Thứ sáu, ngày 03 tháng 05 năm 2024
08:47 (GMT +7)

Văn học Thái Nguyên 20 năm đầu thế kỷ XXI – những điểm nhấn từ phương diện đội ngũ sáng tác

Tham luận tại Hội thảo “Văn học Thái Nguyên 20 năm đầu thế kỷ XXI”

Thái Nguyên có vị trí trung tâm vùng trung du Bắc Bộ và đã từng là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của cả vùng Việt Bắc (là Thủ phủ khu Việt Bắc xưa). Thái Nguyên cũng đã từng là trung tâm văn hóa, văn học của cả khu vực trung du và miền núi phía Bắc (có Hội Văn nghệ Việt Bắc, có Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc với một đội ngũ các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, bảo tồn văn nghệ dân gian… khá đông đảo, phong phú thuộc nhiều dân tộc khác nhau…). Phát huy vị thế và tiềm năng văn học nghệ thuật vốn có của mình, văn học Thái Nguyên từ những năm mới được thành lập tới năm 2000 đã để lại nhiều ấn tượng và tình cảm tốt đẹp trong lòng bạn đọc của cả nước, đặc biệt là bạn đọc khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam - với các tác phẩm văn chương thuộc các thể loại: Văn xuôi, thơ, nghiên cứu - phê bình, văn học dân gian, kịch bản sân khấu… mang đậm bản sắc các tộc người Việt Bắc nói chung, Thái Nguyên nói riêng.

Các cây bút tiêu biểu của Thái Nguyên giai đoạn này có thể kể tới như: Vi Hồng, Ma Trường Nguyên, Hà Đức Toàn, Hồ Thủy Giang, Lê Thế Thành, Hoàng Luận, Vũ Phong, Khánh Kiểm, Trần Văn Loa, Vũ Đình Toàn, Hữu Tiệp, Ma Đình Thu, Nông Phúc Tước, Lâm Tiến, Vũ Châu Quán, Ba Luận, Nguyễn Hữu Bài, Ngọc Thị Kẹo, Túc Văn, Vân Trung, Minh Hằng, Nguyễn Thúy Quỳnh,… Cũng chính từ những sáng tác văn chương có màu sắc riêng biệt cùng chất lượng được khẳng định trong đời sống văn học của cả nước thời kỳ này, trong đội ngũ các nhà văn Thái Nguyên đã có nhà văn được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam (nhà văn: Vi Hồng, Ma Trường Nguyên, Lâm Tiến, Hà Đức Toàn). Đây là niềm vui, niềm vinh dự, tự hào của cả đội ngũ nhà văn Thái Nguyên.

Cũng trong khoảng thời gian này (trước năm 2000), các nhà văn là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã được nhận khá nhiều Giải thưởng văn học cấp trung ương và địa phương. Có thể thấy, kể từ khi được thành lập (năm 1987) cho tới năm 2000, văn học Thái Nguyên đã có những bước phát triển khá mạnh mẽ, đồng đều trên các phương diện (đội ngũ sáng tác, thể loại văn học, số lượng và chất lượng tác phẩm…). Về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu về đời sống văn học của tỉnh nhà trong giai đoạn đầu thời kỳ Đổi mới.

Một cuộc giao lưu thơ với các nhà thơ: Thạch Quỳ.., Vương Trọng, Nguyễn Bình Phương tại VP Hội Văn nghệ Bắc Thái (tác giả, thứ 2 từ phải sang)

Tuy nhiên, văn học Thái Nguyên trước năm 2000 cũng đã bộc lộ một số hạn chế cần phải được khắc phục, đổi mới: Từ tư duy nghệ thuật đến nội dung, phương thức phản ánh…; từ sự phát triển chưa đồng đều giữa các thể loại văn học, đến việc cần phải vươn tới các tác phẩm có chất lượng cao, phản ánh trung thực sinh động, kịp thời các vấn đề thời sự cấp bách, vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống từ chính địa phương Thái Nguyên cũng như của cả đất nước trong giai đoạn lịch sử cụ thể này.

Nhận thức được những mặt mạnh, cũng như những hạn chế trong đời sống văn học Thái Nguyên trước năm 2000, đội ngũ các nhà văn Thái Nguyên đã có những nỗ lực đáng được khẳng định, dần khắc phục các hạn chế, kế thừa và phát huy những thành tựu, những mặt mạnh của hoạt động văn học giai đoạn trước; bứt phá và sáng tạo vượt lên chính mình… và đã đạt được những thành tựu mới, đáp ứng nhu cầu đổi mới văn chương, bắt kịp và hòa vào dòng chảy văn chương đương đại của cả nước.

Trước hết, nói về sự trưởng thành của đội ngũ các nhà văn Thái Nguyên sau năm 2000 tới nay (2022).

Với sự tiếp nối của các thế hệ - đội ngũ các nhà văn Thái Nguyên ngày càng đông đảo với các độ tuổi khác nhau, thuộc các chuyên ngành, thể loại khác nhau (thơ, văn xuôi, nghiên cứu - phê bình, văn nghệ dân gian, kịch bản sân khấu, truyền hình…) - các nhà văn Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động, có nhiều sáng tác với sự nỗ lực trong quá trình đổi mới tư duy trên từng tác phẩm công bố, xuất bản hàng năm lên tới hàng trăm tác phẩm các loại (tập thơ, chùm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, sách nghiên cứu phê bình, sách sưu tầm, dịch thuật, kịch bản sân khấu, điện ảnh…).

Trong hơn 20 năm qua, đã có khá nhiều nhà văn Thái Nguyên được nhận các giải thưởng văn học có uy tín của quốc gia, của tỉnh Thái Nguyên và một số các tỉnh khác. Ví dụ như: Cố nhà văn Vi Hồng được nhận Giải thưởng Nhà nước, nhà văn Hồ Thủy Giang, Bùi Như Lan được nhận Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (phối hợp với các bộ, ngành khác); Nhà văn Trần Thị Việt Trung, Cao Thị Hồng được nhận Giải thưởng của Hội đồng Lý luận phê bình Trung ương; Nhà văn Lâm Tiến được nhận Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam…; cùng các nhà văn: Ma Trường Nguyên, Hà Đức Toàn, Vũ Châu Quán, Nguyễn Thúy Quỳnh, Võ Sa Hà, Lưu Thị Bạch Liễu, Hoàng Luận, Phạm Đức, Nguyễn Thị Minh Thắng, Nguyễn Minh Sơn, Nông Phúc Tước, Ma Đình Thu, Nguyễn Hữu Tiệp, Phan Thái, Nguyễn Long, Hoàng Ngọc La, Nguyễn Huy Quát,… được nhận Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, của Hội Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam và Giải thưởng 5 năm Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên…

Có thể thấy, trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, đội ngũ các nhà văn Thái Nguyên đã có sự trưởng thành rõ rệt, đã vươn đến một “độ chín” nhất định về trình độ, năng lực; về chất lượng sáng tác và đã được ghi nhận bởi nhiều giải thưởng văn học của Trung ương và địa phương. Vì thế, giai đoạn 20 năm đầu thế kỷ này, trong đội ngũ các nhà văn Thái Nguyên đã có 10 nhà văn được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, đưa tổng số hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tại Thái Nguyên lên con số: 14 người. Đây quả thực là một con số có ý nghĩa, một niềm tự hào chính đáng của một Hội Văn học nghệ thuật địa phương. Và Thái Nguyên cũng chính là một trong số ít các tỉnh trong cả nước được Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cho phép thành lập Chi hội Nhà văn Việt Nam. Một số hội viên của Chi hội đã được giao một số nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng của Hội Nhà văn Việt Nam như: là thành viên các Ban chuyên môn của Hội Nhà văn (nhà văn Trần Thị Việt Trung, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh và nhà văn Phạm Đức Hùng); là ủy viên Hội đồng chấm Giải thưởng Quốc gia về văn học nghệ thuật (Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hội Nhà văn…)…

Trong hơn 20 năm qua, với sự đam mê và nhiệt huyết với văn chương, đội ngũ các nhà văn Thái Nguyên đã luôn nỗ lực lao động và sáng tạo, đã in ấn xuất bản, công bố, đăng tải trên các phương tiện thông tin (báo, tạp chí, sách,…) của tỉnh (và của các địa phương khác), của trung ương và cả của nước ngoài nữa - hàng ngàn tác phẩm văn chương, thuộc các thể loại khác nhau. Văn học Thái Nguyên đã từng bước hòa nhập và lan tỏa trong đời sống văn chương của khu vực và của toàn quốc bởi đội ngũ các nhà văn (đa dân tộc) của chúng ta.

Sau đây, chúng tôi sẽ đi vào một số lĩnh vực chuyên ngành cụ thể để chỉ ra những đặc điểm, những thành tựu cũng như một số giới hạn của văn học Thái Nguyên trong hơn 20 năm qua.

