VẤN ĐỀ BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG SÁNG TÁC CỦA CÁC NHÀ VĂN TRẺ DÂN TỘC THIỂU SỐ ĐẦU THẾ KỶ XXI
VNTN - Như chúng ta đã biết, sau 70 năm vận động và phát triển (từ 1945 cho tới nay) - Văn học các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam đã vươn tới những thành tựu đáng tự hào, và đã thực sự trở thành một bộ phận hợp thành quan trọng của nền văn học Việt Nam hiện đại vốn rất phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc.
Trong suốt già nửa thế kỷ đó, bao thế hệ nhà văn người DTTS đã nối tiếp nhau, tích cực, sáng tạo, cho ra đời hàng ngàn tác phẩm văn học thuộc tất cả các thể loại và đã góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của nền văn học dân tộc trong quá trình hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Có thể tạm chia thành 3 thế hệ tác giả DTTS (kể từ năm 1945 cho tới nay), tương ứng với 3 giai đoạn phát triển của văn học DTTS thời kỳ hiện đại. Cụ thể như sau:
* Thế hệ thứ nhất: Bao gồm các tác giả xuất hiện từ sau năm 1945 đến năm 1975. Đây là lớp tác giả đầu tiên và có nhiều cống hiến trong giai đoạn văn học chống Pháp, chống Mỹ. Họ chính là những người đặt nền móng, người mở đầu cho bộ phận văn học DTTS xuất hiện trong đời sống văn học nước nhà thời kỳ hiện đại. Những đại diện tiêu biểu của thế hệ tác giả đầu tiên này là: Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Nông Viết Toại, Hoàng Nó, Cầm Biêu, Lương Quí Nhân, Hoàng Hạc, Nông Minh Châu, Mã Thế Vinh,…
* Thế hệ thứ hai: Bao gồm lớp nhà văn trưởng thành và có nhiều đóng góp cho sự phát triển mạnh mẽ, rực rỡ và toàn diện của văn học các DTTS trong những năm từ sau 1975 đến năm 2000.
Gặp mặt người viết văn trẻ Việt Bắc, một hoạt động do Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên khởi xướng. Ảnh: Quang Khải
Đây là thế hệ đông đảo nhất và đã đạt được rất nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Và cũng chính thế hệ này đã dựng lên một diện mạo khá toàn diện của văn học DTTS Việt Nam với đầy đủ các thể loại như: Văn xuôi (bao gồm: Truyện ngắn, tiểu thuyết, ký, tản văn…); Thơ (bao gồm: Thơ trữ tình, trường ca, truyện thơ…); Kịch bản văn học; Nghiên cứu, sưu tầm và lý luận phê bình văn học…). Có thể kể tên hàng loạt các tác giả tiêu biểu của thế hệ nhà văn thứ hai này như: Vi Hồng, Mã A Lềnh, Y Điêng, Kim Nhất, Vi Thị Kim Bình, Cao Sơn Hải, Bùi Nhị Lê, Trần Thanh Pôn, Hoàng Hữu Sang, Ma Trường Nguyên, Hà Thị Cẩm Anh, Lò Ngân Sủn, Pờ Sảo Mìn, Bế Thành Long, Y Phương, Cao Duy Sơn, Hữu Tiến, Cầm Hùng, Lâm Quí, Lò Cao Nhum, La Quán Miên, Triệu Kim Văn, Mai Liễu, Lò Vũ Vân, Dương Thuấn, Dương Khâu Luông, Hờ A Di, Đoàn Hữu Nam, H’linh Niê, Inrasara, Trà Vigla, Nông Thị Ngọc Hòa, Đoàn Ngọc Minh, Bùi Thị Như Lan, Bùi Tuyết Mai, Chu Thùy Liên…
* Thế hệ thứ ba: Là lớp nhà văn trẻ trên dưới 35 tuổi, đã và đang tiếp nối con đường văn chương của thế hệ cha, anh trong sự sáng tạo, đổi mới và hội nhập. Họ chính là những người sẽ đóng góp một vai trò quan trọng trong việc làm nên một diện mạo mới của văn học các DTTS Việt Nam thế kỷ XXI.
Vậy, họ là ai?
Trước hết, có thể nói rằng: Họ là một lực lượng, một đội ngũ khá đông đảo, bao gồm các cây bút trẻ thuộc các DTTS Việt Nam. Ở khu vực miền núi phía Bắc có các cây bút dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Hmông, Thái,…; khu vực miền Trung có các cây bút dân tộc: Mường, Thái…; khu vực Tây Nguyên có các cây bút dân tộc: Ê Đê, Gia Rai, K’ho…; và khu vực Nam bộ có các cây bút dân tộc: Kh’me, Chăm, Hoa… Họ là những người trẻ tuổi, đam mê với văn chương, đa số được đào tạo khá cơ bản, có trình độ văn hóa (hầu hết đều có trình độ cao đẳng và đại học), trong đó có những người đã được học Đại học Viết văn. Những sáng tác của họ đã được công bố rộng rãi trên các báo, các tạp chí văn hóa, văn học nghệ thuật trung ương và địa phương; họ có nhiều tác phẩm được xuất bản và đã đạt được khá nhiều giải thưởng văn học có uy tín trong nước; thậm chí đã có những tác phẩm được giới thiệu ra nước ngoài…
Một loạt cái tên đã trở thành quen thuộc với bạn đọc trong khu vực miền núi và trong cả nước như: Hoàng Thanh Hương, Kha Thị Thường, Vi Thị Thu Đạm, Mã Anh Lâm, Đinh Thị Mai Lan, Thạch Đờ Ni, Hà Thị Hải Yến, Niê Thanh Mai, Vi Thùy Linh, Đoàn Hữu Tài, Nông Quốc Lập, Hoàng Chiến Thắng, Đàm Thị Hải Yến, Tằng A Tài, Ngô Bá Hòa, Phùng Hải Yến, Phùng Thị Hương Ly, Triệu Hoàng Giang…
Nếu như những thế hệ nhà văn đi trước đã hoàn thành một cách xuất sắc vai trò người mở đầu, người đặt nền móng cho văn học DTTS thời kỳ hiện đại hình thành và phát triển (thế hệ thứ nhất); đã khắc họa rõ nét, sinh động diện mạo và đặc điểm của một bộ phận văn học đặc sắc, đậm đặc chất dân tộc và miền núi này (thế hệ thứ hai) - thì thế hệ nhà văn thứ ba - họ đã làm được những điều gì và họ sẽ cần phải làm những điều gì để có thể trở thành những người sẽ góp phần quan trọng vào việc làm nên một diện mạo mới cho văn học DTTS Việt Nam thế kỷ XXI, đáp ứng với nhu cầu của thế hệ bạn đọc mới (người DTTS và người Kinh, trong nước và ngoài nước); đáp ứng với sự vận động, phát triển theo xu hướng hiện đại và hội nhập quốc tế của văn học Việt Nam nói chung trong giai đoạn lịch sử mới của đất nước.
Một điều dễ nhận thấy ở họ - những cây bút DTTS trẻ là: họ thực sự đam mê và luôn có khát vọng sáng tạo, đổi mới văn chương. Họ đã cố gắng rất nhiều trong việc đổi mới cách viết, cách nhìn và điểm nhìn nghệ thuật. Văn chương của họ tươi tắn, hồn nhiên, hiện đại, thông minh và “láu lỉnh” hơn so với các cây bút thuộc thế hệ trước. Họ đề cập đến các vấn đề xã hội, vấn đề cá nhân một cách đa diện, đa chiều hơn. Đặc biệt, họ ít bị chi phối bởi khuôn khổ, bởi các “mô típ” nghệ thuật mang tính truyền thống hơn so với các nhà văn lớp trước. Có lẽ cũng chính vì vậy mà họ đã tạo lên một không khí mới, một mầu sắc mới, một hơi thở mới trong đời sống văn học các DTTS vào những năm đầu thế kỷ XXI; và bước đầu họ cũng đã thu hút được sự chú ý và đánh giá khá cao của một số bạn đọc, nhất là những người đọc trẻ ở các địa phương miền núi cũng như ở một số khu vực khác trong cả nước. Bên cạnh đó còn có một xu hướng các nhà văn trẻ có ý thức kế thừa những tinh hoa của văn học truyền thống cùng những thành tựu mà thế hệ nhà văn trước đã đạt được – trên cơ sở làm mới lên, làm phong phú hơn, có tính hiện đại hơn trong cách cảm, cách nghĩ, cách diễn đạt và cách viết của thế hệ mình. Họ xác định cần phải học, phải bồi dưỡng tri thức để nâng cao trình độ và phải tiếp cận với nhiều phương pháp sáng tác hiện đại để có thể đổi mới trong quá trình sáng tác, nhưng vẫn phải là “người đồng mình” (theo cách nói của nhà thơ Y Phương) trong trái tim và tâm hồn người viết. Chính vì vậy, họ đã cho ra đời những tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa tộc người nhưng với lối viết hiện đại, khiến cho người đọc thú vị, hấp dẫn bởi hương vị độc đáo cùng mầu sắc riêng biệt của nó (ví dụ những sáng tác của Kha Thị Thường, Vi Thị Thu Đạm, Niê Thanh Mai, Nông Quốc Lập và Hoàng Chiến Thắng…).
Đó là những mặt mạnh, những ưu điểm nổi bật trong sáng tác của các nhà văn DTTS trẻ, thuộc thế hệ thứ ba. Tuy nhiên cũng rất dễ nhận thấy một số hạn chế của chính thế hệ tác giả trẻ tuổi này - những hạn chế ảnh hưởng không ít tới chất lượng, tới giá trị đích thực của các tác phẩm văn chương của thế hệ họ.
Có lẽ đầu tiên phải kể đến là những hạn chế nhất định của tác giả trẻ về vốn sống cùng những nhận thức, hiểu biết sâu sắc và toàn diện các vấn đề thuộc về đời sống kinh tế chính trị, văn hóa, xã hội… của đất nước – trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt đầy sự phức tạp với bao cơ hội mới, cùng bao thách thức khó khăn mới - đối với toàn dân tộc cũng như đối với từng cá nhân trong xã hội. Do đó, một số cây bút trẻ đã chủ động hướng ngòi bút của mình vào việc khai thác quá sâu vào địa hạt của cái TÔI CÁ NHÂN - tới mức tách biệt hẳn ra khỏi cái TA mang tính cộng đồng. Do đó, nhiều khi họ dường như đã bị lạc hẳn vào cái mê cung của chính cái TÔI CÔ ĐƠN, hoang mang, trống rỗng và bế tắc đó. Từ đó dẫn tới những suy nghĩ, những tình cảm, xúc cảm, những hành động mang tính cực đoan, không phù hợp với tâm lý, tính cách và lối ứng xử văn hóa của con người Việt Nam nói chung, con người DTTS nói riêng. Xu hướng đi sâu vào việc khai thác đề tài tình dục, coi tình dục như một cứu cánh cho tình yêu và hạnh phúc lứa đôi; xu hướng đi sâu vào việc mô tả, thể hiện thế giới vô thức với cái nhìn đầy u ám, với sự cô đơn, trống rỗng, hoặc nổi loạn mang mầu sắc tiêu cực của cái TÔI CÁ NHÂN... trong các tác phẩm của một số cây bút trẻ - có lẽ cũng được xuất phát từ chính hạn chế này.
Thứ hai là sự hạn chế về vốn văn hóa dân tộc truyền thống đối với một số không ít các tác giả trẻ DTTS. Hiện tượng nhà văn DTTS mà không biết nói tiếng dân tộc, không biết viết bằng ngôn ngữ dân tộc của mình là tương đối phổ biến đối với khá nhiều cây bút trẻ hiện nay. Điều đó vẫn có thể chấp nhận được nhưng thật khó chấp nhận khi một số tác giả hầu như đã thoát ly hẳn, đã không còn “dấu vết” gì trong các sáng tác của mình, cái gọi là bản sắc dân tộc trên tất cả các phương diện: từ nội dung đến nghệ thuật; từ cách cảm, cách nghĩ, cách viết đến các hệ thống biểu tượng, đến ngôn ngữ và giọng điệu…, khiến người đọc không thể nhận ra: đây chính là đứa con tinh thần của nhà văn DTTS. Sự thiếu hụt về vốn văn hóa dân tộc truyền thống nói chung, vốn văn học dân gian dân tộc nói riêng – luôn là một nguy cơ khiến cho các tác phẩm của họ sẽ ngày một phai nhạt đi, mất đi những nét riêng, độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa các tộc người ở Việt Nam.
Văn học DTTS trong khoảng 10 năm tới vẫn còn sự có mặt của lớp nhà văn thế hệ 5X, 6X - những người vẫn luôn nặng lòng và tha thiết với những giá trị văn hóa, văn học truyền thống, nhưng sau đó sẽ là giai đoạn văn học của thế hệ những người viết trẻ hôm nay. Họ chính là những người sẽ làm nên diện mạo văn học DTTS Việt Nam thế kỷ XXI. Vì thế những vấn đề mà chúng tôi nêu ra ở đây (cả những mặt mạnh cùng mặt hạn chế của thế hệ họ) chỉ muốn nhằm một mục đích duy nhất là: mong muốn họ tiếp tục phát huy những thế mạnh của mình và sẽ tự điều chỉnh, sẽ tự hoàn thiện để nâng cao trình độ và năng lực; luôn sáng tạo và đổi mới trong tư duy nghệ thuật, trong thi pháp…, nhưng vẫn luôn kế thừa được những tinh hoa của nền văn hóa, văn học truyền thống để luôn làm mới mẻ hơn, hiện đại hơn, hấp dẫn hơn những đứa con tinh thần của mình trong đời sống văn học thời kỳ mới của đất nước.
Và chúng tôi luôn tin tưởng - họ sẽ làm nên một diện mạo mới cho “vườn hoa đầy hương sắc”(*) của văn học các DTTS Việt Nam trong thế kỷ XXI - bởi “Những người con của núi” hôm nay vẫn luôn tự nhủ mình rằng:
“Xuống núi
Là để lấy cái khôn cho vào túi mang về”
(Trích thơ Hoàng Chiến Thắng).
PGS.TS Trần Thị Việt Trung
(*) Nông Quốc Chấn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...