Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
17:30 (GMT +7)

Vài nét về truyện kinh dị

VNTN - Với nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ thể loại truyện kinh dị ngay từ thế kỷ XVIII đã bắt đầu trở nên quen thuộc và vào nửa cuối thế kỷ XIX phát triển khá rực rỡ với hàng loạt tên tuổi như Gauthier, Aurevilly, Maupassant, Sade, E. Poe… Từ khi ra đời, truyện kinh dị (cả tiểu thuyết lẫn truyện ngắn) đã trở thành một nhu cầu đối với người đọc và hình thành như một thể loại văn học. Nhưng với độc giả Việt Nam thì còn hơi xa lạ, thậm chí đây đó còn tỏ ra ác cảm, dị ứng. Thực ra, ngay từ đầu thế kỷ XX, ảnh hưởng văn hóa phương Tây, đặc biệt là văn hóa Pháp, một số nhà văn Việt Nam đã thử bút với loại truyện kinh dị như Tchya Đái Đức Tuấn với “Ai hát giữa rừng khuya”, “Thần hổ”; Thế Lữ với các truyện ngắn, truyện vừa như “Đêm trăng”, “Vàng và máu”, “Trại Bồ Tùng Linh”; Lan Khai với “Cái hột mận”; Nhất Linh với “Bóng người trong sương mù”… từng chiếm được cảm tình bạn đọc nhiều thế hệ. Nhưng rồi do điều kiện lịch sử, do toàn dân tộc phải tập trung sức lực và trí tuệ vào các cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước… nên thể loại truyện này gần như mất hút. Chỉ cách đây vài chục năm truyện kinh dị mới được xới xáo trở lại, nhưng cũng trong không khí khá dè dặt. Một số tác giả viết truyện kinh dị nhưng khi gửi đăng báo thường e dè, chỉ ghi là truyện ngắn chung chung. Hình như chúng ta có ý ngại ngần hai tiếng “kinh dị”, coi đó là sản phẩm dị thường của mấy nước Âu, Mỹ. Có người, có thời gian còn coi đó là tuyên truyền mê tín dị đoan… Những quan niệm ấy là thiếu chính xác. Theo nhà nghiên cứu Đào Hùng thì “Truyện kinh dị là sản phẩm của nền văn hóa hiện đại. Nó kết hợp những hiểu biết khoa học, đánh giá thế giới dưới một cái nhìn sáng sủa, giải thiêng. Nhưng đồng thời và chủ yếu, đây là một phản ứng đối với những gì được coi là hợp lý, là khoa học”.