1. Lĩnh vực thơ

Thơ là một lĩnh vực hoạt động mạnh và khá hiệu quả của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên - kể cả giai đoạn trước và sau năm 2000. Các thế hệ nhà thơ Thái Nguyên đã nối tiếp nhau, đã đồng hành cùng nhau kiến tạo nên một “vườn thơ nhiều hương sắc”. Từ thế hệ các nhà thơ lớp trước, đến sau những năm 2000 vừa tiếp tục sáng tác (tuy xuất hiện có thưa thớt hơn) như: Ma Trường Nguyên, Hữu Bài, Vũ Đình Toàn, Ma Đình Thu, Ba Luận, Hữu Tiệp, Trần Cầu, Hiền Mặc Chất…; đến các nhà thơ bước vào thời kỳ “sung sức”, có “độ chín” của cuộc đời và sự nghiệp văn chương như: Thế Chính, Nguyễn Long, Võ Sa Hà, Nguyễn Thúy Quỳnh, Vân Trung, Lưu Thị Bạch Liễu, Cao Thị Hồng, Hồ Triệu Sơn, Minh Thắng, Mai Thắng, Minh Hằng, Phan Thái, Phan Thức, Ngọc Thị Lan Thái, Đỗ Dũng, Nguyễn Kiến Thọ, Nguyễn Đức Hạnh…; đến các cây bút trẻ như: Nguyễn Đình Hưng, Hoàng Hiền, Dương Văn Mưu, Doãn Long,… đến các cây bút vừa trẻ, vừa mới, vừa có sự cách tân mang mầu sắc “hậu hiện đại” trong các trang thơ của mình như: Phạm Văn Vũ, Nguyễn Nhật Huy,… Bên cạnh các tác giả là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh còn có “một hệ thống” các câu lạc bộ thơ, hoạt động rất sôi nổi, lôi cuốn được hàng trăm người tham gia, tích cực sáng tác và “trình diễn thơ” trong những dịp “Lễ hội thơ” do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức.

Một điểm đáng tự hào trong các hoạt động thơ Thái Nguyên trong hơn 20 năm qua - đó là việc tổ chức một cách thường niên Lễ hội Thơ (Rằm tháng Giêng) với qui mô khá hoành tráng, nội dung phong phú, giàu ý nghĩa - đã thu hút đông đảo những người yêu thơ của Thái Nguyên tham gia, thưởng thức. Và điều đáng quý là qua mỗi Lễ hội Thơ - thơ Thái Nguyên lại bừng lên một sinh khí mới, các nhà thơ lại có thêm nhiều cảm xúc mới, yêu hơn, tự hào hơn mảnh đất, con người Thái Nguyên và càng đam mê hơn với công việc sáng tác, sáng tạo của mình. Đặc biệt, trong khoảng 3 năm trở lại đây, do dịch bệnh Covid hoành hành, nhiều hoạt động về văn học nghệ thuật lại bị đình trệ và bế tắc, thì thơ Thái Nguyên đã chủ động “biến nguy thành cơ” trong các hoạt động linh hoạt, sáng tạo và rất hiệu quả của mình.

Cuộc thi thơ online “Tổ quốc và Mẹ” do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh phối hợp với một diễn đàn văn chương mạng (Quán Chiêu văn) tổ chức (năm 2021) đã thành công “vượt cả mong đợi”. Với trên 500 tác giả trong và ngoài nước (trong đó có khá nhiều tác giả ở tỉnh Thái Nguyên) tham gia. Cuộc thi thơ đã thành công tốt đẹp với các Giải thưởng, với các tác phẩm thơ hay, rung động trái tim và tâm hồn người đọc và trên hết - đó chính cuộc sự giao lưu trân trọng và tình cảm giữa những người làm thơ Thái Nguyên với những người làm thơ trên cả nước. Tiếp theo là cuộc thi thơ “Sống và Hy vọng” diễn ra trong khuôn khổ “Lễ hội Thơ” năm 2022 cũng rất thắng lợi và đầy ý nghĩa… Có thể nói: với những hoạt động tích cực, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn cuộc sống, tạo nên những hiệu quả “bất ngờ” trong đời sống văn học của tỉnh - thơ Thái Nguyên đã thực sự khẳng định được vị thế của mình trong đời sống văn học nói riêng, trong đời sống văn hóa nói chung của tỉnh Thái Nguyên trong những năm qua.

Đứng trên cái nhìn tổng thể của quốc gia thì thơ Thái Nguyên được đánh giá là “chắc”, có sắc màu riêng, vừa mang tính truyền thống, vừa có tính hiện đại. Trong khoảng 10 năm gần đây, thơ Thái Nguyên có mặt nhiều hơn trên các tờ báo, tạp chí có uy tín của cả nước (như Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam…). Các nhà thơ Thái Nguyên cũng đã nhận được khá nhiều giải thưởng từ các cuộc thi thơ (do Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội… tổ chức); Giải thưởng cho các tập thơ có chất lượng do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, Ban Chỉ đạo Trung ương, về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tổ chức và trao tặng - đó là các tác giả: Nguyễn Thúy Quỳnh, Võ Sa Hà, Vân Trung, Minh Thắng, Lưu Thị Bạch Liễu, Nguyễn Long… Bên cạnh đó là khá nhiều các nhà thơ được nhận Giải thưởng 5 năm về Văn học nghệ thuật cho các tập thơ của mình do tỉnh Thái Nguyên trao tặng.

Tuy nhiên, thơ Thái Nguyên sau năm 2000 vẫn còn những hạn chế nhất định. Đó là việc chưa có những tác phẩm thơ đặc sắc, ghi dấu ấn sâu trong lòng người đọc cả nước; chưa có những tác phẩm thơ đạt Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam… Hình như vẫn còn thiếu một “yếu tố” nào đó thuộc về tài năng? Thuộc về sức sáng tạo, sự bứt phá mạnh mẽ, quyết liệt cùng lòng đam mê, “lao động hết mình” của những người làm thơ Thái Nguyên chăng? Hy vọng rằng: khoảng thời gian không xa sau năm 2022, thơ Thái Nguyên sẽ cất cánh bay lên, vượt qua những hạn chế của chính mình để ghi dấu ấn, chinh phục người đọc của cả nước về một tiếng thơ đặc sắc được cất lên từ “Thủ đô gió ngàn” nổi tiếng và thân thương xưa.

2. Lĩnh vực văn xuôi

Nếu như trước năm 2000, văn xuôi Thái Nguyên được cả nước (đặc biệt là khu vực miền núi phía Bắc) biết đến với một loạt tiểu thuyết và truyện ngắn đậm bản sắc dân tộc và miền núi của nhà văn Vi Hồng, cùng các tập truyện ngắn, tiểu thuyết của Hà Đức Toàn, Hồ Thủy Giang, Ma Trường Nguyên, Lê Thế Thành, Vũ Phong, Ngọc Thị Kẹo, Nguyễn Minh Sơn, Hoàng Luận,… thì đến những năm đầu của thế kỷ XXI, văn xuôi Thái Nguyên lại như “chững” lại, có một “nốt trầm” khó hiểu. Có lẽ, đây là thời gian các cây bút Thái Nguyên đang “thai nghén” ấp ủ những tác phẩm mới của mình; đang trằn trọc, vật vã để tự đổi mới mình… cho kịp dòng chảy văn chương đương đại Việt Nam đầu thế kỷ XXI. Và có lẽ cũng còn một lý do khách quan nữa là: có một số nhà văn đứng tuổi - hoặc bị mất, hoặc sức khỏe giảm sút… không còn nhiệt huyết sáng tác như thời gian trước năm 2000; số cây bút mới còn đang loay hoay thử sức nên chỉ “tung” ra một cách dè dặt các sáng tác của mình trên báo chí, chứ chưa ra thành sách.

Nhưng “nốt lặng” đó đã được phá vỡ bởi cây bút “lực lưỡng” Hồ Thủy Giang - nhà văn “chuyên nghiệp” thực sự của Thái Nguyên với hơn 26 đầu sách (xuất bản sau năm 2000), trong đó có 15 đầu sách là tập truyện ngắn và tiểu thuyết. Từ sau năm 2003, hầu như năm nào Hồ Thủy Giang cũng sáng tác mới 1 đến 2 tập truyện ngắn, hoặc tiểu thuyết, hoặc kịch bản phim. Anh là một nhà văn được nhận nhiều giải thưởng văn học nhất (22 giải thưởng các loại).

Sau Hồ Thủy Giang là cây bút nữ dân tộc Tày - Bùi Thị Như Lan. Tính từ năm 2003 trở đi, hầu như năm nào chị cũng xuất bản 1 cuốn sách (tập truyện ngắn) khá dày dặn, có chất lượng, có màu sắc riêng biệt. Chị đã được nhận khá nhiều giải thưởng từ các cuộc thi truyện ngắn của quốc gia và của tỉnh Thái Nguyên. Bên cạnh 2 cây bút sung sắc này là hàng loạt các cây bút văn xuôi “mới nổi” lên trong làng văn nghệ Thái Nguyên sau năm 2000. Đó là các nhà văn: Phạm Đức, Phan Thái, Đào Nguyên Hải, Phan Thức, Phạm Quý, Bùi Nhật Lai, Đỗ Dũng, Nguyễn Thưởng, Nguyễn Văn, Minh Hằng… và gần đây nhất là cây bút “đa tài, đa lĩnh vực” Nguyễn Đức Hạnh với tập truyện ngắn khá hay và lạ, nhuốm màu sắc “liêu trai” thời hiện đại. Xuất hiện trong vài năm trở lại đây là một số cây bút trẻ, “mới toanh” như: Hoàng Thị Hiền, Trần Thị Nhung, Mai Linh Lan, Hoàng Thao,…; trong đó có một cây bút trẻ Nguyễn Nhật Huy có lối viết mang dấu hiệu “hậu hiện đại” khá rõ rệt.

Điều đáng quý, đáng nói, đáng khẳng định ở đây là: văn xuôi Thái Nguyên trong khoảng 10 năm (từ 2010 đến nay) đã có sự “vượt mình” một cách khá “ngoạn mục”, bởi sự xuất hiện ngày càng nhiều thể loại tiểu thuyết, đặc biệt là loại tiểu thuyết lịch sử. Tiêu biểu là tiểu thuyết lịch sử của các tác giả: Hồ Thủy Giang, Phan Thái, Ma Trường Nguyên, Phạm Đức và Phan Thức. Các nhà văn đã lấy cảm hứng từ các sự kiện lịch sử, các nhân vật lịch sử trên quê hương Thái Nguyên làm đề tài sáng tác. Từ các cuốn tiểu thuyết này, đã có nhiều kịch bản phim, bộ phim ra đời. Và đây cũng chính là một cách quảng bá, giới thiệu cho bạn đọc, cho người xem của cả nước biết tới Thái Nguyên, mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa của chúng ta. Văn xuôi Thái Nguyên sau năm 2000 đã dần lấy lại và khẳng định được vai trò vị thế của mình trong đời sống văn học tỉnh nhà, và từng bước vươn ra, hòa vào dòng chảy văn xuôi của cả nước.

Tuy nhiên, cũng cần nghiêm túc, khách quan khi đánh giá, nhìn nhận về những hạn chế của văn xuôi Thái Nguyên trong hơn 20 năm đầu thế kỷ XXI. Đó là sự chậm đổi mới về thi pháp sáng tác; thiếu sự đầu tư quyết liệt (về trí tuệ, về các điều kiện (đi tìm hiểu thực tế, sưu tầm tài liệu và kinh phí phục vụ cho việc hoàn thành và xuất bản tác phẩm…) của các cấp quản lý đối với các tác giả có khả năng sáng tác, sáng tạo ra các tác phẩm văn học có quy mô, có chất lượng cao, xứng tầm với tiềm năng to lớn của đời sống văn hóa, văn học của tỉnh… Chính vì một số hạn chế đó - mà phải chăng, văn xuôi Thái Nguyên vẫn chưa có được các tác phẩm “đỉnh cao” như mong muốn, như khát vọng chung của những người cầm bút chúng ta?

3. Lĩnh vực nghiên cứu - lý luận, phê bình

Có thể khẳng định một cách chắc chắn là: so với các Hội Văn học nghệ thuật trong cả nước (trừ các tỉnh, thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) thì Thái Nguyên (sau năm 2000 cho tới nay) có một đội ngũ các nhà nghiên cứu lý luận phê bình được đào tạo bài bản nhất. Và trong suốt hơn 20 năm qua, chuyên ngành nghiên cứu - lý luận phê bình (NC-LLPB) của Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả và đã có những thành công đáng ghi nhận. Bằng chứng là, cho tới nay - Thái Nguyên có 4 nhà NC-LLPB được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam (Lâm Tiến, Trần Thị Việt Trung, Cao Thị Hồng, Nguyễn Đức Hạnh); và hầu hết các tác giả hoạt động trong lĩnh vực này đều có học vị từ Thạc sỹ đến Tiến sỹ, Phó Giáo sư; cũng chính họ đã được nhận khá nhiều giải thưởng danh giá của quốc gia và của tỉnh Thái Nguyên cho các tác phẩm NC-LLPB của mình (Giải B - không có Giải A, năm 2018 của Hội đồng Lý luận phê bình Trung ương trao tặng cho nhà NC-LLPB Trần Thị Việt Trung và Giải C, năm 2018 trao cho nhà NC-LLPB Cao Thị Hồng; Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và Giải thưởng của Hội Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam cho các tác phẩm của các tác giả: Lâm Tiến, Hồ Thủy Giang, Vũ Châu Quán, Nguyễn Long, Ma Trường Nguyên, Cao Thị Hồng…; Giải thưởng của Hội Xuất bản Việt Nam cho tác giả: Nguyễn Đức Hạnh, Đào Thủy Nguyên… cùng một số tác giả khác được nhận Giải thưởng Văn học nghệ thuật của tỉnh Thái Nguyên, như: Nguyễn Huy Quát - Vũ Châu Quán, Nguyễn Kiến Thọ, Nguyễn Đức Hạnh,…).

Một điều rất đáng nể trọng ở các nhà văn, các nhà NC-LLPB của Thái Nguyên là: họ rất đam mê, rất nghiêm túc và cũng rất bài bản, mang tính học thuật cao trong việc thực hiện các tác phẩm NC-PB của mình. Phần lớn các cuốn sách, các công trình nghiên cứu của họ có độ dày lên tới 400 đến 500 trang, thậm chí có những công trình (do họ vừa làm chủ biên, vừa viết chính) dày hàng ngàn trang. Những cuốn sách này phục vụ đắc lực cho việc học tập, nghiên cứu, tìm hiểu về văn học dân tộc, miền núi và văn học địa phương Thái Nguyên cho các cán bộ giảng dạy đại học, cao đẳng, cho sinh viên, cho giáo viên và học sinh các cấp học (tiểu học và trung học cơ sở…) cùng những bạn đọc trong cả nước yêu thích văn học dân tộc và miền núi Việt Nam.

Chỉ trong vòng khoảng 10 năm trở lại đây, các tác giả là các nhà NC-LLPB văn học Thái Nguyên đã công bố, xuất bản trên 70 đầu sách (viết riêng, viết chung); đã đăng tải trên 300 bài báo NC-PB trên các tạp chí trung ương, trong các hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế và trên nhiều tờ báo văn nghệ các địa phương cả nước; đã tổ chức hàng chục hội thảo khoa học… Có thể nói, đây là những con số ấn tượng, đáng tự hào cho mảng hoạt động văn học mang tính khoa học cao, thể hiện “sự tự ý thức” về tiếng nói văn học của địa phương, của khu vực miền núi - của các nhà NC-LLPB Thái Nguyên. Bên cạnh các cây bút NC-PB có tính học thuật, bài bản, truyền thống (như các nhà văn: Nguyễn Huy Quát, Trần Thị Việt Trung, Cao Thị Hồng, Đào Thủy Nguyên, Nguyễn Đức Hạnh, Cao Thị Hảo, Trần Văn Tác, Nguyễn Long, Nguyễn Kiến Thọ, Ma Trường Nguyên, Hồ Thủy Giang, Dương Thu Hằng,…), là các cây bút phê bình mang tính báo chí, truyền thông - với mục đích giới thiệu chân dung tác giả, giới thiệu tác phẩm mới, hoặc trao đổi mạn đàm, tranh luận… về một vấn đề nào đó, một hiện tượng văn chương nào đó. Đây là một kiểu phê bình đang được ưa chuộng trong thời đại hiện nay và nó cũng có nhiều điểm mạnh đáng được ghi nhận. Đại diện cho xu hướng phê bình này là các cây bút: Phạm Văn Vũ, Vy Thị Phương, Trần Văn Thép, Nguyễn Thị Thanh Mai, Suối Linh, Thanh Tâm…

Với sự nối tiếp của các thế hệ, đội ngũ NC-LLPB văn học Thái Nguyên ngày càng thêm đông và mạnh, đang có những bước đi chắc chắn và đang ngày càng khẳng định được tiếng nói của mình trong đời sống văn chương khá phong phú, khá sôi động của tỉnh Thái Nguyên (cũng như trong cả khu vực Trung du và miền núi phía Đông Bắc Việt Nam).

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là: NC-LLPB văn học Thái Nguyên không có những giới hạn cần phải được “nhận thức lại” để có thể vươn tới những thành tựu cao hơn, để có những hoạt động hiệu quả, tác động mạnh hơn vào quá trình sáng tác của các nhà văn Thái Nguyên. Các nhà NC-LLPB Thái Nguyên chưa thực sự tập trung cao độ vào việc nghiên cứu, phê bình, đánh giá, rút ra các bài học, các kinh nghiệm trong sáng tác của các nhà văn Thái Nguyên (trừ đối với một số nhà văn tiêu biểu như: Vi Hồng, Ma Trường Nguyên, Hồ Thủy Giang). Vì vậy, trong thời gian tới - cần phải có những “chiến lược” có chủ trương, có kế hoạch cụ thể để hướng các cây bút NC-LLPB Thái Nguyên tập trung nghiên cứu, phê bình các tác phẩm, tác giả Thái Nguyên. Từ đó, góp phần ghi nhận những thành công, những đóng góp, cũng như chỉ ra những hạn chế, trong sáng tác của các nhà văn; phát hiện, động viên kịp thời các tài năng trẻ. Ủng hộ cái mới, cái sáng tạo… trong văn chương; góp phần vào việc định hướng cho văn học tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ, đúng hướng, đa phong cách, đa giọng điệu và đậm bản sắc Thái Nguyên. Đó cũng chính là điều mà NC-LLPB Thái Nguyên cần hướng tới sau năm 2022.

4. Lĩnh vực văn học dân gian

Là một bộ phận văn học có tính đặc thù cao, ở Thái Nguyên - bộ phận văn học này cũng đã được chú ý, được tạo điều kiện phát triển, bởi sự có mặt của văn học dân gian trong đời sống văn học nói chung đã góp phần rất quan trọng vào việc giữ gìn và phát huy vốn văn học truyền thống mang đậm “bản sắc văn hóa tộc người”. Đặc biệt là đối với Thái Nguyên - một tỉnh có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống (trong đó có 8 dân tộc có số dân đông hơn cả) và có truyền thống văn hóa, văn học rõ nét, đặc sắc.

Trước những năm 2000, văn học dân gian Thái Nguyên đã có một số nhà văn, nhà nghiên cứu văn học dân gian dân tộc thiểu số (DTTS) tích cực nghiên cứu, sưu tầm, dịch các tác phẩm dân gian (chủ yếu là của dân tộc Tày, Nùng). Nổi bật là các tác phẩm nghiên cứu văn học dân gian Tày của nhà văn Vi Hồng, nghiên cứu về thơ ca dân gian, dịch các tác phẩm thơ Nôm Tày ra tiếng phổ thông của tác giả Nông Phúc Tước; nghiên cứu về các phong tục, tập quán của người Tày… của tác giả Hoàng Ngọc La…, cùng một số nghiên cứu về văn học dân gian của tác giả Nguyễn Hữu Khánh, Trần Bình Dưỡng…

Từ sau năm 2000 cho tới nay, văn học dân gian Thái Nguyên được bổ sung khá đông đảo các cây bút vốn là các nhà văn DTTS (như: Nhà văn Tày - Hoàng Luận, Ma Đình Thu; nhà văn Đặng Phúc Lường - dân tộc Dao; nhà nghiên cứu văn hóa văn học dân gian Tày - Tô Kim Hoa; nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học dân gian Tày - Triệu Doanh…). Bên cạnh đó là sự tham gia khá tích cực và hiệu quả của các thầy cô giáo, các nhà nghiên cứu trong các trường đại học đóng quân tại Thái Nguyên như: Nhà ngôn ngữ học dân tộc Tày Lương Bèn, nhà nghiên cứu - PGS.TS Nguyễn Hằng Phương, PGS.TS Phạm Thị Phương Thái, PGS.TS Dương Thu Hằng,… và gần đây nhất là hàng loạt các nghiên cứu về Then Tày, về các lễ hội của dân tộc Tày… của nghệ nhân dân gian trẻ Nguyễn Văn Bách, cùng nhiều bài viết, bài nghiên cứu về các phong tục tập quán, về vốn văn học dân gian các dân tộc Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chay của các cây bút Bùi Nhật Lai, Hoàng Thị Hiền, Lương Việt Anh,…

Sự hoạt động khá sôi nổi của bộ phận văn học dân gian trong những năm qua đã mang lại hiệu quả nhất định trong đời sống văn hóa, văn học của tỉnh Thái Nguyên. Tính tới năm 2022, đã có hàng chục đầu sách có giá trị thực tiễn cao (làm sách giảng dạy, sách tham khảo… cho các cơ quan, đơn vị, nhà trường như: sách Học tiếng Tày cùng cuốn Từ điển Tày - Việt của tác giả, thầy giáo Lương Bèn; cuốn sách Học tiếng Dao của TS. Đặng Phúc Lường, các cuốn truyện thơ dân gian Tày của Nông Phúc Tước, cuốn Pụt Kỳ Yên của Ma Đình Thu… Bên cạnh đó là hàng loạt các bài báo, bài nghiên cứu văn hóa, văn học dân gian các DTTS ở Thái Nguyên có giá trị nhiều mặt đối với các độc giả, các nhà văn, các nhà nghiên cứu… yêu thích và có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa, văn học cổ truyền của các DTTS ở Thái Nguyên cũng như của cả vùng Việt Bắc xưa.

Tuy nhiên, đứng trước những yêu cầu mới về xây dựng một nền văn hóa, văn học Việt Nam “Tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Đảng, cũng như những yêu cầu, những nhiệm vụ mới được đặt ra của địa phương tỉnh Thái Nguyên đối với văn học, nghệ thuật trong giai đoạn mới của đất nước – các nhà nghiên cứu văn học dân gian Thái Nguyên cần phải tích cực hơn nữa trong việc bồi dưỡng, phát triển đội ngũ những người làm công tác này (khó và hiếm bởi những nhà văn trẻ, người nghiên cứu trẻ… không mặn mà, đam mê lắm đối với mảng văn học đặc thù này). Bên cạnh đó là việc phải hoạt động tích cực hơn nữa, tâm huyết hơn nữa để có thể xây dựng nên những bộ sách nghiên cứu, dịch về văn hóa, văn học dân gian các DTTS ở Thái Nguyên, để góp phần đắc lực vào việc lưu giữ, phổ biến, phát triển vốn văn học cổ truyền đậm đà bản sắc của các dân tộc Thái Nguyên trong giai đoạn mới của đất nước.

Trước khi đi vào phần kết luận, đánh giá khái quát về tình hình văn học Thái Nguyên từ đầu thế kỷ XXI cho tới nay - tôi muốn nói tới một “chuyên ngành” rất mới nhưng đã đạt được những bước tiến đáng nể. Đó là chuyên ngành Văn học dịch. Trước năm 2000 (thậm chí trước năm 2010), Thái Nguyên chưa có nhà dịch thuật chuyên nghiệp. Nhưng, với sự xuất hiện của cây bút Phạm Đức Hùng - một dịch giả đam mê văn học Đức cùng với những hoạt động hết sức tích cực và hiệu quả của anh - tác giả của 7 cuốn sách (6 cuốn sách dịch và 1 tiểu thuyết vừa “ra lò”) cùng hàng trăm truyện ngắn, bài thơ dịch in đăng trên các báo chí cả nước, đặc biệt là in trên Báo Văn nghệ Thái Nguyên thì văn học Thái Nguyên đã được “bổ sung” mảng văn học dịch của mình. Với những đóng góp, sự uy tín, cùng niềm đam mê dịch thuật văn học nước ngoài - dịch giả Phạm Đức Hùng đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam (năm 2018) và trở thành thành viên của Ban Văn học dịch - Hội Nhà văn Việt Nam (nhiệm kỳ 2020 - 2025). Đây cũng là một vinh dự đối với mảng văn học dịch của văn học Thái Nguyên giai đoạn sau năm 2000.

Qua việc khái quát và đưa một cái nhìn tổng quan về văn học Thái Nguyên từ đầu thế kỷ XXI cho tới nay, chúng tôi có một số nhận xét và đánh giá như sau:

Trên cơ sở nền móng khá vững chắc cùng những thành tựu ban đầu của văn học Thái Nguyên những năm trước thế kỷ XXI, văn học Thái Nguyên sau năm 2000 đã kế tiếp, phát triển và vươn tới những thành quả đáng được trân trọng và khẳng định. Đó là sự phát triển về đội ngũ các nhà văn (ngày càng đông, càng mạnh hơn), là sự phát triển về số lượng và chất lượng sáng tác, là sự hoàn thiện hơn về thể loại văn học (ngoài thơ, văn xuôi, văn học dân gian là nghiên cứu lý luận phê bình và văn học dịch…).

Văn học Thái Nguyên từng bước đã hòa nhập vào dòng chảy chung của văn học Việt Nam, đã tạo nên một dấu ấn riêng trong đời sống văn học nước nhà đầu thế kỷ XXI - bằng một loạt tên tuổi các nhà văn tiêu biểu của Thái Nguyên được đứng trong đội ngũ các nhà văn Việt Nam; bằng các giải thưởng văn học quốc gia, giải thưởng văn học địa phương và hàng ngàn tác phẩm văn chương được in ấn, xuất bản, đăng tải các báo, tạp chí trong toàn quốc. Đời sống văn học tỉnh Thái Nguyên ngày càng phong phú hơn, các giá trị của văn học Thái Nguyên được lan tỏa và phát huy trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân các dân tộc Thái Nguyên; góp phần tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; khơi dậy tình yêu và lòng tự hào về vẻ đẹp quê hương, về truyền thống lịch sử, về những thành tựu to lớn về kinh tế, xã hội trong công cuộc đổi mới… của mảnh đất Thái Nguyên anh hùng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng trân trọng, đáng tự hào trên - văn học Thái Nguyên (giai đoạn sau năm 2000 tới nay) vẫn còn những giới hạn cần phải nỗ lực vượt qua, để phát triển và hướng tới những thành tựu mới trong thời gian tới. Đó là những việc: Cần phải đổi mới quyết liệt hơn trong thi pháp sáng tác (thi pháp thơ, thi pháp văn xuôi); Cần phải gắn bó chặt chẽ, máu thịt hơn, tập trung tình cảm và trí tuệ nhiều hơn vào việc nghiên cứu, phê bình các tác giả, tác phẩm văn học của Thái Nguyên, bên cạnh việc quan tâm sâu sắc tới các vấn đề văn chương của quốc gia thời kỳ đương đại (đối với lĩnh vực NC-LLPB văn học); Cần phải xây dựng những bộ sách có qui mô về vốn văn học dân gian các DTTS Thái Nguyên, tăng cường nghiên cứu về bản sắc văn hóa các tộc người ở Thái Nguyên… để có một kho tàng về văn hóa, văn học cổ truyền quý giá của Thái Nguyên lưu lại cho các thế hệ sau.

Và một điều cần phải vươn tới đó là: Phải có được những tác phẩm văn chương có chất lượng cao, xứng tầm với tiềm năng về văn học của Thái Nguyên, xứng tầm vị trí “trung tâm” Vùng của Thái Nguyên, đáp ứng niềm khát khao sáng tạo của các nhà văn, cùng niềm mong ước, hy vọng của người đọc, của nhân dân các dân tộc Thái Nguyên về Hội Văn học nghệ thuật thân yêu của mình.

Trần Thị Việt Trung

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy