Thứ bảy, ngày 19 tháng 04 năm 2025
15:57 (GMT +7)

Văn hóa trong khẩu hiệu

VNTN - Ở một số nước trên thế giới, việc sử dụng khẩu hiệu đường phố không được khuyến khích bởi nhiều lý do như ảnh hướng đến không gian đô thị, hạn chế tầm nhìn và làm phân tâm người tham gia giao thông…, tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, với đặc trưng kinh tế xã hội ở Việt Nam, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn rất cần được tiếp cận thông tin “trực diện”, đơn giản, đại chúng thông qua các khẩu hiệu dọc ngang khắp phố phường, làng xóm. Chính vì thế, bàn bạc thêm về văn hóa khẩu hiệu là điều cần thiết, dù đây không phải là chủ đề mới mẻ.

Từ góc nhìn truyền thông, khẩu hiệu đường phố cần đảm bảo một số tiêu chí căn bản như: thông tin chính xác, khách quan; hình thức ngắn gọn, dễ hiểu; diễn đạt độc đáo nhằm tạo ấn tượng; bắt vần và hài hòa về thanh điệu giúp người đọc dễ thuộc, dễ nhớ; đáp ứng tính thẩm mỹ và văn hóa… Trên thực tế, không phải khẩu hiệu nào cũng có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chí ấy, nhất là khi chúng được hình thành một cách tự phát, không có sự quản lý của cơ quan văn hóa, càng không được thực hiện bởi một copywriter (người viết truyền thông) chuyên nghiệp. Và bởi thế, không quá khó để “bắt lỗi” các khẩu hiệu đang hiên ngang tung bay trên phố.

Thông thường, khẩu hiệu thường được sử dụng với tần số cao trong các ngày kỷ niệm, và ở đó, những cụm từ “nhiệt liệt”, 'muôn năm”, “bất diệt”, “chào mừng”… có tần số xuất hiện dày đặc nhất. Điều đáng nói là, người ta đã lạm dụng nó như một thói quen dễ dãi, vì vậy, mới ra đời những khẩu hiệu mà sự “nhiệt liệt chào mừng” trở nên vô duyên hơn bao giờ hết: Nhiệt liệt chào mừng ngày toàn dân đi tiêm chó; Nhiệt liệt chào mừng ngày uống thuốc tẩy giun; Nhiệt liệt chào mừng ngày toàn quốc kháng chiến; Tinh thần ngày thương binh diệt sĩ bất diệt… Nếu như hai khẩu hiệu đầu gây cười vì các diễn đạt đao to búa lớn cho một thông tin rất thông dụng của đời sống hàng ngày, thì hai khẩu hiệu sau có thể khiến một số người bức xúc vì tính nhạy cảm văn hóa của nó. Ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 là mốc lịch sử quan trọng xứng đáng được kỷ niệm, nhưng nó hoàn toàn không phải là điều cần “nhiệt liệt chào mừng”. Hòa bình mới là khát vọng của nhân loại, chỉ trong những thời điểm lịch sử đặc biệt, chúng ta mới phải hát lời ca: “kẻ thù buộc ta ôm cây súng”. Tương tự như thế, cụm từ “tinh thần ngày thương binh liệt sĩ” là cách diễn đạt sáo ngữ, vừa tối nghĩa, vừa lệch tông văn hóa. Nó “lãng mạn hóa” sự hy sinh, nó coi những mất mát của cha anh là một thứ “tinh thần bất diệt”. Nhưng quả thật, cách diễn đạt ấy khó thuyết phục người nghe hơn một cách nói giản dị mà chân thành về sự cảm phục, biết ơn của thế hệ đi sau đối với người đi trước.

Trên đường phố, đôi lúc ta bắt gặp những khẩu hiệu hình thành một cách dễ dãi, cẩu thả: “Chăm sóc sức khỏe của con người, hãy đưa chó đi tiêm”, hay những khẩu hiệu “nặng lời” thái quá: “Bệnh trộm cắp vặt là thứ sâu mọt bẩn thỉu cần tẩy chay khỏi xã hội”. Có những khẩu hiệu “chống kỳ thị” nhưng cách diễn đạt lại dễ gây mặc cảm, tổn thương: “Bệnh Lao là nguyên nhân trì hoãn sự phát triển của xã hội. Hãy đem đến cho người bị Lao tình thương”…

Những slogan chưa thuyết phục được người đọc dẫu về phương diện thông tin nó đã hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền về một tư tưởng đúng đắn. Nhớ cách đây vài năm, một họa sĩ ở Hà Nội đã bày tỏ ý tưởng về một cuộc thi sáng tạo khẩu hiệu đường phố sao cho mới mẻ, phù hợp với tinh thần thời đại. Ý tưởng ấy được rất nhiều nhà khoa học và công chúng hoan nghênh, nhưng từ đó đến nay, hình như nó vẫn chưa được khởi động?

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Phong bì mừng cưới

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Văn chương và các hội văn chương

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ấn đền Trần không phải để thăng quan!

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Để dân không bị phạt

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Tinh giản… nghệ thuật

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 4 tháng trước