chế như: khả năng tưởng tượng và sáng tạo còn chưa cao, việc đặt nhan đề cần được đầu tư hơn, một số thông tin lịch sử đưa vào tác phẩm cần được chú ý hơn.v.v.. Tác giả Hồ Thủy Giang đã thẳng thắn khi cho rằng Thái Nguyên là nơi ẩn tàng những sự kiện lịch sử lớn, thậm chí vô cùng quan trọng, có tầm ảnh hưởng không nhỏ trong tiến trình lịch sử của đất nước, tuy vậy, những cuốn sách văn học viết về lịch sử do chính người Thái Nguyên viết ra còn rất nghèo nàn.

Ý kiến của các nhà văn có sáng tác về đề tài lịch sử - những người trong cuộc - là một nội dung đáng chú ý trong Hội thảo. Tác giả Phan Thức chia sẻ về những khó khăn do chính ông rút ra sau thực tế quá trình sáng tác tiểu thuyết Thượng thư Đỗ Cận: Việc tìm kiếm, tiếp cận, tìm hiểu tình hình chính trị, văn hóa, xã hội, phong tục tập quán, thời đại, tư liệu lịch sử liên quan rất khó khăn; Cân bằng giữa việc hư cấu với vấn đề tôn trọng tính chân thật của lịch sử, không để người đọc hiểu sai lịch sử và nhân vật. Tác giả Đỗ Dũng với tư cách là một chiến sĩ đã chia sẻ xúc động về cuốn tiểu thuyết Trung đoàn 165 của mình: “Tôi được nhất trong cuốn sách là tình đồng chí đồng đội, tình bạn thủy chung trước sau như một”. Tác giả Phan Thái đúc rút những chiêm nghiệm về sáng tác văn học đề tài lịch sử sau khi viết tiểu thuyết Nắng phía sau mặt trời: “Sự thật lịch sử không cấu trúc sẵn những cốt truyện theo yêu cầu tác giả. Người sáng tác phải xây dựng đời sống con người, sự kiện lịch sử trong quá khứ nhưng không phải phản ánh giống như văn bản sử học. Người sáng tác có quyền giải thích lịch sử khác với định luận trong sử học. Tác phẩm viết về đề tài lịch sử cũng là loại diễn ngôn đặc thù, tác phẩm sử dụng những sự thật lịch sử nhất định bao gồm sự kiện, nhân vật, phong tục tập quán… Bản chất quy luật sáng tạo văn học là hư cấu. Hư cấu đương nhiên là quyền, nhưng tôn trọng sự thật lịch sử cũng chính là trách nhiệm của mỗi người cầm bút trước xã hội”.

Cùng với đó, các tác giả Nguyễn Huy Quát, Cao Thị Hồng, Cao Thị Hảo, Dương Thị Hiệu, Trần Tác, Vi Thị Phương cũng đã có những phân tích cụ thể về một số tác phẩm văn học về lịch sử của Thái Nguyên như Tể tướng Lưu Nhân Chú, Những người mở đường (Hồ Thủy Giang), Thượng thư Đỗ Cận (Phan Thức), Ba ông đầu rau (Hà Đức Toàn) .v.v.., qua một số vấn đề nổi bật như đặc điểm thể loại, nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật anh hùng, cấu trúc tiểu thuyết, khuynh hướng tiểu thuyết - điện ảnh.v.v.. Những phân tích này đã bước đầu chỉ ra những thành công cũng như những hạn chế của tác phẩm, qua đó phác họa phần nào tình hình chung của các sáng tác văn học Thái Nguyên về đề tài lịch sử hiện nay.

 

Các đại biểu và Ban Tổ chức chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Các gợi mở, đề xuất cho văn học đề tài lịch sử: Hội thảo cũng đã đặt ra nhiều ý kiến bàn về hướng đi, cách làm cho mảng văn học đề tài lịch sử, với ý kiến của các tác giả Phan Thức, Phan Thái, Trần Thị Việt Trung. Các ý kiến tập trung vào các đề xuất như:

Đối với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh: Ủng hộ chủ trương, chiến lược và kế hoạch về việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử của Thái Nguyên (Phê duyệt Đề án và cấp kinh phí thực hiện; Phát động các cuộc thi sáng tác về đề tài lịch sử của địa phương đối với tất cả các chuyên ngành văn học và nghệ thuật, trao tặng giải thưởng cho các tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc viết về lịch sử địa phương để ghi nhận thành tựu và kích thích tinh thần và lòng đam mê sáng tạo của các văn nghệ sỹ.v.v..).

Đối với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên: Xây dựng Đề án mang tính tổng thể về đẩy mạnh, nâng cao chất lượng sáng tác về đề tài lịch sử của văn học nghệ thuật Thái Nguyên trong giai đoạn mới, trình đề nghị Tỉnh xem xét, duyệt và cấp kinh phí để tổ chức thực hiện theo kế hoạch; Đẩy mạnh công tác lí luận phê bình nhằm thúc đẩy và song hành, hỗ trợ sáng tác; Tổ chức các cuộc tham quan, tìm hiểu sâu sắc về lịch sử địa phương cho các văn nghệ sỹ của tỉnh; Tập trung kinh phí hỗ trợ sáng tác hàng năm của Trung ương Hội cho việc thực hiện các sáng tác về đề tài lịch sử, tránh đầu tư dàn trải, không có trọng điểm; Có phương án liên kết với các nhà xuất bản để hỗ trợ các tác giả.

Đối với các hội viên, các văn nghệ sỹ của tỉnh: Chủ động, tích cực tìm hiểu sâu sắc về lịch sử để có thể đủ tư liệu, khơi dậy niềm cảm hứng, niềm đam mê sáng tạo, để có thể sáng tác được những tác phẩm hay, xuất sắc về đề tài lịch sử.

3. Bên cạnh các tham luận, nhiều ý kiến trao đổi và tranh luận về các vấn đề liên quan đã khiến không khí Hội thảo trở nên sinh động và cởi mở hơn. Nhà thơ Nguyễn Kiến Thọ cho rằng chủ đề “văn học Thái Nguyên với đề tài lịch sử” là quá rộng, chưa đúng với nội dung, bởi vì Hội thảo mới chỉ dừng lại bàn về tiểu thuyết, chứ chưa bao hàm văn xuôi cũng như văn học nói chung. Ý kiến còn “cảnh tỉnh” rằng nếu không phân biệt kĩ lưỡng thận trọng giữa văn chương và lịch sử thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng nhiều nhà văn nhà thơ viết lịch sử chứ không viết văn. Trong khi đó, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh chia sẻ băn khoăn khi thấy nhiều người viết chưa chú trọng việc đưa tác phẩm của mình đến với thị trường như một sản phẩm hàng hóa, bởi ngoài việc đảm bảo giá trị chân thiện mỹ thì tác phẩm còn phải được đặt vào quy luật thị trường, chịu sự chi phối của các quy luật thị trường như các loại hàng hóa khác chứ không thể mãi đứng ngoài, có như vậy mới phù hợp với nền kinh tế thị trường mà chúng ta đang sống. Với tư cách một người làm giáo dục, nhà văn Nguyễn Đức Hạnh lưu ý vấn đề đưa các tác phẩm văn học đề tài lịch sử vào trong chương trình của các nhà trường, coi đây cũng là một con đường để đến với bạn đọc và phát huy giá trị của tác phẩm.

Có thể coi đây là những góc nhìn, những sự soi chiếu đa chiều và thú vị, đặt ra nhiều gợi mở cho những người sáng tác nói riêng, những người quan tâm văn học đề tài lịch sử nói chung.

4. Với một địa phương mà mạch nguồn lịch sử đồ sộ chảy dài từ xa xưa đến nay như Thái Nguyên, việc mảng sáng tác văn học về đề này chưa có nhiều thành quả tương xứng là một điều đáng tiếc và đáng nghĩ. Hội thảo với những nhận diện, đánh giá và trao đổi là một hoạt động học thuật cần thiết và hữu ích, vừa nhìn lại những chặng đường đã qua, vừa gợi mở những vấn đề đặt ra cho chặng đường phía trước. Hi vọng rằng vấn đề văn chương với đề tài lịch sử sẽ tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm chú trọng hơn nữa, không chỉ từ phía giới nghiên cứu, người sáng tác, bạn đọc, mà còn từ phía tổ chức và các nhà quản lí hữu trách, để từ đó chúng ta có thể chờ đợi nhiều tác phẩm, nhiều thành quả hơn nữa.

Hội thảo này cũng có thể coi là một bước khởi đầu quan trọng để có thể triển khai các hoạt động tương tự tiếp theo đối với các chuyên ngành nghệ thuật nói chung.

Thanh Tâm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy