Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
01:46 (GMT +7)

Văn chương trẻ: tìm kiếm giá trị

VNTN - Sáng tác văn chương của các lứa tuổi trẻ tăng lên nhanh chóng, có gia tốc, trong hơn mười năm qua. Ở đây chỉ nói đến trong khu vực văn xuôi, có thể thấy các tên sách xuất hiện mới mẻ và “ăn khách” trên thị trường sách văn học phần lớn là của những tác giả độ tuổi dưới bốn mươi trở lại, thường được gọi một cách thời thượng là các “thế hệ 7X, 8X, 9X”; thêm vào đó, trong khoảng năm năm lại đây, “văn chương mạng” nảy nở đồng loạt trên các blog và diễn đàn internet với lượng “page view” khó lường hết được. Một diện trường văn chương giải trí rộng rãi đã hình thành riêng cho giới trẻ, với những truyện “ngôn tình” lãng mạn siêu thực, những câu chuyện hư ảo phóng túng về “cái tôi”,... mà tất cả dường như đều ngầm hướng tới khẳng định mình như một giá trị của một lối sống hợp thời mới.

Một số tác phẩm gây chú ý của các tác giả trẻ

Khái niệm một thuở về “nhà văn trẻ”, “văn học trẻ” vốn dùng để chỉ các lớp tác giả (và tập hợp những sáng tác của họ) được động viên hoặc được tổ chức trong hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam như là một đội kế cận cho mấy thế hệ nhà văn Hội viên. Cái khái niệm mang nội hàm như thế nay đã thay đổi chính từ nội hàm của nó, khi trong những năm gần đây hầu như tất cả những người trẻ viết văn đều ngả theo các thị hiếu thời thượng để đến với việc bán được tác phẩm. Và cái đổi thay căn bản nhất mà các lứa văn chương này mang lại chính là việc họ làm cho quan hệ cung - cầu giữa sáng tác với thị trường văn học trở nên có thực chất, xét riêng với văn chương trong nước. Họ không có sự nâng đỡ của quá khứ để nổi bật lên trong các mối quan hệ nhân sự - nghề nghiệp có thể tác động vào việc được lựa chọn xuất bản; họ không có sự trợ giúp từ các hội đoàn, dù về tinh thần hay thông qua những đợt vận động sáng tác, đầu tư và tài trợ cho sáng tác. Cùng với quan hệ người viết văn - người xuất bản là mối quan hệ tay ba của cả hai phía với truyền thông đại chúng, một “làng” truyền thông rất mạnh về vai trò môi giới và có những mối liên hệ, liên kết tốt với xuất bản - phát hành.

Tiểu thuyết “ngôn tình” của những “nhà văn trẻ” Việt Nam dưới những bút danh kiểu Zuzu Linh, Shino, Lâm Băng Di,.v.v.. chia sẻ thị phần với “ngôn tình” và “kiếm hiệp lãng mạn” của những Minh Hiểu Khuê người Trung Quốc, được dịch và xuất bản tràn lan, chiếm chỗ bắt mắt trên các quầy sách ở khắp nơi. Truyện “ngôn tình” Việt nhìn chung còn rất non yếu, chưa đến tầm của thể loại văn chương này, vẫn còn có dáng dấp một trò chơi “tuổi teen” và chưa hề cho thấy một triển vọng rõ ràng nào. Nhưng trong diễn trình văn hóa - xã hội thời nay, không phải không có những hy vọng mơ hồ rằng lớp tác giả rất trẻ đó có thể đưa đến một mô hình phát triển rực rỡ như mẫu “K.pop” của Hàn Quốc.

Tương tự như thế là sự theo đuổi dòng văn chương giải trí kỳ ảo “fantasy”, như trong sáng tác của Hà Thủy Nguyên hay cây bút thiếu nhi Nguyễn Bình, và nổi đình đám hơn như Phan Hồn Nhiên với “Chuỗi hạt Azoth”, “Những đôi mắt lạnh”. Cần nhấn mạnh rằng sự gợi ý về thể loại này cũng đến từ quá trình nhập khẩu văn hóa, từ những “cơn sốt” truyện manga, coldsplay, hay từ “cơn sốt” Harry Potter,...

Cũng còn non yếu chẳng hơn là bao so với “ngôn tình” “tuổi teen”, khuynh hướng “fantasy” chưa cho thấy triển vọng trở thành một dòng mới trong văn chương trẻ Việt Nam. Tuy nhiên, sức thu hút của các thể loại văn chương này, khả năng tạo ra “thần tượng” trong những nhóm bạn đọc rất trẻ trên “thế giới mạng” cũng như qua ngả sách in, và nói chung, mức độ phổ cập chẳng thua kém gì so với các trò chơi điện tử, là những yếu tố khiến không nên coi nhẹ phương diện xã hội và tâm lý xã hội của các khuynh hướng nói trên.

Nổi bật hơn nhiều trong đời sống văn học là “văn học trẻ” của lứa nhà văn được dán nhãn “7X, 8X”, với những thành công về danh tiếng và xuất bản như Nguyễn Ngọc Tư, Di Li, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Đình Tú, Trần Nhã Thụy,.v.v.. hay một nhánh khác biệt hơn về tính hiện đại, của những Nguyễn Quỳnh Trang, Đặng Thiều Quang, Vũ Phương Nghi, Nguyễn Nguyên Phước,... và một nhánh nữa dường như tiếp nối giữa khu vực này với khu vực “ngôn tình”, rất nổi tiếng trên internet và cả trên thị trường sách, là những tác giả như Trang Hạ, Keng, Gào, Bùi Anh Tấn, Vũ Đình Giang... Khu vực “văn học trẻ” này rất đa dạng và sống động, bao gồm cả những tác giả - tác phẩm được nhìn nhận đánh giá cao trong dòng chính của văn hóa, cả những tác giả - tác phẩm chủ yếu tung hoành trên các diễn đàn liên mạng và trên thị trường sách tự do.

Họ, những cây bút trẻ rất khác nhau đó, đã trở thành một đối tác nặng cân của các đơn vị làm xuất bản văn học. Họ góp phần làm cho quan hệ cung - cầu sách văn học ngày nay trở nên thực chất hơn, bằng những sáng tác hợp thị hiếu đương thời, bằng các phong cách khá trung tính thiên về biểu hiện, dễ tiếp nhận, và rất nhiều câu chuyện tương hỗ với tính tò mò được khai thác và thỏa mãn hằng ngày trên truyền thông đại chúng.

Tính trẻ trên tất cả các phương diện chính là cái tạo nên mức hấp dẫn cao của khu vực văn chương này, bởi lẽ từ nhiều năm nay, hầu hết các sở thích thời thượng xã hội đều có một điểm chung là biểu hiện niềm ham muốn trẻ và được là trẻ.

Dường như vì thế mà các khuynh hướng văn chương trẻ nói trên ngầm có xu thế khẳng định tính giá trị của mình, một tính giá trị tựa hồ là tự thân, là hiển nhiên.

Quả là văn chương trong khi tái hiện hình ảnh con người trong thế giới có con người, do con người và hướng đến con người, thì cũng làm công việc - chức năng tái tạo các giá trị do con người đã tạo ra, đã áp đặt lên chính mình cũng như lên thế giới.

Nhưng cũng vì thế, nhận định về giá trị của văn chương, theo cách thông thường xưa nay, luôn chỉ quan niệm được trong mối quan hệ của mỗi sáng tác, mỗi dòng chảy văn chương với những tiền lệ, những mẫu mực văn chương đã được thừa nhận từ quá khứ đến hiện tại, tức là trong mối quan hệ với những truyền thống văn học đặc thù của mỗi dòng văn chương đó.

Nếu các tiểu thuyết “ngôn tình” mô phỏng văn chương ngôn tình Trung Quốc vốn có truyền thống lâu đời, các sáng tác “fantasy” Việt Nam dựa vào và thác triển quá nhiều những mô-típ truyện kỳ ảo hiện đại Âu - Mỹ, thì chưa biết khi nào chúng mới tìm được vị trí cho mình trong bảng giá trị văn học chung, hay nói riêng là trong văn chương tiếng Việt.

Sự thể có vẻ phức tạp và đa dạng hơn với khu vực “văn học trẻ” còn lại, chủ yếu kể những câu chuyện tái hiện con người Việt Nam trong xã hội ngày nay. Trong hầu hết những sáng tác đó, người ta thấy các mảnh không liền lạc của lối sống đương thời, thấy rất nhiều sự biểu hiện kiểu con người đang thích thú hay có vẻ đau khổ khám phá cái con người cá-nhân-khao-khát-biểu-hiện của mình,... nhưng tất cả, đáng tiếc, thường rất mỏng manh về bề dày quá khứ và văn hóa - một sự mỏng manh dễ nhận thấy ngay từ những câu văn phần nhiều trơn tru hoặc hẫng hụt một cách không tự nhiên.

Thành công trên truyền thông về danh tiếng và trên thị trường về bán chạy hẳn chưa là đủ, khi người ta vẫn thấy nhiều tác giả trẻ săn đón cơ hội quảng bá cho mình và văn chương của mình. Sự tìm kiếm giá trị quả là một tìm kiếm lâu dài, đôi khi có lẽ từ tiềm thức, và có lẽ khó khăn, và có lẽ còn lạc hướng.

Nguyễn Chí Hoan

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy