Thứ bảy, ngày 19 tháng 04 năm 2025
15:48 (GMT +7)

Văn hóa phản biện

VNTN - Câu chuyện về đề xuất cải cách chữ Quốc ngữ của PGS.TS. Bùi Hiền đã làm nóng mọi diễn đàn xã hội suốt gần một tháng qua và hình như chưa có dấu hiệu lắng xuống. Sự việc lùm xùm đến mức, chỉ cần nhắc đến hai chữ “Tiếng Việt” thôi là người ta đã hiểu ý, cười chế nhạo hay nhảy lên như giẫm phải gai. Không ít ý kiến cho rằng: Chưa biết phải trái đúng sai thế nào, nhưng riêng việc tạo hiệu ứng xã hội thì đề tài của PGS. Bùi Hiền đã thành công rực rỡ, ăn đứt hàng ngàn công trình khoa học vẫn im ỉm trên giá sách thư viện từ năm này sang năm khác, dẫu cho công trình nào cũng tự xưng là “có giá trị khoa học và thực tiễn”.

Xoay quanh hiện tượng “Tiếq Việt” có rất nhiều vấn đề cần bàn bạc, từ góc độ khoa học đến đời sống. Hàng chục nhà nghiên cứu tiếng tăm đã bày tỏ chính kiến, để rồi được ngợi ca, tung hô hay lên án gay gắt vì “vạ miệng”. Quả thực, không cần một cuộc tổng điều tra dư luận, vẫn có thể khẳng định chắc chắn, đến thời điểm này, ý tưởng “cách mạng” của nhà nghiên cứu 83 tuổi đã không làm hài lòng phần đa dân số. Chưa đồng tình thì lẽ đương nhiên, người ta có quyền phủ định, bác bỏ, phê phán, thậm chí là lên án nếu nó là vấn đề thuộc phạm trù đạo đức, văn hóa. Nhưng cách phản ứng của đám đông trên mạng xã hội như thế nào? Họ chửi bới, hạ nhục, xúc phạm tác giả. Họ ghép hình ông vào bia mộ, trù ẻo ông chết vì dám sản sinh “quái chữ”. Họ dùng chính thứ chữ được cho là “cả nước phải học lại cả năm” để viết những đoạn văn dài lê thê với lời lẽ mạt sát. Họ ùn ùn chia sẻ bất cứ bài viết nào có nội dung “nói xấu Tiếq Việt” bất chấp tính khoa học và nhân văn. Họ thể hiện tài hoa bằng mấy câu thơ than vãn cho tiếng mẹ đẻ đang đứng trên bờ vực sống còn. Nhưng, trong không ít bài viết, câu thơ được coi là “nhận mưa lời khen”, “thu hút triệu like” ta vẫn bắt gặp những bình luận đầy cảm tính, ngu ngơ như: may phúc có Đảng và Bác Hồ mà chúng ta đã xóa mù chữ, nay cải tổ chữ viết thì nước mình lại quay lại thời kỳ ngu dân; cải cách chữ quốc ngữ là động vào những giá trị thiêng liêng như tiếng ầu ơ bà đưa võng mẹ, tiếng tổ tiên vọng về, là động đến vong linh những người đã khuất như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi (chứ không phải Alexan de Rhodes!) …

Chúng ta chắc chắn sẽ không phải học lại Tiếng Việt bởi đề xuất đổi chữ hoàn toàn mới chỉ dừng lại ở công trình nghiên cứu và bộc lộ những mặt hạn chế. Nhưng chúng ta lại cần phải học một thứ khác, ấy là văn hóa phản biện - nét văn hóa của con người dân chủ, văn minh trong thời đại tự do ngôn luận. Lịch sử Việt Nam với gốc văn hóa nông nghiệp và sự ảnh hưởng sâu đậm của Nho giáo, đề cao cái Nhẫn, Lễ, Hòa… đã đem đến cho người Việt lối ứng xử nhã nhặn “một sự nhịn là chín sự lành”, nhưng lại tước đi một vũ khí rất quan trọng là tư duy bác bỏ và khả năng tranh luận. Trong cuộc chiến bảo vệ Tiếng Việt, hạn chế ấy bộc lộ rõ hơn bao giờ hết. Trước một vấn đề, người Việt thường nhìn nhận cảm tính. Vì thế, thay bằng việc nhìn vào bản chất sự việc, tranh luận bằng luận cứ khoa học, chúng ta lại đưa ra những lý do “thiêng liêng” mà “vô hình” như: linh hồn dân tộc, mồ mả tổ tiên, tiếng ru của bà, con cò trên ruộng… Nó thật giống với hình ảnh người mẹ quê không dạy được con thì chỉ còn cách thắp hương cho chồng mà kêu: “Ối ông ơi, ông về mà xem…”. Nhiều người phản biện nhưng chưa hề hiểu về cái mình chỉ trích, cũng không hiểu chính điều mình nói, để rồi đưa ra những lí lẽ ngờ nghệch, nông cạn kiểu: cải cách Tiếng Việt là làm mất tục ngữ, ca dao; là xúc phạm cố nhân như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi… Họ không biết rằng, tiếng nói và chữ viết là hai điều khác biệt, rằng cánh cò trong ca dao chẳng thể mất đi dù có thay bao nhiêu kiểu văn tự. Và các cụ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du vô can trong cuộc chiến này, bởi họ đã sáng tạo ra tinh hoa ngay cả khi chưa biết đến bảng chữ cái.

Nhưng có lẽ, điều cần nói nhất ở đây là thái độ văn hóa trong tranh biện. Trong bóng tối, trên bàn phím, khi không phải chịu trách nhiệm cho phát ngôn của mình, ai nấy mặc sức ném vào ông Giáo sư già tất cả những lời lẽ nặng nề nhất có thể. Người ta lo ngại cho chữ quốc ngữ thì ít mà a dua đám đông thì nhiều, người ta lấy việc nói xấu “ông Hiền” như một cách thể hiện mình “yêu nước”, “yêu tiếng Việt”, theo kịp thời thế hay đơn giản là câu like mua vui. E rằng, sau “tai nạn” của PGS. Bùi Hiền, sẽ không ít người thận trọng mà chùn bước trước cái mới, rất nhiều ý tưởng sẽ bị giết chết khi còn đang thai nghén.

Bỗng nhớ tới một bài học trong Sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 11: “Thao tác lập luận bác bỏ”. Bài học ấy lâu nay nhiều em vẫn chỉ lướt qua tiêu đề vì coi nó như một thứ lý thuyết xa lạ…

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Phong bì mừng cưới

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Văn chương và các hội văn chương

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ấn đền Trần không phải để thăng quan!

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Để dân không bị phạt

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Tinh giản… nghệ thuật

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 4 tháng trước