Nhìn về quá khứ, loại truyện tương đồng hoặc ít nhiều mang màu sắc kinh dị đã có mặt rất sớm ở Trung Quốc và cả Việt Nam từ rất xa xưa. Ngay từ những thế kỷ đầu Công nguyên, Trung Quốc đã có “Sơn hải kinh”, một cuốn sách mô tả những loại động vật kì quái, ma mị hoàn toàn không có trên mặt đất. Rồi nhiều thế kỷ sau đó, những yếu tố kinh dị luôn được các tác gia sử dụng như những thủ pháp làm cho tác phẩm trở nên hấp hẫn, cuốn hút người đọc. Nổi bật nhất là bộ “Liêu trai chí dị” của Bồ Tùng Linh đời nhà Minh, lấy hình thức truyện dân gian và trong đó các nhân vật toàn là những hồn ma, bóng quỷ, tinh chuột, hồ ly, rồi người biến thành cây cỏ, cây cỏ biến thành người… đã cuốn hút nhiều thế hệ người đọc trong và ngoài nước. Ngoài ra còn có thể kể thêm bộ trường thiên tiểu thuyết “Tây du ký” của Ngô Thừa Ân và vài cuốn khác. Ở Việt Nam, tuy có phần trầm lặng hơn nhưng cũng có sự xuất hiện các tác phẩm rất gần với truyện kinh dị như: “Lĩnh Nam chích quái”, “Truyền kỳ mạn lục”… Hơn nữa, nước ta có vua Lê Thánh Tông cũng say mê với loại truyện này, đã viết cả một tập sách, người đời sau lấy tên là “Thánh Tông di thảo”. Đây là một tập sách theo loại hình truyền kỳ nhưng mang những yếu tố của truyện kinh dị. Nhiều nhà lý luận cho rằng tác phẩm này là một cột mốc đánh dấu bước tiến của văn tự sự, từ chỗ chỉ nặng về ghi chép sự tích cũ tiến dần đến chỗ thực sự sáng tạo ra những truyện mới, lối viết mới.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Theo ý kiến của nhà nghiên cứu văn hóa Đỗ Lai Thúy thì: “Sang thời cận hiện đại, dưới ảnh hưởng của khoa học thực nghiệm và chủ nghĩa duy lý phương Tây, một số truyện kinh dị của Việt Nam và Trung Hoa đã được sáng tác theo quy luật của tiểu thuyết kinh dị hiện đại… Điều này, dù là sở trường hoặc sở đoản, thì cũng là một nét riêng tạo nên sắc thái Đông phương”. Và cũng theo nhà nghiên cứu này thì truyện kinh dị phương Tây trung đại giống với truyện kinh dị phương Đông hơn là truyện kinh dị phương Tây hiện đại. Có lẽ sau này do sự phát triển về khoa học, công nghệ, kỹ thuật mà truyện kinh dị phương Tây có phần khác đi.

Khác với các tác phẩm bình thường, truyện kinh dị hướng về một thế giới không trùng với đời sống thực tại. Các nhân vật của truyện kinh dị gồm cả người sống và người chết, các loại thực vật, động vật thành tinh, có khi là những bộ xương người, xương động vật... Nhưng tất cả dường như đang sống cùng một thế giới, không có sự phân biệt. Đấy là điểm khác biệt của truyện kinh dị với các tác phẩm dân gian, huyền thoại. Truyện kinh dị hầu như có mặt ở khắp các tác phẩm viết theo các phương pháp, các khuynh hướng nghệ thuật như hiện thực, lãng mạn, dòng ý thức, siêu thực, hậu hiện đại… Điều quan trọng và cũng là chủ đích của nó là đưa đến cho con người những nỗi sợ, một nhu cầu được sợ. Vì sợ cũng là một cảm xúc thẩm mỹ. Và với tư cách là những tác phẩm văn học, nó còn hướng con người về một thế giới quan, một quan niệm nghệ thuật.

Với Việt Nam, như ta đã biết, ngoài những tác phẩm mang tính kinh dị của Đái Đức Tuấn, Thế Lữ và vài ba tác giả khác ở đầu thế kỷ XX, cho đến khoảng thập kỷ cuối thế kỷ XX sang thế kỷ XXI, truyện kinh dị mới bắt đầu trở lại với văn đàn nước ta. Nhiều nhà văn tên tuổi cũng có hứng thú với thể loại này như Ma Văn Kháng, Nguyễn Phan Hách, Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê, Đoàn Lê, Tạ Duy Anh, Cao Duy Sơn… tuy chỉ là tay trái hoặc là sự “ghé thăm”, nhưng thỉnh thoảng ta cũng gặp các truyện ngắn kinh dị của họ trên sách báo... Năm 2001, Nhà xuất bản Hội Nhà văn cũng từng ấn hành cả một cuốn truyện kinh dị dày tới hơn 500 trang của nhiều tác giả trong cả nước… Ngoài ra, cũng có không ít tác giả kể cả ở trung ương và địa phương cũng đã thử bút ở thể loại này và có ít nhiều thành công. Có tác giả đã có thể ra sách riêng về thể loại truyện kinh dị. Thậm chí, có một vài tác giả trẻ chuyên viết truyện trinh thám nhưng rất đậm đặc màu sắc kinh dị, có thể coi như truyện kinh dị. Đơn cử như nhà văn Di Li với tiểu thuyết “Trại hoa đỏ” (tác giả ghi rõ ở bìa 1 là “tiểu thuyết trinh thám kinh dị”). Ở Thái Nguyên, tuy chưa nhiều nhưng cũng đã có một số tác giả như Nguyễn Đức Hạnh, Phan Thái… từng cho đăng tải những truyện kinh dị hoặc gần gũi với thể loại này. Như vậy, có thể nói, đến ngày hôm nay truyện kinh dị cũng đã bắt đầu trở thành một món ăn tinh thần đối với độc giả Việt Nam.

Nhưng về điều này, có lẽ Trung Quốc vượt xa chúng ta. Đã có nhiều tác giả có những truyện ngắn, tiểu thuyết kinh dị xuất sắc. Có thể kể đến những nhà văn nổi tiếng như Mạc Ngôn, Giả Bình Ao, Tô Đồng, Lạc Lâm Lang, Khổ Kỳ Kỳ… Trên văn đàn Trung Quốc, chúng ta dễ dàng tìm thấy những cuốn tiểu thuyết dày dặn như: “Quán trọ hoang thôn” (Sái Tuấn), “Kỳ án ánh trăng” (Quỷ Cổ Nữ), “Tấm vải đỏ” (Hồng Nương Tử), Hồ sơ bí ẩn (Khổ Kỳ Kỳ), “Người tìm xác” (Lạc Lâm Lang)…

Đọc tác phẩm kinh dị của các tác giả Trung Quốc và Việt Nam đương đại, ta dễ dàng nhận ra một nét tương đồng là đều có sự ảnh hưởng rất sâu sắc truyền thống phương Đông, trong đó “Liêu trai chí dị” có lẽ là tác phẩm được ảnh hưởng nhiều hơn cả. Có một hiện tượng rất đáng lưu ý: Cùng viết về mối quan hệ giữa người sống và người chết, các tác giả phương Tây thường đưa ra những tình tiết rất căng thẳng, hoặc những hình ảnh ghê rợn về sự thù hận, chém giết. Người sống thường bị các xác chết, hồn người chết báo thù một cách khốc liệt và thường dẫn đến những cái chết thương tâm (ví như truyện ngắn “Căn phòng áp mái” của I. Gordon - nhà văn Anh). Các truyện kinh dị của họ thường thiên về sự khiếp đảm, rùng rợn. Ngược lại, các nhà văn Việt Nam và Trung Quốc thì hơi khác. Truyện “Anh Đào” của nhà văn Tô Đồng (Trung Quốc) là một ví dụ. Truyện kể về một anh chàng bưu tá chuyên đưa thư, báo cho một bệnh viện. Một hôm trên đường đến gần bệnh viện, anh gặp một cô gái chắn đường hỏi có người gửi thư cho cô không? Ban đầu, thái độ đường đột và có phần hơi dị thường của cô gái (Anh Đào) làm anh bưu tá hơi phật ý, nhưng sau đó, thấy sự chân tình và nhất là trước nỗi thất vọng khổ đau đến cùng tận của Anh Đào khi không nhận được thư người nhà gửi, anh bỗng trở nên thương cảm. Càng về sau tình cảm của họ càng trở nên thân thiết hơn. Rồi một lần, theo lời hẹn của Anh Đào, anh bưu tá vào bệnh viện thăm cô. Anh Đào dặn dò rất kỹ, nơi cô nằm là “giường số chín, khu số chín”. Khi vào trong bệnh viện, hỏi một nhân viên y tá, anh bưu tá mới biết “giường số chín, khu số chín” là khu nhà xác chứ không phải của các bệnh nhân đang điều trị. Vào đây, anh bưu tá nhìn thấy Anh Đào nằm “yên ngủ” trên cái bệ xi măng đặt xác số chín, trên tay vẫn nắm chặt chiếc khăn tay mấy hôm trước do anh tặng. Nhân viên bệnh viện cho biết, Anh Đào đã chết từ rất lâu rồi, một xác chết vô thừa nhận. Hóa ra, mấy ngày hôm nay anh tiếp xúc với Anh Đào là lúc cô đã là một xác chết rồi. Đến cuối truyện, tuy có phần hơi “lạnh gáy” nhưng hoàn toàn không gây cho ta một sự rùng rợn, khiếp đảm mà chỉ lan tỏa một nỗi ngậm ngùi, cảm thương vô hạn về số phận con người. Truyện “Cô gái đầm sen” của nhà văn Nguyễn Phan Hách (Việt Nam) cũng tương tự. Một lần Tuệ (nhân vật trong truyện) vô tình gặp một cô gái bên đầm sen. Trai thanh, gái lịch, họ thân thiện với nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên. Sau những cuộc trò chuyện tình tứ, vui thú, ngất ngây, đến gần sáng, cô gái nhẹ nhàng biến xuống đầm sen, mất hút khỏi tầm mắt chàng trai. Lúc này Tuệ mới hiểu, cô gái là “ma đầm sen”. Hơi ngần ngại và tỏ ra sợ hãi nhưng trong tâm hồn Tuệ thì cứ mãi khắc khoải về hình bóng con “ma đầm sen” xinh đẹp, ngát hương thơm và tràn đầy lãng mạn. Truyện không hề có bóng dáng bạo lực, hãm hại lẫn nhau. Người và ma chia lìa trong ngậm ngùi, tiếc nuối, nhớ thương. Hay truyện ngắn “Tiếng chuông chùa Tử Đằng” của nhà văn Nguyễn Đức Hạnh (Thái Nguyên) gần đây đăng trên Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn cũng vậy. Những “bóng ma” trẻ thơ chưa được làm người đã để lại trong lòng người đọc nhưng nỗi cảm thương vô hạn. Cả ba truyện ngắn vừa dẫn ở trên đều hướng tới giá trị nhân văn, nhân đạo. Xét về nội dung và cấu trúc truyện, cả ba tác phẩm đều có phần ảnh hưởng “Liêu trai chí dị” của Bồ Tùng Linh.

Có thể các truyện kinh dị phương Tây và phương Đông đều hướng tới nỗi sợ, nhưng khác là ở chỗ nỗi sợ của các tác giả phương Đông thường động đến lương tâm của con người mà ít gây ra những chấn động gay cấn bởi sự hận cừu, thù nghịch. Có sự khác biệt giữa phương Đông và phương Tây có lẽ là do văn hóa phương Đông từ xưa đến nay không hề phân biệt âm/ dương. Cõi dương chỉ là cõi tạm, cõi gửi, cõi âm mới chính là cõi vĩnh hằng của con người. Vì vậy, người chết vẫn luôn trong lòng người sống, vẫn có sự tương thông, không những không hề xa cách mà còn có nhiều tình cảm, thậm chí là tình sâu nghĩa nặng.

Tóm lại, truyện kinh dị lâu nay đã được nhiều nước trên thế giới coi như một thể loại văn học. Nó giống như một bông hoa - một bông hoa đen (ở nước Anh, các nhà lý luận gọi truyện kinh dị là tiểu thuyết đen) góp phần làm nên vẻ đẹp hoàn mỹ, trọn vẹn của vườn hoa văn chương muôn màu của nhân loại. Đối với Việt Nam, truyện kinh dị tuy chưa thật định hình và có bước phát triển rực rỡ như một số nước nhưng cũng đã và đang mang đến cho bạn đọc những tác phẩm có giá trị.

Để truyện kinh dị có chỗ đứng hơn, điều quan trọng và trước hết chúng ta cần phải có cái nhìn cởi mở hơn, nhận thức đúng đắn hơn về một thể loại ít nhiều còn có phần xa lạ với đông đảo công chúng.

Hồ Thủy Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy