
Góc biếm họa số 6 (2025)

VNTN - Mới đây, phát biểu tại Lễ phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức, khi nói về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã không ngần ngại dùng cụm từ “Văn hóa không nhúc nhích” để chỉ một bộ phận không nhỏ người hưởng lương ngân sách hiện nay. Văn hóa “không nhúc nhích” theo ý Thủ tướng chỉ những người có tác phong làm việc cầm chừng, chỉ cần “tròn vai”, không sáng kiến, sáng tạo; không muốn va chạm, tranh luận, phản biện; không mắc lỗi nhưng cũng không thành tích. Vô cảm với công việc, cố “ngồi ghế” cho đủ tuổi lĩnh lương hưu, “hạ cánh an toàn” là mục đích của những người này. Nhận diện đội ngũ này không khó. “Văn hóa không nhúc nhích” với công chức thừa hành nhiệm vụ biểu hiện bằng tác phong “sớm không vừa trưa không vội”, “nước đến chân mới nhảy”. Ngay trong giờ làm việc, họ vẫn có thể lê la quán xá, chuyện phiếm bàn trà hoặc tranh thủ giải quyết việc riêng. Với cán bộ có chức quyền, “văn hóa không nhúc nhích” bộc lộ rõ nhất vào thời điểm chuẩn bị bỏ phiếu tín nhiệm hoặc đề bạt. Họ bỗng nhiên “ngoan hiền”, “dĩ hòa vi quý”, không muốn động chạm, sợ mất lòng, mất phiếu. Nên giai đoạn này ít vấn đề bức xúc được quyết đáp. Vì sao chúng ta lại sở hữu đội ngũ có những người mang tư duy làm việc xấu xí như vậy? Sinh thời, Bác Hồ đã chỉ ra một trong những nguyên nhân làm hạn chế chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nằm ở khâu tuyển dụng, đề bạt: “Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn; Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực; Ham dùng những người tính tình hợp với mình. Ai hẩu với mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không hẩu với mình thì dù có tài cũng dìm họ xuống, họ phải mấy cũng không nghe. Đó là một khuyết điểm rất có hại. Nó làm cho đoàn thể mất cán bộ, kém nhất trí, thường hỏng việc, làm cho những nhân tài không có cơ hội để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” (Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, t.5). Với số lượng cán bộ, công chức đông đúc, không hiếm địa phương, đơn vị tồn tại những người “vắng mợ thì chợ vẫn đông, mợ đi lấy chồng chợ vẫn cứ vui”, bởi phần việc họ đảm nhiệm có thể giao cho người khác “làm cố” một tí là xong. Thế nhưng, vì nhiều lý do, những người này vẫn “sống vui sống khỏe” trong cơ quan. Nói một cách công bằng, không ít cán bộ, công chức ban đầu rất tâm huyết với nhiệm vụ. Họ phát huy sáng kiến, đề xuất tham mưu nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất lao động, mang lại lợi ích cho tập thể. Nhưng cũng vì nhiều lý do, họ không được tuyên dương khen thưởng kịp thời; nếu có thì giá trị khen thưởng không tương xứng. Chưa kể, trong quá trình làm việc năng nổ, họ va chạm với người này người khác, khiến không được lòng đồng nghiệp và cấp trên. Trong khi đó, nhiều người làm việc tắc trách, vô cảm vẫn không bị phê bình kỷ luật, đến kỳ hạn vẫn lên lương đều đặn. Từ đó, người tích cực “ngộ” ra rằng: Cứ theo kiểu “không nhúc nhích” là yên ổn nhất. Cách đây 6 năm, phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức ngày 25-1-2013, ông Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Phó Thủ tướng) đánh giá: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”. Hai cách nói khác nhau chỉ cùng một sự việc, cho thấy chất lượng đội ngũ qua nhiều năm áp dụng biện pháp nâng cao, nhưng sự yếu kém, trì trệ vẫn khá nặng nề. Để xóa được tư duy “không nhúc nhích” trong đội ngũ cán bộ, công chức, chắc hẳn phải có nhiều giải pháp đồng bộ từ cấp vĩ mô. Tuy nhiên, nếu từng địa phương, từng đơn vị nghiêm khắc chỉ ra những ai đang làm việc theo kiểu “không nhúc nhích” mà chấn chỉnh đội ngũ của mình; nếu mỗi cán bộ lãnh đạo là tấm gương liêm chính và say mê cống hiến, thì ngân sách nhà nước sẽ bớt được phần nào gánh nặng bởi những người “không nhúc nhích” đang bám vào.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...