Chủ nhật, ngày 29 tháng 12 năm 2024
09:32 (GMT +7)

Văn hóa tranh luận và sự minh bạch thông tin

VNTN - Trước thời gian bước vào năm học mới (2018-2019) gần một tháng, trong cộng đồng mạng nổi lên “cơn bão” chê bai, phản đối cuốn Tiếng Việt lớp 1 soạn theo chương trình sách công nghệ giáo dục (CNGD). Nhiều tài khoản facebook bàn luận, phân tích…, chỉ ra những “lỗi” vô cùng trầm trọng của cuốn sách chuẩn bị đưa vào giảng dạy tại hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Thậm chí, cả “lỗi” của nhiều năm trước, của chương trình học khác cũng được chia sẻ và bình luận gay gắt. Từ đó, nơi nào, người nào phản đối học theo chương trình sách CNGD là được tung hô, khen ngợi.

Tất nhiên, tác giả của sách Tiếng Việt lớp 1 nói trên là Giáo sư Tiến sĩ khoa học Hồ Ngọc Đại trở thành tâm “bão”. Ông bị “ném đá” tơi tả bằng nhiều lời lẽ thiếu văn hóa, thậm chí thô tục, xúc phạm. Có người nhân danh ông bà, cha mẹ của học sinh lớp 1, có người tự cho mình am hiểu về dạy và học… sử dụng mạng xã hội chửi bới không khác gì “hàng tôm hàng cá” để quy kết cho ông Hồ Ngọc Đại làm việc này vì lợi ích cá nhân; cao hơn, họ đẩy cho ông tội phản động, phá hoại; rồi họ chế ảnh tế sống, đưa đám ông…

Trên đà suy diễn, người ta đặt câu hỏi về sự chia chác của ban soạn thảo sách, về phần trăm “hoa hồng” của những dự án giáo dục, về trách nhiệm của Bộ trưởng và sự xuống cấp của nền giáo dục nước nhà…

Cơn cuồng nộ đến “say máu” của cộng đồng mạng khiến chúng ta nhớ đến thời điểm đầu tháng 8 năm nay, khi Asiad 2018 được tổ chức ở Indonesia, Đài Truyền hình Việt Nam đã từ chối mua bản quyền khiến người hâm mộ thể thao không được thoải mái xem thi đấu (chủ yếu là xem các cầu thủ vàng U23 tranh tài ở môn bóng đá) qua các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam như trước. Họ phải xem “chui” qua trang web đặt tại Mỹ có tên Xoilac.tv. Cũng từ đây, một “cơn bão” dư luận nhằm vào người đứng đầu Đài Truyền hình Việt Nam. Họ đặt vấn đề xem lại chức năng nhiệm vụ của Đài, nâng lên vấn đề tham nhũng và ăn hối lộ. Đến khi Đài Tiếng nói Việt Nam mua bản quyền phục vụ công chúng, thì không ít người lại “xọc” mũi dùi vào mối quan hệ giữa hai cơ quan, “phán” rất mạnh về động cơ chính trị của người này người nọ.

Lạ một điều, trong khi dư luận mất tỉnh táo như vậy, thì những người có trách nhiệm làm sáng tỏ các vấn đề lại hoàn toàn im lặng hoặc phản ứng rất chậm chạp.

Giáo sư Tiến sĩ Hồ Ngọc Đại mới lên tiếng tại cuộc họp báo tổ chức ngày 8/9. Ông trả lời tất cả các thắc mắc liên quan đến chương trình sách CNGD. Sau cuộc họp, nhiều người đã hiểu và quay sang ủng hộ ông.

Sẽ không có phản ứng dữ dội đến thế về sách CNGD nếu như trước đó, Bộ Giáo dục Đào tạo mở các cuộc hội thảo, hỏi - đáp trực tuyến đến những người làm giáo dục và phụ huynh về sách CNGD. Nếu mục đích của người viết sách là hướng tới sự tiến bộ của người học, là hiệu quả bền vững nó mang lại thì chắc chắn sẽ phù hợp với mong muốn của tuyệt đại đa số phụ huynh học sinh. Tiếc rằng, phải để đến lúc “nước sôi lửa bỏng” Bộ mới làm công tác truyền thông, công việc đáng ra phải làm trước đó.

Công khai và minh bạch là giải pháp hữu hiệu để trấn áp luồng thông tin xấu. Dư luận đến giờ vẫn đặt câu hỏi: Đài Truyền hình Việt Nam bị ra giá mua bản quyền Asiad 2018 là bao nhiêu? Bài toán lỗ lãi giữa kinh doanh và phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đài ra sao? Có còn nguyên nhân nào khác không??? Với lực lượng truyền thông hùng hậu trong tay, Đài hoàn toàn có thể tháo gỡ các khúc mắc nói trên qua một cuộc phỏng vấn. Người đứng đầu nên trả lời thẳng vào những vấn đề mọi người đang quan tâm với thái độ thẳng thắn và tôn trọng khán giả.

Những sự việc diễn ra gần đây đã bộc lộ nhận thức, cách ứng xử và văn hóa tranh luận của khá nhiều người tham gia cộng đồng mạng đang có vấn đề. Đồng thời cũng bộc lộ sự yếu kém trong xử lý dư luận của những người có trách nhiệm. Chúng ta đang thực hiện khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Người dân có quyền thắc mắc, thảo luận, phản đối vấn đề nhưng nên với thái độ bình tĩnh và văn minh. Còn chính quyền có trách nhiệm công khai và minh bạch thông tin. Nếu làm được như vậy thì hai phía sẽ thiết lập được niềm tin và sự tôn trọng. Khi đã tin và tôn trọng lẫn nhau thì sẽ không xảy ra các cơn “bão” dư luận đáng buồn trên mạng xã hội như những ngày qua.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tinh giản… nghệ thuật

Xem tin nổi bật 1 ngày trước

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Một cuộc cách mạng chưa từng có

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Sống chung với lũ

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Người dẫn đường và con đường đã mở

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 5 tháng trước